Một nhà báo đau đáu với những cảnh đời khốn khó

Thứ Bảy, 22/06/2019, 08:35
Là một cựu chiến binh, rồi làm báo với hàng chục năm lăn lộn ở địa bàn Quảng Nam, nhà báo Vũ Công Điền luôn day dứt khi chứng kiến nhiều cảnh đời éo le, bất hạnh. Mỗi chuyến đi thực tế ở cơ sở, anh đều tìm gặp những gia đình khó khăn để chia sẻ, vận động sự đóng góp, hỗ trợ của bạn bè và cộng đồng.


Sau khi nghỉ hưu, anh vẫn dành hết thời gian, tâm sức cho công tác từ thiện xã hội. Anh tâm sự: “Khi nào còn sức khỏe, còn làm được gì cho bà con thì mình sẽ cố làm”…

Nhà báo Vũ Công Điền kể rằng, anh sinh ra ở làng Phú An, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, một miền quê giàu truyền thống cách mạng. Cha mẹ anh tham gia cách mạng và hy sinh khi anh còn nhỏ. Hai anh ruột và chị dâu của anh cũng là liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Năm 1968, anh tham gia lực lượng huyện đội Đại Lộc, cùng đồng đội đánh giặc. Một năm sau, trong một trận đánh ở xã Đại Thạnh, anh bị đạn của giặc từ trực thăng bắn vỡ cả 2 khớp gối. Sau khi được cứu chữa, bình phục, anh được điều sang đội phẫu thuật tiền phương, tham gia cấp cứu, chăm sóc bộ đội bị thương.

Đất nước hòa bình, thống nhất, anh về làm công tác y tế ở địa phương, sau đó làm phóng viên ảnh thời sự của Thông tấn xã Việt Nam. Với gần 25 năm công tác, anh chuyển qua làm Báo Ảnh Việt Nam và về hưu năm 2011. “Trong chiến tranh, mình được nhân dân che chở, đùm bọc. Hòa bình rồi, thấy nhiều vùng quê quá nghèo khó, đặc biệt là những vùng căn cứ cách mạng, mình càng mong muốn góp sức, chia sẻ, trả nghĩa ân tình”, anh tâm sự. 

Cũng vì thế, trong những chuyến công tác, anh thường quan tâm, tìm hiểu về những hoàn cảnh đáng thương. Trong hàng trăm trường hợp từng tiếp xúc, giúp đỡ, có nhiều trường hợp khiến anh đau xót như trường hợp bà Năm Nghê (bà Lê Thị Nghê), ở thôn Trà Linh, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức.

Trong chiến tranh, khi chạy vào hàng núi tránh giặc càn quét, bà Năm Nghê buộc phải hy sinh đứa con nhỏ đang bồng trên tay để bảo vệ hàng trăm dân làng và du kích đang ẩn náu tại đây. Chiến tranh đã nguội tắt, người mẹ bất hạnh ấy vẫn sống trong căn chòi tạm bợ ven sông với tâm trí khi tỉnh, khi mê vì nỗi đau mất con, về những đau thương, tàn khốc của cuộc chiến tranh ác liệt. 

Những bài viết của anh về bà Năm Nghê đăng trên một số tờ báo đã gây xúc động mạnh đối với bạn đọc. Nhiều cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp đóng góp, xây dựng cho bà Nghê một căn nhà nhỏ để có chỗ ở ổn định, chính quyền địa phương cũng thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ gia đình bà Nghê và cô con gái. Hay trường hợp bà Nguyễn Thị Hoan (trú xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). 

Sau trận lũ lịch sử năm 1999, nhiều vùng quê trên dải đất miền Trung xơ xác, tiêu điều, nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi hết gia sản, lâm cảnh màn trời chiếu đất. Khi cùng một cơ quan báo chí về xã Bình Đào để cứu trợ người dân, thấy một bà lão mắt mù, dáng vẻ rúm ró, khắc khổ, ôm phần quà cứu trợ vào lòng như giữ một tài sản lớn. 

Anh hỏi ra mới biết, bà Hoan có hoàn cảnh rất éo le, không có người thân thích. Bà ở trong một căn lều tạm trong mảnh vườn của người cháu họ, hàng ngày ra bãi biển cào lá dương liễu bán kiếm tiền đong gạo. Dân làng hồi đó nghèo lắm, nên không giúp được nhiều. Có đêm giao thừa, bà Hoan mãi cào lá dương rồi không biết đường về, giữa khuya cả làng gọi nhau đốt đuốt đi tìm...

Qua bài viết về bà Hoan của anh, ông Lâm Duy Lợi, chủ doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi, quyết định hỗ trợ bà Hoan 20 triệu đồng. Nhưng khi về đến Thăng Bình, tận mắt chứng kiến cảnh đời của bà Hoan, ông Lợi đã quyết định hỗ trợ xây nhà, mua sắm đầy đủ các vật dụng và tặng thêm cho bà một sổ tiết kiệm, giúp bà Hoan vơi đi cơ khổ trong cuộc sống.

