Phòng chống tội phạm mua bán người: Còn lắm gian nan

Thứ Ba, 22/12/2015, 08:20
Ngày 21-12, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phối hợp giữa lực lượng phòng chống tội phạm ma túy (Bộ đội Biên phòng) và lực lượng Cảnh sát hình sự trong phòng chống tội phạm mua bán người và trộm cắp xe gắn máy năm 2015.

Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn quốc phát hiện 287 vụ (481 đối tượng), lừa bán 778 nạn nhân. Tổng cục Cảnh sát và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS) phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng rà soát, xác định 42 địa bàn trọng điểm về mua bán người; phối hợp điều tra, xác minh bắt giữ 40 vụ, giải cứu 49 nạn nhân. Riêng lực lượng CSHS Công an các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Nghệ An đã phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng khám phá 21 vụ mua bán người, bắt 40 đối tượng.

Các nạn nhân trong một đường dây môi giới hôn nhân trái phép do Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện.

Để có được kết quả đó, Cục CSHS đã phối hợp cùng Cục Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ đội Biên phòng) quản lý tuyến biên giới; tuyên truyền, vận động phong trào quần chúng tố giác tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; tập huấn cho lực lượng CSHS, BĐBP các địa phương về quy trình xử lý một vụ mua bán người; triển khai các đợt cao điểm phòng chống tội phạm trên các tuyến biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, Lào, Campuchia…

Bên cạnh việc bị ép buộc làm vợ, bán dâm, phụ nữ Việt Nam còn bị lừa ra nước ngoài để đẻ thuê, bán nội tạng… Thủ đoạn chính của bọn buôn người là dụ dỗ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên sang nước ngoài làm việc với thu nhập cao, đi du lịch, đi mua hàng… sau đó ép bán dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp. Đối với các tỉnh, thành không tiếp giáp biên giới thì bọn buôn người đến các vùng nông thôn tuyển dụng lao động (kể cả nam lẫn nữ) đi hợp tác lao động ở nước ngoài, lương cao.

Khi sang xứ lạ, chúng thu giữ hết giấy tờ tùy thân của họ rồi buộc làm việc cực khổ, lương thấp, thậm chí không có lương mà còn bị đánh đập tàn nhẫn. Hình thức khác chủ yếu xảy ra ở khu vực phía Nam là môi giới hôn nhân trái phép. Các đối tượng tổ chức cho người nước ngoài xem mặt chọn vợ; hứa hẹn cho nạn nhân và gia đình nhiều tiền bạc để làm thủ tục kết hôn. Hầu hết những người phụ nữ này có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, bị chồng và gia đình bên chồng đối xử thậm tệ, bạo hành, bắt làm việc nặng nhọc; có người còn bị bán vào động mại dâm…

Một số vụ điển hình: Sùng Thị Súng (24 tuổi; quê quán huyện Si Ma Cai, Lào Cai) lấy chồng và sang Trung Quốc sinh sống từ năm 2009. Đến tháng 9-2014, Súng cùng em chồng bàn bạc về Việt Nam dụ dỗ người mang sang Trung Quốc bán. Súng điện thoại cho chị Và Y Kia (21 tuổi; quê quán Quế Phong, Nghệ An) rủ sang Trung Quốc lấy chồng, nếu đồng ý sẽ cho chị Kia 30 triệu đồng.

Súng còn gợi ý nếu chị Kia rủ thêm bạn cùng đi thì càng tốt. Chị Kia vốn nghèo khó muốn có tiền giúp bố mẹ nên đồng ý và rủ thêm người bạn là Và Y Xì đi cùng. Cuối năm 2014, Súng cùng đối tượng Giàng Thị Vế đến Nghệ An để đưa Kia và Xì sang Trung Quốc thì bị Đồn Biên phòng Tri Lễ phối hợp cùng Công an huyện Quế Phong (Nghệ An) bắt quả tang.

Cách đây không lâu, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp cùng nhiều đơn vị chức năng khác bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Hiên tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), giải cứu thành công nạn nhân L.T.B.H. bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ. Một số đồng bọn của Hiên cũng bị bắt giữ và bị khởi tố về hành vi mua bán người. Một vụ khác, để tìm “con mồi” bán sang Trung Quốc, Hứa Viết Trường (25 tuổi; ngụ tỉnh Hà Giang) câu kết cùng 4 đối tượng dụ dỗ hai em Sài Thị Liêm (16 tuổi), Nguyễn Thị Phương Mai (cùng 16 tuổi; cùng ngụ Hà Giang) và nhiều phụ nữ khác sang Trung Quốc chơi rồi đem bán.

Nhận được tin báo từ gia đình các nạn nhân, Phòng PC45, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp cùng các đồn biên phòng và Công an huyện Phú Ninh, Vân Nam, Trung Quốc giải cứu các em và bắt giữ 5 đối tượng. Mới đây TAND tỉnh Hà Giang xử 5 đối tượng này tổng cộng 104 tháng tù giam…

Tuy nỗ lực như vậy, song, việc bắt giữ số đối tượng phạm tội chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nguyên nhân được xác định là do lực lượng CSHS, Bộ đội Biên phòng ở các khu vực biên giới còn khá mỏng chưa đáp ứng đủ yêu cầu công tác; Hoạt động phối hợp điều tra cơ bản, nắm tình hình và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ chưa chủ động, chưa sâu và chưa toàn diện; Công tác tuyên truyền còn mang tính hình thức chưa đi vào chiều sâu; Thiếu kinh phí phục vụ cho quá trình phối hợp...

Đặc biệt nhiều đại biểu phản ánh: Bộ luật Hình sự chỉ quy định 2 hành vi là “mua” và “bán” người nhưng trong thực tiễn còn có nhiều hành vi khác đó là tìm kiếm người (tuyển mộ), đưa người ra nước ngoài (vận chuyển), che giấu (chứa chấp) và nhận người (tiếp nhận) nên không thể hoặc rất khó xử lý triệt để hành vi của tội phạm.

Hiện nay nhiều trường hợp môi giới kết hôn, môi giới lao động mà kẻ môi giới có nhận tiền nhưng luật chưa coi đây là hành vi mua bán người.

Về công tác phối hợp phòng chống trộm cắp xe gắn máy: Từ đầu năm 2015 đến nay xảy ra 2020 vụ trộm cắp xe gắn máy, các địa phương chiếm số nhiều là TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Nghệ An và Hà Tĩnh. Có 2 tuyến chính vận chuyển xe gian từ Việt Nam sang Campuchia tiêu thụ là khu vực các tỉnh Miền Tây và Miền Đông Nam Bộ. Trong năm qua lực lượng phối hợp trao đổi 504 tin về hoạt động của tội phạm; điều tra xác minh 53 vụ (42 đối tượng), trao trả 52 xe máy cho chủ sở hữu.
Phương Tuyền
.
.
.