Làng bánh tráng 200 năm tuổi ở miền Tây vào mùa “hốt bạc”

Thứ Năm, 02/02/2017, 08:06
Vào những ngày cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, không khí và nhịp sống lao động tại làng nghề bánh tráng Thuận Hưng nhộn nhịp hẳn lên. Để có đủ lượng bánh giao cho khách hàng, nhiều hộ đã phải thuê thêm lao động và phải bắt đầu công việc ngay từ 1h sáng.

Theo các vị cao niên tại đây, thì làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, thuộc phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã có từ rất lâu đời, khoảng 200 năm trước. Nghề làm bánh tráng được hình thành từ những phụ nữ chịu thương, chịu khó, thức khuya dậy sớm tráng bánh để sử dụng cho bữa cơm gia đình vào dịp cuối năm.

Dần về sau “tiếng lành đồn xa”, vị mặn mặn của muối, mùi hương thơm thoang thoảng của gạo xay, chất liệu bánh dai dai đã được người tiêu dùng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước biết đến. Song song đó, để duy trì tay nghề phường Thuận Hưng đã dần hình thành làng làm bánh tráng và cũng là nguồn kinh tế chính của nhiều hộ gia đình tại đây.

Trải qua bao thăng trầm nhưng làng bánh tráng Thuận Hưng vẫn luôn tồn tại và ngày càng mở rộng hơn địa bàn tiêu thụ. Làng nghề hoạt động quanh năm nhưng với các hộ dân làm nghề thì đây là thời điểm “có một không hai” trong năm để “hốt bạc”.

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng “hốt bạc” trong những ngày cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Đang tất bật với những vỉ bánh thơm lừng, ông Phan Văn Dai (49 tuổi, tổ 10, khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng) cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu làm bánh tráng giòn từ đầu tháng 11 âm lịch hằng năm. Tuy có phần vất vả, nhưng do công việc làm theo nhóm nên lúc nào cũng rộn tiếng cười nói, xua tan cái mệt mỏi của công việc”.

Theo đó, mỗi ngày gia đình ông Dai làm một mẻ bánh với 100kg gạo được xay thành bột và cho ra lò khoảng 90 - 100kg bánh tráng giòn. Với mỗi kilôgam bánh tráng thành phẩm, được thương lái mua tại nhà với giá 25.000đ. Sau khi trừ tất cả chi phí, ông Dai lãi trên 500.000đ/ngày.

Chia sẻ bí quyết để làm ra chiếc bánh ngon, đẹp lại vừa khẩu vị, ông Dai vui vẻ: “Quan trọng nhất là khâu chọn gạo và nêm bột. Gạo được chọn phải đáp ứng được các yêu cầu như: thơm nhưng có phần khô cơm để dễ dàng trong việc lấy bánh. Còn phần nêm bột thì phải cho vừa ăn, tạo ra loại bột mịn nhất nhằm đảm bảo chiếc bánh được làm ra phải đẹp”. Để kịp phục vụ cho thị trường Tết, ngoài 2 lao động trong gia đình, ông Dai đã phải thuê thêm 3 người, làm việc từ 1h sáng đến 4h chiều. Sau đó, lại tiếp tục chuyển sang xay bột, chuẩn bị nguyên liệu cho ngày hôm sau.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, chị Hà Thị Sáu (khu vực Tân Phú) đầu tư làm bánh tráng ngọt. Theo chị Sáu, việc làm bánh tráng ngọt tương đối khó hơn so với bánh tráng giòn. Để có một chiếc bánh tráng ngọt thành phẩm, người làm phải xay bột kèm theo nước cốt dừa, mè, đường...

Chị Sáu kể thêm: “Đối với ngày thường, cơ sở cho ra lò mỗi ngày 1 thiên bánh (1.000 cái), nhưng vào thời điểm này tăng lên 2 thiên mà vẫn không đủ bán cho thương lái.

Mỗi thiên bánh có giá dao động từ 1 - 2 triệu đồng (tùy vào yêu cầu của từng đơn hàng). Sau khi trừ bỏ chi phí nguyên liệu và nhân công, cơ sở còn lãi từ 500 - 1 triệu đồng/ngày”. Tận dụng vụ bánh Tết, nhiều lao động tại địa phương đã làm việc cả ngày lẫn đêm để tăng thêm thu nhập.

Chị Trần Thị Thu (32 tuổi), lao động tại cơ sở ông Dai niềm nở: “Với công việc chủ yếu là ngồi lấy bánh ngay tại bếp, tuy có phần hơi nóng nhưng chị em khá vui vẻ vì có công việc ổn định, lại duy trì được tay nghề. Mỗi ngày thu nhập khoảng 200.000đ”. Bánh ngon, được nhiều người biết đến, người dân nơi đây đang ấp ủ dự án tạo nên thương hiệu riêng cho bánh tráng Thuận Hưng.

Theo ông Phan Văn Tấn Tài, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thuận Hưng cho biết: “Trên địa bàn có 42 hộ chuyên làm nghề tráng bánh quanh năm. Nhưng vào dịp Tết Đinh Dậu năm nay, số hộ làm bánh tráng thời vụ tăng lên trên 500 hộ.

Nhờ vào vụ bánh Tết mà hàng trăm lao động ở địa phương có việc làm ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Hiện tại, bánh tráng Thuận Hưng có mặt hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước và cả thị trường Campuchia”.

Trần Lĩnh
.
.
.