Thông tin tiếp về vụ cát tặc đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vì chỉ đạo dừng dự án khai thác cát trên sông Cầu:

Lãi khủng từ khai thác cát và sự “tiếp tay” vô hình

Thứ Bảy, 18/03/2017, 09:53
Bình quân, giá cát đen đẹp từ 80.000-90.000 đồng/m³ và cát vàng là 200.000-300.000 đồng/m³. Tàu tổ chức khai thác cát trái phép thường chở được khoảng 200-300 m³, thậm chí 400-500 m³. Như vậy, mỗi một tàu hút đầy cát đen sẽ thu lợi được từ 20 đến 40 triệu đồng, còn với cát vàng có thể đạt đến cả trăm triệu đồng.

Sau khi UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dừng quyết định thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thuỷ nội địa kết hợp tận thu sản phẩm, lập tức Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và một số đồng chí lãnh đạo Sở, ngành của tỉnh này đã bị đe doạ.

Báo CAND ra ngày 17-3 đăng bài phản ánh về việc, sau khi UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dừng quyết định thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thuỷ nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên địa bàn vì gây mất an toàn đến cuộc sống của người dân, lập tức Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và một số đồng chí lãnh đạo Sở, ngành của tỉnh này đã bị đe doạ. Quá trình tìm hiểu sự việc, phóng viên Báo CAND phát hiện thêm những lý do của việc khai thác cát trái phép vẫn diễn ra nơi đây.

Lãi “khủng” từ khai thác cát trái phép

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, dù đến thời điểm hiện tại, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể so với thời gian trước đây. Tuy nhiên, trước thực tế trên một số tuyến sông đi qua địa phận tỉnh Bắc Ninh như: sông Cầu, sông Thái Bình và sông Đuống, hiện tượng một số đối tượng lén lút, sử dụng chiêu trò “khoác” lên mình vỏ bọc hoạt động nạo vét, luồng lạch để tận thu cát vẫn diễn biến phức tạp, điển hình là tuyến sông Cầu – đoạn đi qua địa bàn huyện Quế Võ.

Tại Văn bản số 15/BC-UBND của huyện Quế Võ ngày 15- 3- 2017 do Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Văn Tuấn ký thể hiện, trong các ngày Công ty cổ phần trục vớt luồng hạ lưu đảm nhận việc thực hiện dự án thi công nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, đoạn từ Km1+000 đến Km30+000 phía luồng tỉnh Bắc Giang hoạt động đã có rất nhiều phương tiện tập trung nạo vét hút cát trên địa phận tỉnh Bắc Giang (giáp ranh 3 xã của huyện Quế Võ).

Cụ thể tại xã Việt Thống, (Km65 đến Km66+500 đê Hữu Cầu) có số lượng từ 20 đến 25 tàu/ngày); tại xã Quế Tân (Km73 đến Km73+500) có số lượng từ 13 đến 15 tàu/ngày và tại xã Phù Lãng (Km1 đến Km2+500) có số lượng từ 20 đến 25 tàu/ngày.

Kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ việc các đối tượng đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh (trong tháng 3) cũng như giao Bộ trưởng Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20- 3 về việc thực hiện hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu thì tình hình khai thác cát trên sông Cầu đã chuyển biến đáng kể.

Vì sao tình trạng khai thác cát trái phép vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ “nóng” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh? Lý giải với chúng tôi điều này, Thượng tá Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, nguồn lợi thu về từ cát là rất lớn, nhất là vào “mùa xây dựng” - thời điểm các công trình xây dựng trên địa bàn cũng như các tỉnh, thành lân cận gia tăng thi công.

Bình quân, giá mỗi mét khối cát đen đẹp từ 80.000-90.000 đồng/ m³ và cát vàng là 200.000-300.000 đồng/ m³. Số tàu tổ chức khai thác cát trái phép thường chở được khoảng 200-300 m³, thậm chí có tàu còn đạt hơn 400-500 m³, tùy vào từng luồng lạch của các con sông. Như vậy để thấy rằng, bình quân mỗi một tàu sau khi hút được đầy cát đen, chủ tàu sẽ thu lợi được từ 20 đến 40 triệu đồng, còn với cát vàng có thể đạt đến cả trăm triệu đồng cho mỗi ca hút.

Để hút được các loại cát đẹp, chủ tàu sẵn sàng chọc “vòi rồng” sâu xuống lòng sông rồi sau đó bơm nước để đẩy cát lên. Hành động này khiến cho dòng chảy bị xáo trộn, hệ thống đê điều, bờ kè theo đó khó tránh khỏi hiện tượng xói lở, hở “hàm ếch”, gây hậu quả nghiêm trọng về lâu dài cho cuộc sống người dân sinh sống hai bên sông.

Một trong những dẫn chứng cho hậu quả mà nạn khai thác cát trái phép gây ra là tại vị trí tương ứng K74 + 400 đến K74 + 500 đê hữu Cầu, bờ, bãi sông đã bị sạt lở đứng thành với chiều dài khoảng 50m, ăn sâu vào bãi từ 5-10m, vị trí sạt lở gần nhất cách chân đê 25m.

Một trong những nguyên nhân của sự việc trên là do Công ty cổ phần trục vớt luồng hạ lưu triển khai thi công dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm từ Km1+000 đến Km30+000 thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang. Để khắc phục hậu quả này, tỉnh Bắc Ninh đang phải bố trí 30 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh để xử lý.

