Mặt trái của thủy điện - những bài học đắt giá (Bài 2)

Những công trình “sai lầm thế kỷ”

Thứ Hai, 04/07/2016, 09:05
Theo ông Huỳnh Thành, khi làm Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho rằng, Thủy điện An Khê - Ka Nak, chặn sông Ba ở đầu nguồn Gia Lai rồi cho nước chảy về tỉnh Bình Định là “công trình sai lầm thế kỷ”. Cách làm thủy điện trái ngược, ngang tàng này đã làm hủy hoại môi trường, gây khô kiệt, hạn hán vào mùa khô và ngập lụt nghiêm trọng vào mùa lũ.

Người dân Tây Nguyên ví con sông Ba và sông Sê San là những con sông cha, sông mẹ của các con sông ở Tây Nguyên và mang theo sức mạnh tâm linh huyền bí với buôn làng. Là sông cha, sông mẹ thì phải bảo vệ, tôn trọng quy luật tự nhiên của dòng sông để giữ cho buôn làng sinh sống, phát triển... Bởi thực tế tự nhiên từ bao đời nay, hai con sông lớn ở Bắc Tây Nguyên này đã mang lại nhiều nguồn lợi cho cuộc sống người dân bản địa. Thế nhưng gần đây, thủy điện đã và đang tận diệt sức sống từng ngày của những dòng sông lớn nhất Tây Nguyên...

Hòa mình thành những người dân sống trong mùa khô ở vùng hạ lưu sông Ba tôi đã thấy cuộc sống của họ đau đớn khôn cùng. Sự thiếu nước sinh hoạt hàng ngày với mùi ô nhiễm bốc lên từ sông Ba cạn kiệt thật khó tả hết bằng ngôn từ. 

Theo ông Huỳnh Thành, khi làm Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho rằng, Thủy điện An Khê - Ka Nak, chặn sông Ba ở đầu nguồn Gia Lai rồi cho nước chảy về tỉnh Bình Định là “công trình sai lầm thế kỷ”. Cách làm thủy điện trái ngược, ngang tàng này đã làm hủy hoại môi trường, gây khô kiệt, hạn hán vào mùa khô và ngập lụt nghiêm trọng vào mùa lũ, làm đảo lộn nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người dân ở hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên ở phía hạ lưu thủy điện trên dòng sông Ba. 

Thủy điện Thượng Kon Tum và Thủy điện An Khê- Ka Nak ngăn dòng cho nước chảy về Quảng Ngãi và Bình Định đã giết chết những dòng sông lớn ở Tây Nguyên.

Sở dĩ đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) từng đưa ra trước Quốc hội câu chuyện về thủy điện An Khê - Ka Nak - “công trình sai lầm thế kỷ” là xuất phát vì cùng mang tâm tư và nỗi bức xúc của hàng triệu người dân đang sống trong vùng hạ lưu do thủy điện chặn dòng trái quy luật tự nhiên.

Làm phóng viên ở Tây Nguyên gần nửa đời người tôi cảm nhận cái chết của dòng sông Ba như một sự bức tử đối với con người. Mùa khô về vùng hạ lưu sông Ba, cả hàng trăm ngàn dân chạy dọc sông Ba không sống nổi với mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông chết. Nước sinh hoạt thiếu, ăn ngủ trong ô nhiễm kéo dài nhiều tháng ngày, hết năm này sang năm khác. Mùa lũ, đùng một cái thì nước ngập hàng mét kéo dài trên Quốc lộ 19 qua thị xã An Khê... 

Tiếng thét gào của dòng sông, của muôn dân đã vang lên tận nghị trường Quốc hội, đến Thủ tướng Chính phủ... yêu cầu Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo, giải trình vấn đề này. Câu chuyện kéo dài suốt 11 năm qua, kể từ khi dự án Thủy điện An Khê - Ka Nak đi vào hoạt động, cũng đồng nghĩa chừng đó thời gian gây nên bao phiền toái, hệ lụy khổ đau cho người dân vùng hạ lưu sông Ba. 

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, qua kiểm tra vùng hạ lưu Thủy điện An Khê - Ka Nak hiện nay cho thấy, toàn bộ dòng sông Ba đang chết. Đau xót là dân cư ở lưu vực và hạ lưu sông Ba không có nước sinh hoạt và tưới tiêu hoa màu. Ông Trần Việt Hùng đề nghị Chính phủ có thể dừng hoạt động của Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak trong mùa khô để trả lại nước cho dòng sông Ba, đem lại cuộc sống cho người dân trong lưu vực hạ lưu sông Ba...

Cũng từ câu chuyện thủy điện làm ngược đầy phiền phức, trong chuyến thị sát mới đây của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ, cùng các Bộ, ngành liên quan đã đến tận công trình nhà máy Thủy điện An Khê - Ka Nak kiểm tra thực tế và chỉ đạo xử lý khắc phục hạn chế của thủy điện này. 

