“Máu” rừng nghiến thượng nguồn sông Đà vẫn không ngừng chảy:

Lâm tặc và đầu nậu nhởn nhơ vì “giơ thấp đánh khẽ”

Thứ Tư, 23/05/2018, 07:05
Trong bài 1 và 2, chúng tôi đã phản ánh thực trạng đau xót hàng ngàn cây gỗ nghiến bị chặt hạ trong vài năm gần đây tại rừng đầu nguồn sông Đà thuộc hai tỉnh Điện Biên và Sơn La. Lực lượng Kiểm lâm và Công an đã khởi tố một số vụ án liên quan đến hành vi phá rừng, vận chuyển trái phép gỗ nghiến. 


Bài 3: Lâm tặc và đầu nậu nhởn nhơ vì “giơ thấp đánh khẽ”

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có chế tài xử lí quá nhẹ; quyền hạn, vai trò tố tụng của các cơ quan chức năng có những điều bất hợp lí; đặc biệt là sự đối phó rất tinh vi của các đầu nậu gỗ… nên việc xử lí theo pháp luật với các đối tượng lâm tặc rất khó khăn, dẫn đến hậu quả rừng nghiến vẫn không ngừng bị chảy máu.

Lợi nhuận hơn cả buôn ma túy

Theo Đại tá Lò Văn Pọm, Trưởng Công an huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên), tình trạng khai thác trái phép rừng nghiến tại các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) và Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) đã rộ lên từ các năm 2007-2011. 

Ngoài việc lấy gỗ dựng nhà, làm thớt… thì “mắt nghiến” thời gian đó có sức hút ghê gớm với dân chơi đồ mỹ nghệ chế tác từ gỗ. Mắt nghiến theo cách gọi khác của dân gian là “ngọc nghiến” hoặc bìu nghiến, mấu nghiến hay nghiến hóa thạch. Đây là phần cứng nhất của cây gỗ nghiến được hình thành từ một khuyết tật nào đó của cây trong quá trình sinh trưởng hàng trăm năm, như bị sét đánh, chặt chém, sâu bệnh…

Công an huyện Tủa Chùa tiến hành kiểm đếm số thớt gỗ mới bị thu giữ. Ảnh chụp ngày 16-5-2018.

Từ năm 2014 đến nay, việc khai thác trái phép cây nghiến nhằm mục đích chủ yếu là xẻ thành thớt hoặc đồ trang trí để vận chuyển về xuôi và có thể được xuất lậu ra nước ngoài. “Để khai thác mắt nghiến, cũng giống như việc khai thác móng trâu. Đã lấy mắt nghiến thì phải chặt hạ cả cây nghiến”, Đại tá Lò Văn Pọm cho hay.

Do đặc tính sinh trưởng chậm trên các vách núi đá cheo leo nên gỗ cây nghiến trưởng thành rất cứng và không bao giờ bị sâu mọt. Thân cây nghiến trưởng thành cao tới trên 30 mét, đường kính có thể lên tới 3-4 mét (như cây nghiến mới bị chặt hạ ở bản Kép, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa). 

Với những đặc tính trên, gỗ nghiến có sức hút ghê gớm với thị trường. Trước đây rừng còn nhiều, lâm tặc chỉ chọn chặt những cây nghiến có đường kính lớn trên 30cm nhưng nay “hết nạc thì vạc đến xương” nên nhiều cây gỗ nghiến còn nhỏ cũng chung số phận hẩm hiu.

Hiện tại, một thớt gỗ (đường kính khoảng 40cm) vận chuyển từ rừng về đến bản có giá khoảng 100 ngàn đồng; đầu nậu mua vào với giá khoảng 120 - 150 ngàn đồng; vận chuyển trót lọt về Hà Nội có giá 600 đến 800 ngàn đồng. Theo nguồn tin trinh sát, nếu vận chuyển sang Trung Quốc, giá tương ứng từ 1 đến 1,2 triệu đồng. Với một khúc gỗ để làm đôn hoặc ghế đặc dạng hình trụ tròn, lợi nhuận là cấp số nhân. 

Một khúc gỗ cao 50cm, đường kính 40cm, dân bán tại xã khoảng 200 ngàn đồng; đầu nậu chế tác xong (tiện đơn giản, phun sơn) có giá khoảng 800 ngàn đồng; đưa trót lọt về Điện Biên có giá khoảng 1,6 đến 2 triệu đồng! Do lợi nhuận hơn cả ma túy mà hình phạt thường là rất nhẹ nên tình trạng khai thác trái phép, buôn bán gỗ nghiến diễn ra rất phức tạp.

Theo thống kê của UBND huyện Tủa Chùa, từ năm 2017 đến nay (tháng 5-2018), lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lí 113 vụ, 72 đối tượng vi phạm hành chính về quản lí rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng, quản lí lâm sản; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 768 triệu đồng và tịch thu 37,288m3 gỗ các loại… 

Cũng trong thời gian này, lực lượng Kiểm lâm và Công an đã phối hợp phát hiện, bắt giữ tại khu vực bờ sông thuộc địa phận huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) 2 vụ với 1.677 lóng gỗ nghiến tròn (nhóm IIA, dạng thớt), khối lượng 9,458 m3.

