Phát triển hạ tầng giao thông, tạo cơ hội cho đất “chín rồng” cất cánh

Thứ Ba, 15/12/2020, 09:15
Thực hiện Luật Quy hoạch và Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Quy hoạch vùng ĐBSCL 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là Quy hoạch vùng đầu tiên của cả nước được xây dựng nhằm đưa ra các giải pháp tổng thể về quy hoạch, tổ chức không gian, cơ cấu kinh tế, liên kết vùng và huy động nguồn lực để phát triển.

Trong đó, hạ tầng giao thông được xác định là một trong những trụ cột của vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố Quốc phòng - An ninh của khu vực.

Theo TS Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT, trong giai đoạn 2011-2020, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã giành nhiều nguồn lực để hoàn thành đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng và đưa vào khai thác. Cụ thể, hoàn thành một số cầu lớn trên các tuyến quốc lộ (QL), như: Cao Lãnh, Vàm Cống, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Hàm Luông, Mỹ Lợi… rút ngắn, tạo thuận lợi cho các địa phương trong vùng kết nối bằng đường bộ đến Đông Nam Bộ.

Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dự kiến thông xe tạm một chiều trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Từng bước hình thành tuyến đường Hồ Chí Minh (tuyến N2) trong vùng song hành, hỗ trợ cho QL1 (đoạn Cao Lãnh – Vàm Cống, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi); nâng cấp, mở rộng một số tuyến QL. Hoàn thành đầu tư một số tuyến liên kết nội vùng, liên vùng mới, như: Hành lang ven biển phía Nam kết nối Cà Mau với Campuchia; đường Nam Sông Hậu; Quản Lộ - Phụng Hiệp…

Hoàn thành dự án nâng cấp hai tuyến đường thủy TP Hồ Chí Minh - Kiên Giang và TP Hồ Chí Minh - Cà Mau đạt tiêu chuẩn cấp III cho tàu 600 - 800 tấn. Các nút thắt về vận tải thủy nội địa trong vùng bước đầu được tháo gỡ, như: Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo đạt cấp II hạn chế (cho tàu trọng tải 800 - 1.000 tấn); đưa vào khai thác âu Rạch Chanh (tàu trọng tải dưới 1.000 tấn lưu thông), góp phần nâng cao năng lực vận tải thủy của vùng, đảm bảo kết nối giữa các tỉnh, thành châu thổ Cửu Long với TP Hồ Chí Minh để tăng thị phần vận tải, phát huy lợi thế sông nước của vùng. Hoàn thành luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 tấn giảm tải...

Tuy nhiên bên cạnh các kết quả đã đạt được, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL còn nhiều tồn tại, bất cập cần tiếp tục được giải quyết trong giai đoạn 2021-2030 để giao thông không còn những nút thắt, điểm nghẽn ảnh hưởng đến kết nối vùng cũng như phát triển KT-XH.

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm cho khu vực ĐBSCL khoảng 2 tỉ USD để phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, Bộ KH&ĐT sẽ xây dựng dự án hỗ trợ ngân sách địa phương thông qua các nhà tài trợ khoảng 1,05 tỉ USD để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho các tỉnh vùng ĐBSCL và các dự án giao thông quan trọng khác tại khu vực này. Bên cạnh đó, Trung ương sẽ hỗ trợ các dự án có tính chất liên vùng. Bộ đã thống nhất với các địa phương, cần thông qua Hội đồng vùng trước khi trình Chính phủ xem xét.

Theo TS Lê Đỗ Mười, thực hiện Luật Quy hoạch, ngành GTVT đang triển khai xây dựng đồng thời quy hoạch 5 lĩnh vực chuyên ngành đến năm 2030, định hướng đến 2050: đường bộ; đường thủy nội địa; hàng hải, hàng không…

Các quy hoạch này cùng với Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ góp phần hoạch định kết cấu hạ tầng giao thông với vai trò trụ cột giúp châu thổ Cửu Long phát triển một cách bền vững, sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá phát triển của cả nước. Đến nay, các Quy hoạch trên đều đã hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, đang tổng hợp xin ý kiến các địa phương, Bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng phê duyệt với các định hướng phát triển chính trong vùng”.

Theo đó, về đường bộ, từng bước hình thành mạng lưới cao tốc trong vùng với vai trò chiến lược cho phát triển vùng, gồm: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau dài 260km quy mô 4-6 làn xe, trong đó ưu tiên đầu tư đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 23,56km và cầu Mỹ Thuận 2; đoạn Cần Thơ - Sóc Trăng dài 86,3 km; đoạn Sóc Trăng - Cà Mau dài 48,7km. Cao tốc Bắc - Nam phía Tây (tuyến N2) đoạn Chơn Thành - Rạch Sỏi dài 292km quy mô 4 - 6 làn xe, trong đó ưu tiên đầu tư đoạn Chơn Thành - Đức Hòa dài 84km; đoạn Đức Hòa - Mỹ An dài 81km; đoạn Mỹ An - Cao Lãnh dài 23,6km.

Cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 190km quy mô 4 làn xe, trong đó ưu tiên đầu tư đoạn An Hữu - Cao Lãnh dài 30km. Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 215km quy mô 4 làn xe, trong đó ưu tiên đầu tư đoạn Cần Thơ - Long Xuyên dài 64km. Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 205km quy mô 4 làn xe, trong đó ưu tiên đầu tư đoạn Hà Tiên - Rạch Giá dài 100km.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh dài 104km, quy mô 4 làn xe. Ngoài ra, tiếp tục triển khai đầu tư các cầu lớn vượt sông, như: cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2 cũng như nâng cấp, cải tạo nâng cao năng lực khai thác các tuyến QL trong vùng gồm: QL1, QL30, QL53, QL54, QL61, QL62, QL63, QL91C, N1...

Hoàn thành, đưa vào khai thác các công trình trọng điểm như: Kênh Chợ Gạo (giai đoạn II), kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền... Tập trung giải quyết vấn đề tĩnh không cầu không đảm bảo, nâng cao năng lực luồng vận tải thủy, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải; giảm tắc nghẽn trên các tuyến đường thủy chính; giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến thị trường tiêu dùng.

Triển khai dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới. Cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa như các tuyến TP Hồ Chí Minh đi Kiên Lương, TP Hồ Chí Minh đi Cà Mau, TP Hồ Chí Minh đi Bến Kéo, Bến Súc... Tiếp tục nâng cấp (luồng sông Hậu giai đoạn 2), cải tạo, duy trì hệ thống luồng hàng hải đảm bảo hoạt động ổn định và phù hợp với năng lực khai thác của hệ thống cảng biển trong Vùng (cửa Tiểu, Trần Đề).

Kêu gọi đầu tư để sớm hình thành một cảng biển cửa ngõ cho tàu có trọng tải đến 100.000 tấn và trên 100.000 tấn, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp của khu vực ĐBSCL. Kết hợp với đường thủy nội địa để tổ chức khai thác hiệu quả, hình thành các tuyến vận tải container kết nối khu vực ĐBSCL với các cảng biển khu vực Đông Nam Bộ (Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải).

Triển khai đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, xây dựng đường cất hạ cánh số 2 của sân bay Phú Quốc để nâng công suất nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách ngày càng tăng cao. Tăng cường khai thác các tuyến bay Tân Sơn Nhất - Rạch Giá và Tân Sơn Nhất - Cà Mau; nghiên cứu cơ chế chính sách để khuyến khích các hãng hàng không mở thêm nhiều đường bay mới kết nối Cần Thơ với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, hỗ trợ giảm tải cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất...

Đức Văn
.
.
.