Tưởng nhớ 99 người dân làng An Đạo (Phù Ninh, Phú thọ) bị giặc Pháp thảm sát 65 năm trước:

Sông Lô nhuộm máu trong vụ thảm sát như Mỹ Lai

Thứ Hai, 08/10/2012, 09:01
Sau vụ giặc Pháp đốt sạch nhà cửa và sát hại dã man 99 người dân vô tội làng An Đạo, "hằng năm cứ vào ngày 10-9 âm lịch, cả làng tổ chức một cái giỗ chung, gọi là Giỗ Trận!”. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay ngoài nhà bia và bia căm thù mới được làm lại, chính quyền xã chưa làm được gì hơn để chia sẻ nỗi đau thương, mất mát của bà con trong làng.

Làng An Đạo quê tôi nằm ven sông Lô, đoạn chảy qua huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Mỗi lần về quê, khi đi qua bến Gành - là một vực sâu do sông Lô xoáy vào núi Dốc tạo thành, tôi luôn có cảm giác rờn rợn và bị ám ảnh bởi tấm bia căm thù đặt ở ven đường. Nơi đây, 65 năm trước, giặc Pháp đã càn vào làng tôi, đốt sạch nhà cửa và sát hại dã man 99 người dân vô tội!

Nếu như vụ thảm sát 504 người dân làng Mỹ Lai (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) năm 1968, được cả thế giới biết đến, thì vụ thảm sát ở làng An Đạo gần như chìm vào quên lãng…

Sông Lô đoạn chảy qua bến Gành.

Làng An Đạo, ký ức đau thương

Cái ngày đau thương đó là 10/9 âm lịch, tức ngày 23/10/1947. Thu đông năm ấy, với dã tâm hành quân cấp tốc lên Việt Bắc để bắt sống cơ quan đầu não kháng chiến, thực dân Pháp ồ ạt tiến quân bằng nhiều mũi. Hướng đường thủy, chúng dùng tàu chiến từ Hà Nội chạy ngược sông Hồng, vào sông Lô ở Việt Trì, rồi lên Đoan Hùng đánh vào ATK (an toàn khu, lúc này đóng ở Tuyên Quang).

Ngày 23/10/1947, hàng chục tàu chiến của giặc Pháp chạy ngược sông Lô rồi tấp vào khu vực làng An Đạo. Trên trời, những chiếc máy bay hung hãn quần đảo xé nát bầu không khí yên bình vốn có của vùng trung du Bắc bộ. Khoảng 10h sáng, những tên lính Pháp đầu tiên đặt chân lên bến Gành. Sau khi tập hợp lực lượng, chúng dàn đội hình hàng ngang tiến vào làng. Tiếng súng nổ loạn xạ, tiếng người í ới gọi nhau lẫn với tiếng gào thét.

Những tên lính Tây, cả da đen, da trắng đi lùng sục từng nhà, bắt người trói lại, rồi phóng lửa đốt sạch nhà cửa của dân làng. Có người đang nấp trong nhà hoặc dưới hầm bị chúng xả súng liên thanh bắn chết, bất kể người già, đàn bà, trẻ em. Một trong những người chứng kiến cuộc thảm sát này, là ông Trần Văn Giá, Đại tá Công an (76 tuổi, hiện nghỉ hưu, trú tại phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội).

Ông Trần Văn Giá, một nhân chứng trong vụ thảm sát năm 1947, bên tấm bia tưởng niệm tại làng An Đạo

Nhớ lại cái ngày đau thương đó, ông kể: “Hôm ấy nhằm đúng ngày chợ phiên, nghe tiếng súng nổ, tôi cùng mọi người chạy băng qua một cánh đồng ngập nước, lên núi Sâu Suất cách làng chừng một trăm mét. Từ đây, nấp trong các lùm cọ nhìn về phía làng, chúng tôi thấy những tên lính Pháp mặt mũi đằng đằng sát khí. Chúng đốt nhà, ném lựu đạn, xả súng vào bất cứ chỗ nào nghi ngờ có người ẩn náu. Lửa cháy ngút trời, hơi nóng theo gió tạt cả sang nơi chúng tôi đang nấp. Một số tên lính đã định vượt qua vạt ruộng tiến sang núi Sâu Suất, nhưng do nước ngập đến gần thắt lưng và có lẽ chúng sợ trên núi có du kích, nên dừng lại; nếu không, thiệt hại nhân mạng của dân làng An Đạo chúng tôi hôm đó không dừng lại ở con số 99 người!”.