Cũng theo số hiệu của Công an tỉnh Bắc Ninh, năm 2014, Công an tỉnh phát hiện, xử lý 40 vụ khai thác cát trái phép, nộp Kho bạc Nhà nước 1,5 tỷ đồng. Năm 2015, lực lượng Công an phát hiện, xử lý 29 vụ khai thác cát trái phép, nộp Kho bạc Nhà nước 1,1 tỷ đồng.

Năm 2016, số vụ khai thác cát trái phép bị phát hiện, xử lý là 24 vụ, nộp Kho bạc Nhà nước trên 800 triệu đồng. Và chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 9 vụ khai thác cát trái phép bị xử lý, nộp Kho bạc Nhà nước 116 triệu đồng. Nhìn vào số liệu thống kê trên của Công an tỉnh Bắc Ninh để thấy rằng, vì lợi nhuận, nhiều đối tượng sẵn sàng lén lút sử dụng tàu để hút cát trái phép.

Ảnh hưởng từ khai thác cát trái phép gây sạt lở nghiêm trọng ở huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Ảnh chụp chiều 16-3.

Sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện cán bộ có dấu hiệu “bảo kê” cát tặc

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu chiều 16- 3 liên quan đến việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa và tàu cát “rút ruột” sông Cầu. Vị Thứ trưởng khẳng định, Bộ GTVT sẽ xử lý nghiêm cán bộ của ngành nếu phát hiện dấu hiệu “bảo kê”, trục lợi.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, từ năm 2015, Bộ GTVT đã tạm dừng cấp mới dự án xã hội hóa nạo vét duy tu trên các tuyến luồng hàng hải. Đến thời điểm này, Bộ chỉ chấp thuận chủ trương thực hiện 1 dự án mới trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên cơ sở có văn bản đồng thuận của địa phương.

Giải thích về Văn bản số 1689/BGTVT-KCHT, ngày 22-2-2017 của Bộ GTVT do chính mình ký gửi UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư tiếp tục thi công nạo vét tại những vị trí chưa đảm bảo chuẩn đã được Cục Đường thuỷ nội địa phê duyệt, Thứ trưởng Nguyễn Nhật giải thích, theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa và kết quả khảo sát hiện trạng dự án do Cục này phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh Bắc Ninh và đơn vị tư vấn độc lập thực hiện, có 3/4 vị trí đoạn cạn chưa đạt chuẩn tắc theo thiết kế.

Vì vậy, Bộ GTVT đã có Văn bản số 1689 đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Bắc Giang. “Bộ GTVT gửi văn bản đề nghị nhưng UBND các tỉnh có quyền không đồng ý. T

heo quy định, việc nạo vét phải có ý kiến của tỉnh, nếu tỉnh không đồng ý thì không được làm, cùng đó với khối lượng thi công từ 500 m³ trở lên phải có giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp mới được triển khai thực hiện” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật giải thích.

Đề cập tới việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh có kiến nghị mời cơ quan Công an điều tra làm rõ việc bị đe dọa và tàu cát “rút ruột” sông Cầu, vị Thứ trưởng khẳng định, hoàn toàn nhất trí với chủ trương của UBND tỉnh Bắc Ninh.

“Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đường thủy nội địa khẩn trương phối hợp với Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh và các đơn vị liên quan kiểm tra, báo cáo Bộ GTVT các nội dung liên quan đến dự án theo Văn bản số 55/UBND-NN.TN ngày 9-3-2017 của UBND tỉnh Bắc Ninh gửi Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ trưởng Bộ GTVT. “Bộ GTVT rất mong cơ quan Công an vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý các vi phạm nếu có. Bộ GTVT cũng sẽ xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể của ngành Giao thông nếu có vi phạm trong việc nạo vét luồng hoặc có dấu hiệu bảo kê, trục lợi” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật kiên quyết. Liên quan đến sự việc này, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Trần Văn Thọ cho biết, từ năm 2015 đến nay, Cục không triển khai khai thác cát trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Cục đã yêu cầu kiểm tra toàn diện, xử lý trách nhiệm các cá nhân nếu để xảy ra lộn xộn, yêu cầu tạm đình chỉ công việc của các thanh tra đường thủy liên quan đến dự án để kiểm điểm trách nhiệm liên quan, nếu vi phạm sẽ điều chuyển công tác.

Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu điều tra, làm rõ thông tin về việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa

Ngày 16-3, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an tập trung điều tra, làm rõ thông tin về việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và một số lãnh đạo sở, ngành tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa sau khi quyết định dừng dự án nạo vét luồng kết hợp tận thu cát sỏi trên sông Cầu. Đồng thời, Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu Công an một số địa phương tập trung đấu tranh, truy quét tội phạm trên lĩnh vực khai thác cát, đá sỏi trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thượng tá Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Tô Lâm, Công an tỉnh đã xác lập chuyên án, tập trung lực lượng tiến hành điều tra, xác minh và sẽ xử lý nghiêm đối tượng có hành vi vi phạm liên quan.                                       

PV

Nguyễn Hưng-Trần Huy – Đặng Nhật
.
.
.