Ghi ở Phòng Khám cấp cứu Bệnh viện Việt Đức

Chủ Nhật, 21/06/2020, 09:10
Những giọt nước mắt, những tiếng kêu gào đau xót của người nhà bệnh nhân; những bước chân lo lắng, căng thẳng khi cáng cấp cứu người bất tỉnh do tai nạn giao thông... là những cảnh thương tâm chúng tôi cảm nhận tại Phòng Khám cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức. Chứng kiến nhiều ca tai nạn giao thông nghiêm trọng vào cấp cứu tại đây mới thấy hết tấn bi kịch của nhiều gia đình phải gánh chịu chỉ vì “ma men” cầm lái.


Trăm cảnh éo le, tang tóc 

Có mặt ở Phòng Khám cấp cứu Bệnh viện Việt Đức vào một ngày tháng 5-2019, chứng kiến các bác sĩ liên tục phải tiếp nhận, khám và cấp cứu bệnh nhân chúng tôi cũng cảm thấy chóng mặt. Thời tiết nắng nóng, bệnh nhân nhập viện đông, làm việc trong một cường độ lớn như vậy, áp lực đối với các y, bác sĩ càng gia tăng.

Bệnh nhân bị tai nạn vào cấp cứu rất đông, trong đó chiếm gần một nửa là bệnh nhân tai nạn giao thông. Có ca bệnh người nhà đi theo hớt hải, vừa đẩy băng ca vào xếp hàng khám vừa khóc. Bệnh nhân quần áo lấm lem và nhuốm máu, khuôn mặt đã gần như biến dạng nằm bất tỉnh. Ca bệnh này được đưa ngay vào phòng khám cấp cứu 1, bác sĩ tiên lượng bệnh nhân rất nặng và phải hỗ trợ thở máy, chờ kết quả chụp não và hội chẩn sẽ chuyển bệnh nhân mổ cấp cứu ngay.

Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức khám cấp cứu cho nạn nhân tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Ảnh: Quỳnh Trang

Tới Phòng Hồi sức cấp cứu 1, chúng tôi chứng kiến cả phòng có 8 máy thở để cấp cứu bệnh nhân nặng thì đều đã dùng hết công suất. Nằm bất động trên giường, bệnh nhân Đoàn Văn Thắng (33 tuổi, ở Tuyên Quang) đang phải thở máy để duy trì sự sống. Anh Thắng mới vào nhập viện do tai nạn giao thông.

ThS.BS Phạm Gia Anh, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Trưởng ca trực cấp cứu cho biết, bệnh nhân Thắng vào viện trong tình trạng rất nặng, bị chấn thương sọ não, gãy xương hàm, gãy xương đùi. Qua kết quả xét nghiệm, nồng độ cồn trong máu của bệnh nhân rất cao. Chăm sóc con ở viện, bà Trần Thị Hường kể với chúng tôi mà không cầm được nước mắt. 10h tối 14-5, bà nhận được tin con bị tai nạn giao thông. Khi bà tới được Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang nhận được thông tin bệnh tình của con rất nặng, cần phải chuyển xuống BV Việt Đức.

Tới đây, bà được bác sĩ cho biết hiện anh Thắng có nồng độ cồn trong máu cao. Do anh lái xe trong tình trạng say rượu nên đã gặp tai nạn. “Gia đình tôi làm ruộng, không có dư dả gì, con nằm viện chi phí rất lớn, tôi chưa biết trông cậy vào đâu. Giờ chỉ biết trông chờ vào sự cứu chữa của bác sĩ” - bà Hường rưng rưng nước mắt.

Trông chồng nằm cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức đã 10 ngày, chị Nguyễn Thị Trang (Hà Nam) cho biết, chồng chị bị xe ôtô tông phải gây chấn thương sọ não, gãy chân, gãy 3 xương sườn, hiện vẫn đang phải thở máy và hôn mê. “Từ hôm tai nạn đến nay anh ấy vẫn chưa tỉnh lại, tôi rất lo lắng không biết anh ấy có tỉnh dậy được nữa không”.  

Theo chị Trang thì tài xế gây tai nạn cho chồng chị lại là một “ma men”. Lúc gây tai nạn, anh ta đã uống rượu và không làm chủ được tốc độ khiến gia đình chị rơi vào thảm cảnh. Từ ngày chồng gặp tai nạn, chị Trang ở bệnh viện trông nom, 2 đứa con gửi cả ông bà nội ngoại. “Tôi sốt ruột lắm nhưng không biết làm cách nào, chỉ mong trời khấn phật cho chồng tôi sớm tỉnh lại” – chị Trang ngậm ngùi.

Tại Phòng Khám cấp cứu, chứng kiến những ca tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nhiều ca do rượu bia gây ra, chúng tôi không khỏi đau lòng. Lo lắng có, khóc lóc có, đau đớn của người bệnh có, mà bức xúc giữa người nhà bệnh nhân với người gây ra tai nạn cũng có…

Có trường hợp xe cấp cứu vừa chuyển bệnh nhân từ tuyến dưới tới, sau khi thăm khám, bác sĩ lắc đầu vì “không cứu được nữa”. Bệnh nhân này vẫn còn ở độ tuổi thanh niên, do say rượu lái xe đã tự gây tai nạn, lao vào dải phân cách, khi chuyển tới viện thì đã muộn. Người nhà bệnh nhân òa khóc tại phòng cấp cứu… “Nếu biết uống rượu để lại hậu quả nặng nề như thế này, chắc không ai dám” - người nhà một bệnh nhân than thở.

