Niềm tin mãnh liệt từ… “đại công trường”

Thứ Tư, 28/04/2021, 18:07
Khát vọng đánh thức nhiều tiềm năng “còn ngủ” ở hướng Đông thật ra đã định hình từ lâu tại nhiều tỉnh thành có biển nhưng nay mới có điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trỗi dậy mạnh mẽ. Ở xứ Dừa Bến Tre – vùng đất anh hùng từng mất mát, hy sinh nhiều máu xương để góp phần vào độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, chưa khi nào khát vọng ấy được thể hiện đậm nét như hôm nay. 

Kế thừa khí thế hừng hực “đi như nước lũ tràn về” từ thế hệ cha anh hơn nửa thế kỷ trước, công cuộc “Đồng Khởi mới” và đặc biệt là chủ trương vừa kể đang tựa làn gió mới lan tỏa khắp 3 dãy cù lao trù phú. Sự thịnh vượng, giàu có không chỉ là thước đo, mà còn là đích đến của sự quyết tâm đột phá. Hướng Đông của xứ Dừa đang khởi động như một “đại công trường” mà ở đó, niềm tin, khát vọng đang bừng lên mãnh liệt...

Rực sáng, giàu lên từ biển

Bí thư Huyện ủy– Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cho biết, hiện nhà đầu tư đang triển khai hai dự án điện gió tại xã Thừa Đức và Thới Thuận. “Địa phương đang tiếp tục kêu gọi đầu tư, hỗ trợ để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ với các dự án vừa kể”, ông Dũng thông tin thêm với PV Báo CAND.

Kỳ vọng từ nguồn năng lượng “trời cho” đang hiện diện mạnh mẽ trên “đại công trường” bờ biển của xứ Dừa. Hôm cùng ra bờ biển Bảo Thuận, hướng mắt chúng tôi về phía công trường dự án Nhà máy điện gió số 7 đang sôi động, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Tri Bùi Thành Dương cho biết, nếu không bị ảnh hưởng COVID-19, dự án này sẽ vận hành trong quý II/2021.

Trên bờ biển của huyện Thạnh Phú, dự án Nhà máy điện gió số 5 cũng đang ở công đoạn về đích. Bí thư Huyện ủy Lê Văn Khê cho biết, trên địa bàn huyện có 7 vị trí được chủ trương đầu tư điện gió với tổng vốn đầu tư trên 12.070 tỷ đồng, 185 trụ tua-bin, tổng công suất 422,7MW. Thạnh Phú hiện còn có 2 dự án khác đang được triển khai. “Ngày trước, các thế hệ cha anh đã dựa vào biển để mở đường vận chuyển vũ khí từ Bắc vào, tiếp sức cho miền Nam đánh giặc. Nay, mình bám biển để quê hương thêm khấm khá”, lãnh đạo huyện Thạnh Phú bộc bạch. Mục tiêu hình thành trung tâm năng lượng sạch của tỉnh tại Thạnh Phú đến năm 2030 hoàn toàn khả thi.

Từ nhiều năm qua, Bến Tre đã là tâm điểm chú ý bởi thu hút nhiều dự án năng lượng tái tạo. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tiềm năng phát triển điện gió vùng đất liền và bãi bồi ven biển của tỉnh rộng gần 40.000ha, quy mô công suất 1.520 MW. Đến 2020, Bến Tre đã được phê duyệt 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 179,7MW. Trên bờ biển dài hơn 65km hiện tựa như một “đại công trường”. Đến nay đã có thêm 828MW mới được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào quy hoạch đối với 13 dự án, lũy kế đạt 66,3% tổng công suất dự kiến phát triển theo quy hoạch đến 2030. 

Ngày mới trên công trường. Ảnh: Thanh Cường.

Tổng công suất các dự án điện gió đang chờ xem xét bổ sung quy hoạch đạt 5.370 MW. Một số nhà đầu tư khác đang trong quá trình khảo sát, lập hồ sơ với quy mô hơn 1.000 MW. Bên cạnh đó, Bến Tre đã cho chủ trương nhiều nhà đầu tư tham gia khảo sát đầu tư dự án điện khí LNG trên 3 huyện biển. “Xứ Dừa kỳ vọng, những công trình năng lượng sạch sẽ góp phần tạo nên một diện mạo mới từ hướng biển. Đấy cũng là minh chứng sinh động từ quyết sách kịp thời, đúng đắn của cuộc “Đồng Khởi mới”, giúp tỉnh tăng thu và góp phần rất lớn vào an ninh năng lượng quốc gia”, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết.

