Hiểm họa môi trường từ các nhà máy xả thẳng: Nâng cao quy chuẩn về chất thải

Thứ Hai, 22/08/2016, 09:26
Việc Formosa xả thải gây ra thảm hoạ môi trường cho các tỉnh miền Trung, hay việc công ty mía đường xả thải làm cá chết hàng loạt trên sông Bưởi đã là tiếng chuông cảnh báo cho việc buông lỏng quản lí ở nhiều nơi. Làm thế nào để không xảy ra những sự cố môi trường tương tự?


Mấu chốt là vấn đề công nghệ

Một thời gian dài, các địa phương trải thảm kêu gọi đầu tư. Hậu quả là các dây chuyền công nghệ lạc hậu được ồ ạt nhập vào Việt Nam phát sinh nguồn chất thải lớn. 

"Các doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản đều chấp hành tốt pháp luật về môi trường, đầu tư công nghệ tiên tiến để xử lí chất thải. Trong khi đó, các doanh nghiệp bị phát hiện xả thải ra môi trường thường đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... 

Công nghệ của họ vốn đã lạc hậu từ trong nước. Khi đầu tư sang Việt Nam, họ mang theo cả công nghệ lạc hậu của mình. Bản thân công nghệ này phát sinh nhiều chất thải, xử lí nhiều thông số không đạt, quy trình không đảm bảo" - ông Nguyễn Đình Cường - Ban Quản lí các KCN tỉnh Hưng Yên cho biết.

Việc xả thải chưa qua xử lí đang khiến cho môi trường sống từng ngày bị huỷ hoại. 

Về vấn đề này, Đại tá Vũ Duyên Hải – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) nói thêm: 

"Công nghệ của Trung Quốc tưởng rẻ nhưng lại không hề rẻ bởi khi đi vào vận hành sẽ phát sinh chi phí rất lớn. Lẽ ra ngay từ lúc cấp phép, dự án nào sử dụng công nghệ lạc hậu cần phải loại bỏ ngay. Chúng ta phát triển sau thì phải sử dụng công nghệ nào tiên tiến nhất. 

Để cho doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, tới lúc gây ô nhiễm, họ chấp nhận nộp phạt chứ không đầu tư xây dựng lại bằng công nghệ mới, bởi sẽ phải mất ít nhất 5-6 tháng. Trong thời gian đó, hoạt động sản xuất sẽ bị đình trệ, thiệt hại còn nặng hơn".

Theo ông Cường, hiện tỉnh Hưng Yên có 4 KCN là Phố Nối A, Dệt may Phố Nối B, Thăng Long, Minh Đức. Trong đó KCN Minh Đức chưa đầu tư hệ thống xử lí nước thải tập trung, mặc dù đã có hơn chục doanh nghiệp đang hoạt động. 

Hệ thống xử lí nước thải của KCN Phố Nối A đạt công suất 6.000m³/ngày đêm, Dệt may Phố Nối đạt 10.000m³/ngày đêm, Thăng Long 17.000m³/ngày đêm. Riêng KCN Phố Nối A và Thăng Long yêu cầu nước thải đầu ra của doanh nghiệp đấu nối phải đạt chuẩn A. 

Trong trường hợp doanh nghiệp xử lí không đạt nước thải, đơn vị hạ tầng của KCN sẽ xử lí giúp và tính phí. Các doanh nghiệp trong KCN Thăng Long đều đầu tư công nghệ tiên tiến, đảm bảo được yếu tố môi trường. 

Mặc dù thừa nhận có tình trạng doanh nghiệp trong KCN xả thải trộm gây ô nhiễm, tuy nhiên, theo ông Cường, các doanh nghiệp nhỏ lẻ bên ngoài còn nguy hiểm hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong KCN. 

"Trên địa bàn tỉnh có trên 1.500 doanh nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp nằm trong các KCN. Số còn lại mới là nguy hiểm. Nằm ngoài KCN mà không có hệ thống xử lí nước thải thì chỉ có xả thẳng ra kênh, mương, đồng ruộng thôi" - ông Cường khẳng định.

Tăng cường các công cụ giám sát

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được xem là công cụ hữu hiệu để kiểm soát, giám sát việc xả thải của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Mai Thanh Dung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường), chất lượng các báo cáo ĐTM hiện nay rất kém, nhiều dự án làm rất sơ sài, chủ yếu mang tính chất đối phó. 

