Miệt mài gieo chữ nơi lưng trời Sơn Lập

Thứ Hai, 27/11/2017, 09:09
Vượt qua những thiếu thốn về cơ sở vật chất, bằng tình yêu nghề, thương trẻ, các thầy, cô giáo tại Trường Phổ thông cơ sở (Trường PTCS – trường gồm 3 cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đã tự khắc phục khó khăn, dần thích nghi và cần mẫn hằng ngày lên lớp, gieo chữ nơi vùng cao heo hút này…

Nếu như cung đường đi từ Hà Nội lên Cao Bằng đã vất vả bởi những khúc cua tay áo liên tục thì con đường từ TP Cao Bằng lên huyện Bảo Lạc dài hơn 135km còn khó khăn gấp bội. Để tới được đây, chúng tôi phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ. 

Sau khi đặt chân tới thị trấn Bảo Lạc, chúng tôi tiếp tục vượt qua đường đèo dốc ngoằn nghèo, địa hình núi non khá hiểm trở dài gần 70km với hơn 3 tiếng đồng hồ để vào được xã Sơn Lập – một xã nghèo năm 2007 được tách ra từ xã Sơn Lộ. Xã Sơn Lập có diện tích trên 4.000 ha, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc người Mông, Dao, Tày, Nùng. 

Ngoài địa hình bị chia cắt bởi nhiều núi đá, mặt bằng dân trí còn thấp, phong tục tập quán lạc hậu, số hộ nghèo, cận nghèo chiếm gần như toàn bộ trong tổng số các hộ dân toàn xã. Có lên đến đây, giữa đại ngàn heo hút, ghé qua thăm Trường PTCS Sơn Lập nằm cheo leo giữa núi rừng mới thấu hiểu sự vất vả của các thầy cô giáo nơi đây. 

Dù là trường chính nhưng cơ sở vật chất vẫn rất thiếu thốn, các lớp học đang được che chắn bởi nhiều tấm gỗ ghép lại, những chiếc tủ, tài liệu hay giá sách không có chỗ để. Không chỉ học sinh thiếu thốn, các giáo viên cũng không đủ thiết bị giảng dạy và phải ở tạm trong những ngôi nhà chật hẹp, thiếu điều kiện làm việc.

Thầy giáo Bế Duy Khánh, Hiệu trưởng Trường PTCS Sơn Lập chia sẻ: Hiện trường có gần 40 thầy, cô giáo cùng hơn 500 em học sinh, gồm cả bậc mầm non, tiểu học và cấp 2. Thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, những lớp học tạm, gió thốc tứ phía, hễ có bão là tốc mái. 

Một buổi lên lớp dạy học sinh của thầy giáo Trường PTCS Sơn Lập.

Cứ hôm nào trời mưa to, bão lớn, giáo viên buộc phải cho học sinh nghỉ học. Mùa đông ở đây có băng giá, nhiệt độ có năm xuống 0 độ, gió lùa qua các khe hở hun hút, khiến các em học sinh ngồi trong lớp co ro, rét tím tái. 

Một năm học thì có đến vài lần giáo viên phải vận động phụ huynh đến phụ giúp sửa chữa trường lớp. Đã có những nhà hảo tâm ủng hộ bàn ghế cho các em học sinh nhưng sau nhiều năm đã xuống cấp, hiện bàn học, ghế đã đa phần được làm mới từ những cọc tre, mảnh ván ghép lại tạm cho các em ngồi.

Cũng theo thầy Khánh, cuối năm 2013, nơi đây mới có đường ô tô. Trước dịp Tết năm 2017, điện lưới mới về tới xã, hàng trăm hộ gia đình vỡ òa trong cảm xúc bởi mong ước có điện về sáng bản bấy lâu nay đã trở thành hiện thực. 