Trên ba dãy cù lao của xứ Dừa, đi về hướng biển những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi còn rất ngạc nhiên trước nhiều đường mới, nhà mới. “Bà con khấm khá do biết khai thác hiệu quả tiềm năng vùng đất nơi mình đang sống”, Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Lê Văn Khê cho biết. Thấy tôi trố mắt vì tận cuối cù lao Minh xa xôi này, ôtô hàng hiệu đắt tiền đã có cả chục chiếc đều là của người dân địa phương mới sắm, nông dân Bảy An – người được gọi vui là “Vua tôm”, cuối năm ngoái được vinh dự ra Hà Nội dự đại hội thi đua toàn quốc tiết lộ, hầu hết là nhờ con tôm. “Dân xứ này phải xây thêm tượng đài con tôm để tôn vinh nó mới đúng…”, ông nói. Điều này cũng đáng suy ngẫm khi con tôm đã góp phần hồi sinh nhiều vùng từng là “đất chết” của xứ Dừa.

Trong những câu chuyện rôm rả về tôm, cua, nghêu, sò, vọp… ở miệt biển, chúng tôi đặc biệt chú ý đến chuyện CLB nông dân tỷ phú. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Mai Văn Hùng cho biết, vừa mới ra mắt hồi đầu năm 2021, là CLB nông dân tỷ phú thứ 8 của tỉnh, hiện CLB này đã thu hút 32 thành viên. Đây là một hình thức tập hợp nông dân liên kết sản xuất, kinh doanh giỏi đạt doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Mô hình hoạt động của Hội nông dân huyện này cũng là diễn đàn cho các nông dân tỷ phú giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giúp nhau trong sản xuất; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững.

Với trên 65km bờ biển, Bến Tre không chỉ có điều kiện về nuôi trồng, khai thác thủy hải sản mà còn đầy tiềm năng để phát triển năng lượng sạch và du lịch.

“Từ gợi ý và chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, huyện đang tập trung hỗ trợ để CLB phát triển, xây dựng thêm một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung cho một số đối tượng; đồng thời tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao từ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, qua đó tìm kiếm nhiều hơn nữa những nông dân tỷ phú. Quá trình đó gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm đặc trưng của huyện”, lãnh đạo huyện Thạnh Phú cho biết. 

Đến nay, trên địa bàn Thạnh Phú đã có 178 tổ hợp tác và HTX, hầu hết thuộc lĩnh vực nông nghiệp, với gần 5.800 thành viên. Huyện cũng đã có Hội doanh nghiệp và vừa ra mắt CLB nông dân tỷ phú như đã kể. “Nhiều sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện, trong đó có tôm, bò, gà, dừa, lúa, xoài,… hiện được ngành chức năng, doanh nghiệp đặc biệt chú ý chọn để xây dựng chuỗi giá trị liên kết, bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Với những sản phẩm đã có chứng nhận nhãn hiệu (lúa, xoài và dừa) bắt đầu được biết đến trên thị trường”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Văn Hùng thông tin thêm.

“Tham gia CLB không phải để chứng minh sự giàu có, mà để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận cách làm ăn mới, tạo ra giá trị nhiều hơn cho bản thân, cộng đồng, địa phương. Trong điều kiện người nông dân không thể làm một mình, việc tham gia vào CLB là cách để hỗ trợ lẫn nhau, tiếp cận khoa học kỹ thuật, kiểm soát rủi ro thiên tai dịch bệnh, từ đó tạo ra giá trị gia tăng. Lãnh đạo tỉnh mong từng thành viên CLB phát triển quy mô sản xuất; CLB mở rộng rộng thành phần, lĩnh vực, phát triển thêm thành viên; chia sẻ, liên kết để tạo vùng sản xuất lớn, phát triển hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi”, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi phát biểu nhấn mạnh tại lễ ra mắt CLB nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú.

Lắng nghe Cù lao... "Thức dậy"

Dòng Cửu Long hiền hòa trước khi đổ ra biển đã “xé” Bến Tre thành 3 dãy cù lao trù phú. Ở đầu và giữa 3 cù lao là vùng ít bị ảnh hưởng bởi nước mặn, nên dừa và hoa thơm, trái ngọt quanh năm. Còn cuối các cù lao Minh, Bảo và cù lao An Hóa, tiềm năng gắn với biển, nhất là nuôi trồng thủy sản đã góp phần cho nhiều vùng quê đẩy dần cái nghèo lùi vào quá khứ.  

Trong chương trình hành động thực hiện nghị quyết phát triển về hướng Đông vừa được ban hành, cả Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú đều có giải pháp đột phá vươn lên, nâng cao đời sống của người dân và kinh tế thủy sản được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh các chỉ số phấn đấu cụ thể (về diện tích – sản lượng nuôi tôm biển, sản lượng khai thác hải sản đến năm 2025, hướng đến 2030), điểm chung của cả 3 địa phương là sẽ tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm mạnh khai thác gần bờ, phát triển mạnh khai thác xa bờ và các nghề đánh bắt có chọn lọc; đề xuất chính sách chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với chế biến, xuất khẩu; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động các cảng cá, nâng chất lượng hiệu quả đầu tư và chất lượng dịch vụ hậu cần nghề cá. Riêng Bình Đại còn dự kiến hình thành các khu bảo tồn ven biển để khôi phục lại hệ sinh thái ven biển. 

