"Ông chủ trẻ" vườn rau sạch hữu cơ Nhật Bản

Thứ Bảy, 11/02/2017, 07:54
Anh Nguyễn Thế Anh (32 tuổi, ngụ khu Trưng Vương, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), hiện đang sở hữu vườn rau với hàng chục loại giống rau mới của Nhật Bản cho năng suất, chất lượng cao vượt trội so với nhiều loại rau truyền thống.

Tốt nghiệp ngành Kinh tế Trường ĐH Tài chính – Marketing (TP Hồ Chí Minh), Thế Anh không lựa chọn lĩnh vực đã được học để lập nghiệp mà quay về quê nhà làm nông. Khi đã lập gia đình, chuyển từ Đà Lạt về thị trấn Nam Ban sinh sống, Thế Anh quyết định từ bỏ nghề trồng hoa, chuyển sang làm rau sạch theo phương pháp hữu cơ.

“Đến với nghề trồng rau, tôi nghĩ mình muốn thành công, xây dựng được chỗ đứng và thương hiệu, nhất là cải thiện được chất lượng sản phẩm thì cần phải có hướng đi mới lạ. Tôi bắt đầu từ những giống mới được nhập trực tiếp từ Nhật Bản, cho năng suất, chất lượng cao…” - Thế Anh chia sẻ.

Thế Anh bên luống rau cải trắng ruột đỏ giống Nhật.

Vậy là đầu năm 2016, Thế Anh bắt đầu nhập hàng chục loại hạt giống rau từ Nhật Bản như: cải thảo pokachoi, bó xôi gân đỏ, xà lách hoa hồng, xà lách măng tây, cải sakurajima, cải đĩa tatsoi, củ cải trắng ruột hồng… về trồng thử nghiệm trong nhà kính để lựa chọn các loại rau, củ, quả phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của vùng đất Nam Ban. Đây là bước đầu tiên, khởi đầu cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của Thế Anh.

Nhà vườn trẻ này cho biết, trải qua rất nhiều khó khăn và từng thất bại trong nhiều loại giống rau, nếu không có lòng nhiệt huyết và đam mê thì rất khó tiếp tục công việc làm nông theo hướng đi mới lạ mà anh đã lựa chọn.

Đến nay, sau một năm dấn thân vào nghề nông, trải qua nhiều thất bại, Thế Anh đã làm chủ được kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, hàng chục giống rau, củ, quả, là những loại giống mới, lạ, tất cả đều có xuất xứ từ Nhật Bản. Thế Anh cũng đã bắt đầu trồng rau thương phẩm cung cấp cho các nhà hàng Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam.

Thế Anh cho biết, là người tiên phong trong các loại giống rau mới, lạ nên anh gặp không ít khó khăn, phải vừa làm, vừa thử nghiệm, ghi chép…; đồng thời, cũng trong khoảng thời gian này anh phải tìm cách lo đầu ra cho sản phẩm của mình.

Theo Thế Anh: “Để thay đổi thói quen lựa chọn thực phẩm ăn uống của người tiêu dùng là rất khó, nhất là những giống rau mới, lạ và thường có giá cao hơn các loại rau truyền thống. Hiện tôi đã có những nhà hàng, trong đó có những nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn của Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam nhận bao tiêu sản phẩm và đang tiếp tục mở rộng thị trường”.

Anh đang trồng hàng chục loại rau giống mới của Nhật Bản theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân, thuốc hóa học. Các loại sâu bệnh gây hại trên cây trồng đều được xử lý bằng thiên địch và dùng tay để tiêu diệt. Giá bán các loại rau giống mới này dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg.

Theo anh Thế Anh, qua thực tế kiểm định từ máy móc, tất cả các loại rau, củ, quả giống mới được anh nhập từ Nhật Bản về đều có hàm lượng chất dinh dưỡng và năng suất cao hơn các loại rau truyền thống.

Do gieo trồng theo phương pháp hữu cơ nên người tiêu dùng không phải lo tới chất lượng các loại rau và an toàn vệ sinh thực phẩm. Để chứng minh sự trong sạch của các loại rau, Thế Anh bước ra luống rau vạch lá, tìm bắt sâu và thu hoạch sản phẩm ăn sống tại chỗ. 

Anh cho biết, sẵn sàng liên kết hợp tác, chuyển giao kỹ thuật gieo trồng các loại rau, củ, quả giống mới của Nhật Bản cho những ai có nhu cầu. Nhà nông trẻ này cũng đánh giá, trong tương lai gần, các giống rau mới của Nhật Bản mà anh đang gieo trồng hiện nay sẽ được trồng phổ biến tại Đà Lạt, vì so với rau truyền thống, các giống rau này cho năng suất, chất lượng cao hơn rất nhiều.

Kim Ngân
.
.
.