Ông Nguyễn Khắc Kinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) khẳng định, đội ngũ làm ĐTM ở Việt Nam rất yếu về chuyên môn. 

"Có nhiều cơ quan tư vấn đứng ra làm ĐTM, nhưng khi chúng tôi hỏi lại thì họ không giải thích được. Với đội ngũ ấy thì ĐTM sơ sài là khó tránh khỏi. Tôi có hỏi một số chuyên gia Canada xem làm ĐTM của dự án thuỷ điện Hoà Bình cần bao nhiêu thời gian, tiền bạc. Họ trả lời phải mất 5 năm và 5 triệu USD. Trong khi đó, ở Việt Nam, mỗi ĐTM chỉ khoảng 700-800 triệu, làm trong vòng 2-3 tháng" – ông Kinh nói. 

Từng phê duyệt ĐTM của nhiều dự án (trong đó có dự án Formosa Hà Tĩnh), ông Kinh cho rằng, người được giao nhiệm vụ kí duyệt ĐTM cũng khổ vì thiếu thông tin.          

Việc lắp đặt các trạm quan trắc tự động để kịp thời phát hiện những sai phạm cũng là công cụ giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải ra môi trường của các cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 10% hệ thống xử lí nước thải tập trung của các KCN có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. 

Điển hình như vụ việc Formosa vừa qua, nhà máy có lắp đặt trạm quan trắc tự động nhưng lại không kết nối dữ liệu với Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Tĩnh. Do vậy, Formosa xả thải như thế nào, cơ quan chức năng không hề hay biết.

Nâng cao quy chuẩn về chất thải

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần xem lại quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất thải, bởi những quy định hiện nay là khá thấp so với khu vực và thế giới. 

“Trước đây, khi ở giai đoạn trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư, chúng ta chấp nhận để quy chuẩn thấp. Nhưng đến nay, Việt Nam đang ở giai đoạn các nước có thu nhập trung bình, chúng ta cần lựa chọn nhà đầu tư và lĩnh vực khuyến khích đầu tư, không chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá. Vì vậy, quy chuẩn về môi trường, đặc biệt là xả thải cần phải khắt khe hơn” - GS Võ nói. 

Đồng quan điểm, bà Lê Hoàng Lan - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, quy chuẩn Việt Nam về chất thải hiện nay mới chỉ quy định theo lưu lượng hoặc dung tích mà chưa chú ý đến sức chịu tải của nguồn tiếp nhận nước thải. Quy chuẩn về nước thải đối với ngành đặc thù cũng chưa nghiêm ngặt, đặc biệt về vị trí xả thải.

TS Trần Thế Loãn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, sức chịu tải môi trường của mỗi khu vực lại khác nhau, do đó khi làm quy chuẩn môi trường cần phải căn cứ vào sức chịu tải của từng khu vực riêng biệt. “Muốn đánh giá chính xác được sức chịu tải của từng khu vực không hề đơn giản. Tôi cho rằng, các nhà khoa học Việt Nam vẫn chưa làm được” – TS Loãn nói.

Khó xử lí hình sự

Đại tá Vũ Duyên Hải cho rằng, hiện nay, trong lĩnh vực môi trường mới chỉ xử lí hình sự được 2/11 tội danh là huỷ hoại rừng và buôn bán động vật hoang dã. Vi phạm trong xả thải công nghiệp gần như mới chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, rút giấy phép, đình chỉ hoạt động, chưa được xử lí hình sự. 

"Hậu quả của xả thải công nghiệp là rất nghiêm trọng, có cái nhìn thấy ngay, có cái ảnh hưởng lâu dài. Nhưng doanh nghiệp là pháp nhân, không thể cá thể hoá ai để chịu trách nhiệm. Luật Hình sự lại quy định phải xả trên 10.000m³/ngày đêm mới xử lí hình sự. Như thế thì chẳng xử lí được ai. 10.000m³ là cả KCN rồi, chứ làm gì có doanh nghiệp nào có lượng nước thải lớn như vậy, chỉ 2.000-3.000m³/ngày đêm là nhiều lắm rồi. Có nhiều vụ doanh nghiệp xả độc tố vượt ngưỡng, nhưng vì lưu lượng xả không vượt quá 10.000m³/ngày đêm nên không xử lí được. Luật phải gần thực tế mới áp dụng được" – Đại tá Hải nhấn mạnh.

Khánh Vy
.
.
.