Phan Xi Păng nhìn ngược từ nóc nhà Đông Dương

Chủ Nhật, 09/04/2006, 08:08

Khó có thể diễn tả hết những xúc cảm không vương vòng tục lụy khi ngồi hóng mát trên “nóc nhà Đông Dương”. Tuy nhiên, sự thiếu chuyên nghiệp đang giết chết nhiều vẻ quyến rũ của Phan Xi Păng thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.

Bắt đầu từ thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai, sau 3 ngày leo những vách núi dựng trời đến toạc da tay, sau 2 đêm ngủ rừng, vùi mình trong túi ngủ mà gió vẫn lạnh buốt xương, chúng tôi có thể thảnh thơi mặc trang phục của xứ tuyết châu Âu, ngồi trên đỉnh cao 3.143m, rút điện thoại di động ra gọi cho người thân. Bạn tôi gọi cho vợ, rằng: “Em à, dưới hạ giới mấy hôm nay thế nào; chứ trên bồng lai này mây và gió đuổi nhau ghê quá. Lạnh cứng hàm anh rồi. Gió vừa rít qua bay mất cái áo khoác của anh xuống vực sâu nghìn mét”.

Dịch vụ đến tận chân răng!

Tôi vẫn giữ nguyên cảm giác chán nản trong cái lần mỏi mòn tìm tư liệu và người dẫn đường để leo Phan Xi Păng cách đây 7 năm. Bấy giờ leo Phan Xi Păng là một cái gì xa xỉ, hiểm nguy lắm. Còn bây giờ: bạn có thể đề nghị “leo Phan” với lễ tân của hầu hết các khách sạn ở Sa Pa để rồi lập tức có các chàng người Mông, tuổi từ 14 đến 40, họ đưa bạn một lèo lên tít nóc nhà Đông Dương. Họ đưa bạn đi, họ đi thảnh thơi như đưa trẻ nhỏ vào công viên. Còn bạn, đó sẽ là một trong những kỷ niệm khó quên nhất trong đời mình - trước hết là ở khoản vất vả. Dịch vụ trọn gói, với người Việt, khoảng 800.000 - 900.000 đồng/người (nếu đoàn của bạn 5 người trở lên).

Chỉ một cú điện thoại cho khách sạn Đặng Trung, chúng tôi đã coi như hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc chinh phục đỉnh núi cao và hiểm trở nhất Đông Dương của mình. Không thể tin được. Hai gã dẫn đường Chơ và Tủa lao ra bắt tay khi chúng tôi còn lơ ngơ hỏi thăm đường. Chơ bảo: khi đi đăng ký bảo hiểm và mua vé leo núi cho anh, tôi đã đọc lý lịch biết anh là nhà báo. Nay nhìn cách anh ăn mặc lếch thếch lôi thôi là tôi biết. Trung bình một năm Tủa leo Phan Xi Păng khoảng 40 lần. Rất sòng phẳng, đã thành giá chung ở cả Sa Pa: mỗi ngày lưu lại trên núi, đơn vị tổ chức phải trả cho người khuân vác hành lý 100.000 đồng. Cứ tính tối ngủ mà ăn tiền, bất kể khách có lên được đến đỉnh 3.143m hay không.

Du khách Đan Mạch trên đường lên Phan Xi Păng.

Xe ôtô xịn của khách sạn thả đoàn xuống chân núi. Khách, ai đèo bòng nhất thì khoác thêm cái máy ảnh, còn lại tất tật những người khuân vác người Mông đảm nhiệm cả. Leo núi cùng ngày với tôi có đoàn 7 người Đan Mạch, 2 người nữ rất xinh. Họ thuê tới 13 người khuân vác hành lý, 5 hướng dẫn viên. Họ khoác cả cái đệm mút ấm sực lên đường leo núi thì phải. Riêng cậu bé 12 tuổi ở thôn Cát Cát thì gánh rau dưa cộng với mấy khay trứng gà, mỗi khay khoảng 30 quả. Lại thêm anh chàng Phú, cán bộ Vườn quốc gia Hoàng Liên đi cùng “chỉ đạo nghệ thuật”. Anh Thành, phụ trách trạm kiểm lâm lưng chừng núi nhìn hai chúng tôi thất thểu bước theo Tủa và Chơ bèn trấn an: “Thế này ăn thua gì, hôm trước có ông Tây còn thuê 15 triệu đồng/tua leo Phan Xi Păng cơ. Họ đi 10 ngày trời nhâm nhi ngắm núi, thích chỗ nào thì hạ trại ngủ một đêm. Một đoàn “tùy tùng” đi theo mang đủ nồi niêu xoong chảo, cơm bưng nước rót, tiện nghi có khi chả kém gì khách sạn Vichtoria dưới Sa Pa”.

