Kéo giảm dịch sốt xuất huyết: Quyết liệt nhưng phải khoa học

Chủ Nhật, 13/08/2017, 07:42
Trong đó gần 70.000 trường hợp phải nhập viện điều trị. SXH đã xuất hiện ở cả 3 type: D1, D2, D3 tại khu vực phía Nam, phía Bắc xuất hiện cả 4 type. Người ủ bệnh nhiễm vi rút từ vài ngày tới 2 tuần mới phát bệnh nhưng không có triệu chứng, chính là nguồn lây bệnh cho những người khác...

Chia sẻ với giới truyền thông tại TP Hồ Chí Minh về diễn biến phức tạp đáng ngại của dịch sốt xuất huyết (SXH) vừa qua, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh: "Diễn biến dịch SXH đang rất phức tạp. Rất nhiều giải pháp đã được thực hiện, nhưng thực tế cho thấy, để đẩy lùi được dịch SXH đang lây lan, nhất là tại khu vực Hà Nội, thì quyết liệt không chưa đủ, mà còn phải có sự hợp tác của từng người dân, dập dịch phải khoa học…".

Theo ông Trần Đắc Phu, năm ngoái, dịch SXH bùng phát ở Tây Nguyên, năm nay dịch nổi rộ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Cho tới thời điểm này, cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc SXH, 24 trường hợp tử vong.

Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh vào mùa cao điểm dịch SXH.

Trong đó gần 70.000 trường hợp phải nhập viện điều trị. SXH đã xuất hiện ở cả 3 type: D1, D2, D3 tại khu vực phía Nam, phía Bắc xuất hiện cả 4 type. Người ủ bệnh nhiễm vi rút từ vài ngày tới 2 tuần mới phát bệnh nhưng không có triệu chứng, chính là nguồn lây bệnh cho những người khác.

Tại TP Hồ Chí Minh, là vùng trọng điểm của SXH, việc tuyên truyền phòng chống SXH làm sao cần thoát khỏi "cái bóng" của hô hào, khẩu hiệu. "Không có lăng quăng, không có SXH" phải biến thành ý thức, hành động ở từng người dân.

Qua khảo sát, cho thấy, khu vực Tây Nguyên môi trường thuận lợi sinh sôi muỗi Dengue chính là từ hàng trăm chiếc vỏ lốp ôtô mà người dân khu vực có thói quen tích trữ trong nhà, để trên mái nhà, ngoài vườn.

Mưa xuống, nước đọng lại, muỗi sinh sôi. Trong khu vực đô thị, người dân cần hình thành thói quen, lật úp mọi vật chứa nước không dùng như lu nước, vại sành, chậu trồng cây; các vật dụng phế thải cần được vứt bỏ. Tại quận 12 của TP Hồ Chí Minh đã có những đội xung kích phòng chống SXH.

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng phân tích: Có 4 yếu tố làm lây lan dịch bệnh, gồm: con người - nguồn lây bệnh; thời tiết; muỗi truyền vi rút - tác nhân gây bệnh; và các biện pháp phòng chống.

Trong 4 yếu tố trên, bất lợi yếu tố nào cũng làm lây lan dịch. Một con muỗi có khoảng 4 lần sinh nở, mỗi lần là 200 trứng, vì vậy, một chén nước mưa đọng cũng là ổ sinh sôi hàng ngàn con muỗi gây bệnh.

Nếu người dân không hợp tác thì biện pháp phòng chống có nỗ lực đến mấy, việc chống dịch vẫn là thất bại. Tổng số ca mắc SXH tại TP Hồ Chí Minh tính tới thời điểm hiện nay là 12.200 ca, tăng 27% cùng kì. Trung bình hiện có khoảng 500 ca mắc SXH nhập viện/tuần. Thành phố cũng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp khống chế dịch.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là dập dịch làm sao để hiệu quả? Theo các chuyên gia, phun hoá chất diệt muỗi phải khoa học. Muỗi Dengue gây SXH là muỗi đốt người vào ban ngày, đậu trên tất cả các vật dụng trong nhà.

Phun hoá chất phải phun 2 lần khi có dịch, cách nhau từ 7-10 ngày/đợt. Phun xong phải kiểm tra muỗi đã thực sự bị tiêu diệt hết chưa. Phun thuốc vào giờ muỗi đang hoạt động, tại khu vực phía Nam là khi nhiệt độ môi trường từ 25 tới 28 độ C.

