Du xuân trên nóc nhà Đông Dương

Chủ Nhật, 29/01/2017, 15:36
Tiết trời chưa thật rét. Những em bé Mông phong phanh áo quần nô đùa trên đỉnh đồi xanh ngắt. Những bông đào phai trên lối vào bản Cát Cát ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã bung nở, đón chào một năm mới.

Lang thang lên đỉnh Fanxipan, du khách sẽ được đắm mình giữa sân mây bồng bềnh huyền ảo, ngắm những vạt vân sam vững chãi tràn căng sức sống. Mùa xuân ở nóc nhà Đông Dương có bao điều đáng để khám phá.

Sân mây trên… trời

Dưới chân núi Fanxipan, hoa tam giác mạch mang sắc trắng hồng nhẹ nhàng, dung dị như người thiếu nữ vùng sơn cước đang tuổi e ấp. Cái rét dìu dịu, ngọt ngọt chỉ đủ để người ta mong tìm một bày tay, một hơi ấm. Ở độ cao 3.143m so với mực nước biển dù bằng cách này hay cách khác, người ta cũng cảm nhận được sự kỳ vĩ của thiên nhiên và khát khao chinh phục của con người.

Mùa này, Fanxipan có hai đặc sản làm nao lòng du khách là sân mây và loài cây vân sam đang được bảo vệ đặc biệt. Dọc đường lên đỉnh núi, cây vân sam (còn gọi là cây tuyết tùng) xòa tán rộng, vững chãi.

Vân sam ở Fanxipan hầu hết có hàng trăm năm tuổi. Loài cây này chỉ mọc ở độ cao trên 2.000m. Bởi thế, người ta khó tìm được vân sam ở một nơi nào khác. Băng qua lớp rừng xanh non phía dưới, càng di chuyển lên phía trên cao, càng thấy rõ nét đẹp của vạt rừng vân sam cổ thụ. Chỗ sườn núi, nơi cáp treo đi qua dốc không thẳng đứng mà thoai thoải.

Nhìn vào đó, người ta sẽ có cảm giác như rừng vân sam mọc giữa lưng chừng trời. Và có lẽ cũng chẳng gì thú vị hơn khi được “bay” trên vạt rừng giữa khoảng trời đại ngàn ấy.

Rừng cây vân sam trên “nóc nhà Đông Dương”.

Mùa này, những vạt rừng vân sam xanh mướt, tràn đầy sức sống. Fanxipan không chỉ có vân sam, cây đỗ quyên cũng được coi là loài thực vật đặc hữu ở đây. Bất cứ mùa nào đến dãy Hoàng Liên Sơn cũng đều bắt gặp đỗ quyên trên các sườn núi.

Đỗ quyên ở Hoàng Liên Sơn có mấy chục loài với cơ man màu sắc. Cuối đông chuyển sang xuân, đỗ quyên có màu vàng nhạt, ra xuân sẽ nở nhiều với màu hồng, trắng và vàng và chuyển sang tím, xanh nhạt, vàng, đỏ…

Đi xuyên qua tầng mây, người ta chỉ nhìn thấy 3 sợi cáp treo giữa bốn bề là một màu trắng đục. Một vùng không khí lạnh bao trùm. Cái rét đột ngột đến. Thế nhưng, khi vượt qua khỏi tầng mây ấy sẽ thấy một khung cảnh hoàn toàn khác. Lạ là, ở nơi cao hơn, mặt trời tỏa ánh nắng rực rỡ giữa trời đông, cái rét không còn. Mây chuyển sắc trắng như bông dưới nền trời xanh ngắt.

Sân mây ở lưng chừng trời, trắng muốt và lóng lánh dưới ánh mặt trời. Phía xa xa, từng đỉnh núi sẫm màu nhô lên giữa sân mây bồng bềnh. Bước từng bậc đá lên đỉnh núi, nơi kịch cùng của đỉnh Fanxipan, ở nóc nhà Đông Dương ấy, du khách có cảm giác mình thật nhỏ bé giữa không gian kỳ vĩ của thiên nhiên.

Giữa trùng điệp sắc trắng của mây, giữa bao la một màu xanh ngăn ngắt của trời, nhiều nhóm phượt vượt 2 ngày đường để chinh phục đỉnh cao. Họ chạm tay vào đỉnh núi với niềm vui chiến thắng bản thân. Bước chân xuống núi, du khách vẫn lưu lại cảm giác thú vị và tự hào khi giương cao lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa trời lồng lộng gió.

Trẻ em Mông ở bản Cát Cát tranh thủ tập viết sau giờ lên lớp.

Người Mông ở bản Cát Cát

Sa Pa thu hút khách bởi được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt. Ngoài đặc sản ở Fanxipan, du lịch Sa Pa còn hấp dẫn nhờ những yếu tố cộng hưởng như khí hậu, ẩm thực và đặc biệt là văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân tộc. Sa Pa có người Mông, Dao đỏ, Giáy, Tày… Người Mông chiếm hơn 50% dân số ở đây. 

