“Máu” rừng nghiến thượng nguồn sông Đà vẫn không ngừng chảy

Thứ Năm, 24/05/2018, 06:58
Từ sau Tết Nguyên đán 2018 đến nay, do sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng nên tình trạng khai thác rừng nghiến có lắng xuống, song những vụ cưa xẻ gỗ và vận chuyển gỗ nghiến bị phát hiện, bắt giữ cho thấy “sức nóng” từ khai thác, vận chuyển trái phép gỗ nghiến chỉ hạ nhiệt tạm thời...


Bài 4: Vòng vo chuyện trách nhiệm

Thực tế rừng nghiến bị khai thác trái phép tại khu vực giáp ranh hai huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa (Điện Biên) và Quỳnh Nhai (Sơn La) là không thể phủ nhận.

Từ sau Tết Nguyên đán 2018 đến nay, do sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng nên tình trạng khai thác rừng nghiến có lắng xuống, song những vụ cưa xẻ gỗ và vận chuyển gỗ nghiến bị phát hiện, bắt giữ cho thấy “sức nóng” từ khai thác, vận chuyển trái phép gỗ nghiến chỉ hạ nhiệt tạm thời. Vậy những ai phải chịu trách nhiệm về thực trạng nhức nhối trên?

“Mẫu số chung” là… khu vực giáp ranh?!

Từ thông tin của trinh sát Công an tỉnh Điện Biên về một địa điểm đầu nậu cất giữ gỗ nghiến ở khu vực bản Hin Tẳng (xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), nhóm PV Báo CAND thuê một chiếc xuồng của người dân, xuôi theo dòng sông Đà (lòng hồ thủy điện Sơn La). Chúng tôi xuất phát tại bến Pác Na (xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa) vào khoảng 15h ngày 17-5-2018.

Lòng hồ thủy điện Sơn La đang mùa nước cạn nhưng phóng tầm mắt hai bên bờ sông, một bên thuộc huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) một bên thuộc huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) và tiếp giáp là huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La).

Việc liên tiếp nhiều vụ vận chuyển gỗ nghiến trái phép bị phát hiện, bắt giữ cho thấy “máu” rừng nghiến vẫn đang chảy.

Phía Sìn Hồ, rừng tái sinh khá rậm và nhiều tầng; phía Tủa Chùa và Quỳnh Nhai ít rừng hơn và có những mảng rừng đã bị đốt để làm nương. Một trinh sát cho biết: “Bên Lai Châu họ bảo vệ rừng khá tốt; ngăn chặn được nạn xâm canh, xâm cư nên rừng tái sinh phát triển nhanh”.

Sau 35 phút xuôi theo lòng hồ, chúng tôi tấp vào một gờ đất dưới chân núi thuộc bản Hin Tẳng. Leo lên chừng 100 mét cách mặt nước hồ, chúng tôi bắt gặp một cái lán nhỏ nhưng khá chắc chắn, có 2 tầng. Đây là nơi ngày 6-3-2018, lực lượng Công an và Kiểm lâm đã bắt giữ một vụ vận chuyển lớn gỗ nghiến.

Khi tiến hành kiểm tra lúc 5h5 sáng cùng ngày, người cầm chìa khóa lán là ông Lù Văn An (bản Huổi Pho, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai) nhận toàn bộ số gỗ này là của mình. Khi đó trời còn tối nên tổ công tác không thể kiểm đếm tang vật và ông An cũng “bỗng dưng biến mất”.

Đến 9 giờ sáng cùng ngày, không thấy chủ gỗ trở lại, tổ công tác đã tiến hành kiểm đếm tang vật với sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã Cà Nàng. Số tang vật thu được là 1.044 lóng gỗ nghiến (tương đương hơn 6,222m3).

Vụ việc được bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai xử lí. Trong biên bản bàn giao, ngoài phần tang vật có ghi rõ “Hạt Kiểm lâm Quỳnh Nhai tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ đối tượng Lù Văn An để xử lí theo quy định của pháp luật”. Nhưng đến nay (ngày 17-5-2018), chúng tôi được biết Lù Văn An vẫn… bình an vô sự.

Chỉ tay lên con đường mòn từ đỉnh núi xuống lán của Lù Văn An, một trinh sát cho biết: “Gỗ nghiến được chặt hạ ở các đỉnh núi trên kia, giáp ranh giữa hai huyện Quỳnh Nhai và Tủa Chùa, rồi đưa về đây.

Sau đó, gỗ sẽ được vận chuyển theo đường thủy về xuôi tiêu thụ. Hôm bắt giữ vụ này, nếu bọn em thiếu bản lĩnh, là vụ việc “chìm xuồng” đấy anh ạ!”.

