Rừng nguyên sinh tan nát bởi khu du lịch "ma"

Thứ Ba, 27/09/2016, 08:58
Khu du lịch sinh thái dã ngoại rộng hàng trăm hecta giữa vùng rừng nguyên sinh giáp ranh hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông bỗng trở thành nơi sản xuất nông nghiệp. Người dân địa phương vẫn quen gọi đây là dự án khu du lịch “ma”.

Lối mòn độc đạo dẫn vào Khu du lịch sinh thái dã ngoại của Công ty cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam (Công ty Phương Nam) tại tiểu khu 252 và 287, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bị chặn lại bởi con đường xuyên rừng ngập ngụa sình lầy giữa mùa mưa. K.L. (36 tuổi), người dân độc Kho, ngụ xã Đạ Knàng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) ra hiệu cho chúng tôi tấp xe gắn máy giấu vào một bụi rậm gần con đường mòn.

Sau vài phút cải trang quần áo lại cho thật giống người dân bản địa đi bẫy thú đêm, chúng tôi bắt đầu hành trình đi bộ băng rừng với chiều dài hơn 3km trong cơn mưa rả rích, ướt át. 17 giờ chiều nhưng rừng núi đã tối om.

Khu du lịch sinh thái bị biến thành vùng sản xuất nông nghiệp giữa rừng.

Con đường độc đạo vào khu du lịch có nhiều chỗ bùn sình ngập tới đầu gốc. Dọc đường di, thỉnh thoảng lại bắt gặp những tốp người Kinh, Dao, Kho từ trong rừng lầm lũi đi ra. K.L giải thích, dù đây là rừng nguyên sinh, cấm vào sản xuất nông nghiệp nhưng thực tế thì cả trăm hecta đất mà UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty Phương Nam lập khu du lịch dã ngoại đã bị phân lô, chia thửa cho hàng chục hộ canh tác nông nghiệp. Đã nhiều năm qua, không có một bóng du khách nào lọt được vào khu du lịch này.

Khoảng 18h30, K.L. đưa chúng tôi tiếp cận Khu du lịch sinh thái dã ngoại của Công ty Phương Nam. Những gì mà chúng tôi chứng kiến không có dấu hiệu nào cho thấy đây là một khu du lịch sinh thái dã ngoại.

Chính xác hơn, đó là vùng canh tác nông nghiệp rộng lớn được bao bọc bởi những cánh rừng rậm rạp, giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông. Nhiều diện tích rừng vẫn đang bị cơi nới, lấn chiếm. Hàng chục hecta cà phê, mít, đậu, ngô… đã đến thời kỳ cho thu hoạch cùng những căn nhà lọt thỏm giữa núi rừng. Tiếng chó sủa vang, tiếng gà vịt kêu, tiếng người í ới… đó là những thanh âm chúng tôi ghi nhận ở vùng sản xuất nông nghiệp được gắn mác khu du lịch sinh thái dã ngoại. K.L. than thở:  “Chẳng mấy chốc nữa lại một cái làng mọc lên giữa rừng này thôi!...”.

K.L. kể, trước đây vùng đất này là làng cũ của người đồng bào Kho. Thực hiện kêu gọi của Nhà nước, người dân đã chuyển ra khỏi rừng và sinh sống tại thôn Păng Pá, xã Đạ Knàng, huyện Đam Rông bây giờ. Sau đó tỉnh Lâm Đồng giao vùng đất trên cho Công ty Phương Nam thực hiện dự án du lịch sinh thái dã ngoại, kết hợp với trồng rừng và chăn nuôi dưới tán rừng. Tuy nhiên, không hiểu sao dự án du lịch  này nhanh chóng bị biến thành vùng sản suất nông nghiệp.

Chúng tôi băng qua con suối nhỏ sang bên kia quả đồi, dưới ánh sáng cuối cùng lờ mờ còn sót lại trong ngày, không mấy khó khăn để nhận ra dưới mặt đất của dự án du lịch sinh thái dã ngoại đã được trồng kín cà phê, cây ăn quả hoặc các loại hoa màu khác. K.L. cho biết, hồi Công ty Phương Nam mới lập khu du lịch, thỉnh thoảng họ có chở khách vào nhưng chỉ được thời gian ngắn. 5-6 năm nay không thấy có khách nào lọt được vào đây.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, năm 2006, Công ty Phương Nam được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất thực hiện dự án Quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng kết hợp với chăn nuôi dưới tán rừng với diện tích 304ha tại tiểu khu 252 và 287, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà.

Tuy nhiên, tháng 10-2014, do đơn vị này triển khai dự án không đúng tiến độ, để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn nên UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 164ha, giao diện tích đất thu hồi cho Ban Quản lý rừng Lán Tranh quản lý. Theo tìm hiểu PV, diện tích được tỉnh Lâm Đồng thu hồi giao cho Ban quản lý rừng Lán Tranh quản lý hiện nay tiếp tục bị người dân vào lấn chiếm, sản xuất nông nghiệp.

Lý giải việc biến khu du lịch sinh thái thành vùng sản xuất nông nghiệp giữa rừng, ông Nguyễn Đức Phúc, Giám đốc Công ty Phương Nam cho biết, vào năm 2013, công ty của ông đã hợp đồng liên kết trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, sản xuất trên đất lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi bò với HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bình Thạnh, huyện Đức Trọng.

Tuy nhiên, sau đó HTX Bình Thạnh đã cho hàng chục xã viên vào sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất lấn chiếm để trồng cà phê, hoa màu khác tại khu du lịch này đã lên tới khoảng 40ha và đang tiếp tục được mở rộng. Nhiều xã viên của HTX Bình Thạnh được giao đất trồng rừng nhưng lại trồng cà phê sau đó đã chuyển nhượng lại cho người khác.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Hội, Giám đốc HTX Bình Thạnh lại cho rằng, khi giao kết hợp đồng trồng rừng với Công ty Phương Nam, theo thỏa thuận Công ty Phương Nam phải cung cấp cây giống để trồng rừng nhưng đơn vị này không nghiêm túc thực hiện. Ông Hội thừa nhận hiện nay có gần 20 hộ đang canh tác nông nghiệp, trồng cà phê, bắp, đậu… trên diện tích gần 40ha. Có 80% hộ được HTX giao khoán nhận đất trồng rừng đã chuyển nhượng lại cho người khác.

Ông Hội cũng cho biết, trong số hoa màu bị trồng tại khu du lịch này có khoảng 7-8ha mít, cà phê là của Công ty Phương Nam. Ông Hội lý giải nguyên nhân người dân trồng cà phê trên đất dự án trồng rừng là do trong hợp đồng liên kết trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng với Công ty Phương Nam và HTX Bình Thạnh, có nội dung thỏa thuận được trồng cà phê hoặc cây hoa màu ngắn ngày.

Trong lúc các bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau, chính quyền chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm thì hàng trăm hecta đất rừng nguyên sinh tại vùng giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông tiếp tục bị người dân kéo tới ngang nhiên lấn chiếm trồng cà phê, hoa màu gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng.
Kim Ngân
.
.
.