Từ thị trấn Sa Pa, đi theo hướng núi Fanxipan chừng 2km là tới bản Cát Cát, xã San Xả Hồ, nơi mang đậm văn hóa của người Mông ở vùng núi Tây Bắc. Trên những thân rêu mốc từ lối vào bản đã chi chít cánh đào phai khoe sắc giữa trời đông. Bông đào đá tuy nhỏ nhưng cánh dày, dù phớt hồng nhưng vẫn nổi bật trên nền xám của thân cây, vẫn rực rỡ dưới nếp nhà cũ kỹ mang đậm dấu ấn thời gian.

Mỗi bước chân qua từng bậc đá vào bản, người ta lại khám phá thêm một điều thú vị. Những phụ nữ Mông quanh năm ngồi dệt vải thổ cẩm hai bên đường, những  sản phẩm đặc trưng được làm thủ công tỉ mẩn bày trên các gian hàng dọc lối đi.

Nói đến Cát Cát, người ta nói đến phong tục kéo vợ của người Mông, nói đến kiến trúc đặc biệt trong những ngôi nhà gỗ, hay các lễ hội truyền thống mang bản sắc riêng. Dù tiếp xúc với khách du lịch nhiều, dù cuộc sống ở vùng đất xung quanh đổi thay đến chóng mặt, nhưng người dân tộc Mông ở bản Cát Cát vẫn giữ nguyên nếp văn hóa truyền thống.

Nhà của đồng bào Mông nằm rải rác trên những sườn núi. Lối đi men qua những thửa ruộng còn trơ gốc rạ giữa hai mùa vụ. Ở vùng núi, bóng chiều sầm sập xuống. Ấy vậy trên ngọn đồi nhỏ, bọn trẻ tan học vẫn chưa về mà còn tụ tập lại.

Dưới ánh sáng còn rơi rớt cuối chiều đông, mấy đứa trẻ ở Trường tiểu học Cát Cát giở vở ra tập viết. Cuốn vở đặt phập phồng trên nền cỏ, cô bé Má Thị Lan cúi gập người, đặt bút nắn nót viết chữ S. Ngồi bên cạnh, mấy cô bé, cậu bé xúm vào ngó theo từng nét bút của Lan. 

Sự duyên dáng, hiếu khách của người Mông ở bản Cát Cát sẽ níu chân du khách.

Nốt nhạc trầm

Thiên nhiên đã ban tặng cho Sa Pa khí hậu tuyệt vời, thiên nhiên hùng vĩ và cả bản sắc riêng biệt mà không đâu có được. Nhưng, có yêu Sa Pa mới thấy còn nhiều trăn trở với vùng đất đang được phát huy tiềm năng này. Ở thị trấn Sa Pa, bọn trẻ đeo bám khách du lịch, chèo kéo mua hàng và sẵn sàng đòi tiền khi chụp ảnh cùng du khách. Và, ngay tại bản Cát Cát cũng vậy.

Vị khách lạ thấy đám trẻ đang túm tụm chơi đùa liền tới ngó theo, cô bạn đi cùng giơ điện thoại lên chụp, thế là cả nhóm nhao nhao: “Cháu 10 nghìn! Cháu 10 nghìn…”.

Và, cho dù có bị tác động bởi khách du lịch đến ngày một nhiều, nhưng người Mông ở Cát Cát vẫn lưu giữ văn hóa truyền thống khá nguyên vẹn, khiến một số phong tục được coi là hủ tục vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Chiều muộn. Đứng trên những bậc đá lối xuống bản Cát Cát người ta đã thấy một đám đông lố nhố giữa bãi đất trống dưới chân núi. Nhìn cảnh vui vẻ với cách uống rượu của đám thanh niên, đàn ông trong bản, khách đoán có lẽ đó là bữa tiệc vui. Thế nhưng, thật bất ngờ khi đó lại là đám tang một bé gái 3 tuổi.

Em bé xấu số được đặt nằm trên cao, nơi người ta làm tạm thành chỗ nằm bằng tre nứa. Một dãy bàn dài được dựng lên, vài chục người đàn ông đứng ăn uống. Cả không gian nồng nặc mùi rượu.

Ở một góc, người đàn ông say mèm, nằm ngủ ngon lành bên cạnh đống chai đã hết rượu. Phụ nữ uống rượu như đàn ông. Bất kể khách nào qua đường cũng bị níu lại, uống cùng một chén rượu rồi mới được bước đi. Bà con trong bản bảo, nghi lễ với những bữa rượu như thế này phải kéo dài từ 3-4 ngày mới kết thúc.

Một chút băn khoăn về văn hóa của người Mông ở Sa Pa, một chút lo lắng về sự phát triển lộn xộn, chưa xứng với tiềm năng của một vùng đất du lịch được thiên nhiên ưu đãi. Nhưng, khách du lịch vẫn có nhiều cơ hội để khám phá nơi đặc biệt này. 

Bãi đá cổ, thung lũng hoa hồng, bản Tả Van, Tả Phìn… là điểm đến thú vị cho du khách. Mùa xuân, hoa đỗ quyên sẽ bung nở rực rỡ trên dãy Hoàng Liên Sơn. Ngọn núi Fanxipan đang chờ đợi bước chân của những người yêu chinh phục đỉnh cao, trải nghiệm cảm giác mới ở nơi gặp gỡ của đất trời.

Minh Phương
.
.
.