Phi công Vũ Xuân Thiều: “Với B-52, tất cả đã sẵn sàng quyết chiến”

Thứ Bảy, 23/12/2017, 08:45
Là phi công tiêm kích thứ 2 tiêu diệt được B-52 của không quân Mỹ trong chiến dịch tập kích đường không chiến lược bằng B-52, Vũ Xuân Thiều đã góp phần xứng đáng vào Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lịch sử.

Bảo tàng Phòng không – Không quân (PK-KQ) những ngày tháng 12 này có khá đông người đến tham quan. Tại khu vực trưng bày các hiện vật kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”, có một cụ ông tóc bạc trắng, nhưng phong thái vẫn khá nhanh nhẹn. Ông là Đại tá Vũ Xuân Thăng, năm nay đã 81 tuổi, nhà ở phố Đặng Dung (Hà Nội), anh trai của Liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân, phi công Vũ Xuân Thiều…

Bức thư 45 năm trước

Tại Bảo tàng PK-KQ, có một hiện vật rất đặc biệt và lần đầu tiên được trưng bày. Đó là bức thư của Liệt sĩ, phi công Vũ Xuân Thiều, viết gửi cho gia đình cách đây đã 45 năm (thư viết ngày 16-4-1972). Ông Vũ Xuân Thăng tâm sự, người nhận bức thư là mẹ ông. 

“Thư của chú ấy thường được chuyển về gia đình thông qua đồng đội. Nhà ở phố Đặng Dung, nên nhiều đồng đội của chú ấy mỗi khi về quê thường qua gửi xe đạp để ra ga đi tàu. Và thư được chuyển qua những lần như thế”. 

Ông Thăng đi bộ đội từ khi Vũ Xuân Thiều còn đang học phổ thông, nên lá thư này ông chỉ biết đến sau ngày em trai mình anh dũng hy sinh trong trận quyết chiến với B-52 của Mỹ.

“Bố mẹ và cả nhà yêu thương!”- Lá thư của phi công tiêm kích Vũ Xuân Thiều bắt đầu như vậy và anh viết tiếp: “Dạo này con bận quá. Hầu như ít lúc nào rỗi rãi… Có lẽ ở nhà mong tin con và ngược lại - con rất mong tin ở nhà. Hôm nay máy bay Mỹ đánh Hà Nội”. 

Đại tá Vũ Xuân Thăng tham quan nơi trưng bày lá thư thời chiến và bức ảnh của em trai- Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Vũ Xuân Thiều.

Mặc dù đang ở đơn vị thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu nhưng Vũ Xuân Thiều vẫn lo cho gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ: “Con nghĩ nhà nên tìm cách sơ tán bớt lũ trẻ. Không thể nào lường trước được mức độ ác liệt của những cuộc chiến sắp tới. Tụi nó dám dùng B-52 để đánh Hà Nội lắm chứ”.

Những dòng thư cùng tâm sự của người anh trai khiến mọi người phần nào hiểu hơn về liệt sĩ, phi công Vũ Xuân Thiều. “Chú ấy đẹp trai, thư sinh như con gái và rất tình cảm”, ông Thăng bồi hồi nhớ lại.

“Ngồi nhìn cột khói Đức Giang mà đau lòng. Ngồi nghe tin tụi nó đánh các thành phố mà uất ức và nhất là nghe tin nó đánh Hà Nội”, và rồi chàng phi công người Hà Nội lại nhắc đến “con ngáo ộp” B-52, với tất cả quyết tâm và sự sẵn sàng cao độ: “Với B-52, tất cả đã sẵn sàng quyết chiến, bằng bất cứ giá nào cũng đánh, bất cứ điều kiện nào cũng đánh…”. 

Những dòng thư của người phi công quả cảm tiếp tục cho thấy, chúng ta không bất ngờ trước cuộc tập kích đường không chiến lược của Không quân Mỹ vào cuối tháng 12 năm 1972. Bởi, về mặt chiến lược, ngay từ năm 1962, Bác Hồ đã nhắc về máy bay B-52 với lãnh đạo Quân chủng PK-KQ. Đến năm 1966, Bác lại giao nhiệm vụ cho Quân chủng PK-KQ tìm cách đánh B-52. 

Và đến cuối năm 1967, Bác tiếp tục khẳng định “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội…”. Về mặt chiến dịch, kể từ năm 1966, Quân chủng PK-KQ đã lần lượt đưa tên lửa, máy bay Mig-21, ra đa vào chiến trường Khu IV để nghiên cứu cách đánh B-52.

