Nhà văn Chu Lai:

Người lính đặc công chiếm cầu Ghềnh cho đại quân đi qua sáng 30-4-1975

Thứ Bảy, 30/04/2016, 11:28
Nổi danh với hàng loạt cuốn tiểu thuyết và kịch bản phim, sân khấu, nhà văn Chu Lai - tác giả của “Nắng đồng bằng”, “Vòng tròn bội bạc”, “Ăn mày dĩ vãng” vv… còn là một người lính đặc công vào sinh ra tử một thời ở vùng ven Sài Gòn suốt 10 năm trước ngày đất nước thống nhất. Đặc biệt, ông còn có những kỷ niệm nhớ đời đúng vào thời khắc lịch sử của đất nước, ngày 30-4-1975.


1. “Chưa có một cuộc chiến tranh nào dài như cuộc chiến tranh Việt Nam kháng Mỹ. Cũng chưa có người lính nào chịu nhiều áp lực trận mạc như người lính quân giải phóng, trong đó có tôi. Chúng tôi 3 lần ra khỏi rừng với niềm hy vọng thế là chiến thắng, sẽ không bao giờ có cú mã hồi tức tưởi nữa thì 2 lần tan hoang lặng lẽ, ôm đầu máu trở về rừng. Đó là Mậu Thân 1968 và Hiệp định Paris.

Mỗi lần trở về là mỗi lần tan hoang lòng dạ, ngơ ngác, hụt hẫng đến cả mấy tháng trời mới lấy lại được cân bằng. Đó là giai đoạn rất dễ tan rã về ý chí. Chúng tôi lại trở về rừng, moi lại gạo, vũ khí, xẻng cuốc đã vứt xuống đáy sông Sài Gòn âm ẩm tiếng bìm bịp kêu trong lòng nước và tiếng tắc kè khàn khàn đếm tuổi nẫu ruột trên chạc cây để tiếp tục làm người cầm súng tử tế.

Nhà văn Chu Lai.

Chính vì vậy mà vào đợt tổng tiến công 30-4-1975 thì người lính bỗng trở thành nửa tin nửa ngờ, sự xuống đường cũng không ắp đầy khát vọng như những lần trước, không ngờ lại là lần ra khỏi rừng cuối cùng để làm người chiến thắng” – nguyên Đại đội trưởng Đại đội đặc công, người từng được kẻ thù treo giải lấy đầu năm nào mở đầu câu chuyện về ký ức xa xưa ấy một cách nhẹ nhõm như câu chuyện ấy đã qua lâu rồi, cũ rồi, nhắc lại cho vui.

Chu Lai bảo, 10 năm làm lính đặc công luôn đối mặt với cái chết, nhưng chưa khi nào ông phải rơi nước mắt, kể hàng trăm lần tự tay chôn đồng đội, bởi ông quan niệm “chiến tranh là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình”. “Với tôi, mỗi cái chết của đồng đội đều nặng nề, im lìm, không còn có thể khóc được nữa vì nỗi đau lặn vào trong, vì suy nghĩ nhuốm một chút ngang tàng lính chiến mày chết hôm nay thì mai đến lượt tao, khóc khiếc gì, vớ vẩn! Vậy mà đêm hoà bình đầu tiên sau ngày 30-4-1975, vào đến Sài Gòn, một mình trên võng nằm giữa phố đông tôi đã khóc. Khóc cho những đồng đội đêm nay đang nằm cô quạnh giữa rừng già”.

Ánh mắt người cựu binh bỗng lắng xuống trong những câu chuyện của ký ức hừng hực lửa một thời tuổi trẻ mà ông đã sống và chiến đấu - một quá khứ  đầy bi tráng. Cái thời anh lính Chu Lai suốt ngày quần cộc, áo Mỹ, mũ lưỡi trai Mỹ, người đen cháy vì nắng gió sông nước, phóng khoáng, râu ria, bụi bặm  như một gã “bohemieng” lẩn khuất trong các cánh rừng lá thấp bên sông Sài Gòn.

