Sự hối lỗi từ trại giam và chia sẻ của nhà quản lý

Chủ Nhật, 21/06/2020, 09:10
Sau phút bốc đồng vì rượu bia, sau cú đạp ga, không làm chủ được tay lái, những tài xế gây họa phải trả giá bằng những năm tháng sống trong trại giam, bằng tiền bạc, mồ hôi nước mắt của bản thân và gia đình.


Người ngồi sau song sắt nhà tù đã hối lỗi,  những người còn uống, còn đua xe, lạng lách ngoài xã hội hãy nghĩ đến điều đó. Rượu bia và giao thông. Văn hóa rượu bia, văn hóa giao thông,  vấn đề cần được tách bạch và nhận diện xác đáng.

“Tôi đã trả giá đắt, mọi người hãy lấy đó làm bài học”!

Tôi còn nhớ như in khuôn mặt méo xệch, hốc hác của phạm nhân Nguyễn Văn Tường thi hành án ở Trại giam số 5 về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Tường vốn là cán bộ nhà nước, có sự nghiệp ổn định, kinh tế khá giả với vợ đẹp và 2 đứa con ngoan, một trai một gái. Trong một lần đi tụ tập với bạn bè vào buổi tối, Tường lái xe về trong tình trạng ngà ngà say và buồn ngủ, Tường không phát hiện có hai người đang đi xe máy phía trước nên phóng vượt qua.

Không ngờ, đúng thời điểm đó, một chiếc xe tải đi ngược chiều chạy tới, Tường đánh lái sang phải, không ngờ “quét” sạch 2 mẹ con. Tường nhớ lại: “Lúc đó, tôi chỉ nghe tiếng kêu thất thanh rồi cảm giác xe vướng phải cái gì đó nhảy chồm lên. Đầu óc tôi lơ mơ, không vội đánh lái sang trái tiếp tục gây họa cho một người đi ngược chiều. Tôi nhảy xuống đường, choáng váng khi nhìn thấy cả một góc đường toàn là máu. Tôi ngất xỉu. Khi tỉnh dậy thấy đang trong đồn Công an. Cũng đến lúc đó, tôi mới biết mình gây tai nạn làm 1 người chết, 2 người bị thương”.

Sau vụ tai nạn đó, Tường bị mất việc và phải chịu mức án 3 năm 6 tháng tù, phải bồi thường cho 3 nạn nhân hơn 500 triệu đồng tiền mai táng và thuốc men, viện phí. Không chỉ thế, vợ của Tường phải đến chăm sóc nạn nhân gần 1 năm trời. Một trong 2 người bị nạn là 1 cô gái mới 19 tuổi, cô gái đó bị mất 1 chân, dập ổ bụng nên trải qua hàng chục ca mổ khác nhau.

Bố mẹ cô gái là người dân tộc thiểu số, ở tận huyện Mường Lát, lại nghèo, không hiểu biết nên mọi việc chăm sóc nạn nhân đều do vợ Tường đảm nhận. Suốt gần 1 năm trời, vợ Tường phải theo cô gái đi hết viện Việt Đức đến Bạch Mai đến viện Bỏng để phẫu thuật, vá víu những vết thương. Cô gái đó giờ trở thành người tàn phế vì mất 1 chân không chăm sóc được bản thân, gia đình Tường phải có trách nhiệm chăm sóc cô đến hết đời. Nạn nhân khác thì nhẹ hơn nhưng cũng phải nằm viện gần nửa năm với chi phí hơn 100 triệu đồng đều do gia đình Tường thanh toán.

Hai đứa con của Tường, lúc bố gây tai nạn, 1 cháu đang học lớp 9, một cháu học lớp 5, đều học giỏi và chuẩn bị thi chuyển cấp. Bố bị bắt, mẹ đi chăm nạn nhân, ông bà nội ngoại ở xa, hai đứa tự nương tựa, chăm sóc nhau. Năm đó, cháu lớn trượt cấp 3 phải học Trung tâm giáo dục thường xuyên, cháu bé được bà ngoại ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá mang về nuôi dưỡng. Khi bán hết mọi thứ có thể bán, vợ Tường đành bán nốt ngôi nhà đang ở để có tiền trang trải chi phí cho chồng, cho các nạn nhân.