Phó Thủ tướng ghi nhận từ báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Võ Ngọc Thành về sự thật đau lòng của dự án thủy điện kể từ khi đi vào hoạt động đã gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở hạ lưu sông Ba, ảnh hưởng cuộc sống của người dân 7 huyện với 450.000 người. Vụ Đông Xuân năm nay đã thiếu hụt nguồn nước làm 6.530 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, gần 7.000ha cây trồng bị hạn, gây bức xúc cho nhân dân...

Về lý thuyết, phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công thương cho rằng Nhà máy Thủy điện An Khê - Ka Nak xây dựng và vận hành trong thời gian qua là đúng quy trình... Tuy nhiên, cũng tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường đã báo cáo ngay với Phó Thủ tướng, qua kiểm tra một đợt của Bộ Tài nguyên - Môi trường đã phát hiện có 5 ngày thủy điện xả nước không đúng quy trình nên bị xử phạt theo quy định...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chia sẻ khó khăn với người dân Gia Lai về những hạn hán, thiên tai, những bất cập còn tồn tại ở vùng hạ lưu của Thủy điện An Khê - Ka Nak và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan phối hợp với tỉnh Gia Lai chỉ đạo nhà máy thực hiện đúng quy trình vận hành, chủ động nghiên cứu giải pháp khắc phục như xả thêm nước vào mùa hạn, xây dựng hồ chứa tích nước phía hạ lưu... nhằm đáp ứng các yêu cầu về cuộc sống dân sinh vùng hạ lưu sông Ba, không để ảnh hưởng môi trường sinh thái, ảnh hưởng cuộc sống nhân dân. 

Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, việc xây dựng nhà máy thủy điện là cần thiết để phát triển đất nước nhưng phải đảm bảo các quy định về môi trường sinh thái, làm sao nhà máy hoạt động mà đáp ứng hài hòa lợi ích của nhà máy với lợi ích cho nhân dân.

Ngoài Thủy điện An Khê - Ka Nak thì một thủy điện lớn khác của Tây Nguyên cũng thiết kế chặn dòng và chuyển nước từ Kon Tum đi về Quảng Ngãi, đó là Thủy điện Thượng Kon Tum trên sông Sê San. Theo thiết kế, lượng nước sau khi qua nhà máy chuyển sang lưu vực sông Trà Khúc, cung cấp cho vùng hạ lưu ở Quảng Ngãi mà không trả lại nước cho dòng sông chính nó. 

Tương tự với Thủy điện An Khê - Ka Nak, cách làm này cũng sẽ dẫn đến nguy cơ giết chết vùng hạ lưu sông Sê San, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Sê San. Không chỉ thế, hàng loạt nhà máy thủy điện ở hạ lưu như Yaly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4... cũng chịu cảnh thiếu nước là một tất yếu.

Về lý thuyết, dự án Thủy điện Thượng Kon Tum gồm 2 tổ máy, tổng công suất lắp máy 220 MW, sản lượng điện bình quân trên 1.094 triệu KWh/năm, tổng vốn đầu tư ban đầu 5.744 tỉ đồng nhưng đến nay đã phát sinh thêm nhiều tỷ đồng. Bởi kế hoạch đề ra dự án sẽ phát điện tổ máy thứ nhất vào năm 2013 và đưa vào vận hành cả 2 tổ máy vào năm 2014 nhưng đến nay (2016) mới bắt đầu thi công lại sau một thời gian nhà thầu Trung Quốc bỏ cuộc.

Những ngày này đến vùng dự án thủy điện Thượng Kon Tum, tôi thấy nước sông Đăk Nghé nghẹn dòng bởi thủy điện. Sông Đăk Nghé thuộc hệ thống sông Sê San, một nhánh của sông Đắk Bla (nhánh cấp 1 của sông Sê San) đang phải gồng mình chịu trận bởi sự tàn phá của thủy điện. 

Trong khi đó, phía cụm công trình đầu mối và hồ chứa thuộc địa bàn 2 xã Đắk Kôi (Kon Rẫy) và xã Đắk Tăng (Kon Plông), tỉnh Kon Tum thì người dân đã chuyển làng về vùng tái định cư nhưng chưa có đất sản xuất. 

Toàn vùng lòng hồ thủy điện này có 82 hộ gia đình đồng bào với gần 350 nhân khẩu phải di dời. Những hộ thuộc diện tái định cư được nhà đầu tư cam kết tạo mọi điều kiện để có cuộc sống nơi ở mới tốt hơn so với nơi ở cũ nhưng thực tế viễn cảnh ấy vẫn còn xa vời khi người dân ở các làng tái định cư vẫn đói nghèo.

Đặng Ngọc Như
.
.
.