Từng có vài năm chủ lực, 5 năm là lính đặc công ở vùng ven, Chu Lai và đồng đội đã phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo. Buổi sáng thức dậy, cho hết tư trang vào thùng đại liên Mỹ rồi nhấn chìm xuống lòng sông Sài Gòn để cất giấu, rồi ngồi ôm súng yên lặng dưới những bụi cây rậm rạp, trong khi dưới sông thì tàu địch tuần tiễu, còn trên bờ, cách chỉ chục mét là những toán thám báo, biệt kích lăm lăm súng đi tuần.

Cầu Ghềnh, Biên Hòa 1971. Ảnh: tư liệu

Chu Lai cười: Tưởng sau 5 năm ngồi thiền như thế chúng tôi phải biến thành Phật, thành sư sãi, nhưng rồi sau trận mạc vẫn nguyên như thế. Vẫn nóng nảy, vẫn bộc trực và động tý là cáu kỉnh không quen giấu giếm mọi suy nghĩ trong lòng mình,

Chiều 29-4-1975, đại đội đặc công của Chu Lai nhận lệnh lên đường chiếm bằng được cây cầu Ghềnh để đại quân ta tiến vào Sài Gòn. Đêm ấy, dưới sự chỉ huy của Chu Lai, đại đội đặc công chỉ còn lại hơn 10 người ấy lặng lẽ xuyên vào màn đêm đen đặc, nhanh chóng chiếm được chiếc cầu huyết mạch. Đêm chầm chậm trôi qua trong sự chờ đợi của những người lính thiện chiến đang chốt trên cầu Ghềnh.

Với đặc công, nương vào bóng đêm chiếm một cây cầu không khó nhưng giữ được cầu lại là chuyện không thể. Thế mà 5h sáng vẫn chưa thấy có dấu hiệu của đại quân ta, trong khi xa xa, lấp ló hàng trăm chiếc nón sắt của lính Sài Gòn rập rình tái chiếm cầu. Thời gian trôi qua nặng nề như có tiếng cười man dại của thần chết. Trời sáng bửng vẫn bặt vô âm tín.

Giữa lúc căng thẳng nhất, bỗng trong lòng đất nghe ầm ì tiếng của xe pháo di chuyển. Cả đại đội cùng hướng mắt về phía Biên Hoà và như ngộp thở khi thấy bụi đỏ cuộn lên giữa thấp thoáng những chiếc xe tăng, cờ mặt trận kiêu hãnh tung bay trong gió. Khi đại đoàn quân kéo qua, những người lính đặc công trong tâm trạng chết đi sống lại ấy đã bộc lộ niềm vui sướng tột đỉnh với những trạng thái khác nhau.

Người leo lên thành cầu nhảy xuống sông, người đứng bên thành cầu hét toáng lên những câu mà bình thường họ khó có thể hét to đến muốn xé toang lồng ngực được như thế. Còn đại đội trưởng Chu Lai thì ngồi lịm đi trong làn khói thuốc rê với niềm xúc động không nói thành lời.

Bao năm chiến đấu chỉ khao khát được một lần nhìn thấy quân chủ lực của ta, giờ đã thỏa. Rồi lại được thực hiện khát vọng trước đó tưởng không bao giờ thành hiện thực, là được một phút “bay” trên đường 13 trên những chiếc xe máy mượn của dân thì chết cũng… vui, khi bị hút theo đại đoàn quân về Sài Gòn. Đêm ấy, lần đầu tiên sau suốt 10 năm cầm súng, căng mình để sống, để chiến đấu, để tồn tại bằng tất cả bản năng tự vệ, người đại đội trưởng ngang tàng ấy lại… đổ bệnh.

