Hệ thống thông gió tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội:

Chuyện thật như đùa giữa Thủ đô: Sai quy chuẩn vẫn được duyệt?

Thứ Năm, 14/07/2016, 08:24
Dù không đáp ứng quy chuẩn, nhưng các giếng thông gió nhà ga ngầm S9 thuộc dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội vẫn được chấp thuận. Việc này đã khiến nhiều hộ dân bỗng dưng bị giếng thông gió thổi sát nhà, gây bức xúc bởi nếu hoàn thiện, đây sẽ là đường ống thổi khí độc hại và gây tiếng ồn, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân.


Ống thông gió thổi sát nhà dân

Trong thiết kế tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có phần đi ngầm qua địa bàn các phường Ngọc Khánh, Cát Linh, Văn Chương, Văn Miếu và Cửa Nam của hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Phần đi ngầm này bắt buộc phải có các hệ thống thông gió bao gồm quạt và ống thông gió. 

Tuy nhiên, hệ thống thông gió đường ngầm S9 qua các hộ dân từ số nhà 419 đến 477 đường Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội lại được thiết kế chỉ cách nhà dân vài mét. Theo thiết kế này, để làm giếng thông gió phải lấy đất ở của dân nên buộc phải giải phóng mặt bằng khoảng 200m². 

Theo phản ánh của những hộ dân ở đây, các giếng thông gió sẽ nằm trong khu dân cư, gây ra nhiều tiếng ồn, xả khí thải độc hại, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Chủ số nhà 467 đường Kim Mã cho rằng, các ống thông gió có đường kính mấy chục mét và cao khoảng 4m được xây dựng sát nhà dân, có chỗ chỉ cách 3m, có chỗ khoảng 1m ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của các hộ dân tại đây, chưa kể công tác cứu hộ, cứu nạn khi gặp sự cố cũng gặp khó.

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia công trình ngầm đô thị quy định: “Khoảng cách từ các trạm thiết bị thông gió trên mặt đất cửa thông gió đường hầm đến các phố và đường chính, các bến xe ôtô kín hoặc hở, các khu vực thương mại và các cửa sổ của nhà dân và công trình không được nhỏ hơn 25m, đến các trạm tiếp nhiên liệu cho ôtô, các kho chứa dầu và các sản phẩm dầu, sản phẩm khí đốt, vật liệu gỗ, đường dẫn khí và dầu, các hạng mục công trình chế biến dầu và công nghiệp hóa chất - không nhỏ hơn 100m”.

Sau 11 cuộc họp vẫn chưa thể ngã ngũ về vị trí đặt giếng thông gió ga ngầm S9.

Từ tháng 10-2014, trước sự phản ứng gay gắt của các hộ dân tại đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến về áp dụng QCVN 08:2009/BXD liên quan đến việc thiết kế hệ thống thông gió 3, 4, 5, 6 thuộc ga ngầm S9 trên phố Kim Mã. 

Tháng 11-2014, Bộ Xây dựng có văn bản trả lời, ghi rõ: “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia là văn bản bắt buộc phải áp dụng. Đơn vị thiết kế, các bên tham gia cần tuân thủ hoặc có giải pháp thích ứng, đảm bảo điều kiện quy định trong quy chuẩn”. Các hộ dân cho rằng, như vậy văn bản này của Bộ Xây dựng đã nêu rõ thiết kế giếng thông gió phải tuân thủ Quy chuẩn 08.

Bộ Xây dựng nói nước đôi

Tuy nhiên, cũng văn bản này, Bộ Xây dựng yêu cầu: “Trường hợp trong thực tế không thể giải phóng được mặt bằng, đề nghị Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và biện pháp xử lý đảm bảo an toàn môi trường và an toàn cộng đồng đối với các vị trí đặt giếng thông gió và phải giải thích cho người dân”. 

