Những “hạt sạn” ở lễ hội chùa Hương

Thứ Hai, 13/02/2017, 09:15
Thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã có những đổi thay đáng kể. Du khách đến với chùa Hương đã cảm thấy an tâm hơn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo CAND, tại khu vực diễn ra lễ hội chùa Hương vẫn còn những hình ảnh phản cảm.


Mùa lễ hội chùa Hương năm nay, khi đến các điểm di tích, đền, chùa thuộc quần thể di tích chùa Hương như: đền Trình, chùa Thiên Trù, động Hương Tích, du khách dễ dàng thấy những tấm biển gắn nội dung “cấm đổi tiền lẻ ở khu vực lễ hội”.

9h15, ngày 11-2, ngay từ lối vào đền Trình, chúng tôi chứng kiến 3-4 tấm biển mang nội dung cảnh báo, nghiêm cấm đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch trái quy định được dựng tại các khoảng sân trống. So với những năm trước, tình trạng một số “đầu nậu” cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ đã không còn công khai, ngang nhiên. Thay vào đó là cảnh giao dịch lén lút, chớp nhoáng nhằm “né” lực lượng chức năng.

9h30, khi thấy chúng tôi tiến vào đền Trình, chị chủ bán đồ lễ, vàng mã vận áo đỏ đon đả mời chào: “Các em có đổi tiền lẻ không?”. Chúng tôi hỏi: “Mấy ăn mấy?”. Nghe vậy, chị chủ liền dẫn chúng tôi lại sạp kinh doanh của mình. “Loại tiền mệnh giá 1 ngàn đồng (không nối tiếp sêri), bỏ 120 ngàn đồng “ăn” 100 ngàn đồng. Còn với loại tiền mệnh giá 2 ngàn đồng mới, bỏ 250 ngàn đồng “ăn” 200 ngàn đồng”.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ trước lời quảng cáo về loại tiền có mệnh giá 2 ngàn đồng mới, chị chủ liền lôi từ trong kệ chiếc bàn ra một cọc gồm nhiều tập tiền mới có số sêri nối tiếp nhau (loại tiền có mệnh giá 2 ngàn đồng) để chứng minh. Vừa giao dịch với chúng tôi, chị chủ vừa đảo mắt xung quanh như thể lo ngại một điều gì đó.

Đồ chơi bạo lực bày bán công khai ở lối dẫn vào động Hương Tích (quần thể di tích chùa Hương).

Không chỉ có chị chủ trên, tại khu vực đền Trình, qua tìm hiểu, chúng tôi được hay, dù không công khai cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch như trước, song số “đầu nậu” hoạt động, mời chào đổi tiền lẻ ở đây vẫn còn xuất hiện. 

Chị chủ cơ sở cung cấp dịch vụ đò, viết sớ, bán đồ vàng mã L.H. ở đây cho biết, do tiền lẻ mới khan hiếm, nên khách phải bỏ 10 “ăn” 7 tiền mới có mệnh giá 1 ngàn đồng (bỏ 100 ngàn đồng sẽ đổi được 70 ngàn đồng loại tiền có mệnh giá 1 ngàn đồng – pv). Bên cạnh đó, do Ban Tổ chức mùa lễ hội năm nay làm gắt, do vậy, những “đầu nậu” cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ như chị phải luôn… cẩn trọng.

Cùng với tình trạng đổi tiền lẻ, hưởng chênh lệch không đúng quy định, khi khảo sát trên dọc tuyến đường từ chùa Thiên Trù lên đến động Hương Tích (thuộc quần thể di tích chùa Hương) vào chiều 11-2, chúng tôi còn thấy lo ngại hơn khi nhiều chủ sạp bán đồ chơi, đồ lưu niệm, vì tư lợi đã không ngại bày bán các sản phẩm đồ chơi bạo lực.

Ngay tại lối dẫn vào động Hương Tích, có 2-3 sạp bán đồ lưu niệm như chưa hề biết đến quy định cấm, xử phạt về hành vi mua bán, vận chuyển các sản phẩm đồ chơi bạo lực, thản nhiên rao bán các loại súng đồ chơi bắn đạn nhựa.

Các chủ sạp ở đây cho biết, loại súng đồ chơi bắn đạn nhựa có kiểu dáng giống súng Colt xoay quân dụng có giá 100 ngàn đồng/khẩu, 230 ngàn đồng/khẩu đối với loại súng đồ chơi có kiểu dáng giống súng máy tiểu liên quân dụng. Đáng chú ý, để sở hữu khẩu súng bắn đạn nhựa có kiểu dáng không khác xa là mấy so với loại súng AK quân dụng, khách hàng phải chi số tiền là 180 ngàn đồng.

Cùng với việc rao bán các loại súng đồ chơi bạo lực trên là hàng loạt lời giới thiệu đáng lo ngại về sản phẩm. Nào là súng bắn đạn nhựa có thể làm thâm tím người đứng đối diện; có thể làm cho một số con vật như: chuột, gà… bị “hạ gục” v.v… Có lẽ cũng chính bởi những lời quảng cáo “có cánh” từ chủ sạp kinh doanh cũng như không lường trước được những hệ lụy đi kèm, mà nhiều du khách sau khi đến với lễ hội chùa Hương ra về, trên tay đã lăm lăm khẩu súng đồ chơi bạo lực mua được trước đó.

Thêm một “hạt sạn” không thể không nhắc tới là hiện tượng “cò mồi” vẫn còn tồn tại dọc đường vào chùa Hương. Giá vé đi đò và phí tham quan đã được quy định và niêm yết. Năm nay giá vé đã tăng lên 130.000 đồng/vé/người (gồm phí đò và phí tham quan) trong  khi năm trước giá vé chỉ 85.000 đồng/vé/ngày.

Từ đoạn đường gần Tế Tiêu dù còn tới gần 20km nữa mới đến chùa Hương đã có người đi xe máy bám theo các đoàn khách trên suốt đoạn đường đến chùa, tìm cách dẫn dụ, thuyết phục để du khách đi đò nhà mình, càng gần bến đò thì lại càng nhiều “cò đò” bám theo gây cảm giác rất khó chịu cho du khách.

Đi theo một “cò đò” đưa khách xuống bến, sau khi nói giá vé người này đòi thay cho lái đò thêm 200.000 đồng cho 2 lượt đi đò vào và ra. Khi thấy đoàn khách phản đối về việc thu thêm tiền ngoài giá vé nhà nước và đòi xuống thuyền, lúc này nhân vật “cò” liền đổi giọng và nói tiền này là để bồi dưỡng cho người lái đò và là tùy tâm của khách chứ không liên quan đến mình. Trên suốt đoạn đường đi và về, người lái đò cũng liên tục nhắc về việc bồi dưỡng thêm tiền cho mình, gây phiền nhiễu đến khách ngồi thuyền.

Chị Hiền (quê Phú Thọ) bức xúc nói: “Đoàn chúng tôi đi có 6 người, tiền vé tất cả là 780.000 đồng, thấy ông lái đò cứ xin mãi, thôi thì cái tâm đi chùa chúng tôi đưa cả 900.000 đồng, ai ngờ ông ý bảo đưa cả 1.000.000 đồng cho tròn, tôi thật sự rất khó chịu vì mấy kiểu như thế này”.

Mùa lễ hội chùa Hương còn dài, để những “hạt sạn” trên không còn, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nêu trên.

Diễm Lệ - Kim Khánh
.
.
.