Như vậy, tình trạng khai thác gỗ nghiến thường phức tạp hơn ở vùng giáp ranh giữa hai huyện hoặc hai tỉnh. Và khi quy trách nhiệm, cũng rất dễ bị rơi vào cảnh “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”.

Được biết, huyện Tủa Chùa đang nghiên cứu tham mưu đề xuất các cơ quan có thẩm quyền giao một phần diện tích rừng thuộc xã Cà Nàng tiếp giáp bản Hột (xã Mường Đun) đang không được quản lý chặt chẽ hiện nay cho huyện Tủa Chùa quản lý nhằm khắc phục tình trạng chồng lấn, quản lí, bảo vệ rừng thiếu hiệu quả.

Nhận trách nhiệm theo kiểu “hòa cả làng”

Qua làm việc với Hạt Kiểm lâm Tủa Chùa, ông Lò Văn Sân, Quyền Hạt trưởng cho biết: Tình trạng khai thác gỗ nghiến xảy ra tại khu vực giáp ranh giữa huyện Tủa Chùa và Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) và huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La).

Quyền hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tủa chùa Lò Văn Sân: "Có trách nhiệm của chúng tôi, của chủ rừng và cả chính quyền địa phương nữa".

Do nhiều bất cập về địa giới hành chính và tình trạng người dân xâm canh, xâm cư tại những khu vực trên nên công tác quản lí, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Tại 3 huyện này, người dân lợi dụng địa hình hiểm trở, để tiến hành khai thác gỗ nghiến. Sau khi khai thác, các đối tượng lợi dụng đường sông và đường bộ vận chuyển lâm sản đi tiêu thụ…

Ông Sân cho rằng: “Chủ yếu việc chặt cây gỗ nghiến xảy ra từ những năm trước chứ hiện nay không có”. Khi PV hỏi lại: “Nhưng việc mua bán, vận chuyển gỗ nghiến đang diễn ra khá phức tạp, thể hiện qua số vụ và tang vật hàng ngàn lóng gỗ nghiến bị thu giữ, thì không thể chỉ cưa xẻ từ những thân cây cũ?”, ông Sân lảng tránh câu trả lời.

Chúng tôi hỏi tiếp: “Vậy ông có thấy trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm của mình?”. Đến lúc này, ông Sân mới nhận nhưng rồi cũng đùn đẩy theo kiểu hòa cả làng: “Có trách nhiệm của chúng tôi, của chủ rừng và cả chính quyền địa phương nữa!”.


Chiếc lán của đầu nập thường tổ chức tập kết gỗ nghiến ven lòng hồ Thủy điện Sơn La.

“Cương quyết xử lí những cán bộ hư, tiếp tay cho lâm tặc”

Trao đổi với PV Báo CAND chiều 18-5-2019, Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên khẳng định: “Tình trạng khai thác, chặt phá rừng ở hai huyện Tuần Giáo và Tủa Chùa còn nhiều diễn biến phức tạp. Quan điểm của Công an tỉnh là sẽ tiến hành làm rõ trách nhiệm và cương quyết xử lý nghiêm “cán bộ hư” đã tiếp tay, để lâm tặc lộng hành”. 

Chúng tôi liên hệ làm việc với UBND huyện Tủa Chùa. Ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện thừa nhận có tình trạng vận chuyển gỗ nghiến trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng như ông Sân đều cho rằng, tình trạng chặt hạ những cây gỗ nghiến xảy ra từ vài năm trước và ở những địa bàn giáp ranh, chứ hiện nay không có.

Khi PV khẳng định: “Chúng tôi có thông tin và hình ảnh về những gốc nghiến mới bị chặt hạ tại xã Mường Đun của huyện”, thì ông Hùng phân bua “Tôi chưa nắm được việc này. Tôi sẽ trao đổi với Công an huyện để nắm lại thông tin”.

Như vậy, qua làm việc với một số cơ quan chức năng của huyện Tủa Chùa, chúng tôi nhận thấy bài toán trách nhiệm để xảy ra những vụ chặt hạ rừng nghiến, mua bán, vận chuyển gỗ nghiến… rất vòng vo, rồi lại rơi vào cảnh “hòa cả làng”.

Theo điều 38, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ của Nhà nước về quản lý, bảo vệ, khai thác rừng trong phạm vi địa phương mình; chỉ đạo các thôn, bản và đơn vị tương đương xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn phù hợp với quy định của pháp luật; phối hợp với các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng trên địa bàn; phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm phạm, hủy hoại rừng....

Xem tiếp Bài 5, “Máu” rừng nghiến thượng nguồn sông Đà vẫn không ngừng chảy: Giữ rừng bằng cách nào?

D.Hiển - T.Huy - X.Trường - T.Trung
.
.
.