Do đó, phun khi nhiệt độ giảm vào buổi chiều. Nếu tại khu vực đã tắt nắng nhưng nhiệt độ vẫn cao thì phải xem xét phun thuốc muỗi vào buổi sáng sớm. Cần có sự hợp tác của người dân trong phun thuốc muỗi.

l Trong một diễn biến khác, sáng 12-8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã đi kiểm tra công tác tổng vệ sinh phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn quận Hà Đông. Theo ghi nhận, từ sáng sớm, 17 phường trên địa bàn quận đã ra quân, tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, muỗi, phun thuốc.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cùng đại diện Sở Y tế Hà Nội, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đến phường Quang Trung kiểm tra công tác diệt bọ gậy, phòng chống muỗi trưởng thành, phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại 2 tổ dân phố số 12 và 13, đồng thời kiểm tra công tác khám, điều trị bệnh cho những bệnh nhân bị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

Theo báo cáo của UBND quận Hà Đông, trên địa bàn quận có 938 người mắc bệnh sốt xuất huyết, có 171 ổ dịch, trong đó còn 96 trường hợp còn nằm viện.

Quận Hà Đông đã thành lập các tổ xung kích của các địa phương, ngành, đoàn thể nhằm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy và muỗi trưởng thành, chống dịch sốt xuất huyết.

Làm việc với quận Hà Đông, ông Ngô Văn Quý yêu cầu, Hà Đông là 1 trong 5 địa phương có số lượng người mắc bệnh sốt xuất huyết cao nhất TP Hà Nội, do đó quận cần triển khai ngay 5 giải pháp để chống dịch sốt xuất huyết: Tăng cường thông tin tuyên truyền đến tận người dân, đến từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn; hàng tuần vào thứ 7, quận đã tổng vệ sinh và nay cần tiếp tục thực hiện, chú ý tập trung vệ sinh nơi công trình xây dựng, dự án, chợ, trường học, cơ quan; sau khi thực hiện đợt 1 từ nay đến hết 17-8, quận Hà Đông đánh giá lại xem kết quả, những nơi chưa thực hiện tốt tiếp tục triển khai đợt 2 và 3 đạt hiệu quả trong việc diệt bọ gậy và muỗi; cần khoanh phạm vi ổ dịch để có biện pháp tập trung về lực lượng, phương tiện xử lý dứt điểm, cố gắng giảm tối đa số người mắc bệnh.

Tại BV Đa khoa Hà Đông, lãnh đạo BV cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày, BV tiếp đón 150 bệnh nhân SXH đến khám và điều trị. Để phục vụ bệnh nhân, BV đã bố trí thêm nhân lực, tăng bàn khám tại Khoa Khám bệnh và Cấp cứu.

BV đã kê thêm 50 chiếc giường gấp và đã dự trù thuốc, trang thiết vị, vật tư y tế... sẵn sàng đáp ứng công tác thu dung, điều trị tốt cho bệnh nhân mắc SXH. Hiện tại, BV đang điều trị cho 200 bệnh nhân nội trú và 50 bệnh nhân ngoại trú.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội lưu ý: Do số lượng bệnh nhân SXH ở đây đông, Sở Y tế Hà Nội cần tạo điều kiện cho BV bổ sung hệ thống thiết bị, nhất là thiết bị xét nghiệm để trả nhanh kết quả cho bệnh nhân, không để người bệnh chờ lâu; đảm bảo kinh phí cho phòng bệnh SXH trên địa bàn. TS. Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị chính quyền quận Hà Đông phải có biện pháp kiên quyết với các khu đất trống, nhà bỏ hoang mới xử lý triệt để dịch bệnh.

Ngày 12-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tục có công điện gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn, yêu cầu tập trung tổng vệ sinh môi trường toàn diện trong ngày thứ Bảy 12-8 và Chủ nhật 13-8 trên địa bàn các tổ dân phố, thôn làng, tại các phường, xã, thị trấn, các công trình công cộng, công viên, vườn hoa, chợ, trường học, cơ quan đơn vị, công trường xây dựng. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung trên, Sở Y tế tổng hợp báo cáo UBND TP tình hình thực hiện.

Ng. Yến – Th. Hằng - H. Nga
.
.
.