Nỗi lo an toàn đê điều mùa mưa bão

Thứ Sáu, 17/06/2016, 12:00
Mùa mưa bão 2016 đang cận kề, thế nhưng tình trạng vi phạm hành lang an toàn đê điều trên địa bàn TP Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Trước những vi phạm trên một số tuyến đê xung yếu, các cơ quan chức năng cần chung tay nhập cuộc, sớm xử lý dứt điểm các vi phạm, tránh “mất bò mới lo làm chuồng”. PV Báo CAND đã ghi nhận thực tế về vấn đề này.


Bài 1: Vi phạm “bủa vây” nhiều tuyến đê xung yếu

Với hơn 626km đường đê, hệ thống đê điều của TP Hà Nội đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng chống lũ bão, đảm bảo an toàn đời sống kinh tế của người dân khi mùa mưa bão diễn ra. Nhưng thực tế hiện cho thấy, trên nhiều tuyến đê xung yếu, vi phạm vẫn “bủa vây”. Nỗi lo về sự mất an toàn đê điều luôn hiện hữu, nhất là kể từ tháng 6 đến tháng 10 là mùa mưa bão trong năm.

Lều bạt, lâm sản “tấn công” đê điều

Đánh giá của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (PCLB) Hà Nội, TP Hà Nội hiện có 626,1km đường đê. Trong đó có 37,7km đê cấp đặc biệt; 249,1km đê cấp I; 45km đê cấp II; 72,1km đê cấp III; 160km đê cấp IV và 62km đê cấp V. Ngoài ra, còn có 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài 132,84km chưa được phân cấp và các tuyến đê nội đồng chống úng ngập. Số lượng công trình bảo vệ dọc các tuyến đê khá quy mô với 151 kè lát mái, 193 cống qua đê, 366 điếm canh đê, 235 cửa khẩu… 

Về cơ bản, trong mùa mưa bão năm nay, Hà Nội đã đảm bảo chống lũ theo thiết kế. Những con số trên cho thấy, hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố đóng vai trò rất quan trọng trong phòng chống lụt bão, nhất là vào thời điểm mưa bão. Vai trò, vị trí quan trọng là thế, nhưng khi khảo sát thực tế, chúng tôi không khỏi lo ngại trước những vi phạm về an toàn đê điều đang tồn tại khá phức tạp tại một số tuyến đê.

Tập kết lâm sản, dựng lều tạm ngay dưới chân đê sông Hồng – đoạn thuộc xã Liên Trung (ảnh chụp sáng 14-6).

Sáng 14-6, chúng tôi có mặt trên tuyến đê sông Hồng xung yếu đi qua địa phận xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, chúng tôi giật mình trước tình trạng nhiều người dân thiếu ý thức, thản nhiên tập kết vật liệu xây dựng (gạch, đá, cát…), sản phẩm lâm sản (gỗ, tre, nứa) trên mặt, dưới chân đê. Tại vị trí dưới chân đê thuộc khu vực Đội 3 – xã Liên Trung, một số hộ dân còn dựng lều tạm với mục đích phục vụ việc sơ chế lâm sản. 

Đứng triền con đê này quan sát, chúng tôi thấy vị trí mà một số người dân dựng lều tạm nằm cách không xa dòng sông Hồng bên dưới. Việc đóng cọc tre, dựng lều tạm trên không chỉ vi phạm các quy định về đảm bảo hành lang an toàn đê điều mà còn khiến vùng đất dưới chân đê này bị ảnh hưởng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi mùa mưa bão đến gần.

Trên dọc tuyến đê Hữu Hồng, Vân Cốc, đoạn đi qua địa phận các xã Hồng Hà, Trung Châu… (Đan Phượng), chúng tôi cũng bắt gặp một số xe tải chạy băng băng trên mặt đê. Một số vị trí mặt đê xuất hiện hiện tượng lõm, lún. Những vi phạm đang “bủa vây” một số tuyến đê trọng yếu thuộc địa bàn huyện Đan Phượng đã đặt mối lo không của riêng ai. Điều đáng nói, theo đánh giá của UBND huyện Đan Phượng cho thấy, qua kiểm tra thống kê tại các xã, thị trấn vẫn còn một số trường hợp vi phạm về an toàn đê điều đã tồn tại từ trước năm 2010.

