Ngăn dịch cúm A/H7N9 từ biên giới: Tinh vi như buôn lậu gia cầm

Thứ Ba, 14/03/2017, 08:12
Trong số 16 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đang chịu sự hoành hành của dịch cúm gia cầm A/H7N9 làm hơn 400 người chết, có tỉnh Vân Nam giáp ranh với tỉnh Lào Cai của Việt Nam. Bệnh cúm gia cầm A/H7N9 có khả năng gây nhiễm cho người, dẫn đến viêm phổi nặng, tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Nguy hiểm hơn, cúm A/H7N9 hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccin phòng bệnh.

Lào Cai có hơn 200km đường biên giới với tỉnh Vân Nam. Vì vậy, thực trạng vận chuyển, buôn lậu gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm từ Vân Nam sang Lào Cai đang là một trong những nguy cơ hàng đầu có thể làm lây lan dịch cúm từ Trung Quốc vào nước ta.

Tại Lào Cai, năm 2016, dịch cúm A/H5N6 xảy ra từ ngày 29-8 đến ngày 12-9 tại 9 hộ, 5 thôn của 3 xã làm 8.883 con gia cầm mắc bệnh chết và phải tiêu hủy. Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai may mắn chưa phát sinh dịch bệnh cúm gia cầm. Tuy nhiên, nguy cơ xuất hiện hay xâm nhập các loại cúm gia cầm vào tỉnh Lào Cai vẫn đang hiện hữu, nhất là tỉnh Vân Nam, tỉnh giáp biên giới với Lào Cai đang có dịch cúm A/H7N9.

Tỉnh Lào Cai có 26 xã, phường của 5/9 huyện, thành phố có đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam. Trên địa bàn của tỉnh có 1 cửa khẩu Quốc tế, 2 cửa khẩu Quốc gia và nhiều lối mòn, lối mở biên giới, thường xuyên có hoạt động vận chuyển hàng hóa giao thương và du lịch giữa hai nước. Cư dân biên giới cũng có nhiều hoạt động trao đổi hàng hóa, qua các lối mở. Do đó, nguy cơ xâm nhiễm virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm khác vào địa bàn tỉnh Lào Cai rất cao.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh Lào Cai, hiện nay, tổng đàn gia cầm của tỉnh Lào Cai là khoảng 3,8 triệu con; số hộ chăn nuôi gia cầm là 96.500 hộ, với quy mô trung bình khoảng 40 con/hộ; 122 trang trại chăn nuôi gia cầm với quy mô chăn nuôi mỗi lứa từ 2.000 – 10.000 con/trang trại; trên 300 gia trại có quy mô chăn nuôi mỗi lứa trên 1.000 con/gia trại.

Phương thức chăn nuôi gia cầm của các hộ gia đình vẫn chủ yếu là chăn thả, thả vườn, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh: tiêm phòng vaccin, tiêu độc khử trùng, vệ sinh phòng bệnh kém… Cùng với những diễn biến bất thường của thời tiết, sẽ rất dễ phát sinh các ổ dịch mới, rất khó kiểm soát.

Các lực lượng chức năng tiêu hủy các sản phẩm từ gia cầm nhập lậu vào Lào Cai.

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai do chưa tự chủ động được con giống hằng năm phải nhập hàng vạn con gia cầm vào để chăn nuôi, gia cầm thụt và sản phẩm gia cầm cũng được nhập chủ yếu từ các địa phương khác, vì vậy, nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm ở tỉnh Lào Cai là rất cao.

Lâu nay, các địa điểm như sông Hồng và sông Nậm Thi khu vực chảy qua địa phận Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương; thôn Bản Quẩn, Nậm Sò, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng; khu vực dọc hai cánh gà cửa khẩu quốc tế Lào Cai; khu thương mại Kim Thành; khu vực thôn An Quang, xã Quang Kim; khu vực cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát… luôn là những địa bàn nóng diễn ra các hoạt động vận chuyển hàng lậu qua khu vực biên giới của tỉnh Lào Cai.

