Về quê hương Đồng Khởi, nghe chuyện ly kỳ về Đình Rắn

Thứ Năm, 17/01/2013, 09:32
Những năm chiến tranh còn ác liệt, có lời đồn rằng có cặp “rắn thần” dài hơn 20m, mình to như khạp năm cân đã về Đình Rắn. Trong lúc di chuyển, rắn làm rạp lúa, cây cỏ hoặc bãi bồi làm thành lằn lớn, có khi dài cả cây số. Sau tháng 4/1975, người dân không thấy cảnh này nữa nên cho rằng “rắn thần” đã về với rừng sâu. Sự thật đó là vết xuồng của bộ đội ta trong lúc hành quân…

Cận Tết Quý Tỵ, chúng tôi về thăm di tích Đình Rắn (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) gặp bà Võ Thị Năm - nhà cạnh đình, lại là mẹ của anh Hùng (quen gọi là Hùng cao), từng là Trưởng phòng thuộc Công an tỉnh Bến Tre. Năm nay đã bước qua tuổi 80, nhưng bà Năm vẫn khỏe khoắn, và gần như sáng nào cũng cuốc bộ đi chợ xã Định Thủy. “Nhà tôi bên An Quới, về đây mấy chục năm nay là theo chồng” - bà kể thế rồi dẫn tôi ra cây me cổ thụ nằm phía đầu đình, cạnh hai miếu thờ, huyên thuyên kể về ngôi đình độc đáo này.

Theo lời bà Năm, ban đầu nơi đây chỉ là một gò đất cao, hoang vu, vắng vẻ và chỉ có rắn (có cả rắn hổ mang) trú ngụ. Ngoài bị rắn cắn, nhiều cư dân địa phương lúc đó còn rất sợ “rắn thần” xuất phát từ những chuyện truyền miệng mang màu sắc thần thoại (như rắn hóa thành… tinh, người hóa rắn). Vì muốn được yên ổn làm ăn, người dân bắt đầu có tục thờ rắn. Và thật linh nghiệm, “rắn thần” từ đó không hại người mà chỉ ăn thịt những con thú ác và phù hộ cho dân làng.

Ông Mười Trọng, 95 tuổi, từng là Phó ban Khánh tiết Đình Rắn thì có một câu chuyện khác: Đầu thế kỷ 18, bốn tộc họ Nguyễn, Phan, Trịnh và Võ được coi là những người khai phá ra vùng đất có nhiều thú dữ này. Đến đây, các bậc tiền hiền đã chọn ra một mô đất cao, thoáng lập một ngôi miếu nhỏ thờ ông Hổ. Miếu lập lên chẳng bao lâu bà con trong vùng đến chiêm ngưỡng, cúng bái ngày càng đông. Lúc bấy giờ để dễ bề cai quản, chức sắc ở đây mới lên quan trên xin cho thành lập làng và lấy tên là làng Định Phước.

Khi từ Đàng ngoài vào đây, các cụ phải vượt qua sông cù lao Bảo. Có chuyện kể rằng gặp lúc sóng to gió lớn, thuyền bè chao đảo, lúc đó có một “ông rắn” lớn nâng bè qua sông. Cảm ơn “rắn thần” đã độ mạng nên khi đình lập xong, người dân liền thỉnh “ông rắn” về thờ. Và cũng kể từ đây những lưu dân khai phá vùng đất này cày cấy năm nào cũng trúng mùa.

Một góc Đình Rắn.

Ông Trịnh Văn Cước – Trưởng ban khánh tiết Đình Rắn, kể lại lời các vị cao niên ở vùng quê này rằng trước đây rắn tập trung ở đình rất nhiều, có hang rắn ăn sâu tận giữa nền đình. Mỗi khi đến dịp cúng thần, dân trong làng phải lấy ván bao quanh miệng hang để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. Bước qua chiến tranh, đình bị tàn phá hư hết, nhất là những năm 60. Các cụ trong làng mới dựng lên bằng cây nhà, lá vườn. Ông Cước cũng nghe kể trước mỗi dịp cúng thần, có cặp rắn thần về nằm trong đình. Cô bác đến cúng thường mang theo một ký thịt heo nọng. “Rắn thần” sau đó lặng lẽ tha thịt đi và đấy cũng là điềm tốt, năm đó “rắn thần” chẳng hoành hành và cắn ai.

