Hạnh phúc vỡ òa của đôi vợ chồng đầu tiên có con nhờ mang thai hộ

Thứ Hai, 01/02/2016, 10:33
Sau khi Nghị định cho phép mang thai hộ có hiệu lực được hơn một năm (từ 1-1-2015), ca mang thai hộ đầu tiên đã cho kết quả mong đợi, đó là một bé gái kháu khỉnh nặng 3,6kg. Cô bé là con của một cặp vợ chồng đã 38 tuổi ở Ninh Bình, lấy nhau được 16 năm nhưng không thể có con. Người mang thai hộ cho hai vợ chồng là một người họ hàng của cặp vợ chồng nay đã 46 tuổi...


Mòn mỏi chờ con

Kết hôn được 16 năm, cuộc sống vợ chồng của anh Duy, chị Mai trôi qua rất yên bình, chỉ có một điều đáng nói đó là sau từng ấy năm, đôi vợ chồng trẻ vẫn không thể "đơm hoa, kết trái". Sau khi áp dụng nhiều biện pháp nhưng không thể có con, hai vợ chồng anh Duy, chị Mai đã đi khám và biết được rằng chị bị nhỏ tử cung bẩm sinh, một dị tật khiến việc có thai là không tưởng, còn anh thì hoàn toàn bình thường.

Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Viết Tiến (đứng thứ hai từ phải sang trái) vui mừng khi trao con cho cặp vợ chồng hiếm muộn.

Mặc dù anh Duy luôn an ủi vợ nhưng cái tiếng không sinh được con khiến chị Mai luôn có cảm giác tuyệt vọng. Đã nhiều lần, vợ chồng chị bàn nhau xin con nuôi rồi có những suy nghĩ tiêu cực. Thương vợ, anh Duy đã tìm mọi cách để chạy chữa, cứ nghe đến chỗ nào có thuốc tốt, thầy giỏi là anh lại tìm đến với hy vọng căn nhà nhỏ có thêm tiếng cười của trẻ thơ.

Anh Duy kể, năm 2003 khi vợ anh được mổ nội soi ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhưng bác sĩ cũng cho biết chỉ khi nào Việt Nam có luật cho phép mang thai hộ thì anh chị mới có cơ hội có con của mình. Trong khoảng thời gian đó, anh chị mòn mỏi chờ đợi cho đến ngày việc mang thai hộ được hợp thức hóa.

Và phải đến hơn chục năm sau, khi trên truyền hình thông báo luật cho phép mang thai hộ có hiệu lực thi hành, ngay ngày hôm sau, anh chị đã lên bệnh viện để tìm hiểu. Trong quá trình làm thủ tục được các bác sĩ của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện giúp đỡ rất nhiều.

Hai vợ chồng anh Duy vui mừng bên con.

Vui sướng là vậy, nhưng hai vợ chồng đều biết quá trình mang thai hộ sẽ còn rất nhiều khó khăn. Cơ hội có con ngay trước mắt nhưng việc tìm được người mang thai hộ đáp ứng được các điều kiện cho phép sẽ vô cùng khó khăn.

Anh Duy cũng lên mạng tìm hiểu kĩ về luật mang thai hộ, biết được rằng luật chỉ cho phép người thân, họ hàng với mình mới có thể giúp đỡ. Tưởng rằng hành trình thuyết phục nhờ vả đầy gian nan lại bắt đầu nhưng may mắn thay, một người thân trong họ đã bằng lòng mang thai hộ hoàn toàn tự nguyện, không cần anh chị phải nhờ vả hay giải thích.

Vợ chồng anh Duy vui mừng đưa người thân lên bệnh viện tiến hành thủ tục. Mặc dù trước đó, khi người họ hàng bày tỏ quan điểm, chị Mai vừa mừng vừa lo. Mừng vì có người giúp đỡ, lo vì người họ hàng của chị tuổi cũng đã cao nên tỉ lệ nguy cơ khi mang bầu cũng nhiều. 

Sau hơn một tháng, hồ sơ hoàn thành với 14 con dấu được đóng vào. Điều anh Duy cảm thấy hạnh phúc nhất, đó là nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của cả chính quyền và các y, bác sĩ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản. Vì thế, quá trình làm hồ sơ không hề khó khăn, khó nhất chính là hành trình tìm nơi xác thực công chứng bởi thời gian đầu chưa có nơi nhận công chứng các thủ tục liên quan đến vấn đề này.

Anh Duy cho biết, mặc dù chị Mai bị dị tật bẩm sinh nhưng buồng trứng hay chức năng sinh lý khác đều bình thường. Bác sĩ đã tiến hành lấy noãn của chị và tinh trùng của chồng sau đó cấy phôi vào người mang thai hộ. Chi phí cho một ca mang thai hộ không khác gì so với kinh phí thụ tinh trong ống nghiệm.

Giây phút hồi hộp nhất là ở những tuần đầu của thai kì. Hai vợ chồng suốt thời gian chờ đợi con ấy đều thấp thỏm không yên. Mỗi lần đi kiểm tra định kì, hai vợ chồng đều theo sát người mang thai hộ và luôn lo lắng chờ bác sĩ khám. Có thể nói, mỗi ca mang thai nhờ hỗ trợ sinh sản đều có những khó khăn riêng nhưng trong trường hợp của vợ chồng anh Duy, chị Mai khó khăn càng gấp bội.