“Giá như tôi chết được thì tôi cũng chết cho xong. Chỉ vì rượu bia mà gia đình tôi tan nát thế này. Không chỉ thế, gia đình các nạn nhân cũng rất đáng thương. Đặc biệt, hơn 2 năm nay tôi mất ngủ triền miên, cứ nhắm mắt lại thấy cảnh tượng vụ tai nạn. Đau lắm chị ạ. Tôi chỉ mong không còn ai lái xe khi đã uống rượu, gây họa như tôi nữa” – Nguyễn Văn Tường ân hận.

Phạm nhân Nguyễn Hữu Hải hiện đang thi hành án tại Trại giam Thanh Lâm cũng trong tình trạng tương tự như vậy. Sau khi gây tai nạn, gia đình Hải gần như sạt nghiệp vì bồi thường cho nạn nhân. Cả gia đình chỉ sống bằng nghề làm ruộng nên thu nhập chả đáng là bao. Thế nên, khi Hải gây họa thì mọi tài sản đều “đội nón ra đi” để cứu chữa cho người bị nạn. Thế nhưng, nạn nhân cũng không qua khỏi, lại phải lo ma chay và chăm sóc con nạn nhân. Hải vào tù, để lại món nợ khổng lồ cho vợ con, gia đình. Nguyễn Hữu Hải ân hận: “Từ bài học của tôi, tôi mong mọi người tuyệt đối đừng lái xe khi đã uống rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích, vì tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tai nạn không chỉ làm chết, bị thương người khác mà chính mình phải trả giá đắt”.

Theo cán bộ quản giáo thì sau khi vào trại, Hải luôn hối hận vì mình đã gây họa cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Vì thế, Hải luôn cố gắng cải tạo tốt, đã được giảm án 2 lần.

Ngay sau khi tai nạn, Lê Trung Hiếu, trú ở Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội - đối tượng gây tai nạn ở hầm Kim Liên, Hà Nội làm hai chị Trần Thị Quỳnh và Đinh Thị Hải Yến tử vong đã suy sụp khi biết mình tông chết người. Hiếu khai, sau khi uống 6 chai bia và rượu cùng với bạn bè ở phố Thợ Nhuộm, Hiếu lái xe đưa người bạn về rồi trở về nhà.

Khi đi qua hầm Kim Liên, Hiếu thấy xe chồm lên nhưng do đầu óc không tỉnh táo nên không hiểu chuyện gì, Hiếu tiếp tục lái xe đi. Khi bị tổ 141 và nhân dân chặn bắt, Hiếu mới biết mình vừa gây tai nạn chết 2 người. “Tôi sai rồi, tôi rất ân hận” – Hiếu trả lời tại CQĐT. Hiếu cũng nói rằng, có biết vụ tai nạn xảy ra ở đường Láng do người đàn ông say rượu gây ra khiến một chị lao công tử vong nhưng không ngờ, tai họa lại cũng đến với mình do uống rượu bia.

Như vậy, rõ ràng, những lái xe gây tai nạn đều biết, đều hiểu tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông nhưng vì vui họ đã không lường được hậu quả khiến bản thân, gia đình lâm chịu nhiều hệ lụy. Không chỉ thế, các nạn nhân của họ còn mất sức khoẻ, mất đi cơ hội sống khiến con cái, gia đình của họ mồ côi, gánh chịu đau thương. Hi vọng, sự sám hối của những đối  tượng này, sẽ là lời cảnh báo đối với bất cứ ai còn chưa bỏ thói quen uống rượu bia rồi tham gia giao thông.