Chế tài xử lí nhẹ và nhiều bất cập

Qua công tác trinh sát, lực lượng Công an đã nắm được “chân dung” của một số đầu nậu gỗ nghiến trên địa bàn huyện Tủa Chùa và huyện Quỳnh Nhai. Thế nhưng, việc xử lí lâm tặc khó như thế nào thì xử lí đầu nậu gỗ càng thêm khó khăn.

Theo thông tin trinh sát của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Điện Biên và Công an huyện Tủa Chùa, các đầu nậu không chỉ thu mua, tiêu thụ gỗ mà còn bí mật tổ chức phá rừng. Đầu nậu sẽ thuê người dân (lâm tặc) mang cưa máy vào rừng. 

Trong đêm, đội quân lâm tặc đeo đèn pin trước trán, xách cưa máy đến những cây gỗ nghiến đã “tăm tia” trước và tiến hành cưa 2/3 gốc cây; vết cưa thường vát theo chiều từ trên núi xuống để khi cây đổ, thân sẽ xuôi xuống triền núi. Sau một thời gian, gặp ngày giông gió, những cây nghiến vững chãi ở lưng chừng núi đã bị cưa 2/3 gốc không thể nào trụ được và ầm ầm đổ xuống. Cây nọ va vào cây kia tạo thành “phản ứng dây chuyền” hàng loạt cây gục ngã.

Những chiếc đôn gỗ nghiến sau khi được chế tác xong (tiện, phun sơn) nếu đưa trót lọt về Điện Biên có giá 1,6 đến 2 triệu đồng.

Rừng rộng mênh mông ở độ cao cả ngàn mét so với mặt nước biển, đi lại rất khó khăn nên lực lượng chức năng không dễ phát hiện khi cây bị cưa 2/3 gốc; khi cây đổ cũng khó phát hiện ngay. Lâm tặc sẽ bí mật cắt, xẻ thành lóng (dạng thớt hoặc cột tùy theo “đơn đặt hàng”) và vận chuyển về điểm tập kết của đầu nậu gỗ.

Các đầu nậu thường sử dụng xe không chính chủ để vận chuyển gỗ và nếu đã bị xử lí hành chính 1 lần, họ sẽ thuê người khác nhận làm chủ hàng, để tránh bị bắt lại và có thể bị khởi tố. Họ sẽ tính toán khối lượng hàng dưới mức bị khởi tố để lách luật. Người được thuê nếu bị bắt cũng chỉ bị xử lí hành chính hoặc cùng lắm thì họ “sẵn sàng đi tù”… Có trường hợp, đầu nậu móc nối với cán bộ tha hóa để hợp thức hóa giấy phép một cây gỗ hoặc lô hàng có thể được sử dụng cho nhiều lần vận chuyển gỗ ra khỏi địa bàn. 

Theo quy định của luật, việc khởi tố vụ án liên quan đến hành vi hủy hoại rừng, vận chuyển trái phép lâm sản… thuộc quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm (Khoản 1, Điều 34, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018). 

Trừ tội phạm ít nghiêm trọng, còn lại tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì Cơ quan điều tra của Kiểm lâm phải chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Như vậy, nếu Cơ quan điều tra của Kiểm lâm không khởi tố vụ án thì Cơ quan điều tra có thẩm quyền (trong đó có Công an) đành “đứng ngoài cuộc”.

Do vậy từ năm 2016 đến nay, theo số liệu của Công an tỉnh Điện Biên, tại hai huyện Tủa Chùa và Tuần Giáo, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lí 318 vụ, 288 đối tượng vi phạm về xâm hại, hủy hoại rừng; nhưng chỉ xử lí hình sự 21 vụ với 17 bị can, còn lại là xử lí hành chính 297 vụ, 271 đối tượng. Rõ ràng, số vụ và đối tượng bị khởi tố chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với tổng số vụ phát hiện, bắt giữ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các đầu nậu hiện chủ yếu thu mua lóng gỗ nghiến (dạng thớt) có đường kính gồm 3 loại (35cm, 40cm hoặc 45cm). Theo “đơn hàng”, số thớt nghiến khi tuồn ra khỏi cửa rừng chỉ cần gọt qua phần vỏ, không cần mài rũa, đánh bóng. Càng về xuôi, gần khu vực đường biên giáp Trung Quốc thì giá của gỗ nghiến càng tăng gấp nhiều lần. Một số đầu nậu thu gom cấp nhỏ lẻ cho rằng, rất có thể những chủ hàng quy mô ở vùng biên sau khi mua lại các thớt nghiến có cùng kích cỡ sẽ xuất sang bên kia biên giới để bôi keo, đóng thành các cột cỡ lớn hoặc chế biến thành gỗ lát sàn nhà.

Xem tiếp Bài 4, “Máu” rừng nghiến thượng nguồn sông Đà vẫn không ngừng chảy: Vòng vo chuyện trách nhiệm

D.Hiển - T.Huy- X.Trường - T.Trung
.
.
.