Chia sẻ của bác sĩ cấp cứu bệnh nhân

Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, từ đầu năm đến nay 2019 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 500 trường hợp tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra. Và tình trạng này gia tăng đặc biệt vào những dịp lễ, tết. Chỉ trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, mỗi ngày bệnh viện khám, cấp cứu trên dưới 70 trường hợp tai nạn giao thông nhập viện.

Trong đó, số trường hợp đa chấn thương và chấn thương nặng gia tăng, hầu hết liên quan đến rượu, bia nên bệnh viện phải bố trí thêm bàn mổ để đảm bảo phẫu thuật kịp thời. Theo BS Bùi Trung Nghĩa (Bệnh viện Việt Đức), số ca đến viện trong dịp nghỉ lễ không tăng quá cao so với ngày thường nhưng lại tăng số trường hợp chấn thương nặng và mổ cấp cứu. Phần lớn số ca tai nạn giao thông nhập Bệnh viện Việt Đức có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép khiến việc điều trị gặp khó khăn.

Nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông hầu hết ở độ tuổi lao động. Nhiều trường hợp trong số này sử dụng rượu bia trước khi lái xe, rồi tự ngã hoặc gây tai nạn cho bản thân và người khác. Trong quý I/2019, có 262 bệnh nhân tai nạn giao thông do rượu bia vào nhập viện Bệnh viện Việt Đức, trong đó nam giới chiếm 252 người và có tới 220 người ở độ tuổi 20-59. Tới Khoa Phẫu thuật thần kinh II của bệnh viện, chứng kiến những trường hợp chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, chúng tôi không khỏi xót xa.

Nhưng ám ảnh về hậu quả và di chứng của nó chính là những ca tai nạn giao thông do rượu, bia mà khi người bệnh vượt qua được tử thần, tỉnh dậy sau ca mổ sọ não căng thẳng đã bật khóc nức nở bởi sự ân hận giày vò. Bà Nguyễn Thị Nụ, ở Thường Tín, Hà Nội, có con trai Bùi Như Long (35 tuổi) bị chấn thương sọ não, tổn thương gan, gãy xương mũi cho biết: Long đi liên hoan với bạn bè và sử dụng rượu bia. Sau đó đi sang chòi canh ao cá để ngủ. Trên đường đi tự ngã do say rượu. Sau phẫu thuật sọ não, Long hôn mê rất lâu mới tỉnh. “Nó rất ân hận nhưng hối hận thì có giải quyết được gì đâu khi di chứng để lại nặng nề như thế”, người mẹ ngấn lệ.

Cơ hội tỉnh lại sau tai nạn nặng như Long là còn may mắn, có biết bao nạn  nhân tai nạn giao thông do rượu, bia dù đã phẫu thuật nhưng vẫn sống đời thực vật hoặc chết não. ThS.BS Phạm Gia Anh cho biết, đáng tiếc có nhiều bệnh nhân tai nạn giao thông vào viện trong tình trạng rất nặng, gần như không cứu được do tổn thương về sọ quá nặng, kèm theo đa chấn thương, huyết áp tụt, bệnh nhân có thể sốc. Có trường hợp vào tới viện thì tử vong hoặc tử vong trên đường đi cấp cứu. BS Gia Anh cho biết thêm, người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông thường đi tốc độ cao, khi xảy ra tai nạn không tự chủ động được, dẫn tới tổn thương sau tai nạn nặng nề hơn nhiều.

Khi tới khám, bệnh nhân bị lẫn do say rượu, tri giác kém, kể cả bệnh nhân có tỉnh thì mô tả cho bác sĩ cũng dễ bị sai lệch hơn người bình thường dẫn tới chẩn đoán của bác sĩ cũng khó khăn hơn. Hơn thế nữa, sử dụng rượu bia gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tuần hoàn, chức năng gan, thận, sọ não… dẫn đến việc chẩn đoán, quá trình gây mê và điều trị hồi sức sau mổ đều khó khăn hơn so với người không sử dụng.

Vui cũng uống rượu bia, buồn cũng tìm đến rượu bia, được các chuyên gia y tế lý giải rằng đó là biểu hiện của sự lệ thuộc và nghiện đồ uống có cồn. Chính từ thói quen và sự lệ thuộc này dẫn tới người vừa uống rượu bia kể cả khi say xỉn vẫn cầm lái. Hậu quả của những con “ma men” gây ra thật khủng khiếp khi gần đây xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây tử vong cho người vô tội và tạo ra bi kịch cho biết bao gia đình. Theo ThS.BS Phạm Gia Anh, người đã uống rượu bia tuyệt đối không lái xe, kể cả đi xe đạp cũng không được. Mọi người không được sử dụng phương tiện xe máy, ôtô, xe đạp khi đã uống rượu bia vì như vậy không chỉ gây tai nạn cho chính mình mà còn cho cả người xung quanh.

“Long đi liên hoan với bạn bè và sử dụng rượu bia. Sau đó đi sang chòi canh ao cá để ngủ. Trên đường đi tự ngã do say rượu. Sau phẫu thuật sọ não, Long hôn mê rất lâu mới tỉnh. Nó rất ân hận nhưng hối hận thì có giải quyết được gì đâu khi di chứng để lại nặng nề như thế” - bà Nguyễn Thị Nụ, có con trai Bùi Như Long (35 tuổi) bị chấn thương sọ não do tai nạn, kể lại.

Mời các bạn đón đọc Kỳ 3: Ghi ở chốt xử lý “ma men” cầm lái

Trần Hằng
.
.
.