Người phụ nữ bị trao nhầm 42 năm ở nhà hộ sinh Ba Đình:

Hy vọng tìm lại gia đình trong nước mắt

Thứ Năm, 10/03/2016, 15:49
Sáng 10-3, tôi có mặt 75 Quán Thánh, để gặp chị Tạ Thị Thu Trang, cô bé sơ sinh bị trao nhầm 42 năm trước. Mặc dù đang rất đông khách, chị vẫn bỏ việc để tiếp chúng tôi với niềm mong mỏi mãnh liệt rằng, thông tin về sự việc của chị ngày càng lan tỏa, cơ hội chị tìm được gia đình càng lớn, khi cha mẹ chị sẽ biết và lên tiếng…

Trong suốt câu chuyện, nước mắt người phụ nữ ấy không ngừng rơi. Số phận đặt chị vào một sự thử thách quá lớn, khiến dẫu đã 5 tháng trôi qua kể từ ngày biết được bi kịch đời mình, chị vẫn chưa hết “sốc”.

Chị Trang với tấm giấy khai sinh và những lá đơn do mẹ chị viết.

Chị run rẩy đưa cho chúng tôi xem những giấy tờ liên quan đến việc của chị, nhưng gần như chẳng có gì ngoài một tờ giấy khai sinh gốc viết từ ngày 26-10-1974, do ông Bùi Thành Phần ký và những lá “Đơn tìm con thất lạc” do chính bà Nguyễn Thị Mai Hạnh viết gửi các cơ quan chức năng vào cuối năm 2015.

Cảm thấy rõ tiếng nấc nghẹn của người mẹ suốt hơn 40 năm qua chưa một lần được ôm ấp đứa con ruột thịt của mình và niềm khao khát gặp con vẫn nguyên vẹn trong từng chữ: “Ngày 10-10-1974, tôi sinh một cháu gái ở nhà hộ sinh Ba Đình, ở ngõ Phan Huy Ích, nay là nhà hộ sinh 12 Lê Trực, Hà Nội. Các cháu bé đều được đánh cùng số vào chân theo số của mẹ. Nhưng khi nhận con cho bú lần đầu tiên, tôi đã phát hiện chân con tôi lại là số 32. Tôi  và gia đình không nhân, tôi nói là không phải con tôi. Các chị hộ sinh đã bế cháu bé số 32 đi tìm, nhưng không có cháu nào số 33 và hộ lý trả lời là do tắm nên số bị mờ đi, đồng thời khẳng định cháu mang số 32 là con tôi. Các hộ sinh không tìm nữa, nhưng tôi vẫn linh cảm thấy cháu không phải là còn tôi, có lẽ do những người đẻ trước tôi đã nhận nhầm và đã ra viện, nên mới không tìm thấy số 33. Lúc đó, tôi mới ngoài 20 tuổi, cũng chẳng nghĩ được nhiều và sự khẳng định của nhà hộ sinh số 32 là con tôi nên tôi nhận con.”

Tấm giấy khai sinh gốc của chị Trang.

Dù yêu thương, chăm sóc Tạ Thị Thu Trang hết lòng, nhưng linh cảm của người mẹ đã khiến bà Hạnh canh cánh rằng, Trang không phải là con ruột. Bà cũng tâm sự với chồng và 2 cô em chồng điều ấy. Vài ngày sau, vợ chồng bà Hạnh bế Trang đến nhà hộ sinh để tìm em bé số 33, nhưng vẫn không thấy. Bà đành hy vọng không có sự nhầm lẫn nào. Nhưng càng lớn, Trang càng lộ rõ sự khác biệt trong gia đình và điều này khiến có người trong họ nghi ngờ bà Hạnh…

Chị Trang kể: Mọi người trong gia đình tôi đều nhỏ bé, sống tiết kiệm, chỉ mình tôi cao lớn, tính cách mạnh mẽ và không tiết kiệm như mọi người. Mẹ không dạy, nhưng tôi nấu ăn mẹ đều rất thích, khác với chị gái tôi. Hồi nhỏ đi học, tôi từng bị bạn học nói tôi bị trao nhầm ở bệnh viện. Về hỏi thì mẹ tôi gạt đi: “Con đừng tin, con không giống ai trong nhà mình vì con giống các dì.” Đương nhiên tôi chỉ tin mẹ… Nhất là khi tôi lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của bố mẹ và các chị em. Mỗi khi có món ăn ngon, mẹ đều nói ăn no rồi, để chúng tôi ăn thoải mái, rồi mẹ mới ăn cuối cùng. Cả một đời mẹ tảo tần, tiết kiệm, sống vì các con. Thậm chí, có gia đình rồi, đến giờ, tôi vẫn sống nhờ vào sự cưu mang của mẹ. Tôi chỉ có thể nói rằng, mẹ tôi rất tuyệt vời.

Nhưng rồi, đúng sinh nhật tôi, chiều ngày 10-10-2015, mẹ gọi tôi vào phòng đóng cửa lại và nói sự thật rằng, tôi không phải là con ruột của mẹ. Rằng, mẹ đã đi xét nghiệm AND năm tôi 20 tuổi, kết quả khẳng định tôi là đứa bé bị trao  nhầm.

Văn bản trả lời bà Hạnh của Trung tâm y tế quận Ba Đình.