Từ TP Lào Cai, một cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh dẫn tôi đến khu vực cửa khẩu phụ Bản Vược. Trong số hơn 200km đường biên giới của tỉnh Lào Cai, thì có đến 120km là đường sông. Con sông Hồng chảy qua khu vực cửa khẩu phụ Bản Vược là ranh giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc có những đoạn hẹp, theo quan sát bằng mắt thường, khoảng cách giữa hai bờ ước chừng chỉ 50 mét.

Vào lúc 14h ngày 10-3, chúng tôi có mặt ở khu vực ngay sát cửa khẩu phụ Bản Vược, thì thấy có hàng trăm tàu thuyền to nhỏ các loại đậu san sát. Ở thời điểm trên, trên các tàu này không có hàng hóa và cũng không có dấu hiệu di chuyển. Ông Nguyễn Phúc Lợi, Phó tổ trưởng phụ trách Tổ kiểm soát chống buôn lậu thuộc Đội Kiểm soát, Cục Hải quan Lào Cai chia sẻ, một trong những thời điểm diễn ra hoạt động buôn lậu nói chung và buôn lậu gia cầm, các sản phẩm liên quan đến gia cầm nói riêng là khoảng thời gian từ 17-19h.

Thời điểm này trời tối và là lúc các gia đình đoàn viên sau một ngày lao động, công tác mệt mỏi. Vì vậy, bọn buôn lậu sẽ dồn lực lượng, sức lực vào khoảng thời gian “vàng” này để vận chuyển hàng hóa với hi vọng có thể giảm thiểu rủi ro.

Chia sẻ về tình hình buôn lậu gia cầm, ông Nguyễn Phúc Lợi cho biết thêm, theo ưu đãi của Nhà nước dành cho cư dân biên giới, mỗi người dân ở vùng biên được vận chuyển số lượng hàng hóa miễn thuế không quá 2 triệu đồng một ngày. Lợi dụng vào đó, nhiều cư dân biên giới tổ chức buôn bán, vận chuyển các loại hàng tạp hóa trên xe thồ, xe đạp qua khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

“Nhiều khi họ giấu các sản phẩm liên quan đến gia cầm vào trong đống hàng hóa đó một cách rất tinh vi nên chúng tôi khó phát hiện. Chúng tôi phải theo dõi đến khi họ tập kết hàng lại để vận chuyển đi thì mới bắt quả tang” – ông Nguyễn Phúc Lợi chia sẻ.

Đại tá Tống Chính Phúc, Trưởng phòng Phòng chống ma túy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, đơn vị trực tiếp tham gia công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, chia sẻ với chúng tôi rằng, cũng như nhiều lực lượng chức năng khác, lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm buôn lậu gia cầm bởi những phương thức, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng.

Đại tá Tống Chính Phúc giải thích, đường biên giới của tỉnh Lào Cai kéo dài, do lịch sử, cư dân biên giới hai tỉnh Lào Cai của Việt Nam và Vân Nam của Trung Quốc thường xuyên diễn ra các hoạt động thăm thân. Mỗi lần người Việt Nam sang thăm họ hàng bên Trung Quốc hay tham gia các dịp giỗ chạp, đám đình, lúc họ trở về thì thường mang theo quà cáp, trong đó có các loại gia cầm như con gà, con vịt. Với số lượng ít, họ lại đi theo các lối mòn, lối mở nên lực lượng chức năng cũng rất khó kiểm soát.

Nói về tình trạng buôn lậu gia cầm, Đại tá Tống Chính Phúc cho biết, trong nhiều trường hợp, các lực lượng chức năng rất khó xử lý, trong đó có chiêu thức biến gà lậu thành gà nhà. Nghĩa là, các đối tượng buôn lậu tập kết gia cầm ở phía bên kia biên giới, chờ thời điểm thích hợp thì vận chuyển ít một sang Việt Nam rồi tập kết lại tại chuồng gà trong nhà dân và cho ăn uống chăm sóc như gà nhà. Đến khi đủ số lượng theo một mức nhất định, đàn gà lậu này mang danh chính ngôn thuận là gà nhà đi tiêu thụ.

Cảnh Vũ
.
.
.