Nhân duyên kỳ lạ từ bức ảnh tìm thấy trong mộ liệt sỹ

Thứ Năm, 27/04/2017, 13:39
Cầm trên tay bức ảnh chân dung một người có gái, hỏi thăm đường người đàn bà lam lũ đang chăn bò ven đường, khi vành nón cũ vừa được hất lên, bà giật mình vì sự giống nhau đến kỳ lạ giữa người trong ảnh và người đang đứng trước mặt.


Và sự thật, hai người này là một. Đây chỉ là một câu chuyện trong kho tư liệu được cất trong “bộ nhớ” của bà Tiến – Người đã có nhiều năm đi tìm thân nhân liệt sỹ  từ những di vật được tìm thấy khi cất bốc hài cốt các anh.

1. “Bà Tiến” là tên thường gọi của Thượng tá Nguyễn Thị Tiến, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu IV. Mặc dù về hưu đã gần chục năm, nhưng hiện nay bà vẫn gắn bó với những công việc liên quan đến liệt sỹ. Đây là công việc của những người làm công tác chính sách, cớ sao một cán bộ nghỉ hưu như bà vẫn nặng lòng? Chuyện bắt đầu từ khi bà còn công tác tại Bảo tàng Quân khu IV.

Bởi đặc thù làm công tác bảo tàng, luôn tìm kiếm các hiện vật có ý nghĩa của cuộc sống, chiến đấu của quân, dân ta. Nhưng để những hiện vật “nói” lên tiếng nói của thời mà nó đang sống, cần phải thuyết minh.

Để thuyết minh được, người làm công tác sưu tập phải có nghiệp vụ chuyên môn chắc tay và cái tâm của người làm nghề. Có như vậy, mỗi hiện vật mới có số phận của riêng nó. Trong nhiều năm làm công tác bảo tàng, bà Tiến đã là một trong những người đã làm được điều này.

Cũng từ công việc của người làm ở bảo tàng, bà Tiến đã nhiều lần tham gia cùng các đoàn quy tập hài cốt liệt sỹ đến các chiến trường xưa. Đó là những trận địa ác liệt ở một dải miền Trung thời kháng chiến chống Mỹ. Và bà cũng nhiều lần có mặt ở nước bạn Lào – nơi trước đây bộ đội quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng nhân dân Lào chiến đấu cho độc lập, tự do.

Và chính trong hành trình đi thực địa này đã giúp bà có nhiều hiện vật có giá trị. Trong số những hiện vật ấy, có những di vật được tìm thấy khi cất bốc hài cốt liệt sỹ. Đó là những vật dụng gắn với cuộc sống, chiến đấu của những người lính Cụ Hồ như: Cây bút, quyền sổ, cái lược, cái bật lửa, bức ảnh, bình tông…

Không ít di vật tìm thấy được cùng hài cốt chính là manh mối quan trọng để tìm được tên, quê quán, người thân cho các anh. Đó là những di vật được khắc những cái tên riêng, những ký hiệu, những địa danh, tên đơn vị hay là những tấm ảnh rõ mặt người, những tấm bưu thiếp có ghi lời đề tặng…

Bà Tiến không chỉ làm đúng bổn phận của mình là sưu tầm các di vật này và biến nó thành hiện vật để trưng bày mà còn “bắt” những vật vô tri ấy “nói” ra tên tuổi, quê quán, gốc tích của chủ nhân. Câu chuyện tôi đề cập ở phần đầu bài viết này là một ví dụ.

Bức ảnh bà Tâm thời trẻ là di vật của liệt sỹ Duyệt.

2. Bức ảnh chân dung người con gái, đằng sau có lời ghi chú: “Toàn Thắng.GL.HN” là một trong hàng nghìn di vật liệt sỹ bà Tiến tìm kiếm, sưu tầm được. Nhưng đây cũng là một trong số những di vật đặc biệt bởi nó có thông tin. Đó là: Hình ảnh người trong ảnh; cái tên “Toàn Thắng” (dù chưa biết tên người hay tên địa danh); chữ “GL” gắn với chữ HN” có thể tạm hiểu là Gia Lâm, Hà Nội.

