Phát triển về hướng Đông, Bến Tre quyết đột phá cùng đất “chín rồng”
- Phát triển hạ tầng giao thông, tạo cơ hội cho đất “chín rồng” cất cánh
- Diện mạo đất “chín rồng” sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới
Tỉnh vào top đầu, dân biển khấm khá hơn
PV: Để thực hiện mục tiêu đột phá vừa nêu, ngay trong nhiệm kỳ này, Bến Tre sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Tam: Trước mắt là hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chi tiết khu vực 3 huyện biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Trong nhiệm vụ này, chúng tôi tập trung hoàn thành xây dựng đề án tuyến đường ven biển và hành lang kinh tế ven biển, hạ tầng kỹ thuật, cảng nước sâu và các khu, cụm công nghiệp (CCN), khu dân cư, đô thị, du lịch, nông nghiệp; hoàn thành quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đến 2025 để tạo quỹ đất phát triển.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nghe lãnh đạo tỉnh Bến Tre đề xuất phương án xây cầu trên tuyến đường hành lang ven biển nối với tỉnh Tiền Giang. |
Tiếp đó, từ nhiều nguồn tài chính, tỉnh sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng ven biển, kết nối giao thông thông suốt (với các huyện trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực), khởi công tuyến động lực ven biển giai đoạn 1, kết nối Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh, kết nối giao thông thông suốt từ TP Bến Tre đến khu vực biển qua các tuyến quốc lộ 57, 57B, 57C; nâng cấp cảng Giao Long, xây dựng hồ Lạc Địa, nạo vét sông Ba Lai, triển khai chuẩn bị đầu tư cảng nước sâu.
Tập trung đầu tư các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), đưa vào vận hành 1.500MW, xúc tiến triển khai dự án năng lượng khí (LNG). Hình thành một số khu đô thị, đưa vào hoạt động KCN Phú Thuận, chủ trương đầu tư 1 KCN mới tại huyện Thạnh Phú, 3 CCN vùng biển. Phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hóa khu vực 3 huyện biển đạt 32% trở lên, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 30% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; phát triển hơn 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. GRDP bình quân đầu người khu vực biển cao hơn mức bình quân của tỉnh.
Đến năm 2030, Bến Tre sẽ hoàn thiện đầu tư cơ bản phần lớn hạng mục trong hành lang kinh tế ven biển như đường ven biển, hệ thống hạ tầng logistic, KCN, đô thị, dịch vụ, du lịch lấn biển; khởi động xây dựng cảng nước sâu. Hình thành được trung tâm năng lượng sạch tỉnh Bến Tre, hoàn thành đầu tư các dự án điện ngoài khơi, đưa vào vận hành ít nhất 3.000MW. Thu hút đầu tư phát triển mạnh công nghiệp, tỉ lệ lắp đầy khu, CCN đạt 70% trở lên, giá trị sản xuất công nghiệp các huyện biển chiếm 50% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; phát triển mạnh các khu đô thị, tỷ lệ đô thị hóa khu vực ba huyện biển đạt 48% trở lên. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản có giá trị gia tăng cao, với hơn 5.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao. Đưa du lịch phát triển mạnh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của địa phương. GRDP bình quân đầu người khu vực biển gấp 1,5 lần bình quân của tỉnh; phấn đấu đưa Bến Tre trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển tại khu vực ĐBSCL và top khá các tỉnh ven biển của Việt Nam.
Dồn sức cho không gian phát triển mới
PV: Ngay trong năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, tỉnh sẽ ưu tiên vào những nhiệm vụ trọng tâm nào thưa ông?
Ông Trần Ngọc Tam: Trước hết là tập trung hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh như vừa kể; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông nhằm tạo sự nhất trí, đồng thuận, hưởng ứng trong toàn thể cán bộ, công chức, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp của tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và các điều kiện để khởi công tuyến động lực ven biển giai đoạn 1. Chuẩn bị hoàn thành các thủ tục, hồ sơ cần thiết để tiến hành nghiên cứu, đề xuất lập Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển tỉnh Bến Tre để làm cơ sở trình Chính phủ xem xét.
Một nhiệm vụ được làm ngay trong 2021 này là hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng KCN Phú Thuận để tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư, tạo năng lực sản xuất mới. Đồng thời, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm hoàn thành các dự án điện gió đang triển khai; chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng đầu mối phục vụ truyền tải điện để hướng đến xây dựng Bến Tre thành Trung tâm năng lượng sạch của Vùng.
Cũng ngay trong năm nay, tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất, thí điểm hình thành vùng nguyên liệu tập trung cho các sản phẩm chủ lực (như dừa, cây ăn trái, tôm công nghệ cao) gắn với phát triển kinh tế hợp tác, HTX để hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyển đất trồng lúa, đất sản xuất kém hiệu quả sang đối tượng khác có giá trị kinh tế cao hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu; vận động mở rộng diện tích nuôi tôm biển công nghệ cao trong vùng quy hoạch.
