Lớp học đặc biệt dành cho ngư dân vùng biển

Thứ Tư, 05/10/2016, 10:08
Là giáo viên mầm non, nhưng bằng tấm lòng và sự nhiệt huyết, cô giáo Nguyễn Thị Tâm Hiền (37 tuổi, ở thôn Phương Diên, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đã đứng ra mở lớp dạy chữ miễn phí với mong muốn xóa mù chữ cho bà con ngư dân miền biển quê mình…


Tối 3-10, con đường dẫn đến lớp học của cô giáo Hiền nằm giữa khu nghĩa địa xã Phú Diên dường như khó đi trước cơn mưa lớn tầm tã nhưng các bà, các chị vẫn xắn quần, mặc áo mưa và cầm theo sách vở đến với lớp học. Nói là lớp học nhưng thực ra đây là một căn phòng nhỏ của đơn vị Bộ đội Biên phòng bỏ trống từ lâu, được tận dụng kê thêm một số bàn ghế, treo tấm bảng để làm nơi cô giáo Hiền dạy chữ cho người dân Phú Diên. 

Đúng 7h tối, khi mọi nhà đang quây quần bên mâm cơm và theo dõi chương trình thời sự trên truyền hình cũng là lúc lớp học của cô giáo Hiền bắt đầu sáng đèn và các bà, các chị say sưa đánh vần, phát âm từng chữ cái. Tranh thủ lúc các “học trò” của mình đang tập viết, cô giáo Hiền chia sẻ, lớp học đặc biệt này được hình thành cách đây gần 2 tháng với mục đích giúp “xóa mù” cho những người lớn tuổi.

Cô giáo Nguyễn Thị Tâm Hiền dạy chữ cho các ngư dân ở xã Phú Diên.

“Sau khi nghe nguyện vọng các bà, các chị mong muốn được học chữ nên mình quyết định xin phép thôn, sau đó làm đơn gửi UBND xã để mở lớp học dạy chữ miễn phí này. Lớp học được khai giảng từ ngày 15-8, lúc đầu chỉ có 20 người theo học, song đến nay đã tăng lên 40 người, trong đó người lớn nhất là 64 tuổi, nhỏ nhất là 30 tuổi”, cô giáo Hiền chia sẻ. 

Dù không đồng đều về lứa tuổi, gia cảnh cũng khác nhau nhưng khi đến với lớp học của cô giáo Hiền, các bà, các chị ở xã Phú Diên đã biết giúp đỡ lẫn nhau trong việc học chữ để cùng nhau tiến bộ. Lớp học còn bầu ra người học giỏi nhất làm lớp trưởng...

Năm nay đã bước sang tuổi 63, nhưng đều đặn 4 tối từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần, bà Nguyễn Thị Đủ (thôn Phương Diên) vẫn gói gém 2 tập vở, cuốn sách Tiếng Việt lớp 1, cây bút chì và rọi đèn pin hăng say đến lớp học đặc biệt này. 

Bà Đủ nói: “Suốt mấy chục năm qua, vợ chồng tôi làm nghề chài lưới gần bờ để nuôi 7 người con ăn học, nhưng bản thân lại không biết chữ. Không biết đọc, biết viết nên mỗi lần làm giấy tờ hoặc các thủ tục hành chính ở xã rất khổ sở. Nhiều khi phải nhờ người khác ký tên giùm, hoặc tôi phải lăn tay. Nay được tham gia lớp học của cô giáo Hiền, tôi không những biết viết tên mình mà còn biết đọc, đây là niềm vui quá lớn đối với những người ở tuổi xế chiều như tôi!”. 

Như để minh chứng cho lời nói của mình, sau phần tập đọc là phần tập viết, bà Đủ xung phong lên đứng trước tấm bảng đen để viết rõ tên mình là “Nguyễn Thị Đủ”. Dù nét viết lúc đậm lúc nhạt, chưa tròn chữ, song đã thể hiện sự quyết tâm xóa mù chữ của cô giáo Hiền và những người dân miền biển có cuộc sống còn nghèo khó nơi đây.

Cùng chung hoàn cảnh như các học viên ở lớp học, nghe tin cô giáo Hiền mở lớp dạy chữ miễn phí, ngư dân Hồ Văn Quý (47 tuổi) đã đến lớp để xin vào học. Lão ngư có nước da rám nắng đậm chất miền biển tỏ lòng: “Do điều kiện khó khăn, vợ chồng tôi quanh năm bám nghề câu mực để nuôi được 4 người con đi học. Giờ cô con gái thứ đang học năm 2 tại Khoa Du lịch Đại học Huế, nhưng tôi vẫn quyết tâm đi “mót chữ” dù có nhiều lời dị nghị..”.          

Hơn 16 năm công tác tại Trường Mầm non Phú Diên, đồng lương ít ỏi của cô giáo Hiền phải chắt chiu lắm mới phụ chồng nuôi các con nhỏ. Tuy nhiên, bằng cái tâm và sự nhiệt tình, cô giáo Hiền đã đứng ra mở lớp học miễn phí để xóa mù chữ cho bà con ngư dân khiến nhiều người cảm phục. 

Cùng tham gia dạy chữ với cô Hiền còn có 2 cô giáo mầm non trẻ tuổi khác tên Trần Thị Ngọc và Nguyễn Thị Nở. Các cô đã vận động nhiều nhà hảo tâm quyên góp để mua sách vở, bút mực phục vụ cho lớp học này.

Ông Phạm Tăng Đoàn, Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho biết thêm: “Sau một thời gian tổ chức, lớp học của cô giáo Hiền đã đạt nhiều kết quả tích cực, được bà con ngư dân địa phương cảm kích khi nhiều người mù chữ nay đã biết đọc, biết viết thành thạo. Hiện xã đã báo cáo lên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phú Vang để có kế hoạch hỗ trợ và nhân rộng lớp học xóa mù chữ này”. 

Chia tay lớp học đặc biệt này, ngoài kia từng con sóng biển thi nhau vỗ bờ rì rầm hòa vào tiếng đọc bài của các ngư dân. Và tôi, mong sao cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tạo điều kiện tốt hơn, để hỗ trợ lớp học cô giáo Hiền duy trì trong thời gian dài, giúp nhiều ngư dân lớn tuổi được biết đọc, biết viết tên mình…

Anh Khoa
.
.
.