Mạo danh trên mạng xã hội: Cần tự bảo vệ mình trước tiên

Thứ Sáu, 02/06/2017, 14:49
Thời buổi công nghệ thông tin phát triển, dường như không ai là không có ít nhất một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, mà phổ biến nhất là facebook. Và chuyện mạo danh người khác để phục vụ cho các mục đích xấu, từ bôi nhọ người khác đến trục lợi không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, cho đến nay, giải pháp hữu hiệu thực sự để ngăn chặn tình trạng này vẫn chưa có.


Ai cũng có thể bị mạo danh

Anh Trần Hoàng D, quê Thái Bình, sắp lập gia đình. Đang những ngày tràn ngập niềm vui, hạnh phúc để chuẩn bị cho đám cưới, thì bất ngờ anh nhận được điện thoại của bố mẹ vợ tương lai gọi sang nhà nói chuyện. 

Gia đình nhà gái muốn hủy hôn ước vì lý do anh D ăn chơi đua đòi nghiện chất cấm. Hỏi ra mới biết có người họ hàng trong họ nhà gái thấy facebook có tên và ảnh anh D đăng hình ảnh hôm trước anh D hút shisha ở một quán karaoke. Hóa ra là một facebook giả mạo nào đó đã lấy ảnh của anh D post lên với những lời lẽ của nhân vật chính rất thiếu văn hóa, thể hiện là một kẻ ăn chơi. 

Anh Duy kể: “Thực ra cái ảnh đó là ảnh tôi thật. Nó được chụp khoảng 4 năm về trước, khi tôi đi sinh nhật một người bạn. Ở quán karaoke có shisha thấy vài bạn ngậm hút, tôi cũng tò mò ngửi mùi xem thế nào và ai đó đã chụp ảnh. Đấy cũng là lần duy nhất tôi tiếp xúc với shisha. Nó cũng không phải là thứ bị cấm, vì một số quán cà phê hay quán karaoke bây giờ tôi vẫn thấy họ để cho khách dùng. Tiếc là ai đó muốn phá hoại hạnh phúc của tôi nên đã lập một facebook giả mạo thỉnh thoảng post hình tôi lên đó. Họ lấy ảnh từ bên trang của tôi, nhưng lời lẽ thường rất thô tục. Họ post cái ảnh chụp tôi 4 năm trước và làm như tôi vừa hút chất cấm chiều hôm trước với bạn”. 

Anh D phải giải thích rất nhiều thì bố mẹ vợ tương lai mới tin, đồng ý cho tổ chức đám cưới. May sao mọi việc cuối cùng vẫn êm đẹp.

Đây chỉ là một câu chuyện ngẫu nhiên người viết bài được nghe nhân vật kể. Và nhân vật chỉ là một người rất bình thường, không phải doanh nhân, nghệ sĩ, người nổi tiếng. Nhưng vì một lý do nào đó, họ bị ai đó ghen ghét, đố kị chẳng hạn nên  lập facebook mạo danh để tạo sự hiểu lầm, bôi nhọ. Chưa phải chịu thiệt thòi, mất mát nhiều, nhưng cũng là bị phiền phức mất thời gian.

Những chuyện facebook mạo danh gây tổn hại về uy tín, danh tiếng, kinh tế cho tổ chức, cá nhân có vị trí trong xã hội thì bạn có thể tra trên các thanh công cụ, nhiều vô kể. 

Luật sư Phạm Thế Vĩnh, làm việc tại một văn phòng luật sư kể, anh xử lý nhiều hồ sơ liên quan đến việc mạo danh facebook. Từ việc công ty nọ cạnh tranh công ty kia, thuê người lập facebook giả của vị giám đốc rồi liên tục đưa hình ảnh của vị giám đốc này, kèm theo những sờ-ta-tút lời lẽ khiếm nhã, sau đó lôi kéo rất nhiều người vào bình luận, tạo ra một dư luận xấu về vị giám đốc đó. 

Chưa hết, một trang facebook khác mạo danh công ty, đưa sản phẩm của công ty lên và cáo lỗi khách hàng là do sai phạm kỹ thuật nên sản phẩm kém chất lượng bị khách hàng trả lại. Trong khi thực tế, sản phẩm của  công ty vẫn bán bình thường và không hề có lỗi gì cả. 

Điều đáng nói là những facebook mạo danh này có hàng ngàn bình luận và hàng vạn lượt người theo dõi. Chứng tỏ kẻ mạo danh đã có hẳn một chiến dịch hạ bệ nhằm vào vị giám đốc và công ty này. Cực chẳng đã, vị giám đốc đành phải gửi đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng.

Trong thế giới nghệ sĩ, việc mạo danh facebook càng trở nên phổ biến. Mới đây nhất, ca sĩ Mỹ Linh phải lên tiếng trên trang cá nhân và giới truyền thông về việc một trang web mạo danh vợ chồng cô để quảng cáo cho chai xịt chống ngáy ngủ. Trang web này đã sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để bán hàng online trục lợi trong thời gian dài trước khi bị phát hiện. 

Các ca sĩ nổi tiếng như Chi Pu, Midu, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, những người mẫu hay nghệ sĩ, MC như Thanh Hằng, Hoài Linh, Trấn Thành… đều đã từng bị nhiều facebook giả mạo. Thậm chí có những facebook giả mạo nghệ sĩ còn được nhiều người theo dõi hơn cả facebook thật của nghệ sĩ đó. 

Do vậy, những thông tin mà facebook giả đưa lên tạo ra ảnh hưởng trong xã hội lớn hơn cả facebook thật của nghệ sĩ. Tuy nhiên, phần lớn mục đích của các facebook giả lại nhằm ý đồ xấu, nghĩa là nó không phải được lập vì hâm mộ nghệ sĩ, mà chủ yếu để tung tin nhảm, hạ bệ lẫn nhau, làm tổn hại uy tín của nghệ sĩ. Một số khác thì nhằm mục đích bán các sản phẩm qua mạng. 

