Tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai

Thứ Sáu, 16/03/2018, 14:57
Sáng 16-3, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm ngày lính Mỹ gây ra cuộc thảm sát kinh hoàng tại thôn Mỹ Lai, xã Sơn Mỹ, (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).

Về dự buổi lễ xúc động này, có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân; đồng chí Trương Hòa Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cùng đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhân dân địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thắp hương tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai.

Buổi lễ còn có sự hiện diện của ông Gerard Boivineau, nguyên Tổng lãnh sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh; Ông John McAuliff, Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và Phát triển Hoa Kỳ; các cựu binh Mỹ, các nhân chứng, nạn nhân sống sót qua cuộc thảm sát cùng hàng trăm phóng viên trong nước và quốc tế.

Các đại biểu và người dân địa phương dâng hoa tưởng nhơ nạn nhân vụ thảm sát
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân dâng hương tưởng niệm các nạn nhân

Vào ngày này, cách đây 50 năm, trong cuộc càn quyét tại thôn Mỹ Lai, xã Sơn Mỹ ngày 16-3-1968, binh lính thuộc Đại đội Charlie của Mỹ đã giết hại 504 người dân vô tội. Phần lớn các nạn nhân là người già, phụ nữ và trẻ em đã phải lìa đời một cách bi thương và thảm khốc. Đó là nỗi ám ảnh, đau khôn nguôi trong trái tim của người dân Sơn Mỹ.

Nhắc lại sự kiện bi thảm và phẫn uất này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh đó là nỗi đau khôn nguôi của toàn thể người dân Việt Nam và những người có lương tri trên trái đất. 

Du khách nước ngoài thắp hương tưởng niệm các nạn nhân
Đông đảo người dân và nhiều thân nhân các cựu binh mỹ cũng đến dâng hoa tại lễ tưởng niệm

Mỹ Lai không phải là một vụ việc duy nhất, nhưng là vụ việc điển hình cho những tội ác dã man mà các thế lực hiếu chiến đã gây ra cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Quảng Ngãi trong thời kỳ chiến tranh, tiêu biểu cho những đau thương tột cùng mà nhân dân ta phải gánh chịu. 

Ngay từ thời ấy, báo chí quốc tế đã ví sự kiện Mỹ Lai với những vụ thảm sát kinh hoàng nhất trên thế giới. Sự thật ở Mỹ Lai-Sơn Mỹ đã được phanh phui và phơi bày bởi các nhà báo, các cựu chiến binh Mỹ, các nạn nhân còn sống sót ở Mỹ Lai và những người yêu chuộng công lý, hoà bình trên thế giới, trong đó có nhiều người Mỹ.

5 năm qua, Mike Poehm, một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam luôn dự lễ tưởng niệm vụ thảm sát và cùng với cây đàn violon để gửi lời nguyện cầu đến hương hồn 504 người dân bị sát hại.

Anh Trần Văn Đức, nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát kể lại với thân nhân một binh sỹ Mỹ về vụ thảm sát ngày 16-3-1968 

Ông Ronald Haeberle đã tặng chiếc máy ảnh Nikon đã sử dụng chụp ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai tặng lại cho anh Trần Văn Đức, anh Đức kính cẩn mang chiếc máy ảnh đến lễ tưởng niệm.

50 năm đã trôi qua, nỗi đau không ai quên. Nhưng người dân Mỹ Lai quật cường đã vượt qua tang tóc và thù hận, không truy cứu những binh lính đã gây tội ác nhưng đã day dứt, hối hận về hành động của mình. 

Người dân lại cùng nhau xây dựng quê hương, đón nhận cả sự ăn năn của những cựu binh Mỹ biết phục thiện. Với sự rộng lượng và chân thành, người dân Mỹ Lai đã làm lay động con tim và lương tri của nhân loại. 

Nơi đây đã trở thành “vùng đất kết nối những con người chưa từng quen biết xích lại gần nhau, là nơi được nhiều người tìm đến để chứng kiến, để nhận thức, để ngẫm suy và sẻ chia, đồng thời ước nguyện cho một thế giới hoà bình, không còn xảy ra , không còn lặp lại lần nào nữa trên khắp thế giới…  

Tại buổi lễ, UBND tỉnh đã công bố quyết định cấp Giấy phép thành lập Quỹ Hòa Bình Mỹ Lai, công nhận Quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Hòa Bình Mỹ Lai do bà Trương Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ. 

Đây là một quỹ tự nguyện, kết nối mọi tổ chức, cá nhân có tình yêu và muốn đóng góp xây dựng, giúp đỡ người dân còn khó khăn ở Quảng Ngãi nói chung, Sơn Mỹ nói riêng.

Thân Lai
.
.
.