Chuyện chưa kể về một nữ liệt sĩ anh dũng bên bờ biển Tây Nam

Chủ Nhật, 04/09/2016, 10:00
Ngày đảng viên Nguyễn Thị Quyên anh dũng ngã xuống, hai con của chị mới chỉ hơn 10 tuổi. Và cho đến giờ, trong ký ức của những người con của nữ liệt sĩ này cũng chỉ “mang máng về mẹ mình”. Không một kỷ vật, không một tấm ảnh, chị ra đi chỉ để lại một miền ký ức về người mẹ hết mực thương con, một người vợ vẹn chữ thủy chung với chồng, và đặc biệt là một người đồng chí luôn đặt tình yêu Tổ quốc lên trên hết.

Người đồng chí, người mẹ trong ký ức (kỳ cuối)

Một trong hai người con của nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Quyên bộc bạch rằng: “Ngày ba tập kết ra Bắc, tôi còn trong bụng mẹ. Chào đời trong lửa đạn, đến sau này, xâu chuỗi lại, chúng tôi ít nhiều cảm nhận được tình yêu của ba và mẹ tôi đã dành cho nhau. Cùng nhiệm vụ nguy khó nhưng với tình yêu Tổ quốc và niềm lạc quan về một ngày hòa bình, được đoàn viên, ba và mẹ tôi đã chấp nhận gác lại tình cảm riêng tư.

Trở về từ chiến trường khốc liệt, bao nhiêu lần nghẹn lòng khóc tiễn đồng chí, đồng đội, ba chúng tôi đau đớn thắp nén nhang cho vợ mình…”. Điều đáng quý nhất chính là vượt lên trên nỗi đau ấy, cả chồng, con của nữ liệt sĩ ấy đã sống, cống hiến xứng đáng….

Bà Năm Liễu kể, thấy Tư Tâm hay vắng nhà, bọn lính ở Đồn Kinh 9 bắt đầu hoài nghi, theo dõi. Được quần chúng tốt báo tin, chị rất cẩn thận. Đêm đến, chị không ngủ trong nhà mà bí mật ra ruộng lúa để một mặt nghe ngóng tình hình địch, một mặt đảm bảo an toàn. Một đêm nọ, tên Trưởng đồn dẫn bọn lính bao vây nhà chị. Thấy trong nhà không động tĩnh gì, tên Trưởng đồn, ra lệnh: “Bọn mày bắn xả vào nhà nó cho tao”. Lúc ấy, hai con của chị Tâm chưa được 10 tuổi đang ngủ say. Nghe tiếng bọn địch quát, chị Tâm như chết điếng trong người.

Chị định đứng dậy hét lên: “Đừng bắn vào nhà, chết trẻ con vô tội”, để giặc quay sang bắn chị. Nhưng nếu vậy cơ sở bị lộ thì sao? Phút giây đau đớn, căng thẳng đó càng nung nấu thêm lòng căm thù giặc trong chị. Ngay lúc đó, một tên trong bọn địch la lên: “Đừng bắn. Để bắt sống, khai thác nó chỉ ra bọn Cộng sản nằm vùng”. Chúng xông vào nhà, giở mùng lên, thấy hai đứa trẻ đang ngủ, một tên ác ôn hét lên: “Đốt nhà đi, con mẹ nó phải chạy ra cứu con thôi”.

Sinh thời, cụ Bùi Quang Trọng (bìa phải) từng nhiều lần về lại chiến trường xưa để tìm hài cốt của vợ là liệt sĩ Nguyễn Thị Quyên (ảnh do Đại tá Bùi Quang Hải cung cấp).

Để không bật lên tiếng khóc, chị Tâm cắn môi mình đến chảy máu. Khi chị định một mặt kêu cứu, một mặt đứng dậy chạy vào nhà cứu hai con thì người dân gần đó (trong đó có bà Bùi Thị Ba, sau này được tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng – PV) kịp phát hiện chạy đến đấu tranh, bảo vệ hai đứa trẻ vô tội. Bỏ ý đồ “giết con để bắt mẹ”, bọn địch rút về đồn với thái độ hậm hực.

“Nhiệm vụ ngày càng nặng nề, hơn nữa lường được những hiểm nguy có thể xảy ra sau đó, chị Tư Tâm đã quyết định gửi hai con cho những gia đình cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng. Còn chồng chị - anh Tám Trọng, sau khi tập kết ra Bắc, được Bộ Công an tuyển dụng, đào tạo tại Trường C500 (nay là Học viện ANND – PV) và năm 1962, anh có mặt trong đoàn quân vượt Trường Sơn về miền Nam chiến đấu. Từ căn cứ Trung ương Cục, anh Tám Trọng gửi thư bằng đường giao liên cho chị nhưng bấy giờ chị đã chuyển địa bàn công tác sang xã Mong Thọ và dùng bí danh, nên không ai biết để chuyển thư cho chị. Mãi đến năm 1965, chị Quyên mới nhận được tin chồng mình còn sống và đã trở về Nam chiến đấu, chị mừng khôn xiết. Huyện Tân Hiệp lúc này đang cùng với tỉnh Kiên Giang chuẩn bị xây dựng địa bàn mở tuyến đường 1C, vận chuyển vũ khí, hàng quân sự từ Trung ương về miền Tây. Con đường này phải đi qua lộ Cái Sắn, giặc xây dựng lực lượng phòng vệ, đồn bót canh phòng cực kỳ nghiêm ngặt. Chị Tư Tâm được học tập chính trị, biết được tình hình mới, chị gác lại tình riêng, lao vào nhiệm vụ” – bà Năm Liễu, cho biết.

