Ngư dân gặp khó khi Cửa Đại bị bồi lấp

Thứ Hai, 22/07/2019, 09:27
Gần 10 năm nay, do cửa biển bị bồi lấp nên tàu, thuyền ngư dân rất khó khăn khi ra vào, nhất là tàu đánh bắt xa bờ thì không thể cập bến vì bị mắc cạn. 

Hai địa phương Nghĩa An và Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi) hiện có số lượng tàu, thuyền chiếm khoảng 1/3 số lượng tàu, thuyền ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây từng có đường thủy ra vào cửa biển, với một bến cá sầm uất, gọi là Cửa Đại. 

Thế nhưng, thủy đạo này hiện bị bồi lấp nên tàu, thuyền không vào cập bờ được, nhất là tàu lớn đánh bắt xa bờ, khiến việc sản xuất trên biển của ngư dân gặp muôn vàn khó khăn…

Cửa Đại bị bồi lấp nên tàu đánh bắt gần bờ neo đậu giữa sông bán hải sản ngay trên tàu.

Theo các ngư dân, Cửa Đại là thủy đạo độc nhất để hơn 2.000 tàu, thuyền của ngư dân 2 xã Nghĩa An, Nghĩa Phú ra khơi khai thác hải sản, cũng như đưa sản phẩm đánh bắt được từ biển khơi về đất liền tiêu thụ. 

Nhưng gần 10 năm nay, do cửa biển bị bồi lấp nên tàu, thuyền ngư dân rất khó khăn khi ra vào, nhất là tàu đánh bắt xa bờ thì không thể cập bến vì bị mắc cạn. Mặc dù có cửa biển, nhưng ngư dân phải đưa tàu thuyền đến những địa phương khác để bán hải sản, tiếp nhiên liệu và neo đậu tránh trú thiên tai. 

“Do cửa biển ở đây rất cạn nên tàu cá xa bờ phải chạy về Tịnh Kỳ cập bến bán hải sản, tiếp nhiên liệu. Tốn kém và khó khăn đó, nhưng biết phải làm sao. Liều lĩnh mà cập tàu vào Cửa Đại thì bị mắc cạn ngay”, ông Trương Quang Dạy, chủ tàu cá QNg 92611TS ở xã Nghĩa An, nói. 

Cửa biển bồi lấp, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá vì thế mà phải hoạt động cầm chừng, không ít lao động địa phương bị mất việc. Những chiếc tàu công suất nhỏ vào được Cửa Đại thì không có bến neo đậu. Bất đắc dĩ, họ phải mua bán trên sông, rồi dùng ghe xuồng trung chuyển hải sản vào bờ. Nguồn thu nhập của ngư dân cũng cạn dần theo sự bồi lấp của cửa biển. 

Theo lời bà Trần Thị Lánh, chủ tàu cá QNg 22649TS, tàu đánh bắt xa bờ không vào được Cửa Đại. Chỉ có những tàu, thuyền loại nhỏ đánh bắt gần bờ, sau mỗi đêm khai thác vào neo đậu giữa sông bán sản phẩm. Những tư thương đi ghe nhỏ ra cập mạn mua hải sản đưa xuống ghe mang vào bờ bán lại. 

Cũng vì thế, nguồn hải sản các tàu, thuyền nhỏ đánh bắt được bán trên sông không nhiều như ở các bến thuyền, cảng cá khác. Tuy nhiên, việc mua bán đã thành nguồn sinh kế của nhiều gia đình ngư dân địa phương, đa phần là hàng xóm, láng giềng nên nương tựa vào nhau để cùng mưu sinh…        

Luật Thủy sản năm 2017 qui định, tàu thuyền công suất lớn sau mỗi chuyến vươn khơi phải vào cảng cá để xác nhận nguồn gốc thủy sản. Tuy có nhiều vũng neo đậu và bến cập tàu, nhưng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 3 cảng cá đủ tiêu chuẩn hoạt động, đồng nghĩa với việc hơn 1.400 tàu cá xa bờ của ngư dân ở khu vực Cửa Đại không có cơ hội về bến. 

Ngư dân sẽ gặp khó khăn khi họ phải gánh nhiều chi phí phát sinh cho việc neo đậu, bảo quản tàu, thuyền ở các địa phương khác. Ngư dân ở đây làm ăn trong tình trạng bất an, họ đều mong ước chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ngãi khảo sát, đầu tư nạo vét Cửa Đại, xây dựng cảng cá để yên tâm đóng mới tàu lớn vươn khơi bám biển sản xuất.

Trung Thành
.
.
.