Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972- 12/2017)

Sống lại ký ức hào hùng từ những kỷ vật vô giá

Chủ Nhật, 24/12/2017, 09:05
“Đặc biệt, thông qua cuộc trưng bày, thông điệp của chúng tôi muốn đưa ra là dù 45 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần bất diệt của một “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn mãi. Người dân Việt Nam luôn dành tình cảm tốt đẹp cho người dân Mỹ, luôn hướng tới tương lai - chung tay xây dựng thế giới hòa bình”, bà Đào Thị Huệ cho biết.


Mỗi ngày đón 1.200-1.500 du khách

Chúng tôi có mặt tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đúng vào dịp cả nước đang hướng về lễ kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. 

Đồng hồ đã điểm 11h45, song lượng du khách trong và ngoài nước đổ về đây vẫn nườm nượp. Tại đây đang diễn ra triển lãm về những ngày quân và dân Hà Nội, Hải Phòng cũng như các tỉnh, thành lân cận kiên cường đánh trả B-52 của Mỹ.  Những bức ảnh, kỷ vật đưa người xem tìm lại những ký ức về một thời đạn bom đầy bi thương nhưng hào hùng của dân tộc.

Triển lãm được bố trí thành 4 chủ đề xuyên suốt gồm: “Đối mặt với B-52”, “Khách sạn Hilton – Hà Nội”, “Ngày trở về” và “Xây đắp tương lai” với nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật phong phú, sinh động.

Anh Quang Hùng, 34 tuổi, hướng dẫn viên du lịch cho đoàn du khách đến từ Mỹ cho biết, mấy ngày qua, công ty của anh nhận được khá nhiều hợp đồng đặt tour du lịch của du khách nước ngoài, trong đó có không ít đoàn khách chọn điểm đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò để tham quan triển lãm “Tìm lại ký ức”.

Tiếp xúc với một số du khách đang có mặt ở đây, chúng tôi cảm nhận được sự hào hứng xen lẫn trầm tư. Đứng trước bức ảnh “Niềm hạnh phúc của các thành viên trong gia đình Trung tá Robert L.Stirm khi đón ông trở về tại căn cứ không quân Travis, bang California ngày 17-3-1973” (ảnh: Sal Velder) hồi lâu, anh Peter - du khách đến từ Mỹ không giấu được cảm xúc của mình. Anh cho biết, anh cũng như rất nhiều người luôn có chung mong muốn chiến tranh, đau thương, chia lìa không xảy ra.

Đoàn viên thanh niên Trung đoàn CSCĐ – Công an TP Hà Nội đến với trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” để ôn lại truyền thống hào hùng.

Trong khuôn viên triển lãm du khách được chiêm ngưỡng rất nhiều tấm  ảnh ghi lại những gương mặt vui mừng, những giọt nước mắt hạnh phúc, cái bắt tay, cái ôm đằm thắm của những con người trở về từ hai chiến tuyến. Rồi những hoạt động tích cực của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ trong việc tìm kiếm, rà phá bom mìn, làm sạch môi trường, rồi những cuộc trở về chiến trường xưa của các tổ chức, cá nhân vốn là cựu binh, phi công Mỹ cũng được giới thiệu một cách khá chi tiết.

Đáng chú ý, tại đây, không chỉ có hình ảnh, hiện vật, kỷ vật “một thời bom đạn – một thời hòa bình”, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò còn đem đến cho người xem những không gian, cuộc sống của người dân Hà Nội những năm 70 thế kỷ trước. Chiếc xe đạp, chiếc loa rồi một góc ngôi nhà nơi phố cổ được phục dựng khiến cho ai một lần đặt chân đến với gian trưng bày đều thấy bồi hồi xúc động.

Người xem được gặp lại những  căn hầm trú bom hay còn gọi là “hầm tăng xê” (phiên âm từ tiếng Pháp), hình ảnh đặc trưng, in sâu trong ký ức của người dân Hà Nội lúc bấy giờ. Tháng 3-1965, đế quốc Mỹ chính thức tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Ngày 29-6-1966, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá Thủ đô Hà Nội. Thế trận phòng không nhân dân được củng cố.