PV: Bên cạnh yếu tố con người – yếu tố quan trọng hàng đầu như ông vừa nhấn mạnh, với riêng 3 huyện biển cần làm gì ngay từ bây giờ?
Ông Trần Ngọc Tam: Tôi cho rằng 3 huyện cần chú trọng phối hợp chặt chẽ với các ngành tỉnh trong công tác lập - triển khai quy hoạch vùng, quy hoạch của tỉnh về định hướng phát triển trong giai đoạn 2021-2025, tích hợp đầy đủ số liệu của huyện vào quy hoạch chung nhất là các lĩnh vực: giao thông, đất đai, thủy sản, đô thị..., đồng thời phải quản lý chặt chẽ và tuân thủ theo Quy hoạch đã được phê duyệt trong quá trình phát triển KT-XH của địa phương.
Chuẩn bị các tiền đề, cơ sở để thực hiện bước đầu cho định hướng phát triển về hướng Đông, tập trung các điều kiện để phát triển hạ tầng (về: giao thông; khu, cụm công nghiệp; du lịch; phát triển đô thị....); đặc biệt chuẩn bị các điền kiện để khởi công tuyến động lực ven biển giai đoạn 1, Đề án phát triển khu vực kinh tế biển tỉnh Bến Tre. Tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để các nhà đầu tư sớm hoàn thành các dự án điện gió đang triển khai. Các huyện biển lưu ý tổ chức lại sản xuất, gắn với phát triển kinh tế hợp tác, HTX để hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và Chương trình phát triển thủy sản của tỉnh. Huy động nguồn lực chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thực hiện tốt các giải pháp công trình và phi công trình đảm bảo cung cấp nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn. Tích cực kêu gọi đầu tư, thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển đô thị, đôn đốc triển khai các dự án đầu tư khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn đã được phê duyệt; nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, nâng cấp các đô thị đạt chuẩn theo lộ trình; thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”; thu hút đầu tư phát triển mạnh du lịch, cải tạo, phát triển không gian biển gắn với hình thành các khu đô thị thương mại – du lịch biển.
Liên kết để phát triển bền vững
PV: Một trong những yếu tố rất quan trọng cho sự thành công, đó là sự liên kết với các tỉnh ĐBSCL, Bến Tre chắc đã xác định rõ yếu tố này?
Ông Trần Ngọc Tam: Đúng thế. Trước mắt là liên kết với các tỉnh giáp ranh, gồm Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang. Chúng tôi đã triển khai hiệu quả các hoạt động về “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL”. Thời gian tới, Bến Tre sẽ tiếp tục phối hợp với Tiền Giang để triển khai đầu tư tuyến động lực ven biển, nhất là xác định vị trí đấu nối, giải phóng mặt bằng… để sớm triển khai đầu tư xây dựng cầu Bình Thới 1 và cầu Bình Thới 2; cùng tích cực phối hợp với Bộ GTVT để sớm đầu tư thi công công trình cầu Rạch Miễu 2.
Với Trà Vinh, tỉnh sẽ phối hợp để xác định vị trí đấu nối tuyến động lực ven biển giữa, đề xuất Trung ương ưu tiên bổ sung nguồn vốn để sớm đầu tư đoạn tuyến này. Bến Tre cũng sẽ phối hợp với Vĩnh Long đồng kiến nghị với Trung ương đưa công trình cầu Đình Khao (thay thế phà Đình Khao) nối 2 tỉnh vào quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030 và bố trí vốn đầu tư để thi công trong giai đoạn 2026-2030.
Bên cạnh đó, Bến Tre sẽ tiếp tục phối hợp tốt với Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang xây dựng và triển khai kế hoạch kết nối, hợp tác chia sẻ thông tin thị trường lao động, nhu cầu phát triển ngành nghề, nhu cầu sử dụng lao động giữa các tỉnh trong vùng; tổ chức hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ lực của các tỉnh về hoạt động đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho lao động trong khu vực.
Ngoài việc tăng cường liên kết với các tỉnh trong Tiểu vùng để triển khai các hoạt động trong 8 lĩnh vực mà các địa phương đã ký kết, Bến Tre cũng tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong khu vực để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thủy/bộ, logistics, du lịch, năng lượng sạch, chế biến thủy sản, khai thác cảng biển… phục vụ cho phát triển KT-XH nhanh và bền vững của cả ĐBSCL.
Bến Tre cũng sẽ tích cực và chủ động tham gia các hoạt động liên kết Vùng với vai trò là thành viên Hội đồng điều phối vùng, nhằm góp phần cùng với các địa phương phát triển vùng đất “chín rồng” thành khu vực năng động và thịnh vượng trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn ông!
“Con người là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, việc quan trọng đầu tiên là phải quán triệt và nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông nhằm tạo sự nhất trí, đồng thuận, tham gia và hưởng ứng tích cực trong toàn thể cán bộ, công chức, đảng viên và các tầng lớp nhân dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam nhấn mạnh. |