Thừa Thiên - Huế: Lưu giữ nghề hoa giấy Thanh Tiên

Thứ Sáu, 28/01/2011, 10:50
Đầu tháng Chạp, người dân làng Thanh Tiên dù bận rộn thế nào cũng tranh thủ chăm chút từng nhành hoa giấy góp phần điểm xuyến cho "nàng Xuân". Làm hoa giấy vào dịp chuẩn bị đón Tết trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của dân làng Thanh Tiên. Hoa giấy ở đây nổi tiếng bởi có nguồn gốc- giá trị sâu xa về mặt tín ngưỡng trong nếp sống cổ truyền của người dân xứ Huế.

Nằm ở phía hạ lưu sông Hương, làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) là vùng đất thuần nông nhưng nghề truyền thống làm hoa giấy đã mấy trăm năm nay. Hoa giấy, dùng đặt trên bàn thờ gia tiên, đi tế lễ đình chùa, thờ phụng trong những ngày xuân về.

Ông Nguyễn Hóa, một người làm hoa giấy, bộc bạch: Làm hoa giấy truyền thống vào dịp Tết như thế này chỉ lấy công làm lãi, nhưng cái nghề truyền thống không thể bỏ được. Ngày làm đồng, đêm làm hoa giấy tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trước đây, người dân làng Thanh Tiên phải dùng một số loại lá cây để nhuộm giấy. Chẳng hạn màu vàng được nhuộm từ trái dành dành, màu tím từ hạt mồng tơi...

Ngày nay, giấy làm hoa có đủ sắc màu được bán sẵn, nên những người thợ đỡ tốn công sức hơn trước. Bên cạnh các công đoạn làm thủ công như phải ráp nhụy hoa, cánh hoa thì những người thợ của làng đã sử dụng những chiếc đục sắt có nhiều khuôn hình khác nhau với các mẫu đài hoa, cánh hoa, búp hoa và lá của nhiều loài hoa khác nhau như mai, cúc, lan, đồng tiền.

Người dân làng Thanh Tiên làm hoa giấy truyền thống phục vụ Tết.

Còn nghệ nhân hoa giấy Nguyễn Kháng, cho rằng: Trải qua gần 400 năm tồn tại, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên còn có đất sống, được xem là một kỳ tích. Hoa giấy nhìn bề ngoài tuy đơn giản, nhưng mang vẻ đẹp của tâm linh, nét đẹp riêng của văn hóa Huế. Mỗi bông hoa giấy đầy đủ triết lí Nho học của người phương Đông.

Mỗi cành bao giờ cũng có 8 hoa chính.  Trong đó 3 cành hoa ở giữa tượng trưng - Quân sư phụ cũng có thể là Thiên - Địa - Nhân hoặc Trung - Hiếu- Nghĩa. Trong đó luôn luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc màu đỏ được làm to nhất tượng trưng cho mặt trời, đấng minh quân còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Chính vì vậy, ngày Tết, người Huế thường mua hoa giấy Thanh Tiên, đặt trên bàn thờ tổ tiên, hoa được cắm đối xứng hai bên bàn thờ, nhiều kiểu cách và màu sắc trông rất bắt mắt.

Trong dịp Tết, bình quân mỗi gia đình ở Thanh Tiên làm từ 1 nghìn cặp hoa đến 2 nghìn cặp hoa, gia đình nào làm nhiều 5-7 nghìn cặp, mỗi cặp hoa có giá từ 5 đến 10 ngàn tuỳ từng loại khác nhau. Cụ Nguyễn Rô, một người dân Thanh Tiên, tâm sự: "Dù sản phẩm hoa giấy không còn tiêu thụ nhiều như trước những dân làng vẫn duy trì nghề như một cách nhớ ơn tổ tiên".

Ông Trần Vãn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết, số gia đình làm hoa giấy ở Thanh Tiên năm nay giảm hơn một nửa so với năm trước, do thu nhập thấp. Hiện làng Thanh Tiên còn khoảng 20 gia đình làm nghề hoa giấy, họ vừa làm kiếm thêm thu nhập, vừa lưu giữ nghề truyền thống tồn tại từ bao đời nay. Không chỉ làm hoa, người dân làng Thanh Tiên còn tự tay đem sản phẩm của mình đi bán. Những ngày giáp Tết khắp các nẻo đường và các chợ ở trên địa bàn hoa giấy Thanh Tiên đều khoe sắc

Đài Trang
.
.
.