Điện không chỉ tạo rất nhiều thuận lợi cho người dân, thầy và trò nhà trường cũng thoát khỏi cảnh tăm tối, đặc biệt các giáo viên có nhiều điều kiện để áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ai cũng hiểu rằng, cuộc sống của bà con nơi đây và thế hệ sau này chắc chắn sẽ tươi sáng, văn minh hơn…

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, gánh những thùng nước từ suối nguồn cách cả cây số trở về, cô giáo Đoàn Thị Huệ, người có hơn chục năm đứng lớp chỉ vào những túp lều được dựng gần trường bày tỏ sự trăn trở: “Ở đây, địa hình là núi, nhiều em phải đi bộ hơn 2 tiếng mới tới được trường, thương con, vì vậy có những phụ huynh dựng các túp lều tạm gần trường để tiện cho con em học tập. Học sinh vùng cao còn khổ lắm, vẫn phải nắm cơm đi học. Trời chưa lạnh còn đỡ, chứ chuyển đông, nhiệt độ có lúc tới 2 độ C, chúng tôi nhìn các em ăn những nắm cơm nguội, lạnh ngắt đem từ nhà lòng ai cũng xót xa. Mong rằng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, ngôi trường được đầu tư hơn để các em tới trường, được học tập trong điều kiện tốt hơn…”.

Dù điều kiện di chuyển còn nhiều trở ngại là vậy nhưng các em học sinh vẫn rất cần mẫn vượt núi để tới trường học chữ. Chính sự vượt khó đó là nguồn động lực không nhỏ để các thầy cô giáo nơi đây vượt qua những khó khăn bủa vây, để gắn bó, gieo chữ cho mảnh đất với nhiều thiếu thốn này…

Trở về sau chuyến hành trình tới nhà các học trò nghỉ học để thuyết phục phụ huynh sớm cho các em trở lại lớp, thầy giáo Lê Minh Châu, người huyện Hòa An (giáp huyện Bảo Lạc), với thâm niên 6 năm nghề giáo, hiện đang dạy lớp 6 chia sẻ: Đường xá ngày nắng ráo có thể đi được xe máy chứ ngày mưa thì chỉ có thể đi ủng, cuốc bộ tới các hộ dân. 

Ở đây, người dân dựng nhà ở, sống trên những vách núi cheo leo, từ xóm này sang xóm khác cách nhau tới cả chục km. Mỗi sáng các em phải đi học từ rất sớm, có nhiều em phải mang theo đèn pin. Cũng nhờ tiếp xúc, gặp gỡ thường xuyên với đồng bào dân tộc nên khả năng nói tiếng dân tộc của anh khá tốt. 

Theo anh, các thầy cô giáo ở đây đều từ chưa biết tiếng dân tộc, sau một thời gian công tác, nhiều người đã thành thạo, nói được vài ba thứ tiếng của một số dân tộc ở đây. Không những vậy, các thầy cô giáo còn năng tìm hiểu văn hóa các dân tộc, bởi đây cũng là điều cốt lõi nếu muốn gần gũi khi đến với các gia đình để động viên phụ huynh cho con em họ tới trường…

“Đồng bào chủ yếu sống dựa vào trồng trọt, nương rẫy và chăn nuôi, chính vì vậy vào dịp mùa vụ thu hoạch, một số học sinh thường tự ý nghỉ học để phụ giúp gia đình. Đặc biệt, một số em học sinh nữ lớp 9 còn bị gia đình cho nghỉ học hẳn do phong tục địa phương cưới hỏi khá sớm, nhà trai tới cưới là việc học của các em học sinh nữ bỏ dở luôn…” – thầy Châu vừa thở dài chia sẻ.

Chúng tôi chia tay thầy và trò Trường PTCS Sơn Lập khi tiếng trống trường cuối ngày vang lên và cũng là thời điểm mặt trời dần khuất bóng sau núi. Các ngôi nhà bắt đầu sáng đèn nhờ nguồn điện lưới về xã gần một năm nay ẩn hiện lấp lánh như những ngôi sao trên những quả núi. 

Tiếng hát, tiếng cười đùa hồn nhiên của những tốp em học sinh người dân tộc đang rảo bước về nhà hòa vào thiên nhiên, xóa tan đi cơn mưa đang ập tới lạnh giá. Hi vọng, với sự dìu dắt bằng tất cả tình yêu thương của các thầy, cô giáo, những mơ ước của các em sẽ sớm thành hiện thực…

Thảo Vy
.
.
.