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2021-2025, cả 3 huyện biển tập trung phát triển khu đô thị trung tâm, kế đến là các khu dân cư đô thị ven biển. Sau ngày được công nhận đô thị loại IV, thị trấn Bình Đại đang gắng sức để sớm “lột xác” trở thành thị xã. Trung tâm huyện lỵ của Ba Tri cũng vậy và huyện này sẽ có thêm 3 thị trấn, gồm: An Ngãi Trung, Tân Xuân và Mỹ Chánh. Thị trấn Thạnh Phú đang sắp đạt chuẩn đô thị loại IV. Trung tâm các xã Lộc Thuận, Châu Hưng, Thới Thuận (Bình Đại), Giao Thạnh, Tân Phong (Thạnh Phú) đã và đang sắp được công nhận đô thị loại V. Thạnh Phú đặt mục tiêu đạt huyện Nông thôn mới vào 2025. Vóc dáng của các khu đô thị ven biển ở xứ Dừa đang sung túc thấy rõ từng ngày… 

Cả Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đều rất kỳ vọng về sự đổi thay nhanh của chuỗi đô thị ven biển, nhất là khi tuyến giao thông động lực ven biển kết nối Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh hình thành; các tuyến giao thông kết nối vào đường vừa kể và đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền 3 huyện liền mạch…

Cùng với sự phát triển đồng bộ dần của hạ tầng giao thông, các lĩnh vực khác của kinh tế biển (như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch,…) cũng sẽ khởi sắc, cộng hưởng tạo sức đột phá. Diện mạo của cả 3 huyện biển sẽ đổi thay rất nhiều từ chủ trương mà cả tỉnh đang dồn sức thực hiện.

“Những năm qua, tiềm năng kinh tế biển của huyện mới chỉ dừng lại ở hoạt động khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Trong bối cảnh tỉnh tập trung phát triển các ngành kinh tế biển gắn với định hướng phát triển về hướng Đông, đây được xem là cơ hội để huyện Bình Đại phát triển mạnh mẽ các tiềm năng về đô thị, chế biến thủy sản, du lịch”, Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng nói thêm.

Phát triển không gian về hướng Đông, mở ra hành lang kinh tế trù phú không chỉ bao gồm 3 vùng (vùng bảo vệ, vùng bảo tồn - vùng đệm - vùng kinh tế, xã hội thuần biển của một địa phương nhất định), mà còn là kết nối vùng, liên vùng, phù hợp với xu hướng phát triển của ĐBSCL. Những năm trước, Bến Tre chỉ tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ là chủ yếu, có lúc như... quên đi ưu điểm vượt trội của đường thủy. Vì vậy, khi phát triển về hướng Đông cũng là cơ hội để xứ Dừa mở rộng không gian giao thương với các địa phương khác và với bên ngoài. Đây rõ ràng thể hiện sự thống nhất về quan điểm chỉ đạo đạo xuyên suốt và một tầm nhìn chiến lược, lâu dài của lãnh đạo tỉnh.

“Không gian phát triển các ngành kinh tế biển đa dạng và phong phú. Đây cũng là cơ hội để địa phương quy tụ nguồn nhân lực chất lượng cao và giải quyết lao động tại chỗ. Chúng tôi tin tưởng chiến lược phát triển về hướng Đông là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với yêu cầu, tiềm năng về kinh tế và văn hóa của người dân xứ Dừa. Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy đã khơi dậy tiềm năng của tỉnh, tạo ra tư duy phát triển không gian biển mà người dân đã từng ao ước, mong chờ từ nhiều năm qua”, Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Lê Văn Khê bày tỏ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam (giữa) luôn đặc biệt quan tâm tiến độ hoàn thành các dự án trên địa bàn.
Theo lãnh đạo tỉnh Bến Tre, trong nhiệm kỳ này, tỉnh định hướng quy hoạch, phát triển về hướng Đông với việc đầu tư phát triển thủy sản, năng lượng sạch, điện khí, điện mặt trời và các khu công nghiệp, hậu cần nghề biển, thương mại dịch vụ, đô thị... Điểm nhấn sẽ là đầu tư con đường ven biển có liên kết vùng từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh phía Đông ĐBSCL. Việc làm này ngoài phát triển kinh tế còn có ý nghĩa thích ứng biến đổi khí hậu, chống sạt lở và tương lai có đê biển bao bọc cả vùng. Đặc biệt gắn đường ven biển đảm bảo quốc phòng, an ninh; tạo được kết nối trong các tỉnh và tạo ra quỹ đất rộng lớn để phát triển trong tương lai.
Binh Huyền
.
.
.