Cảnh tỉnh để biết điểm dừng

Tại buổi giao lưu trực tuyến với độc giả Báo CAND ngày 31-5-2019, TS Đỗ Mạnh Hùng, Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt – Đức cho rằng, văn hoá uống rượu bia khi tham gia cuộc vui là truyền thống ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc đầu tiên chúng ta nên giáo dục từ học sinh ngồi trên ghế nhà trường về tác hại của rượu bia. Phải hiểu rõ rằng, nếu anh uống mức độ thì sẽ làm tăng cuộc vui, còn nếu uống quá nhiều thì tác hại đầu tiên thuộc về thể chất của người uống, ảnh hưởng đến gan, thận, nhiễm độc thần kinh, gây ra di chứng, hậu quả nặng nề nếu lạm dụng, sử dụng trong thời gian quá nhiều.

Nếu chúng ta giáo dục lồng ghép vào các bài giảng, sinh hoạt cho các học sinh từ lúc còn bé, ngồi trên ghế nhà trường tiếp cận được thì sẽ góp phần thay đổi nhận thức. Tiếp đến là sự góp sức của giới truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong giảm thiểu lạm dụng bia rượu, đặc biệt khi tham gia giao thông. Từ đó, bố mẹ như tấm gương cho con cái của mình, trong bàn tiệc ăn uống có văn hoá, điều độ, góp phần giảm lạm dụng bia rượu và hậu quả của nó.

Cùng vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, muốn trở thành người uống có văn hoá, uống lành mạnh phải tuyên truyền, giáo dục, phổ biến. Trước hết phải phổ biến tác hại của rượu bia. Thứ hai là giáo dục nêu gương, người ta bảo “thủ trưởng nào phong trào ấy”, thủ trưởng mà không uống thì nhân viên trong cơ quan cũng sẽ không uống. “Chúng ta đừng nhầm lẫn chuyện say rượu thì lái xe mới nguy hiểm. Mà phải khẳng định, đã uống thì không lái” – ông nói. Ủy ban làm một nghiên cứu gần đây nhất từ chính nạn nhân bị TNGT vào bệnh viện. 70% người bị tai nạn trả lời đường gần, hoặc hết sức tỉnh táo, tự tin. Chỉ 30% là nhận tôi say xỉn, tôi uống rượu bia gây tai nạn. Do đó trong tổng thể các giải pháp thì xử phạt luôn là giải pháp cuối, biện pháp giáo dục tuyên truyền, chủ động phòng ngừa là mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất.

Giữa tháng 6-2019, TAND quận Bình Thạnh sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tai nạn giao thông xảy ra tại ngã tư Hàng Xanh, TP Hồ Chí Minh. Đây là vụ án dư luận đặc biệt quan tâm do tính chất nghiêm trọng: bà Nguyễn Thị Nga, nữ tài xế điều khiển xe BMW gây tai nạn liên hoàn làm 1 người chết, 5 người bị thương rất nặng. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy bà Nga vi phạm ở mức 0,94 miligam/lít khí thở - mức rất cao. Thời điểm gây tai nạn, theo clip người dân ghi lại, nữ tài xế này có biểu hiện say xỉn, khi lao xe đâm chết người còn có hành vi ngông nghênh, thách thức những người có mặt. 

Bị can Nga bị truy tố khoản 2, Điều 260 BLHS với khung hình phạt từ 3  đến 10 năm tù. Đáng chú ý, vừa qua thông tin báo chí cho biết, người nhà nạn nhân đã có “đơn xin miễn trách nhiệm hình sự” đối với bà Nga do đã “bồi thường thiệt hại”. Chúng tôi thấy rằng, tính chất vụ án rất nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, bản thân bị can đã lái xe gây tai nạn trong tình trạng say rượu bia. Do đó, hành vi phạm tội phải được xử lý nghiêm minh. Đây không phải là vụ án khởi tố theo yêu cầu người bị hại, do đó đơn của gia đình nạn nhân về việc “đã bồi thường” chỉ được coi là tình tiết khi lượng án chứ không có ý nghĩa miễn hay không miễn tội trạng.

Mời các bạn đón đọc Kỳ cuối: Bổ sung quy định pháp lý, xử nghiêm vi phạm để răn đe

Phương Thủy
.
.
.