Trở lại với câu chuyện Đình Rắn gắn với công cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lịch sử tỉnh Bến Tre còn ghi rõ Định Thủy là cái nôi của phong trào Cách mạng. Tại khu vực Đình Rắn, nhờ có câu chuyện râm ran về “ông rắn” mà bọn tề, ngụy, việt gian không bao giờ dám bén mảng tới nơi này. Nên kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, đình Rắn là một trong những cơ sở cách mạng bí mật để hội họp, mít tinh. Lúc bấy giờ nữ tướng Nguyễn Thị Định là một trong những người thường xuyên lui tới đây để chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam.

Thế nhưng có giai đoạn, thấy khu vực cạnh Đình Rắn còn hoang vắng, bọn lính ngụy chọn làm nơi xây đồn bốt, đàn áp người yêu nước. Những năm chiến tranh ác liệt, lan rộng, Đình Rắn cũng hứng chịu bom đạn, có lúc gần như bị sập hoàn toàn. Tình hình thế nên cơ sở cách mạng và nhiều người dân phải tản cư. Lòng căm thù giặc từ đó càng lên cao.

Theo ông Huỳnh Văn Phếch – Trưởng BQL Khu di tích Đồng Khởi, trước năm 1960, bọn Tổng đoàn dân vệ của ngụy về đây lấy đình làm điểm để chỉ huy toàn bộ Tổng Minh Đạt. Chủ trương của ta lúc bấy giờ là phải diệt được Tổng đoàn dân vệ chúng tại đây, phát động phong trào  diệt tên đội Tý ác ôn khét tiếng.

Ngày 17/1/1960, thực hiện theo với lòng dân, ý Đảng, bộ đội, du kích Định Thủy nổi lên phá tan đồn giặc tại Đình Rắn, tấn công chi khu Mỏ Cày, tiêu diệt tên đội Tý, mở đầu cuộc đấu tranh “Anh dũng - Đồng Khởi thắng Mỹ, diệt ngụy” và lập được thành tích to lớn. Từ ý nghĩa lịch sử này mà Đình Rắn luôn gắn liền với phong trào Đồng Khởi là thế.

Trước khi rời Đình Rắn, tôi được nghe thêm câu chuyện thế này: Những năm chiến tranh còn ác liệt, có lời đồn rằng có cặp “rắn thần” dài hơn 20m, mình to như khạp năm cân đã về Đình Rắn. Trong lúc di chuyển, rắn làm rạp lúa, cây cỏ hoặc bãi bồi làm thành lằn lớn, có khi dài cả cây số. Sau tháng 4/1975, người dân không thấy cảnh này nữa nên cho rằng “rắn thần” đã về với rừng sâu. Sự thật đó là vết xuồng của bộ đội ta trong lúc hành quân…

Theo Địa chí Bến Tre, giữa năm 1790, làng Định Phước (nay là xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam) được quan trên chuẩn y thành lập. Thế là một ngôi đình trên nền ngôi miếu cũ làm bằng gỗ, lợp lá dừa nước khá khang trang, mặt quay về hướng Đông ra đời. Khi đình dựng xong, chức sắc của đình mới gửi sớ về triều xin phong sắc thần. Đến năm Minh Mạng thứ 5 thì Định Phước Linh Miếu (tức Đình Rắn bây giờ) nhận được sắc phong.

Do gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân, dân ta, năm 1993, Bộ trưởng Bộ Văn hoá (nay là VH, TT-DL) ký quyết định công nhận Đình Rắn là di tích lịch sử Đồng Khởi. Năm 2003, tỉnh Bến Tre đã cho đầu tư, phục dựng lại ngôi đình khang trang như hôm nay.

Đình Rắn hiện còn là điểm dừng chân lý tưởng. Từ thị trấn Mỏ Cày, chỉ cần đi thêm khoảng 3 km trên con đường nhựa xuyên qua vườn dừa xanh mát, du khách sẽ đến Khu di tích Lịch sử quốc gia “Đồng Khởi 1960”, cách đó không xa là đình Rắn.

Thái Bình
.
.
.