Theo bà Tiến, khi quy tập hài cốt liệt sỹ, nhiều người trong đoàn đoán, cô gái trong ảnh có thể là người yêu hoặc vợ liệt sỹ. Bản thân bà cũng có nhiều câu hỏi về quan hệ giữa liệt sỹ và người trong ảnh.

Nhiều giả thiết đặt ra, trong đó có câu hỏi, “Toàn Thắng là tên của liệt sỹ hay tên quê anh?”, bà đã chọn cách đi giải đáp câu trả lời theo hướng tên địa danh trước. Bởi, nếu “Toàn Thắng” là địa danh thì dễ tìm hơn là tên riêng. 

Trong một lần ra Hà Nội, bà đến Gia Lâm và cầm theo tấm ảnh. Bà hỏi rất nhiều người gặp trên đường, rằng “Toàn Thắng” là tên thôn, xóm, hay xã nào ở Gia Lâm. Đáng tiếc không có ai giúp bà có câu trả lời. Chuyến đi này thất bại, bà trở về Vinh (Nghệ An) với những câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Thế rồi, công việc trả lại tên cho liệt sỹ thông qua hàng nghìn di vật cuốn hút bà, khiến bà trở nên bận rộn. Dù vậy, bà vẫn không hề lãng quên di vật đặc biệt này. Và bà đã trở lại Gia Lâm. Lần này, bà đã tìm đến những người già để hỏi về địa danh “Toàn Thắng”. May mắn là có một bà cụ bán nước cho biết, cách đây 40 năm, ở Gia Lâm có một xã tên là Toàn Thắng. Nay, xã Toàn Thắng đổi tên thành Lệ Chi.

Nhận được thông tin quý báu này, bà mừng quá. Bà lập tức bắt xe ôm đến xã Lệ Chi. Đến địa phận xã Lệ Chi, bà bảo chú xe ôm dừng xe để hỏi đường một người phụ nữ đang chăn bò. Bà Tiến vừa cất tiếng “chị ơi!” thì người đàn bà một tay đang kéo dây thừng buộc con bò, một tay vội đưa lên sửa lại cái nón lá mà ngọn gió bất chợt thổi hất lên làm lộ khuôn mặt. 

Bắt gặp khuôn mặt ấy, bà Tiến giật mình thảng thốt. Sao khuôn mặt người phụ nữ này giống cô gái trong ảnh đến kỳ lạ. Sau phút ngỡ ngàng, bà trò chuyện với người phụ nữ này và vỡ òa niềm vui khi người trong bức ảnh và người đang đứng trước mặt là một. Đúng là phép nhiệm mầu.

Trên con đường làng bà cùng đi với người trong ảnh dắt bò về nhà, câu chuyện dần dần hé lộ. Sau khi cột bò vào chuồng, người phụ nữ trong ảnh – nay đã là một người đàn bà ngoại lục tuần đưa bà lên nhà.

Trên bàn thờ, bà nhìn thấy tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Phạm Văn Duyệt. Hai người đàn bà xa lạ, phút chốc trở nên thân thiết khi nén nhang được thắp lên. Nước mắt có, nụ cười có, họ chia sẻ với nhau cái cơ duyên được gặp mặt hôm ấy. Rồi, câu chuyện về cô gái trong ảnh dần hé lộ…

Cô gái trong ảnh là Phạm Thị Tâm, chị gái liệt sỹ Phạm Văn Duyệt. Ngày người em ra trận đã mang theo bức ảnh chị gái. Hẳn là khi anh ngã xuống, những người đồng đội đã chôn cùng kỷ vật này. Mấy chục năm sau, bức ảnh của người chị gái được tìm thấy trong mộ đã dẫn dắt anh trở về làng.

Nhờ bức ảnh ấy, những người hôm nay biết tên anh, tuổi anh, quê quán anh và đặc biệt hơn cả là họ đã đưa anh trở về quê nhà, trở về trong “vòng tay” của người chị gái đã ở vậy cả đời để thay em nuôi dưỡng cha mẹ. Khi cha mẹ về với ông bà tổ tiên, người chị gái ấy vẫn sống một mình trong căn nhà cũ, thực hiện bổn phận hương khói bố mẹ, em trai cùng nỗi nhớ khắc khoải.