Và, từ rất sớm, các phi công chiến đấu như Vũ Xuân Thiều đã sẵn sàng cho trận quyết chiến với “siêu pháo đài bay” B-52…

Tập “quay tròn” để khám tuyển phi công

“Thiều thích máy bay từ nhỏ. Chú ấy vẽ rất nhiều máy bay trong những cuốn vở của mình”, đứng bên khu trưng bày lá thư tay và những bức ảnh em trai trong trang phục phi công chiến đấu, ông Vũ Xuân Thăng kể về phi công Vũ Xuân Thiều như vậy.

Khi đang là sinh viên Đại học Bách khoa, Vũ Xuân Thiều đi khám tuyển phi công. Lần khám đầu tiên anh không trúng tuyển, vì không chịu nổi được “thử thách” ở phần quay tròn để kiểm tra tiền đình. Không nản, về nhà, anh kiên trì luyện quay tròn bằng cách thức khá đặc biệt.

“Ngày ấy tôi ở đơn vị quân đội nên sau này mới được nghe em gái chúng tôi là cô Vũ Kim Bình kể lại chuyện chú Thiều luyện tập thêm để khám tuyển phi công. Sau lần khám tuyển bị trượt, cứ chiều chiều chú ấy lên tầng nhà trên cùng để luyện… quay tròn. Và ở kỳ khám tuyển tiếp đó, Thiều đã trúng tuyển phi công”- ông Thăng tủm tỉm cười và kể tiếp: “Khám tuyển về, Thiều kể với Bình rằng, lúc ngồi quay tròn, chú ấy buồn nôn quá nhưng cố chịu và cũng chịu được. Nhưng khám tuyển xong, khi ra về có bao nhiêu đều nôn ra hết”.

Năm 1968, sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học tập và huấn luyện bay ở Liên Xô, Vũ Xuân Thiều trở về nước, được điều về đơn vị chuyên bay và chiến đấu ban đêm, gồm những phi công có trình độ kỹ, chiến thuật cao, có lòng dũng cảm, mưu trí. 

Cuối tháng 12-1972, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận. 

Ngày 28-12-1972, Vũ Xuân Thiều được lệnh cất cánh từ sân bay Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). Được sở chỉ huy dẫn vòng phía sau đội hình máy bay địch, đến vùng trời Sơn La, sau khi vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích bảo vệ máy bay B-52, anh phát hiện được mục tiêu và bắn tên lửa trúng chiếc B-52 của địch khiến nó bốc cháy dữ dội. Vì công kích ở cự ly quá gần nên Vũ Xuân Thiều đã hy sinh anh dũng.

Trong những ngày diễn ra chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ông Vũ Xuân Thăng đang công tác tại Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông nhớ lại: “Vì tham gia thành phần trực sở chỉ huy nên đêm 28-12-1972, tôi cũng biết có một chiếc B-52 bị không quân ta bắn hạ, và phi công của ta cũng anh dũng hy sinh. Đến sáng hôm sau thì tôi là người đầu tiên trong gia đình nhận tin em trai mình đã hy sinh trong trận đánh với B-52 đêm hôm trước”.

Trong chiếc ba lô đơn vị gửi lại gia đình, có một số kỷ vật của phi công Vũ Xuân Thiều, trong đó có chiếc radio, mấy bộ quân phục thường dùng… Một số kỷ vật đã được gia đình trao tặng cho các bảo tàng. Và lá thư thời chiến đề ngày 16-4-1972 được gia đình gìn giữ bấy lâu nay, giờ lại được trao cho Bảo tàng PK-KQ nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng B-52.

Số nhà 21 Đặng Dung (Hà Nội) vẫn thường đón những người đồng đội của liệt sĩ, phi công Vũ Xuân Thiều đến thăm. Vào ngày giỗ của anh, nhiều bạn phi công cùng đoàn huấn luyện năm nào ở Liên Xô lại có mặt. Và trong số đó, có những người đến vào buổi tối để được thắp hương tưởng nhớ người phi công quả cảm vào đúng thời khắc phi công Vũ Xuân Thiều anh dũng hy sinh, thời khắc quầng sáng trên bầu trời Sơn La bùng lên khi “siêu pháo đài bay” B-52 phải đền nợ máu.

Là phi công tiêm kích thứ 2 tiêu diệt được B-52 của không quân Mỹ trong chiến dịch tập kích đường không chiến lược bằng B-52, Vũ Xuân Thiều đã góp phần xứng đáng vào Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lịch sử.

Hoàng Hà
.
.
.