Những "phu" khuân vác hành lý 99% là người Mông, họ chinh phục Phan Xi Păng bằng bộ móng của sơn dương, của con báo rừng và ngài đại bàng núi. Bất kỳ người đàn ông dưới 60 tuổi nào ở Cát Cát đều có thể lên đường leo Phan khi có ai đó thuê.

Xe ôtô đỗ ở cái chỗ vẽ sơ đồ, cắm biển chỉ dẫn leo Phan Xi Păng. Khách thậm chí không cần chào cán bộ kiểm lâm soát vé nữa. Trọn gói rồi. Cứ việc đi, leo một tí thấy mồ hôi sực ra thì cởi áo, chàng phu dừng bước, đặt gùi xuống, nhét áo vào quẩy tấu giúp bạn. Đang đi bạn kêu đau chân, cứ tháo giày cho chân nó thở một tí, rồi khắc có người mở quẩy tấu lấy dép cho bạn xỏ vào. Tôi còn chứng kiến cảnh mấy hướng dẫn viên của khách sạn Mimôza (Sa Pa) đun nước ấm đổ vào chậu cho mấy chàng Đan Mạch, mấy cô Singapore rửa chân. Vừa làm, chàng vừa tỏ vẻ khó chịu, nhưng rồi lại quay ra anh Đan Mạch với cô Singapore, nói bằng tiếng Anh ngọt xớt: Cần bất cứ cái gì, ngài (bà) cứ nói với tôi, tối nay tôi ngủ bên bếp lửa này.

Các vị thượng đế chui vào những vuông lều úp sụp như cái lồng bàn kín mít giữa rừng, ngủ khò. Đó là lúc các hướng dẫn viên lục tục rửa cốc uống cà phê (họ pha cho khách uống), bát đũa, xoong nồi. Cả mâm cơm ngót hai chục người vừa khách tây vừa người khuân vác hành lý, các chàng hướng dẫn viên chỉ nấu loáng cái hai mươi phút là xong!

Dọc đường, bạn thích ăn thì có cà chua, dưa chuột, chuối, dưa hấu... tất cả đều có sẵn trong những cái gùi. Trưa, nghỉ. Bánh mì, nhân là cả một bát thịt lợn, bò vùng Sa Pa băm lẫn nấm hương mọc nhĩ. Hương vị, đậm nhạt rất tuyệt. Nước uống xả láng. Viên xà phòng nhỏ như thanh kẹo cũng được mang theo. Tăm, ớt đủ cả. Chén xong, mỗi gã ngủ vùi trên một thân cây mục như chim cú áp cành. Đúng giờ, Tủa hú vang giữa rừng hoa đỗ quyên đỏ ối, hoa to như cái bát đơm cơm giục giã lên đường.

Rừng đỗ quyên màu hoàng yến, bông to như cái đĩa tây, dịu dàng như một quý bà. Rừng cháy, cây mấy người ôm chết đen cả một thung lũng. Rừng trúc lùn đi nửa ngày chưa qua hết. Rừng cây lớn rêu phủ xanh mềm như rong tảo lơ mơ khỏa nước dưới đáy đại dương. Đến đỉnh núi nào có sóng điện thoại, Chơ đều nhớ hết. Hắn lẩm bẩm: “Chỗ này di động được đấy!”. Và gã ngày nào cũng leo Phan Xi Păng ấy lại nhẫn nại ngồi nghe khách hò hú khoe xúc cảm thiên đường mây gió với người thân.--PageBreak--

Hai gùi thức ăn vơi dần. Mấy cô nhân viên khách sạn giỏi thật. Trong 3 ngày, bữa nào ăn gì đã được tính toán kỹ. Thậm chí họ tính được cả sự thay đổi khí hậu khi lên tới đỉnh Phan Xi Păng, thức ăn sẽ không thể ôi thiu trong thứ giá rét vẫn khiến tuyết đọng trên những tán tùng ốc ấy. Cái gì ăn bữa đầu, cái gì ăn bữa cuối, rất hợp lý. Khoai tây chiên sẵn, nem rán sẵn, thịt thái và ướp tẩm hương vị sẵn, lúc ăn chỉ việc chao dầu ăn lên là nóng sốt. Bắp cải, su hào gùi lên cả củ tươi lông lốc.