Từ năm 1965 - 1972, thành phố Hà Nội có hơn 40 vạn hố cá nhân và 90.000 hầm tập thể, đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người. Mỗi người dân “sở hữu” ít nhất ba hầm trú ẩn: trong nhà, ở cơ quan và trên đường phố. Hầu như các tuyến phố ở Hà Nội đều có hầm trú bom. Hầm thường sâu hơn 1m, đường kính khoảng 80cm. Nắp làm bê tông cốt thép hoặc bện bằng rơm. Mỗi khi nghe loa truyền thanh phát ra tiếng còi báo động cùng với thông báo của phát thanh viên: “Đồng bào chú ý. Đồng bào chú ý. Máy bay địch cách Hà Nội 50km. Đồng bào tìm nơi trú ẩn an toàn…”, ngay lập tức người đang ở trong nhà sẽ chạy ra hầm ở đầu ngõ, còn người đang đi trên đường sẽ chui xuống hầm ở ngay hè phố.

Bà Phạm Thị Hoàng My, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp – Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết, chuyên đề “Tìm lại ký ức” được diễn ra từ ngày 29-11-2017 đến ngày 30-3-2018. Mỗi ngày có khoảng 1.200 - 1.500 du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Với sự chuẩn bị chu đáo từ các bức ảnh, hiện vật, chuyên đề triển lãm đã  được nhiều khách tham quan đánh giá cao.

Ôn lại truyền thống hào hùng

Trong số những đoàn khách đến với Di tích Nhà tù Hỏa Lò tham quan khu trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” hôm nay, chúng tôi gặp đoàn du khách là cán bộ chiến sĩ, đoàn viên đến từ Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) – Công an TP Hà Nội.  Những đoàn viên trẻ chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu tỉ mỉ về các bức ảnh, kỷ vật khắc họa “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân miền Bắc.

Thiếu úy Lê Văn Ba, Bí thư Đoàn Thanh niên Trung đoàn (CSCĐ) cho biết, nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc ta cũng như nâng cao hiểu biết về Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn, Đoàn Thanh niên Trung đoàn CSCĐ tổ chức cho đoàn viên thanh niên trong đơn vị đến tham quan triển lãm.

Tại đây, thông qua các bức ảnh, kỷ vật mà khu di tích trưng bày, các bạn đoàn viên trong đơn vị đã hiểu hơn về lịch sử hào hùng của cha anh đi trước, về tương lai hợp tác mở rộng quan hệ quốc tế, từ đó có động lực phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mỗi cá nhân trong đơn vị.

“Ý tưởng về cuộc triển lãm “Tìm lại ký ức” nhân kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được chúng tôi hình thành từ giữa năm 2016. Từ những ý tưởng ban đầu với mục đích xây dựng nội dung trưng bày mang tính nhiều chiều, đặc biệt phù hợp với xu thế hiện nay nên sau khi có đề cương Ban quản lý Khu di tích đã phải tổ chức nhiều buổi tọa đàm, lấy ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử như: Chiến sĩ Bộ đội, cán bộ làm công tác quản giáo tại Trại giam Hỏa Lò thời kỳ bấy giờ, quân nhân – phi công Mỹ…

Đồng thời chúng tôi đã tổ chức kết nối với nhiều phi công Mỹ đã từng tham gia cuộc chiến và thân nhân của họ để khai thác thêm thông tin, tư liệu”, bà Đào Thị Huệ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết. Hơn 250 bức ảnh, tài liệu, hiện vật được Ban Quản lý Di tích giới thiệu tới công chúng.

Thông qua đó, khi mọi người đến đây sẽ tìm thấy những ký ức về cuộc sống, những khó khăn, đau thương, mất mát của người dân hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng. Và cũng chính từ những đau thương, mất mát đó, bằng niềm tin, bằng tình yêu, quân và dân ta đã đấu tranh làm nên một “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” chiến thắng lẫy lừng vào cuối năm 1972.

Cùng với đó, triển lãm cũng giúp du khách hiểu biết thêm về những câu chuyện, cuộc sống của các phi công Mỹ trong thời kỳ cải tạo trong Trại giam Hỏa Lò; về những chính sách nhân đạo của chính phủ Việt Nam thông qua những chia sẻ, tâm sự của chính người trong cuộc.

“Đặc biệt, thông qua cuộc trưng bày, thông điệp của chúng tôi muốn đưa ra là dù 45 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần bất diệt của một “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn mãi. Người dân Việt Nam luôn dành tình cảm tốt đẹp cho người dân Mỹ, luôn hướng tới tương lai - chung tay xây dựng thế giới hòa bình”, bà Đào Thị Huệ cho biết.

Xuân Luận – Trần Huy
.
.
.