Tệ hơn, có facebook giả mạo nghệ sĩ còn lừa tiền của người hâm mộ. Chẳng hạn sau sự ra đi đầy tiếc nuối của ca sĩ trẻ Wanbi Tuấn Anh, một trang giả mạo tên ca sĩ này đã nhân danh người nhà của anh kêu gọi các fan quyên góp tiền vào tài khoản để giúp người nhà trả số nợ 6 tỷ đồng anh đã vay để chữa bệnh trước đó. Khi phát hiện ra trang giả mạo lừa tiền khán giả hâm mộ, người quản lý của Wanbi Tuấn Anh phải lên tiếng trên trang chính thức của cố nghệ sĩ, cảnh giác mọi người đừng bị kẻ xấu lừa đảo.

Xử lý khó

Theo các chuyên gia, tổ chức cá nhân khi phát hiện giả mạo, người dùng nên gửi thông báo cũng như thông tin liên quan chứng minh trang của mình bị giả mạo cho facebook và đề nghị nhà cung cấp khóa trang giả mạo lại. Cùng với đó, cá nhân, tổ chức bị giả mạo khi phát hiện cần báo ngay cho cơ quan chức năng và lên tiếng trên trang chính thức của mình về việc bị giả mạo để ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại. 

Luật Công nghệ thông tin ban hành từ năm 2016 nghiêm cấm hành vi giả mạo facebook. Việc bôi nhọ, gây ảnh hưởng đến các cá nhân, tổ chức bằng giả mạo facebook có thể tùy mức độ sẽ được xử lý theo Luật Hình sự. Nếu facebook giả mạo ghép ảnh người khác, hoặc đưa thông tin không đúng sự thật thì được quy vào tội làm nhục người khác. Còn nếu dùng facebook giả mạo nhằm mục đích thu lợi nhuận từ những hoạt động này thì quy vào tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong Bộ luật Hình sự.

Nhà báo Lại Văn Sâm nhiều lần bị mạo danh trên facebook.

Dù luật đã quy định như vậy, rất rõ ràng, nhưng dường như chưa có mấy vụ bị xử nghiêm đúng theo quy định của luật. Mặc dù tình trạng giả mạo facebook ngày càng nhiều và tràn lan gây tổn hại, phiền phức cho rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. 

Một trong những nguyên nhân khó có thể xử lý nghiêm, kịp thời các vụ giả mạo facebook chính là tính năng dễ xóa bỏ trên mạng xã hội. Khi bị phát hiện, kẻ mạo danh chỉ cần xóa tài khoản là xong, dù trước đó nó đã làm tổn hại rất nhiều đến người bị giả mạo. 

Lý do nữa là khi người bị giả mạo gửi thông tin đề nghị facebook xóa tài khoản bị giả mạo, nhưng đợi facebook thẩm tra thông tin để xóa tài khoản giả mạo đó cũng không nhanh, và trong thời gian đó kẻ giả mạo vẫn có thể tiếp tục trục lợi hay làm tổn thương người bị mạo danh. 

Thêm vào đó, theo những chính sách riêng tư của nhà cung cấp dịch vụ facebook, nhiều tài khoản được thông báo là giả mạo, nhưng vẫn không được xóa, như cảnh báo trước đó của facebook: “Vì cộng đồng của chúng ta khá đa dạng nên có thể có một nội dung nào đó không vừa ý bạn hoặc gây phiền phức cho bạn nhưng không đủ tiêu chí để xóa hoặc bị chặn”. Và thế là người bị hại chỉ biết âm thầm chịu đựng hoặc chọn giải pháp công bố thông tin trên trang chính thức, hay gửi thư đến cơ quan chức năng.

Việc tìm ra kẻ mạo danh trên mạng xã hội thực chất vẫn chưa được các cơ quan thẩm quyền quan tâm đúng mức. Đấy chính là lý do vì sao mà tình trạng này mỗi lúc càng thêm phổ biến. 

Trong khi chờ các giải pháp tích cực hơn từ các nhà làm luật pháp cũng như thi hành pháp luật, các chuyên gia khuyến cáo người chơi facebook rằng hãy suy nghĩ kỹ trước khi đưa một thông tin nào đó lên trang cá nhân của mình. Những thông tin, hay hình ảnh nhất định phải được kiểm soát một cách chín chắn trước khi post, đảm bảo để kẻ xấu muốn dùng thông tin hay hình ảnh của mình cho mục đích xấu cũng khó mà thực hiện được. 

Việc cập nhật thông tin hình ảnh mọi lúc mọi nơi một cách bản năng, không cần suy xét của rất nhiều người vô tình đã tạo ra nguy cơ nguy hiểm cho chính họ. Khi cần phục vụ cho mục đích xấu nào đó, kẻ mạo danh có thể vào facebook của bạn và lấy những thông tin hay hình ảnh trước đó, xuyên tạc, vu khống gây ra những hiểu lầm đáng tiếc, hay thiệt hại về danh dự, có khi là vật chất. Hãy cảnh giác với những gì bạn thể hiện trên facebook. Với những thông tin mang tính riêng tư nên để chế độ bạn bè hay nhóm người thân, mà không nên để chế độ công khai.

Và quan trọng là hãy lên tiếng ngay khi phát hiện facebook giả mạo xâm phạm danh dự của mình. Hãy thông minh khi sử dụng mạng xã hội, vì các cơ chế pháp lý để bảo vệ người dùng mạng xã hội hiện nay vẫn còn ít hiệu quả.

Hội Quân
.
.
.