Giúp người lầm lỗi sớm tái hòa nhập cộng đồng
- Tạo điều kiện cho 1.012 người thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng có việc làm
- Mô hình “3 + 1” – cơ hội nữ tù tha tái hòa nhập cộng đồng
Đến xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) những ngày chuẩn bị đón xuân mới Mậu Tuất 2018, chúng tôi được nghe bà con nhắc nhiều đến sự chí thú làm ăn, vượt lên khó khăn của anh Tô Văn Cọp - người vừa thi hành xong án phạt tù trở về địa phương. Cũng như nhiều người thi hành xong án phạt tù về địa phương, thoạt đầu, anh Cọp không tránh khỏi tự ti, mặc cảm về những lỗi lầm của mình gây ra trong quá khứ. Tuy nhiên, sự tự ti mặc cảm ban đầu nhanh chóng biến thành niềm tin, khát vọng làm lại cuộc đời của chính bản thân anh.
Lực lượng Công an và ban, ngành đoàn thể địa phương, như: Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… đã thường xuyên thăm hỏi, động viên anh Cọp. Hiểu rõ gia cảnh khó khăn của gia đình, Công an xã Trung Thạnh, phối hợp đoàn hội địa phương tạo điều kiện cho anh vay vốn làm ăn sinh sống. Với số tiền vay 20 triệu đồng, anh Cọp mua 2 con bò nuôi bán lấy thịt. Nhờ sự cần cù siêng năng, cặp bò của anh chuẩn bị đến ngày xuất bán.
“Nhà không có ruộng, nên khi vay vốn tôi quyết định mua 2 con bò nuôi bán lấy thịt. Việc nuôi bò cũng đơn giản, chỉ lấy công làm lời, ngày đi cắt cỏ 1 lần, cộng thêm nguồn nguyên liệu từ cây bắp (ngô) sau khi thu hoạch nên bò lớn nhanh. Bán cặp bò này, nếu tiếp tục được vay vốn, tôi sẽ mua thêm 4 con để nuôi bán lấy thịt”, anh Cọp cho biết.
Cũng như anh Cọp, bà Nguyễn Thị Thum (cùng ngụ xã Trung Thạnh) cũng có thời gian lầm lỗi. Trở về địa phương với những nỗi lo trong cuộc sống sinh nhai và ít nhiều đối diện với sự gièm pha của xã hội. Nhưng thực tế khác hẳn suy nghĩ của bà. Ngay khi về địa phương, bên cạnh sự mừng vui của gia đình, bà cảm nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương.
Cán bộ các ban, ngành, đoàn thể địa phương đến chia sẻ, thăm hỏi bà Nguyễn Thị Thum. |
Không chỉ là những lời động viên suông, với sự quan tâm giúp đỡ cụ thể, chính quyền xã trực tiếp liên hệ Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ cho bà cùng nhiều người chấp hành án xong về địa phương được vay vốn làm ăn. 8 triệu đồng là số vốn ban đầu bà Thum được vay. Tuy không nhiều nhưng cần thiết để bà thực hiện được mơ ước giản đơn của mình là có thu nhập để chăm lo cuộc sống cho gia đình. Hiện, quán giải khát của bà có thu nhập khá ổn định.
Ngoài việc bán nước giải khát cho khách vãng lai, bà còn bán cho công nhân xí nghiệp xay xát đối diện nhà. Nhờ vậy, từ vốn vay ban đầu, sau khi trừ lãi vay bà đã có tích lũy thêm số vốn đáng kể.
Với vai trò nòng cốt, thời gian qua Công an xã Trung Thạnh chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ban ngành, phối hợp với lực lượng Công an thực hiện mô hình hỗ trợ, vay vốn giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Với sự quyết tâm, trách nhiệm của từng thành viên, mô hình mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Đồng chí Đỗ Hữu Hiền, Trưởng Công an xã Trung Thạnh, cho biết: “Sau khi tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, chúng tôi phối hợp ban ngành, đoàn thể rà soát, xuống từng nhà đối tượng gặp gỡ động viên, tuyên truyền rõ mục đích để họ không tái phạm, đồng thời tham mưu UBND xã ra mắt mô hình Hỗ trợ vay vốn cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, mang lại nhiều kết quả thiết thực”.
Hiện xã Trung Thạnh có gần 100 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống và đa số có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, con đường hoàn lương của người chấp hành xong án phạt tù không phải không còn rào cản khi một số cơ sở, doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc tiếp nhận họ vào làm việc. Mặt khác, có số ít đối tượng, nhất là thanh niên không chịu làm ăn, thích chơi bời lêu lổng.
Ông Nguyễn Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã Trung Thạnh, cho biết thêm, thời gian tới, địa phương tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tốt hơn cho người chấp hành xong án phạt tù về sớm tái hòa nhập cộng đồng. Các đoàn thể xã sẽ phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tiếp tục cho các trường hợp này được vay vốn ở mức cao hơn; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thu nhận họ vào làm việc, giúp họ có thu nhập ổn định, không tái phạm tội.