Nhà báo Vũ Công Điền và các nhà tài trợ tặng bò cho người nghèo.
Nhà báo Vũ Công Điền thăm các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Có trường hợp, chỉ là tình cờ gặp giữa đường. Nhưng với tấm lòng nhân ái, nhà báo Vũ Công Điền đã chia sẻ, sau đó dành hết tâm sức để vận động mọi người giúp đỡ, lo lắng còn hơn lo lắng cho người thân. Như cách đây 2 năm, trong một buổi trưa nắng gắt đang phóng xe máy trên đường, thấy một ông già bán vé số cụt chân, ngồi xe lăn, quệt cánh tay trên khuôn mặt sạm đen lau nước mắt. Anh dừng xe hỏi chuyện, ông già trả lời rằng, ông có đứa con gái bị điên, bỏ nhà đi. Ông vừa gặp con gái lang thang, nhưng gọi mãi mà con không nhận ra ông và bỏ đi nên ông tủi thân khóc. 

Anh mời ông già vào quán nước tránh nắng, hỏi rõ nguồn cơn mới hay, người đàn ông bất hạnh này tên là Nguyễn Hai, trú xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc. Trong chiến tranh, ông Hai bị cụt một chân do giặc nã pháo. Ông Hai có vợ và một cô con gái, khi còn khỏe cùng làm nghề chài lưới trên sông Vu Gia. Vợ chồng ông nhiều lần cứu người đuối nước, coi như tạo phúc đức. Nhưng không hiểu sao con gái ông có chồng, có con, đang bình thường thì trở nên điên dại, bỏ nhà đi lang thang. Sau này, khi không còn sức chài lưới, ông ngồi xe lăn, bán vé số để nuôi sống bản thân mình. Anh theo ông Hai về tận nơi trú ngụ, thấy đó là một túp lều nằm ở mé sông… 

Khi anh đăng tải về trường hợp đáng thương của ông Hai lên facebook cá nhân, đông đảo bạn bè, người quen chia sẻ, mong muốn chung tay góp sức giúp đỡ. Nhóm thiện nguyện mà anh là thành viên chỉ trong vài ngày đã quyên góp được hơn 130 triệu đồng. Số tiền này, mọi người quyết định tìm mua cho gia đình ông Hai một căn nhà để tá túc.

Qua nhiều cầu nối, anh tìm được một ngôi nhà cấp 4 nhỏ đang bỏ không tại thôn Mỹ An, xã Đại Quang, nằm trong khuôn viên đất rộng 250m². Thấu tâm ý của nhóm thiện nguyện, chủ nhà đã bán rẻ với giá 80 triệu đồng, chưa bằng một nửa giá trị thực. Quá vui mừng, anh và các thân hữu nhanh chóng bắt tay vào sửa chữa nhà để giúp ông Hai có một ngôi nhà khang trang. 

Những người dân ở thôn Mỹ An nghe chuyện tình nguyện đến góp công sức, chỉ nhận tiền công tượng trưng. Một đại lý sơn thì tài trợ sơn để sơn lại toàn bộ nhà. Anh trực tiếp mang câu chuyện của ông Hai đến các cửa hàng bán vật tư xây dựng nên họ chỉ bán lại xi măng, cát sạn giá vốn, không lấy lời. 

Ngày khánh thành bàn giao nhà cho ông Hai, làng Mỹ An đông vui như hội. Hàng chục anh em thiện nguyện từ Đà Nẵng vào Đại Lộc, mang theo nồi cơm điện, bếp ga, quạt máy và nhiều vật dụng khác tặng ông Hai. Trông ngôi nhà khang trang, có mảnh vườn nhỏ trồng rau, nuôi vài con gà, những người dân quê vừa mừng cho ông Hai, vừa xúc động, cảm kích trước những tấm lòng nhân ái đã giúp ông Hai thay đổi cuộc đời... 

Cũng qua sự vận động của nhà báo Vũ Công Điền, nhóm thiện nguyện Vì Cộng đồng và nhiều nhà hảo tâm, nhiều nhà báo cũng đã giúp đỡ ông Nguyễn Phẩm, bị cụt 1 tay, 1 chân ở xã Quế Ninh, huyện Quế Sơn. Bản thân mất sức lao động, ông Phẩm sống nhờ vào đồng tiền trợ cấp tật nguyền. Cùng với anh Điền và nhóm Vì Cộng đồng, đã chia sẻ những đồng lương hưu của mình để giúp ông Phẩm vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. 

Tấm lòng nhân ái, sự tận tâm của nhà báo Vũ Công Điền và nhóm Vì Cộng đồng trong hoạt động thiện nguyện ngày càng lan tỏa, được nhiều người tin tưởng, ủng hộ, chung tay góp sức. Trong đó, có rất nhiều người tuy không có nhiều tiền nhưng rất giàu lòng nhân ái, nhiều nhà báo, phóng viên trẻ...

Những năm qua, nhà báo Vũ Công Điền và nhóm Vì Cộng đồng đã giúp xây dựng một số trường học, tặng hàng chục con bò, sửa chữa nhà cửa... giúp đỡ hàng trăm địa chỉ khó khăn trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ngoài việc giúp đỡ trực tiếp bằng vật chất, nhóm còn định hướng và giúp người dân một số xã vùng cao bò giống, cây giống để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Anh bộc bạch: “Mình làm không phải để lấy thành tích hay lấy tiếng, chỉ mong giúp những người bất hạnh có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Thân Lai
.
.
.