Bà Đái Thị Cúc (80 tuổi, hiện trú tại xóm Lê Lợi), gia đình có 4 người bị giết hại trong vụ thảm sát, gồm ông nội, bố đẻ, hai anh trai. Giặc Pháp cũng bắn chết 3 người thân của ông Nguyễn Công Chất, hiện là Phó Chủ tịch HĐND xã An Đạo, gồm ông nội, ông trẻ và một bà bá. Ông Chất kể: “Bố tôi kể lại, khi giặc tràn vào làng, nhà tôi có một số người nấp trong hầm. Thấy giặc đốt nhà, ông nội tôi xót của bèn hé cửa hầm nhìn ra, thì bị một tên lính Pháp phát hiện xả một tràng súng liên thanh… Ông trẻ tôi và bà bá chết ngay tại chỗ. Bố tôi bị dính đạn, nát bàn chân trái, sau thành tật. Bà nội tôi chui ra khỏi hầm chắp tay lạy thì chúng không bắn nữa. Ông nội tôi sau đó bị chúng bắt trói lại, rồi giải lên bắn ở bến Gành”.

Ngày Giỗ Trận của cả làng

Trò chuyện với với ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch UBND xã An Đạo, chúng tôi được nghe ông nói xót xa: “Ngày 10/9 âm lịch được người dân An Đạo gọi là ngày Giỗ Trận, gần như cả làng có giỗ, bởi năm ấy nhân khẩu và số hộ trong làng còn ít, mà có tới gần 100 người bị giặc Pháp giết hại cùng lúc”. Gia đình ông Sơn không bị thiệt hại về người, nhưng căn nhà gỗ và chiếc nhà bè trên sông Lô của ông nội ông Sơn cũng bị giặc Pháp đốt trụi.

Bến Gành, nơi giặc Pháp bắn chết 93 người và hất xác xuống sông Lô năm 1947.

Hai nạn nhân - nhân chứng ở bến Gành năm ấy, là hai anh em ruột Nguyễn Văn Nhù và Nguyễn Văn Hòa. Ông Nhù đã quy tiên hai năm trước. Chúng tôi được Phó Chủ tịch HĐND xã An Đạo Nguyễn Công Chất đưa đến gặp nhân chứng duy nhất còn lại. Bước sang tuổi 88, nhưng ông Hòa vẫn còn minh mẫn, nước da đỏ au với hàm răng nhuộm đen hầu như còn nguyên vẹn (điều này khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, xưa nay chỉ thấy các cụ bà nhuộm răng).

Nhắc lại chuyện xưa, đôi mắt mờ đục của ông Hòa rơm rớm, giọng ông ngậm ngùi: “Nhà tôi hôm đó cả thảy 8 người đã bị chúng giết, trong đó có bố mẹ tôi; có nhà bị giết hại cả gia đình!... Tầm gần trưa hôm ấy, tôi đang chăn trâu trên đồng thì máy bay giặc Pháp xuất hiện. Tiếng tàu chiến, ca nô ầm ì trên sông vọng vào làng, rồi từng tràng súng rộ lên. Biết giặc càn, tôi nhảy xuống hầm nằm được một lúc thì có tiếng giày đinh lại gần. Hai thằng Tây lăm lăm súng hung hãn kéo tôi lên, trói lại giải đi. Chúng lùng sục khắp làng. Gặp bất kỳ ai, trẻ già, trai gái… chúng đều bắt, không bắt sống được thì chúng bắn chết. Trước khi rời khỏi nhà nào, chúng đều châm một mồi lửa lên mái lá. Đến cuối giờ chiều hôm ấy, chúng đưa tôi ra bến Gành, nơi đang có vài chục người đã bị trói chặt đưa lên từ trước". 

