Hành trình 20 năm ngày toàn dân hiến máu tình nguyện

Thứ Bảy, 07/04/2018, 16:50
Từ con số 0 tròn trĩnh, hơn 20 năm sau, hiến máu nhân đạo đã trở thành phong trào lớn mạnh với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân trên cả nước.

Hơn 20 năm trước, khởi nguồn từ 13 sinh viên dưới sự kêu gọi của GS.TS Đỗ Trung Phấn, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phong trào hiến máu nhân đạo đã bắt đầu.

Nếu như GS.TS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện HHTMTƯ) là “kiến trúc sư trưởng” của ngành huyết học - truyền máu thì TS.BS Ngô Mạnh Quân, Trưởng Khoa vận động và tổ chức hiến máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (HHTMTU) được coi là “thủ lĩnh” của phong trào vận động hiến máu.

Hơn 20 năm qua anh đã gần 40 lần hiến máu cứu người, vận động hàng nghìn lượt người tham gia hiến máu, tham gia xây dựng các chương trình hiến máu nổi tiếng cả nước như Lễ hội Xuân hồng, Hành trình đỏ, Giọt hồng yêu thương, Trái tim mùa thu…

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Cô Tô (Quảng Ninh) và người dân tham gia hiến máu trong Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện năm 2018

Từ khi còn là sinh viên của Trường ĐH Y Hà Nội, được vị GS đầu ngành huyết học Đỗ Trung Phấn truyền lửa, TS.BS Ngô Mạnh Quân cùng một nhóm sinh viên trường y tham gia hiến máu tình nguyện đầu tiên.

Ngô Mạnh Quân cùng với 12 sinh viên khách tham gia lập nhóm “sinh viên hoạt động nhân đạo” để tuyên truyền thay đổi nhận thức trong cộng đồng về hiến máu cứu người.

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp ĐH Y, anh và một số sinh viên y khoa trong nhóm về công tác tại Viện HHTMTU đã bắt đầu xây dựng được phong trào hiến máu lan rộng trong tầng lớp sinh viên.

Ban đầu chỉ là sinh viên ĐH Y và ĐH Sư phạm, dần lan tỏa đến nhiều trường với nhiều sinh viên tham gia. Từ 13 người đã lên đến 100 rồi hàng trăm người vận động hiến máu. Họ đi đến đâu là gây dựng được phong trào hiến máu tới đó.

Trên chặng đường vận động hiến máu, TS.BS Ngô Mạnh Quân cảm động trước rất nhiều nghĩa cử cao đẹp của người dân trên cả nước. Có những gia đình cả ba thế hệ cùng hiến máu, có nơi cả dòng họ cùng hiến máu, có người chỉ là một anh xe ôm nhưng 100 lần cho máu.

Tôi có dịp được gặp anh Nguyễn Xuân Hiền là bảo vệ của Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa – Vũng Tàu và cảm nhận được tấm lòng cao đẹp đáng quý của anh qua những việc anh làm.

Anh Hiền là thủ lĩnh của “Ngân hàng máu sống” ở TP Bà Rịa – Vũng Tàu, bất kể nửa đêm gà gáy hay trời đổ nắng chang chang, bệnh viện nào không đủ máu dự trữ để cấp cứu người bị thương là anh lại có mặt, sẵn sàng hiến máu khi đủ điều kiện.

Để kịp thời cấp cứu cho nhân dân trên đảo, khi còn là Viện trưởng Viện HHTMTƯ, GS.TS Nguyễn Anh Trí rất đau đáu với việc xây dựng “Ngân hàng máu sống” tại các huyện đảo. Và Cồn Cỏ (Quảng Trị) là huyện đảo đầu tiên mà Viện xây dựng được lực lượng hiến máu dự bị gồm 13 người có đủ sức khỏe và đảm bảo an toàn truyền máu.

Nếu như 10 năm trước, các tỉnh vùng sâu, vùng xa luôn trong tình trạng thiếu máu để cấp cứu, điều trị thì nay tình trạng khan hiếm máu đã chuyển biến rất nhiều. Đó là chúng ta đã xây dựng được phong trào hiến máu trong toàn dân, được những con người, những tấm lòng nhiệt tình ủng hộ. Họ chính là những người đã gắn kết, làm lên sự sống tốt đẹp cho đời.

Ngày 7-4-2000 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về Vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 7-4 hằng năm là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện. Trong 18 năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện của cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng khích lệ. Số đơn vị máu thu được tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước.
Trần Hằng
.
.
.