Chào mừng Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3:

Nhà khoa học nữ có nhiều công trình vì người bệnh ung thư

Thứ Hai, 06/03/2017, 09:14
Trong danh sách “50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017” do Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố có TS. Hà Phương Thư, Trưởng phòng Vật liệu Nano y sinh Viện Khoa học vật liệu – Viện hàn lâm Khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam. Đây là niềm vinh dự lớn với những người làm khoa học, khi chỉ có 6 phụ nữ trong lĩnh vực Khoa học – Giáo dục lọt vào danh sách này. 


Ở tuổi 43, TS. Hà Phương Thư, một trong các nhà khoa học trẻ tiêu biểu của Việt Nam, đã sở hữu một “gia tài khoa học” đáng nể với 30 công bố quốc tế về lĩnh vực Nano y sinh và làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Viện hàn lâm và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) vv… 

Năm 2012, chị là một trong 3 nhà khoa học nữ được L'Oreal UNESCO vinh danh với Giải thưởng “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học”. Một năm sau, chị lại được xướng tên với giải "Ngày Phụ nữ sáng tạo" của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tháng 10-2016, chị tiếp tục ghi tên mình vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học khi công bố chế tạo thành công Phức hệ Nano FGC về hỗ trợ điều trị ung thư. 

TS. Hà Phương Thư trong buổi công bố chế tạo thành công Phức hệ Nano FGC về hỗ trợ điều trị ung thư.

Không thuộc quân số ngành Y tế, nhưng TS. Hà Phương Thư lại dành sự quan tâm đặc biệt đến việc nghiên cứu điều trị bệnh hiểm nghèo. Chị từng chứng kiến nhiều người bệnh ra đi vì ung thư, trong đó, có cả những người bạn của chị. Nhiều người vẫn đang phải vất vả chiến đấu với căn bệnh này. Mỗi năm Việt Nam có gần 200.000 người mắc và trên 100.000 người tử vong do ung thư, mà những con số này vẫn ngày càng tăng.

Trong khi mức sống người dân còn thấp thì chi phí điều trị ung thư lại cao. Những ám ảnh về cảnh người bệnh phải ra đi trong tuyệt vọng, kéo theo bao hệ lụy về kinh tế, nỗi đau gia đình đã trở thành động lực khiến chị luôn đau đáu với việc nghiên cứu ra sản phẩm chuyên biệt cho bệnh nhân ung thư.

Vì thế, TS. Hà Phương Thư đã dành thời gian nghiên cứu đề tài “Quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc Nano lên tế bào ung thư”. Tâm huyết của chị đã được bù đắp khi Hội đồng khoa học quốc gia L'Oreal UNESCO đánh giá cao giá trị của công trình này, nhất là tính hiện đại và tính khoa học, có thể dẫn đến việc chế tạo được hệ dẫn thuốc Nano đa chức năng, tăng hiệu quả tác động đối với tế bào ung thư, làm giảm lượng thuốc sử dụng và tập trung vào vị trí khối u, tránh tác động đến tế bào lành...

Các giải thưởng của TS. Hà Phương Thư trở thành cầu nối để Ths. Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI tìm đến hợp tác. Sau đó, chính TS. Hà Phương Thư lại thuyết phục anh Hiệu đầu tư để chị nghiên cứu đề tài Phức hệ Nano FGC hỗ trợ cho việc điều trị ung thư từ gợi ý về bài thuốc Hắc hoàng kỳ phương của Tây Tạng với củ nghệ và tam thất.

Lâu nay việc dùng củ nghệ và tam thất thường không mang lại hiệu quả vì Curcumin khó tan, hấp thu kém và hàm lượng Notoginseng trong tam thất thấp. Do đó, chị cùng cộng sự nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nano để đưa Curcumin từ đặc điểm khó tan thành tan tốt trong nước bằng Phức hệ Nano FGC.

“Các thuốc chống ung thư đang lưu hành trên thị trường hầu hết là sản phẩm nhập ngoại, giá thành đắt, nên không phải bệnh nhân nào cũng được điều trị, đặc biệt là người nghèo. Việc có một sản phẩm hiệu quả, giá thành rẻ do sản xuất trong nước sẽ đáp ứng mong đợi của người bệnh. Điều nhân văn hơn chính là ở chỗ khi giá thành sản phẩm rẻ, phù hợp với túi tiền của bệnh nhân nghèo, thì số bệnh nhân ung thư được điều trị sẽ tăng lên nhiều lần.”- TS. Hà Phương Thư chia sẻ.

Thanh Hằng
.
.
.