Trò chuyện với tôi, bà Tiến cho biết tình cảm mà người chị gái này đã dành cho liệt sỹ thật đặc biệt. Bà kể lại chi tiết, ngay hôm đầu tiên gặp mặt, bà Tâm dẫn ra góc vườn, chỉ vào cái nhà vệ sinh tuềnh toàng được cấu tạo bằng 4 bụi chuối nối với nhau bằng những tàu lá chuối khô, bên trong có cái khuôn bê tông vốn dùng để làm giếng. Bà bảo rằng, hơn 40 năm nay, bà vẫn giữ lại “công trình” đặc biệt này không phải để dùng mà để thỏa nỗi nhớ người em trai.

Theo bà Tâm, hồi bé, cậu Duyệt rất sợ ma. Nhà có 3 chị em gái, mỗi cậu là con trai nhưng tối đến toàn chui vào nằm giữa. Chẳng may có đêm nào đau bụng, cậu toàn bắt chị Tâm cầm đèn ra ngồi cạnh nhà vệ sinh chứ không dám đi một mình. Thế đấy, đến tận bây giờ, bà Tâm vẫn giữ lại cái nhà vệ sinh này chỉ vì khi nhìn thấy nó, bà lại được nhớ về người em trai tinh nghịch, thích nghe kể chuyện ma nhưng lại rất sợ… ma. Giờ đây, những người em gái khác đều đã có chồng con đề huề, mỗi mình bà sống trong ngôi nhà xưa với ký ức đẹp về người em trai duy nhất đã ngã xuống.

Xúc động trước tình cảm của bà Tâm, bà Tiến ngẫm thấy mình đã không uổng công khi đã làm công việc lặng thầm này. Bà cho bà Tâm biết, hiện phần mộ liệt sỹ Duyệt đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ ở Quảng Trị. Tuy nhiên, do chưa xác định được tên tuổi, quê quán, đơn vị nên hiện nằm ở khu vực liệt sỹ chưa có tên. Nếu bà Tâm muốn đưa liệt sỹ về quê nhà, bà sẽ giúp.

Nhận được ủy thác của người chị liệt sỹ, bà Tiến đã nỗ lực cùng với các bên liên quan hoàn thành các thủ tục pháp lý để xác định, phần mộ đúng là của liệt sỹ Phạm Văn Duyệt. Mừng hơn cả là sau đó, hài cốt của liệt sỹ Duyệt đã được đưa về quê nhà – xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Ngày liệt sỹ trở về, cũng là ngày bà con làng xóm, người thân trong gia đình tổ chức tang lễ cho anh theo đúng nghi thức một đám tang. Những vòng hoa trắng, những chiếc khăn trắng, những dòng nước mắt… Trong những người khóc liệt sỹ hôm đó, có những dòng nước mắt lặng lẽ lăn của bà Tiến – người đã “bắt” di vật liệt sỹ dẫn đường để đưa anh về với quê hương, với ông bà tổ tiên.

Quê hương, người thân đón liệt sỹ ngày trở về.

3. Đề tài khoa học cấp Tổng cục Chính trị “Sưu tầm kỷ vật nằm cùng hài cốt liệt sỹ, góp phần xác minh tên tuổi cho liệt sỹ chưa biết tên” do Thượng tá Nguyễn Thị Tiến thực hiện khi đang công tác tại Bảo tàng Quân khi IV đạt giải xuất sắc toàn quân. Cách đây gần chục năm, với sự cộng tác nhiệt tình của bà Tiến, Báo CAND mở chuyên mục “Tìm tên cho liệt sỹ khuyết danh”.

Chuyên mục này giới thiệu những di vật tìm thấy cùng hài cốt liệt sỹ mà bà Tiến sưu tầm, qua đó nhận phản hồi của đồng đội, thân nhân liệt sỹ. Việc làm này đã góp phần tìm tên cho liệt sỹ, đưa các anh trở về với quê hương, gia đình. 

42 năm ngày đất nước thống nhất, vẫn còn rất nhiều phần mộ liệt sỹ chưa xác định được tên tuổi, nhiều gia đình vẫn chưa đón được các anh về, đề cập đến nhân duyên của bà Tâm và cô gái trong bức ảnh tìm thấy khi cất bốc hài cốt liệt sỹ ở nước bạn Lào để thấy, luôn có những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Công việc làm thầm lặng của bà Tiến đã góp phần biến những điều kỳ diệu là có thực.

Cao Hồng
.
.
.