Lại đến lượt thịt gà, trứng gà... mất giá

Thứ Sáu, 26/05/2017, 08:17
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng đàn gà thịt của Việt Nam đến đầu năm 2017 gần 214 triệu con, tăng gần 5% so với đầu năm 2016.


Tuy nhiên, từ hơn một tháng nay, giá gà công nghiệp bắt tại chuồng chỉ từ 19.000-20.000 đồng/kg, giá trứng giảm sâu chỉ còn khoảng 900 - 1.000 đồng/quả. Nếu không có những tác động tích cực từ thị trường, nhiều khả năng, sau khi “giải cứu” thịt lợn, chúng ta lại tiếp tục phải giải quyết một số lượng gia cầm tồn đọng khổng lồ.

Địa phương nuôi nhiều gà nhất hiện nay là Đồng Nai và Hà Nội. Nhưng, vài tuần trở lại đây, nhiều chủ trang trại gia cầm phản ánh, giá gà công nghiệp xuất chuồng chỉ từ 19.000-20.000 đồng/kg (trước đó giá từ 27.000-29.000 đồng/kg), giá trứng giảm sâu chỉ còn khoảng 900 đến 1.100 đồng/quả.

Nhiều người chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ thiệt hại vì thịt gà mất giá. Ảnh: CTV

Trong khi đó, số lượng gà công nghiệp hiện nay đã lên tới hàng chục triệu con nhưng lượng tiêu thụ khá chậm. Thực tế này cho thấy, khi giá lợn đang phục hồi chậm, số lượng tồn đọng đã giải quyết được một nửa thì nguy cơ khủng hoảng giá gà lại đang hiện hữu.

Hiện tại nhiều chợ ở Hà Nội, giá trứng đã giảm khoảng 500 – 700 đồng/quả so với thời điểm vài tuần trước đó. Trứng gà ta chỉ dao động từ 4.000 – 4.500 đồng/quả; trứng gà công nghiệp có giá từ 1.900 – 2.200 đồng/quả trong khi trước đây, giá khoảng 2.300 – 2.500 đồng/quả.

Theo dự báo, giá thịt gà và trứng sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới. Một tiểu thương cung ứng thịt gà công nghiệp cho bếp ăn tập thể ở Hà Nội cho biết, hơn một tháng nay, người dân tập trung ăn thịt lợn vì giá rẻ và vì ý nghĩa “giải cứu” nên các thực phẩm khác đều bán chậm, đặc biệt là gia cầm.

Không riêng gì các trang trại có quy mô nhỏ và người chăn nuôi hộ gia đình bị ảnh hưởng, các trang trại lớn có tiếng như Ba Huân, ĐTK cũng bị ảnh hưởng bởi giá trứng hiện đang xuống quá thấp.

Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ba Huân chia sẻ: “Giá thịt gà hiện đang ở mức có thể chịu đựng được, nhưng hiện nay giá trứng gia cầm xuống mức quá thấp, các trang trại chăn nuôi đang rất vất vả để cầm cự, duy trì sản xuất”.

Nhận xét về thực trạng trên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, cũng giống như lợn, chăn nuôi gà có sự bùng nổ về số lượng và sản lượng, tăng trưởng bình quân trong năm 2016 về sản lượng là 9,9%, so với bình quân thế giới là 3,7%. “Chúng ta tăng hơn 2, 3 lần sản lượng so với các nước khác. Chính vì tăng trưởng “nóng” đã tạo ra tình trạng khủng hoảng thừa sản phẩm”, ông Sơn khẳng định.

Bên cạnh nguyên nhân tăng trưởng quá “nóng”, một lý do khác khiến giá thịt gà và trứng gà đang “xuống dốc” là do một lượng lớn thịt nhập khẩu tràn vào, Theo bà Phạm Thị Huân, để cứu người chăn nuôi gà, Chính phủ nên tạm ngừng cho phép nhập khẩu, tạm nhập tái xuất thịt, các phụ phẩm của gà, gia cầm để nông dân có cơ hội tiêu thụ sản phẩm của mình.

Trứng gà công nghiệp chỉ còn 900 – 1.000 đồng/quả.

Bà Huân khẳng định, các sản phẩm về gà chúng ta đang nhập khẩu, trong nước cũng sản xuất được. “Quy trình sản xuất tươi ngon, đảm bảo chất lượng, vậy tại sao chúng ta lại cho phép những nội tạng, cánh, cổ, chân gà… nhiều mặt hàng đã cận “đát” tuồn vào thị trường Việt Nam và làm khó người chăn nuôi trong nước”,  bà Huân bức xúc.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ đầu năm 2017 đến hết ngày 15-3, cả nước nhập khẩu 22,5 nghìn tấn thịt gà các loại, trị giá 19,8 triệu USD. Năm 2016 các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu 140 nghìn tấn thịt gà các loại (gà nguyên con, đùi gà, cánh gà, thịt gà khác), có trị giá 107,8 triệu USD với giá bình quân nhập khẩu trước thuế là 0,77 USD/kg (hơn 17.000/kg).

Trước đó, trong năm 2015, chúng ta đã nhập khẩu 153,1 nghìn tấn thịt gà các loại, có trị giá lên đến 111,1 triệu USD, giá bình quân nhập khẩu trước thuế là 0,72 USD/kg (hơn 16.000/kg).

Để giải quyết tình trạng ế thừa, theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng, người chăn nuôi có thể “bẻ phôi”, không cho ấp trứng để ngắt đàn, do quy trình nuôi gà công nghiệp chỉ mất từ 42-60 ngày, không dài như lợn; người chăn nuôi cũng nên thận trọng khi đầu tư, đảm bảo chăn nuôi có lãi và không gây áp lực thừa lên thị trường.

Chi Linh
.
.
.