Chi Trang kể trong nức nở: Ban đầu tôi nghĩ mẹ đùa, nhưng rồi, tôi cũng hiểu mẹ không thể đùa trước một việc kinh khủng như vậy được. Đất trời như sụp xuống chân tôi. Tôi khóc rất nhiều, vừa tủi thân, vừa giận mẹ. Giận vì tại sao mẹ biết mà không làm rõ từ đầu, để nay đã hơn 40 năm mới nói, khiến số phận tôi ra thế này. Mẹ muốn tôi tìm lại gia đình, sao không nói sớm hơn khi tôi và bố mẹ tôi đều còn trẻ …

Mẹ tôi nhẹ nhàng phân tích, vì mẹ cũng đã đi tìm, nhưng hộ sinh cứ khẳng định, nên mẹ bất lực vì mẹ muốn làm rõ nhưng lại sợ mất nốt cả tôi. Sau đó, mẹ cũng lặng lẽ đi tìm, nhưng vẫn sợ tôi và hàng xóm biết. Mẹ sợ nói ra lúc tôi còn trẻ, tôi chưa đủ suy nghĩ chín chắn, lại giận dỗi, tiêu cực và bỏ mẹ đi… Mẹ đành đợi khi tôi trưởng thành, cũng làm mẹ rồi, có đủ yêu thương, thông cảm, mẹ mới nói…

Mẹ bảo, mẹ nói sự thật ra, cũng chỉ vì để muốn biết con đẻ của mẹ như thế nào, cuộc sống có đầy đủ không, để đưa con gái về thắp hương tổ tiên, cũng để mẹ tạ lỗi với gia đình bố, gia đình bố mẹ ruột của con. Nói vào thời điểm này, để chị còn đi tìm gia đình nếu không, sợ bố mẹ chị đã già.

Quá đau đớn vì sự thực phũ phàng, chị Trang khăng khăng: Con chỉ biết mẹ thôi, con không đi tìm ai hết. Nếu bà ngoại nói với mẹ như mẹ nói với con thì mẹ nghĩ sao? Nếu tìm được rồi, mà gia đình con không nhận con, hay con gái mẹ không nhận mẹ thì cuộc sống của cả mẹ lẫn con đều bị xáo trộn mà không giải quyết được gì không?

Và chị Trang đã im lặng từ chối khi bà Hạnh muốn chị cùng đi thử AND một lần nữa, nên bà đã lặng lẽ đi thử lần thứ 2 và kết quả lại giống như lần trước.

Biết chị Trang bị sốc, bà Hạnh nén đau buồn để nói với chị rằng, lẽ ra chị phải vui mừng vì chị sẽ có 2 gia đình, rằng bố mẹ đẻ chị không có lỗi…Bà cũng dặn chị, nếu tìm được, bố mẹ ruột của chị cuộc sống khó khăn thì chị phải giúp đỡ.

Chị Trang bảo, bình tĩnh lại, chị càng thấy thương mẹ Hạnh hơn. Vì hiểu là bà đã phải chôn giấu nỗi đau mất con hơn 40 năm cũng vì quá yêu thương chị, sợ chị tổn thương, sợ chị bỏ đi. Chị hiểu được sự hy sinh vô bờ mà bố mẹ chị dành cho chị. Khi ông mất, dù chị là người cuối cùng ở bên, ông cũng không hé răng nói ra thân phận của chị. Thậm chí, ông còn dặn bà “sống để dạ, chết mang theo”câu chuyện đau lòng của gia đình mình. Sau nhiều lần 2 mẹ con nói chuyện, bớt sốc hơn, chị Trang đã đồng tình với mẹ việc phải đi tìm lại gia đình mình, cũng là tìm lại con gái cho mẹ Hạnh.

Sau khi bà Hạnh đi nước ngoài, bà tâm sự với con trai của chị Trang đang học ở Đài Loan. Cậu bé rất thương bà ngoại nên 3 hôm trước, đã đưa lên mạng xã hội. Để rồi, câu chuyện đầy bi thương của chị đã được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt và ngay sau đó là sự vào cuộc của hệ thống báo, đài chính thống.

Chị Trang nói trong nước mắt: Tôi hy vọng qua báo chí, gia đình tôi sẽ đọc được thông tin này, để tìm về. Tôi cũng hy vọng, những người phụ nữ nào sinh vào khoảng thời gian trước và trong ngày 10-10-1974 tại nhà hộ sinh Ba Đình, hãy liên lạc với tôi, vì biết đâu, một trong những người đó chính là con ruột của mẹ Hạnh tôi. Chỉ có tìm được con ruột của mình, dù chỉ gặp một lần, mẹ tôi mới được thanh thản. Tôi và mẹ đã quyết tâm sẽ đồng hành, để tìm họ ở bất cứ nơi nào trên đất nước này.

Ông Phạm Hữu Tiệp, Giám đốc Trung tâm y tế quận Ba Đình cho hay, sau khi tiếp nhận đơn của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Trung tâm đã trao đổi với các cán bộ công tác lâu năm ở nhà hộ sinh và cho rà soát lại tất cả các sổ sách cũ, các kho lưu dữ liệu, nhưng vì thời gian đã quá lâu, không còn thông tin gì về ca trực sinh ngày 10-10-1974. Trung tâm cũng đã có văn bản trả lời cho gia đình bà Mai Hạnh.

Qua mạng xã hội, chiều 9-3, có một cán bộ Công an đã cho chị 3 địa chỉ của 3 người phụ nữ cùng sinh ngày 10-10-1974, nhưng khi vợ chồng chị Trang tìm đến thì đều không phải.

Thanh Hằng
.
.
.