Qua mỗi tuần thai kì, hai bà mẹ đều thở phào nhẹ nhõm vì không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng đến tuần thứ 25, người mang thai hộ bị dị ứng, vậy là cả hai bà mẹ phải lên viện điều trị đến 10 ngày. Rất may mọi thứ đều suôn sẻ, không có biến cố xảy ra.

Đón chờ "trái ngọt"

Sau nhiều tháng chờ đợi, "trái ngọt" đầu tiên của nghị định mang thai hộ đầy nhân đạo, đứa con thơ của cặp vợ chồng đã hơn chục năm tìm kiếm cuối cùng cũng ra đời. Sáng 22-1-2016, vào lúc 7 giờ 25, bé gái nặng 3,6 kg đã chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương bằng phương pháp mổ đẻ.

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Vũ Bá Quyết chúc mừng chị Mai sau 16 năm mới được làm mẹ.

Trước đó, lúc 6 giờ sáng, hai vợ chồng anh Duy đã có mặt tại tầng 4 Khoa phẫu thuật, họ xúc động đến nghẹt thở, mong ngóng từng giây chờ đợi con gái chào đời. Cho đến khi đón cô công chúa từ tay GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế - người đã đích thân phẫu thuật lấy thai ca đặc biệt này, chị Mai xúc động không nói nên lời. Đứa con vợ chồng chị mong mỏi hơn 16 năm qua và những tưởng không bao giờ có được. Cô bé được chị đặt tên là Quỳnh Anh.

Còn về phần anh Duy, cả gia đình anh lòng như lửa đốt khi nhận được thông báo từ bác sĩ cho biết thai đã 38 tuần, có thể phẫu thuật chủ động lấy thai ra. Sáng hôm ấy, cả nhà anh đều quây quần ở nhà nội, chờ tin vui anh chị báo về. Anh Duy cho biết, em bé vẫn được bú mẹ trong một tháng đầu sau sinh. Còn sau đó, khi em bé cứng cáp hơn, anh chị sẽ cho con ăn sữa ngoài, chăm sóc con hết sức có thể với bổn phận của một người cha, mẹ mà hai vợ chồng đã mong ước bấy lâu.

Tại buổi họp báo ngay sau khi ca mang thai hộ đầu tiên thành công tốt đẹp, TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết hiện nay tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (BV Phụ sản trung ương) có khoảng 60 hồ sơ được duyệt, trong đó đã có hơn 50 trường hợp mang thai.

Đây là ca đẻ đầu tiên từ mang thai hộ. Các bác sĩ luôn nỗ lực hết sức để hỗ trợ người bệnh có nhu cầu nhờ mang thai. Về chuyên môn, chỉ cần xác nhận của BV là người mẹ nằm trong đối tượng được nhờ mang thai, còn các giấy tờ khác chủ yếu là xác nhận thân nhân người mang thai. Một hồ sơ hoàn thành phải có đầy đủ 14 dấu pháp lý xác định.

"Cơ bản không khó, thời gian đầu do nhiều người chưa nắm hết nên làm hồ sơ phức tạp hơn. Còn cái khó nhất của mang thai hộ chính là nhờ người mang thai hộ", TS Quyết nói. Và để chúc mừng ca mang thai hộ đầu tiên thành công, TS Vũ Bá Quyết cho biết sẽ miễn toàn bộ viện phí cho gia đình. Cháu bé sẽ được chăm sóc bình thường như những đứa trẻ khác và xuất viện khi sức khỏe ổn định.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến cũng bày tỏ thêm tại buổi họp báo: "Qua ca mang thai hộ đầu tiên thành công này, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp, người bệnh hãy nên tuyệt đối tin tưởng bác sĩ. Mọi người phụ nữ đều có cơ hội làm mẹ. Khi gặp những vấn đề khó khăn về sức khỏe sinh sản, đừng tuyệt vọng mà hãy nỗ lực hết sức, điều trị để có thể mang thai con của chính mình. Chỉ những trường hợp không có tử cung, dị tật tử cung… không thể mang thai mới nghĩ đến phương pháp mang thai hộ".

Ông cũng hy vọng rằng, sau một thời gian thực hiện, Nghị định có thể được điều chỉnh để có thêm nhiều cơ hội làm mẹ cho nhiều người hơn nữa. Ví dụ như những trường hợp sinh con đầu bị tai biến sản khoa, người mẹ từ đó không thể sinh thêm con được nữa, đứa con lại bị di chứng không phải do di truyền, người mẹ vẫn có thể nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Vì đứa con được sinh ra nhờ mang thai hộ sẽ là chỗ dựa cho người anh, chị không may bị dị tật khi bố mẹ già yếu...

Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 500-700 trường hợp có nhu cầu nhờ mang thai hộ. Chi phí một lần thực hiện mang thai hộ khoảng 2.000-3.000 USD, tương đương 60-70 triệu đồng trong trường hợp ca khó; ca bình thường thì chi phí khoảng 40-45 triệu đồng. Chi phí này chủ yếu do lượng thuốc hỗ trợ phải sử dụng nhiều hay ít. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng kỹ thuật mang thai hộ của Việt Nam ngang tầm thế giới, khó hơn so với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thông thường. Những phụ nữ không có tử cung hoặc có bệnh lý không thể mang thai (bệnh tim, thận, cao huyết áp, không có chỉ định mang thai), có thể nhờ mang thai hộ. Hiện 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật này là Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh.

(*Tên nhân vật đã được thay đổi)

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.