Đầu năm 1967, tổ chức sắp xếp cho chị Quyên đi đường giao liên về căn cứ Trung ương Cục miền Nam thăm chồng. Câu chuyện của họ về những năm tháng chiến đấu gian lao, những nhớ thương của hơn 10 năm trời xa cách, không sao kể xiết. Niềm hạnh phúc nhất của người chồng khi gặp lại vợ, không chỉ chị sống trọn vẹn, thuỷ chung cùng anh, mà còn vì chị đã trở thành đồng chí của anh, lại đang là Bí thư Chi bộ xã ở vùng đặc biệt khốc liệt. Sau hơn 10 năm gặp lại nhau, chưa sống được cuộc sống vợ chồng, hai người lại chia tay.

Nguyên Thứ  trưởng Bộ Công an Bùi Quang Bền (bìa trái) là con trai của liệt sĩ Nguyễn Thị Quyên cùng Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND trong một chuyến công tác về Khu di tích An ninh Khu IX, U Minh Thượng.

“Trở về, chị tư Tâm được bầu vào Ban chấp hành Huyện ủy, làm Bí thư xã Thạnh Đông. Chị dự định sau chiến dịch gỡ mảng, phá kìm trong toàn huyện, chị sẽ đưa hai con đi thăm cha Nhưng chị đã không kịp thực hiện được điều ấy…”, giọng bà Năm Liễu bùi ngùi.

Ngày 26-11-1967, khi đang dự cuộc họp quan trọng ở xã Mong Thọ (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), địch ập đến bất ngờ. Chị Quyên nhanh tay thủ tiêu hết tài liệu, rồi rút xuống hầm bí mật. Hàng chục tên địch được điều xuống bao vây khu vực nơi có cán bộ cách mạng. Sau khi lật tung từng ngóc ngách, bọn chúng phát hiện ra hầm bí mật của chị Quyên. Chị Quyên dùng khẩu súng cac-bin và lựu đạn quyết tử với chúng, khiến nhiều tên thiệt mạng. Biết súng chị hết đạn, bọn chúng lao vào khui hầm bí mật, xả đạn vào chị.

Với đồng bào, đồng chí trên vùng đất Tân Hiệp, sự hy sinh dũng cảm của chị Nguyễn Thị Quyên, tức Tư Tâm vẫn hiển hiện như người anh hùng, mãi sống trong ký ức của nhiều người.

Trước lúc chia tay với chúng tôi, như chợt nhớ ra chuyện chưa kể, bà Năm Liễu níu chúng tôi ngồi lại và nói: “Người con trai của chị Tư Tâm suýt bị địch phóng hỏa, thiêu sống ngày xưa chính là Thượng tướng Bùi Quang Bền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an. Chị tư Tâm đặt tên con trai là Bùi Quang Bền là có ý đấy. Có lần ngồi dưới hầm trú ẩn với chị, chị kể: Bền là thủy chung son sắt, vững bền với chồng, với con, với gia đình. Bền là giữ lòng kiên trung, vững bền với Đảng, với Tổ quốc”.

Khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, đồng chí Bùi Quang Bền từng kể về người mẹ kính yêu của mình: “Khi mẹ tôi hy sinh, chị em tôi còn rất nhỏ. Dì Hai Nhẫn (tức Mẹ VNAH Bùi Thị Ba – PV), cứ ôm chúng tôi khóc nức nở, rồi vỗ về an ủi. Sau đó, dì Hai Nhẫn gửi chị em tôi cho bà con nuôi dưỡng. Ở đâu, chúng tôi cũng được nhân dân yêu thương, chở che. Gặp địch xét hỏi, họ nhận chúng tôi là con, là cháu. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cha con tôi nhiều lần tìm về nơi mẹ tôi chiến đấu và hy sinh, với hy vọng tìm được hài cốt mẹ. Bà không để lại một kỷ vật gì, hình ảnh cũng không. Đứng lặng nơi diễn ra cuộc quyết chiến giữa mẹ tôi với địch, nghe những người bạn chiến đấu của bà kể lại giây phút cuối cùng trước lúc hy sinh, ba tôi và chúng tôi không cầm được nước mắt”.

Ông Tám Vệ, người quản lý Nhà truyền thống Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Hiệp nhớ lại: “Chị Quyên chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và ném ra 2 quả lựu đạn. Hai, ba tên địch chết, một số tên khác bị thương. Chị hy sinh, bọn địch mang xác chị về gần đồn, cho lính canh chừng. Quần chúng cơ sở cùng lực lượng xã Thạnh Đông, tổ chức nhiều đợt áp sát đồn để lấy xác chị Quyên nhưng địch bắn quá, không thể vào được. Cuối cùng, bọn chúng hèn hạ chặt ngón tay bóp cò súng của chị Quyên”.

Đại tá Bùi Quang Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho biết thêm: “Sau gần 50 năm thím Tám hy sinh, đến nay gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt. Hồi còn sống, chú Tám của tôi (tức cụ Bùi Quang Trọng – PV) đã nhiều lần tổ chức tìm hài cốt của thím, nhưng không thấy. Tôi nghe các cụ kể lại, sau khi thím Tám hy sinh, có hai người dân địa phương lấy được thi thể mang đi an táng ở bên kia kênh. Thế nhưng, sau đó 2 người này cũng mất, nên thông tin về mộ phần của thím Tám ở vị trí nào càng khó khăn hơn”…

Th. Bình – V. Đức – T. Xuân
.
.