"Chiều muộn, những tên lính Pháp lần lượt bắn từng người rồi hất xác xuống sông. Đến loạt chúng tôi có 5 người: Tôi, ông Nhù - anh trai tôi và các ông Phương, Trí, Mạc. Chúng giải ông Phương và ông Mạc ra sát bến sông, bắn chết rồi đẩy xác xuống sông. Đến lượt tôi, một thằng Pháp to cao, áp giải tôi ra bờ sông. Một tay nó nắm chặt tay tôi, một tay nó cầm khẩu súng gí vào mạng sườn tôi. Ra sát mé sông, nhân lúc tên lính Pháp sơ ý, tôi liều mình ôm lấy nó và lao xuống sông. Cả hai rơi xuống vực nước, tôi lặn một hơi dài ra xa rồi bơi một mạch đến Cội Gạo cách bến Gành chừng nửa cây số thì mới dám vào bờ. Thật phúc đức cho nhà tôi, anh trai tôi trong lúc bị giải ra mép vực cũng lao xuống sông trốn thoát…”.

Ông Nguyễn Văn Hòa (bìa phải): "Ra sát mé vực, nhân lúc tên lính Pháp sơ ý, tôi liều mình ôm lấy nó và lao xuống sông"...

Ngồi nghe chồng ôn chuyện cũ nãy giờ, bà Bi (vợ ông Hòa, năm nay 82 tuổi) cũng góp lời: “Hôm đó, tôi và một số người khác nghe tiếng súng, vội trốn lên núi, chứ nếu ở làng thì có lẽ cũng chung số phận với 99 bà con trong làng”.

Đêm ấy quân Pháp rút đi. Sáng hôm sau một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra ở bến Gành. Máu người loang tím đen trên một khúc sông Lô. May mắn là bến Gành do nước sông Lô xoáy vào núi tạo thành vụng sâu, lại có một bè gỗ lớn neo ở đó nên phần lớn xác những người bị giết hại không bị trôi đi. Chính quyền xã đã tổ chức lực lượng trục vớt được nhiều xác người đưa lên bờ. Trong cảnh loạn lạc, tang tóc của cả làng, hầu như nhà nào cũng có người bị chết nên việc chôn cất các nạn nhân tiến hành đơn giản, nhanh gọn, đề phòng giặc trở lại.

Ông Hòa kể tiếp: “Anh em tôi phải dùng mấy mảnh ván cửa còn sót lại để đóng áo quan cho bố mẹ tôi. Cả nhà tôi có tới 8 người bị giết, nên thú thật chúng tôi chẳng còn tâm trí đâu mà giúp đỡ xóm giềng. Không rõ hôm ấy giặc Pháp giết bao nhiêu người, riêng tại bến Gành có tới 93 oan hồn. Làng An Đạo chúng tôi sau hôm ấy vãn hẳn người, bầu không khí tang thương bao trùm hàng tháng trời. Hằng năm cứ vào ngày 10/9 âm lịch, cả làng tổ chức một cái giỗ chung, gọi là Giỗ Trận!”. 

Chủ tịch UBND xã An Đạo Nguyễn Kim Sơn: “Vào ngày Giỗ Trận hằng năm (10-9 âm lịch), chính quyền và nhân dân xã đều tổ chức lễ viếng và thắp hương tưởng nhớ các nạn nhân tại nhà bia căm thù. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay ngoài nhà bia và bia căm thù mới được làm lại, chúng tôi cũng chưa làm được gì hơn để chia sẻ nỗi đau thương, mất mát của bà con trong làng. Chúng tôi mong xã hội sẽ có hình thức tưởng nhớ các nạn nhân thiết thực, hiệu quả hơn, giúp đỡ các gia đình có thân nhân bị giết hại trong vụ thảm sát 65 năm trước...”.

Trần Duy Hiển
.
.
.