Lớp học tình thương giữa lòng Tây Đô

Thứ Hai, 20/03/2017, 08:22
Cuối ngày, khép lại câu chuyện mưu sinh, những đứa trẻ cơ nhỡ, bán vé số mang theo quyển tập, cây bút đến với lớp học tình thương mang tên cô Uyên. Và như thế, lớp học thấm đẫm tình người này đã tồn tại hơn 8 năm qua, giữa lòng Tây Đô.


Ngôi nhà cấp 4, nằm khép mình nơi con hẻm nhỏ, phía sau chùa Cây Bàng. Học trò nơi đây không khăn quàng đỏ, không có dụng cụ học tập đắt tiền, nhưng luôn hiện hữu những ánh nhìn chăm chú, những đôi tay cẩn thận viết từng con chữ, từng phép tính. Đó là lớp học tình thương của cô giáo Liêu Thị Mỹ Hiếu (hay còn gọi là cô Uyên, trú phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), từng là giáo viên dạy phổ cập vào những năm cuối thế kỉ 20. Đến năm 2008, lớp học phổ cập phải nhường chỗ cho những bậc học chính quy. 

Như thấu hiểu hết những khó khăn và tương lai tối tăm của những đứa trẻ không được đến trường do hoàn cảnh khó khăn, phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Thế rồi, hình ảnh những đứa trẻ quá tuổi đến trường, đứng nép bên cửa lớp với khát khao một ngày được đến trường luôn tồn tại trong suy nghĩ. Lòng cô giáo trẻ như thắt lại. Từ đó, ý tưởng hình thành lớp học tình thương hình thành và được thực hiện ngay sau đó.

Cô Uyên bên những đứa con trong lớp học tình thương của mình.

Gia đình, người thân, bạn bè cản ngăn và những cái nhìn dè chừng của xã hội không thể vượt qua được tình yêu thương, nhân hậu của cô Uyên. Một mình với những kiến thức sơ đẳng về giáo dục, cô Uyên đã mạnh dạn gom 5 em, 7 em… về mái hiên trước nhà để học chữ.

Chiếc bàn cũ thành bàn học, thanh gỗ thành thước kẻ, những quyển tập trắng còn dư trang được tận dụng để cho các học trò của mình viết nên những con chữ, con số đầu tiên. Dù nắng hay mưa, lớp học vẫn hoạt động, thấm thoát đã 8 năm ròng.

Cô Uyên, nhớ lại: “Có hôm trời mưa, nhìn các em co lạnh mà vẫn cố gắng nắn nót từng con chữ. Tôi thật sự không cầm được nước mắt”. Song song với sự phát triển của xã hội là thay đổi của hệ thống giáo dục, những lần cải chính sách giáo khoa đã khiến cô Uyên gặp không ít khó khăn. Quyết không bỏ cuộc, cô lên mạng Internet để cập nhật kiến thức, kết bạn và chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy trên mạng xã hội. 

Chính từ đó, lớp học của cô Uyên được các nhà hảo tâm, các bạn sinh viên biết đến. Người góp của, kẻ bỏ công, căn gác nhỏ trên nhà của cô được sửa sang lại. Lớp học được chia thành 2 nhóm, dưới nhà dành cho nhóm từ lớp 1 đến lớp 3, trên gác từ lớp 4 đến lớp 8. Các bạn sinh viên, tình nguyện viên thay nhau phụ trách kèm cặp các em trong các buổi học.

Giờ lớp học đã được trên 20 em, không chỉ còn là lớp học dành cho trẻ em cơ nhỡ, bán vé số nữa, mà nó còn được “nâng tầm” lên cho những học sinh ngồi nhầm lớp, không có điều kiện học thêm. Hỏi thăm được biết những học trò của cô Uyên là những số phận, mảnh đời bất hạnh… 

Em Lê Phạm Quỳnh Anh, dù đã 9 tuổi nhưng vẫn chưa được đến lớp. Quỳnh Anh cho biết, cha mất khi em còn nhỏ, mẹ thì vi phạm pháp luật đi tù, em sống cùng bà ngoại. Nhà nghèo nên không được đến trường. “Cô Uyên tốt bụng lắm, cô dạy con học, dạy con điều hay. Ngoài ra, cô còn chỉ con kết hạt châu thành móc khóa để bán kiếm tiền mua gạo. Con xem cô Uyên như mẹ của mình” – Quỳnh Anh tự hào. 

Những mảnh đời bất hạnh được cô Uyên cưu mang như người thân, con cái của mình. Chị Trần Thị Thúy An (34 tuổi, tạm trú phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều) ly dị chồng khi 2 đứa con gái còn nhỏ. Không nhà, không chữ nghĩa, chị phải đưa 2 đứa con ra Cần Thơ, đi bán vé số hàng ngày, kiếm tiền ăn và đóng tiền thuê nhà trọ. Những tháng trời mưa, bán được ít, 3 mẹ con phải “chạy chỗ” vì không có tiền trả tiền nhà. 

Lang thang với xấp vé số trên tay. May mắn một lần tình cờ gặp được cô Uyên, sau khi hỏi thăm, cô khuyên tôi cho 2 đứa nhỏ đến lớp học tình thương. Tại đây, cô Uyên còn làm giấy tờ, thủ tục cho đứa con gái nhỏ (đứa lớn đã quá tuổi đến lớp – PV) của chị An được đến trường.

Ngoài ra, chị An còn được cô Uyên dạy cho cách làm móc khóa bán kiếm thêm thu nhập, để nuôi con. “Cô Uyên cứu vớt cuộc đời của 3 mẹ con tôi, khi đứng trước ngõ cụt. Giờ cả 2 đứa con của tôi điều biết đọc, biết viết. Đây là việc tôi mơ cũng không dám nghĩ mình làm được” – chị An xúc động.

Ngoài việc dạy cho học trò của mình biết chữ, biết các phép tính… cô Uyên còn dạy các cháu cách kiếm tiền chân chính từ việc kết các hạt châu lại thành móc khóa nhỏ, bán cho khách du lịch. Số tiền trên được cô Uyên cho vào quỹ để giúp đỡ các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Song song đó, để những “đứa con” của mình biết được nhiều điều hay, mở rộng hiểu biết, cô Uyên vận động các Mạnh Thường Quân ủng hộ cho các em đi thăm các khu di tích, các điểm vui chơi thiếu nhi. Cô Uyên chia sẻ: “Không hiểu tại sao mình lại được các em quý mến. Mặc dù chưa một lần sinh con, nhưng mình có hơn 20 đứa con. Mỗi đứa một hoàn cảnh, một tính nết. Nhưng cái chung là chúng nó đều gọi mình bằng mẹ. Đã là mẹ thì phải chăm lo cho các con mình chứ”. 

Có những hôm, có em đi bán vé số đến lớp muộn, bụng đói meo. Cô Uyên lại lật đật đi nấu mì tôm… Ông Nguyễn Tuấn Khải, Chủ tịch UBND phường An Cư cho biết: “Lớp học tình thương của cô Uyên đã giúp đỡ cho không ít trường hợp trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, bán vé số… trên địa bàn phường và lân cận. Từ đó góp phần giáo dục, định hướng các em trở thành người công dân tốt giúp ích cho xã hội. Bảo vệ, răn đe các em khỏi những cám dỗ, tệ nạn”…

Trần Lĩnh
.
.
.