Những hệ lụy từ sóng ngầm “tín dụng đen”

Thứ Sáu, 07/09/2018, 08:25
Tình trạng “tín dụng đen” nở rộ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng ANTT địa phương nên cần sớm được ngăn chặn kịp thời.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế của một bộ phận người dân nên các đối tượng cho vay đã tổ chức phát tán tờ rơi, dán mẫu quảng cáo có nội dung “cho vay không cần tín chấp” tại những khu vực công cộng để “cò mồi”. 

Tình trạng “tín dụng đen” nở rộ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng ANTT địa phương nên cần sớm được ngăn chặn kịp thời.

Dạo quanh một vòng ở các tuyến phố trung tâm Cố đô Huế, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những nam, nữ thanh niên đầu đội mũ bảo hiểm, mặt bịt kín, trong tay cầm một xấp tờ rơi quảng cáo đứng ở các ngã 4, ngã 3 đường. 

Khi cột đèn tín hiệu giao thông báo đèn đỏ, người đi đường dừng xe trước vạch sơn trắng thì họ liền tiến đến giúi vào tay người đi đường từng mẫu quảng cáo như “Cho vay tiền nhanh”, “Vay tiền nhanh trong ngày không cần thế chấp”, hoặc “Vay tiền trong 24h, chỉ cần có CMND, giấy phép lái xe”… 

Một điểm cho vay tiền chỉ cần CMND, giấy phép lái xe ở TP Huế.

Tìm hiểu được biết, đây là những người hoạt động cho các cơ sở “tín dụng đen” đi làm quảng cáo, mồi chài người vay tiền. Những tờ rơi, mẫu quảng cáo vay tiền có nội dung tương tự còn được dán kín tại các cột điện, điểm dừng đỗ xe buýt, các bờ tường thành, biển hiệu quảng cáo công cộng…  

Từ một mẫu quảng cáo cho vay tiền trên đường phố, chúng tôi liên hệ với Nguyễn V. A. theo số điện thoại được cung cấp. Khi nghe chúng tôi nói cần vay tiền gấp, A. nhanh nhảu hỏi: “Anh có hộ khẩu ở Huế không?. Vay từ 30 triệu đồng trở lên thì cần có hộ khẩu, nếu không thì giấy CMND, nhưng chỉ vay được 10 triệu đồng thôi nhé”. 

Khi được hỏi vay 10 triệu đồng lãi suất thế nào, A. vội đáp: “Bên chỗ chúng tôi không tính lãi suất % như ngân hàng mà chỉ yêu cầu người vay đóng 300 ngàn đồng/ngày và đóng 40 ngày liên tục như thế…”. 

Tiếp tục lần theo một số điện thoại khác dán ở bảng quảng cáo dựng bên vỉa hè đường phố, chúng tôi gặp một phụ nữ có giọng nói dễ nghe: “Dịch vụ cho vay tiền A.M. xin nghe!”. 

Khi hỏi về thủ tục vay, người này cho biết: “Nếu vay khoảng 20 triệu đồng trở lại thì lãi suất mỗi tháng khoảng 150 đến 200 ngàn đồng, miễn có giấy CMND, giấy tờ xe, hoặc dùng sim mạng Viettel từ 6 tháng trở lên là được…”. 

Liên hệ theo một vài số điện thoại mới biết được rằng, hoạt động “tín dụng đen” như sóng ngầm đang diễn ra rộng khắp ở địa bàn Cố đô Huế và chỉ cần một cuộc gọi, người vay tiền sẽ được đáp ứng ngay dịch vụ này.

Thượng tá Võ Văn Sáu, Phó trưởng Công an TP Huế, cho biết, tình trạng tín dụng đen ở trên địa bàn do các đối tượng tổ chức hoạt động ngày càng tinh vi và đã xảy ra không ít vụ việc gây mất ANTT. 

Ví dụ như, cách đây không lâu, 4 người trong gia đình bà Lê T. Q. (74 tuổi, ở số 2 Bà Triệu, phường Phú Hội, TP Huế) bất ngờ bị một nhóm thanh niên lạ mặt, xăm trổ đầy mình đến đòi nợ, sau đó kéo cửa sắt nhà bà Q. rồi dùng ổ khóa để khóa từ bên ngoài, nhốt gia đình bà Q. bên trong. Nguyên nhân vụ việc là do một thành viên trong gia đình bà Q. nợ tiền của nhóm người cho vay “tín dụng đen”. 

Nhận được tin, Công an phường Phú Hội đến phá cửa thì gia đình bà Q. mới được “giải cứu”. Hay vào giữa tháng 5-2018, Lương Văn Hậu (19 tuổi) cùng 3 đối tượng khác đến khách sạn Champa (số 1/6 đường Văn Cao, TP Huế) với mục đích tìm ông chủ khách sạn đòi nợ. 

Dù được Công an TP Huế và Công an phường Xuân Phú cử CBCS đến khách sạn để giải thích cho nhóm của Hậu hiểu rõ pháp luật và cho biết có thể đưa vụ việc ra tòa án giải quyết nhưng do bực tức nên Hậu đã dùng dao bấm đâm vào bụng anh Nghiêm Duy Anh Phương (31 tuổi, trú ở TP Huế, lễ tân khách sạn) khiến nạn nhân phải vào bệnh viện cấp cứu; sau đó đối tượng Hậu bị bắt giữ… 

Qua xác minh ban đầu, hiện trên địa bàn TP Huế có 3 hộ cá nhân, 4 doanh nghiệp và 11 chi nhánh hoạt động theo hình thức “tín dụng đen”. Hầu hết các doanh nghiệp này đều do những người đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng đứng tên và đăng ký kinh doanh đúng quy định pháp luật. 

Điều đáng nói, khi có người đến vay tiền, các cơ sở cho vay chỉ làm hợp đồng dân sự mua bán tài sản chứ không có hợp đồng vay vốn. 

Chẳng hạn, người vay tiền có xe máy thì sẽ được cơ sở cho vay làm “hợp đồng mua bán xe”, sau đó thực hiện hình thức cho vay tiền bằng cách cho chủ nhân chiếc xe thuê lại xe của chính mình với giá cao ngất ngưởng nhằm lách chi tiết lãi suất cho vay. 

Chính vì thế mà cơ quan chức năng khó xử lý dù đây là hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi suất cao vi phạm pháp luật. Với hình thức cho vay này, không ít gia đình lâm vào cảnh “vỡ nợ” do lãi mẹ đẻ lãi con hoặc phá sản, vợ chồng ly tán, thậm chí nhiều người tìm đến cái chết do… không thể trả hết nợ dù số tiền vay mượn không hề lớn.

Trước thực trạng hoạt động “tín dụng đen”, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, thời gian qua, Công an tỉnh đã chủ động tuyên truyền và lập kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này nhưng tình hình ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp.

“Thực tế trên địa bàn thời gian qua chủ yếu xảy ra tranh chấp dân sự do các bên thường thỏa thuận lãi suất vay bằng lời nói, không ghi trong giấy tờ nên cơ quan chức năng rất khó để củng cố, xử lý hành vi vi phạm. Hiện Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát băng nhóm cho vay vi phạm pháp luật để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá (nếu có), nhằm đảm bảo ANTT địa bàn”, Đại tá Sơn khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.