Nỗi lo cháy nổ ở trung tâm đồng nát Văn Môn
- Những nguyên nhân chủ yếu gây cháy nổ
- Ẩn họa cháy, nổ từ các xưởng sản xuất trong khu dân cư
- Những nguy cơ có thể làm ô tô cháy nổ
Một năm rưỡi sau ngày xảy ra vụ nổ kho đầu đạn kinh hoàng làm 2 trẻ em tử vong, 8 người bị thương, nỗi đau chưa thể nguôi ngoai dù công việc vẫn diễn ra hàng ngày. Nhưng nỗi lo cháy nổ, ô nhiễm không khí vẫn cận kề ở ngôi làng “tỷ phú đồng nát”, đe doạ sức khoẻ và tính mạng người dân nơi đây.
Cách đây 1 năm rưỡi, vào ngày 3-1-2018, sau khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng chấn động dư luận, chúng tôi về Văn Môn trong không khí tang thương bao trùm.
Lúc đó, cả làng hoang mang sau cái chết thương tâm của 2 cháu bé và 8 người bị thương. Công an Bắc Ninh vừa khám nghiệm, điều tra vừa phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và lực lượng chức năng thu gom hàng xe tải đầu đạn vương vãi từ trong nhà dân, ngoài ngõ xóm. Dẫu vậy, nhưng cuộc sống mưu sinh đã khiến những người dân ở đây tiếp tục công việc của mình qua thu mua đồng nát, phế liệu.
Cảnh tan hoang sau khi vụ nổ xảy ra. |
Cũng như lần trước, ghi nhận của chúng tôi trong lần về Văn Môn lần này vẫn là sự tấp nập mua bán, ồn ào âm thanh và ô nhiễm môi trường. Dọc các con đường vào làng, trước cửa, trong sân và thậm chí cả trong các gian nhà, từng bao tải phế thải chất đầy, người dân nhộn nhịp bốc hàng, trả hàng, xe tải ra vào nườm nượp...
Văn Môn có 3.000 hộ dân, thì có tới 80% hộ kinh doanh, buôn bán. Cả xã có trên 500 hộ làm nghề thu gom, buôn bán phế liệu và cô đúc nhôm. Nghề kinh doanh phế liệu đã đem lại thu nhập tốt cho người dân nơi đây, rất nhiều nhà xây như biệt thự, có ôtô con, xe tải hàng ngày ra vào Văn Môn nườm nượp để xuất, nhập hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Gia, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết, sau vụ nổ, thống kê có 217 hộ gia đình bị thiệt hại. UBND huyện Yên Phong đã ra quyết định hỗ trợ với số tiền khoảng 420 triệu đồng. Riêng hộ anh Nguyễn Văn Lợi và Đặng Đình Tiến, xã đã lập hồ sơ xác nhận hộ nghèo.
Gia đình chủ kho đầu đạn phát nổ cũng hỗ trợ cho tất cả các nhà bị thiệt hại theo thống kê của UBND xã. “Hiện anh Tiến đã quay về xây được căn nhà cấp 4 ở nơi ở cũ, và đang đợi tiền hỗ trợ hộ nghèo để gây dựng lại cơ sở sản xuất”, ông Gia cho hay.
Ông Gia cho biết, sau vụ nổ, lực lượng chức năng đã rà soát toàn bộ các hộ gia đình kinh doanh phế liệu ở đây để tìm kiếm vật liệu nổ còn sót lại. Tháng đầu sau vụ nổ, thi thoảng lực lượng chức năng xã đi kiểm tra thực tế, vẫn phát hiện một số túi đầu đạn, vật liệu nổ được người dân lén vứt ra rìa đường, hội trường thôn.
Ông Gia cho rằng, mặc dù lực lượng Cảnh sát PCCC đã tập huấn cho Công an xã và hướng dẫn người dân thường xuyên nhưng Quan Độ vẫn như “quả bom” phập phồng nỗi lo cháy nổ vì các hộ làm nghề nằm chung trong khu dân cư, làm tại nhà.
Trong khi đó xã chưa có hồ chứa nước PCCC. Quỹ đất dành cho xây hồ chưa có nên dù đã có kiến nghị xây hồ chứa nước nhưng cũng chưa được xem xét. Công an xã được trang bị dụng cụ và phương tiện PCCC tại chỗ là những bình bọt, nhưng sẽ không ăn thua khi có cháy nổ xảy ra.
Ngoài nỗi lo cháy nổ, ô nhiễm môi trường nước, không khí cũng là điều vị Phó chủ tịch xã lo lắng. Nhìn qua cánh cửa ánh nắng xiên vào lộ rõ những quầng bụi trắng, vàng quẩn đặc trong không khí, ông Gia bảo, nhiệt độ ở Quan Độ bao giờ cũng chênh so với nhiệt độ của dự báo thời tiết tới 4-5 độ, bởi các lò đốt, máy cán... hoạt động đêm ngày.
Từ không khí, nguồn nước ở đây đều ô nhiễm nghiêm trọng và đây cũng là lý do khiến Văn Môn chưa thể về đích nông thôn mới.