Còn nương tay với vi phạm

Trở lại câu chuyện về tuyến đê sông Hồng đi qua địa phận xã Liên Trung, trao đổi với PV Báo CAND, ông Hoàng Anh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận rằng, hiện có một số hộ dân tận dụng diện tích trên mái đê, chân đê làm nơi phơi các sản phẩm lâm sản (tre nứa, gỗ…). Việc dựng lều tạm của bà con bên ngoài đê nhằm tạo chỗ che mưa, che nắng cho các sản phẩm lâm sản. Nguyên nhân của những vi phạm này là do các hộ dân thiếu mặt bằng để tập kết vật liệu sản xuất. 

Trước những vi phạm trên, UBND xã cũng đã lập biên bản, tổ chức ký cam kết đối với 47 trường hợp vi phạm. Trong số này, đã có nhiều trường hợp chấp hành, còn đối với những trường hợp cố tình vi phạm, tới đây, UBND xã sẽ tổ chức xử lý, không để tái diễn vi phạm. 

Thực tế cho thấy, tại một số địa phương, người dân còn có tư tưởng chủ quan trước tác động của lũ bão, nên phớt lờ các quy định pháp luật, xâm hại hành lang an toàn đê điều. 

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội thì các huyện, quận như: Ứng Hòa, Ba Vì, Đan Phượng, Phúc Thọ, Gia Lâm, Long Biên… là những địa bàn có tình trạng vi phạm hành lang an toàn đê điều khá phức tạp. Dựng lều án, nhà tạm, tập kết vật liệu xây dựng… là những vi phạm chủ yếu đang “bủa vây” trên một số tuyến đê trọng yếu đi qua các địa bàn trên. Những vi phạm dạng này sẽ gián tiếp làm thay đổi dòng chảy, làm ảnh hưởng độ bền của chân đê, mái đê v.v…

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết, huyện có hơn 35km đường đê xung yếu (cấp I, II, III) đi qua địa bàn như đê: Vân Cốc, Liên Trì, Hữu Hồng, Tiên Tân… nên công tác phòng chống lụt bão, phòng ngừa vi phạm hành lang an toàn đê điều luôn được UBND huyện chú trọng. Và tới đây, UBND huyện sẽ thành lập các đoàn công tác mở cao điểm tuyên truyền, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm (lấn chiếm, tập kết vật liệu xây dựng trái phép… trong hành lang an toàn đê điều). Dự kiến thời gian tổ chức xử lý giải tỏa các vi phạm sẽ chia thành 2 đợt kéo dài đến hết ngày 30-7. 

Rõ ràng, việc vào cuộc xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, nhất là vào thời điểm hiện tại đang bắt đầu vào mùa mưa bão (từ tháng 6 đến tháng 10) cần được các cơ quan chức năng của thành phố, trong đó có chính quyền sở tại sớm triển khai tránh để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.

Theo Điều 7, Luật Đê điều 2006: phá hoại đê điều; xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt; khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác; phá hoại cây chắn sóng bảo vệ đê, trừ trường hợp khai thác cây chắn sóng quy định tại khoản 2, Điều 29 của Luật này; sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê… là các hành vi bị nghiêm cấm.

Ông Hoàng Anh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Trung kiến nghị: Tới đây, bên cạnh việc quy hoạch có tính tổng thể các bến tập kết nguyên, vật liệu xây dựng, thành phố cũng nên nghiên cứu và mở rộng thêm diện tích các khu, cụm làng nghề đối với các địa bàn có hệ thống đê điều đi qua và có làng nghề phát triển. Qua đó, góp phần đẩy lùi các vi phạm liên quan đến hành lang an toàn đê điều.

Trần Huy
.
.
.