Và khi đặt chân vào Sài Gòn, người lính vùng ven lạ lẫm khi thấy hình ảnh một khuôn mặt Tây đen choán hết bức tường ngôi nhà trung tâm thành phố, phía dưới là hàng chữ “Thuốc đánh răng Hynos” mà không biết đấy là hình ảnh của một cơ chế thị trường trong tương lai dân tộc phải đi đến…

2.Rời bỏ thánh đường sân khấu, xung phong ra trận bằng chí trai thời loạn, bằng cả sự lãng mạn là chỉ để cho đôi mắt người yêu ở lại được yên tĩnh. Sự lãng mạn đó vẫn theo ông suốt những năm tháng chiến tranh, là điểm tựa để ông vượt qua bao nhiêu thử thách. Chu Lai bảo, không lãng mạn tột độ, làm sao ông sống được 10 năm trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế.

Hết chiến tranh, đồng đội vẫn trong cơn ngất ngây từ rừng xuống phố, thì ông, nghe theo lời khuyên của cha - nhà viết kịch nổi tiếng Học Phi –lại lao vào viết, để thỏa niềm đam mê văn chương từ hồi rất trẻ, đến mức, những lần phải về rừng chờ bổ sung quân, ông cũng viết âm thầm, để lấp đầy sự im lặng, để cứu rỗi linh hồn sau những trận đánh chứ có điều kiện gửi đi in ấn gì đâu. Giờ có cơ hội, ông viết bằng sự dồn nén của bao năm tháng, bằng sự đổ về cuồn cuộn của dòng kỷ niệm …

Ký ức ám ảnh mà ông đã trải qua trong cuộc chiến in hằn trong từng trang viết, từ tình yêu chớp nhoáng trong hầm giữa hai đợt pháo với người nữ y tá, đến những cái chết của đồng đội, bất ngờ và khốc liệt, đã làm nên những chi tiết đắt giá trong các sáng tác của ông.

Hiện thực cuộc sống mà Chu Lai đã trải qua lặng lẽ và ồn ào đi vào từng trang viết. Đó là người lính lau súng B41 trước trận đánh bị cướp cò, làm nổ tung một đồng đội ngay trước mắt Chu Lai. Nhìn người lính ruột gan bay hết ra ngoài, máu đỏ nhòe bể nước, đau đớn thắt lòng mà không thể làm gì được, đành đặt bạn nằm xuống, lấp đất lên trong sự câm lặng tận cùng.

Ông bảo, những hình ảnh đó bò trong ký ức của ông suốt bao năm qua, leo vào từng con chữ, từng trang viết với nỗi ám ảnh không nguôi… Hay một người lính đi đánh trận về, hào hứng kể cho các cô du kích nghe chuyện mình rút chốt lựu đạn rồi nhưng thấy địch chết hết, lại nhét vào túi mang về. Kể đến đây, anh chàng vô tình thò tay vào rút quả lựu đạn ra, đúng lúc chiếc mỏ vịt bật mở và anh ra đi như trở về với sự vô tăm vô tích…

Những cảm xúc xô bồ, vốn sống dâng trào, nỗi đau và nét lãng mạn hào sảng đan xen của hiện thực phong phú đã làm nên những dấu ấn ban đầu là các truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ như “Kỷ niệm vùng ven”, “Anh Hai Đởm”, “Lửa mắt”… để rồi lọt vào mắt xanh của Tổng cục Chính trị qua nhà văn Hồ Phương và Xuân Thiều, được “chiêu hiền đãi sĩ” về với “ngôi nhà số 4” -Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Như “hổ về rừng”, ngày trước gác bút nghiên theo việc đao binh, giờ lại cầm lấy cây bút làm vũ khí của mình, những sáng tác của ông nhanh chóng làm nên tên tuổi Chu Lai với một phong cách rất riêng, sừng sững trong dòng văn học chiến tranh cũng như thời bình bởi tính chân thực, đa dạng, đi đến tận cùng câu chữ để miêu tả góc khuất trong cõi sâu con người.

Dạ Miên
.
.
.