Viện dẫn nội dung này, cùng với kết quả nghiên cứu, đánh giá của Cơ quan tư vấn Pháp và Tây Ban Nha, chủ đầu tư vẫn quyết định giữ nguyên thiết kế. Song, việc này tiếp tục gặp phải sự phản ứng từ các hộ dân bị ảnh hưởng. Bởi theo đại diện các hộ dân, mặc dù thiết kế ảnh hưởng đến các hộ dân nhưng chủ đầu tư không có cuộc họp, làm việc nào để xin ý  kiến các hộ dân bị ảnh hưởng.

Đã có 11 cuộc họp kéo dài trong hơn 2 năm qua nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có sự thống nhất giữa người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng trên với Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội. Bởi các hộ dân thì cho rằng, Ban Quản lý đường sắt đô thị cố tình hiểu sai ý của Bộ Xây dựng, còn Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thì cho rằng, Bộ Xây dựng đã chấp thuận. 

Gần đây nhất, vào tối 6-7-2016, tại UBND phường Ngọc Khánh, cuộc đối thoại lần thứ 11 với đủ các thành phần như lãnh đạo quận Ba Đình, Ban Quản lý và các hộ dân tiếp tục diễn ra với không khí gay gắt, bất bình của người dân khi họ được thông báo ý kiến mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, với những lý lẽ để bảo lưu cách làm của Ban Quản lý.

Ông Nguyễn Như Võ (số nhà 473 Kim Mã) cho rằng, người dân rất ủng hộ dự án, và muốn dự án nhanh chóng hoàn thiện để người dân đỡ bị ảnh hưởng, mà thành phố cũng thêm 1 loại hình công cộng hiện đại. Nhưng Chủ đầu tư phải tuân thủ đúng quy chuẩn 08 về thiết kế công trình công cộng. 

Ông Nguyễn Phong Cầm, Phó Chủ tịch quận Ba Đình cho biết, quận Ba Đình đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội nhưng câu trả lời đều chưa ổn. 

“Quận cũng đã báo cáo thành phố về đề nghị của dân là đưa ống thông gió sang phía đối diện vì bên đó không vướng nhà dân, nhưng thành phố đã họp 2 lần mà không tìm được vị trí mới phù hợp”, ông Nguyễn Phong Cầm thông tin. 

Đến nay, sự việc vẫn chưa thể ngã ngũ khi mà Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội vẫn bảo lưu quan điểm, còn 10 hộ dân bị ảnh hưởng cũng nhất định không đồng tình với việc đặt giếng thông gió áp sát nhà mình.

Xin gia hạn thêm 3 năm khoản vốn vay ODA xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin gia hạn Hiệp định vay ODA dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo thêm 3 năm. 

Theo lý giải của UBND TP Hà Nội, do tổng mức đầu tư của dự án tăng từ 19.555 tỷ lên 51.750 tỷ đồng, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, nên ngày 17-10-2012, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 8231 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.  

Để có cơ sở báo cáo Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thuê tư vấn độc lập thẩm tra dự án điều chỉnh. Quá trình lựa chọn Tư vấn thẩm tra kéo dài, đến tháng 10-2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn với thời gian thực hiện hợp đồng là 180 ngày. 

Dự kiến công tác thẩm tra thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư điều chỉnh hoàn thành trong tháng 4-2016, tuy nhiên đến nay, Tư vấn thẩm tra mới hoàn thành báo cáo cuối kỳ. Như vậy việc xem xét, thẩm tra thẩm định dự án kéo dài tù tháng 10-2012 đến nay khiến các gói thầu chưa thể đấu thầu làm chậm tiến độ chung của Dự án. 

Trong khi đó Hiệp định vay vốn số VNXVI-1 (lần 1) đã được Chính phủ Việt Nam ký kết với Chính phủ Nhật Bản ngày 31-3-2009, với giá trị khoản vay là 14.688 triệu Yên Nhật với thời hạn hiệu lực tháng 7-2009 đến tháng 7-2016. 

Khoan vay của Hiệp định vay lần 1 sẽ hết hạn vào 28-7-2016, nếu không gia hạn hiệp định sẽ dẫn tới thiếu nguồn vốn cho xây lắp và dịch vụ tư vấn sau khi Dự án điều chỉnh được phê duyệt trong khi chưa ký Hiệp định vay lần 2. 

Ngọc Yến
.
.
.