Thậm chí, ở độ cao khoảng 2.500m trên lưng chừng núi, vài cái lều còn được dựng sẵn để chờ khách. Lửa rất ấm, thịt lợn ướp muối của người Mông treo trong bếp lửa giữa lều, ai ăn cứ tự nhiên dùng dao rừng xẻo một miếng hơ vào lửa là thơm nức mũi. Cách đây mấy tháng, phía Trạm Tôn, ở lưng núi, Vườn quốc gia Hoàng Liên còn xây dựng một cái lán lớn mái nhọn như nhà rông - Tây Nguyên có sức chứa 40 người một lúc. Nhà cốt sắt, phủ bạt kín như lều của dân du mục Mông Cổ, ở đó có sẵn mấy cái túi ngủ. Bạn chui vào túi, kéo khóa, buộc miệng túi vào là bạn thành con trai, con hến, con ốc sên, con rùa rụt đầu trong mai cứng.

Anh Mã A Tủa, người Mông ở bản Cát Cát, người dẫn đường chuyên nghiệp lên đỉnh Phan Xi Păng.

Trong lều nhà Chơ và Tủa ở độ cao khoảng 2.600m còn được tổ chức chuyên nghiệp tới mức: mỗi anh cắt cử một thằng con trai lên lều, bán nước, nấu cơm phục vụ bất kỳ tua nào muốn nghỉ lại ăn uống. Hai thằng Dình và Bình ấy không biết chữ, đều ở tuổi 15. Chúng bán bia, nước giải khát, đồ ăn khá phong phú để lấy lãi (20.000đ/lon bia 333); đồng thời chúng ăn lương tháng do Vườn quốc gia trả để trông coi lều lán (vườn thu của mỗi khách leo núi 50.000 đồng/vé). Chúng sống cô quạnh như người rừng, có khi còn cô đơn hơn các chàng khí tượng thủy văn đo nước đo gió phải lăn gỗ ra chặn đường để được nhìn thấy dáng Kiều thơm trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long (viết về bối cảnh ở Trạm Tôn, ngay dưới chân núi Hoàng Liên).

Sự tiện nghi trong tua leo lên nóc nhà Đông Dương là tín hiệu rất đáng mừng. Khi Sa Pa tròn 100 năm tuổi làm du lịch, các nhà quản lý đã tổ chức cho 100 văn nghệ sĩ, vận động viên leo lên tận đỉnh 3.143m để mừng tuổi thiên đường du lịch Sa Pa, đó là một “mánh” khuếch trương tua leo Phan Xi Păng rất chuyên nghiệp. Không có tấm biển “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” như ở bên nước bạn; nhưng đúng là bây giờ nhiều bạn trẻ ao ước muốn một lần đặt chân lên đỉnh 3.143m trên đỉnh dãy An-pơ của Việt Nam (một cách gọi tôn vinh khác dành cho Phan Xi Păng), trên nóc nhà Đông Dương, cũng là biểu hiện điều đó.

Song nhìn ngược lại, cũng vẫn có nhiều sự thiếu chuyên nghiệp đang giết chết nhiều vẻ quyến rũ của Phan Xi Păng.

Phan Xi Păng và những "món giả cầy"...

Hiện, hầu như không có một tua leo núi nào của “nhà nước” tổ chức chinh phục Phan Xi Păng cả, ngoại trừ việc đại diện Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn thỉnh thoảng có đưa vài đoàn làm phim quốc gia lên quay phim, chụp ảnh. Tất cả các tua là do các hãng lữ hành, các đơn vị tư nhân tổ chức. Có cả một cuộc cạnh tranh “nồi da nấu thịt” trong lĩnh vực này. Thậm chí vài anh bạn người Mông đã và đang đứng ra thầu tua trọn gói cho du khách. Thế là mặc sức khách leo núi bị (được) hướng dẫn cách đơn giản hóa công việc chiêm ngưỡng nóc nhà Đông Dương.

Anh Thiện Hùng, nguyên Trưởng phòng văn hóa huyện Sa Pa, người đầu tiên hứng chí thuê người mở đường chinh phục Phan Xi Păng trong tư cách du lịch kể từ cuối những năm 40 của thế kỷ trước, khi người Pháp rút đi để Sa Pa hoang phế ngót nửa thế kỷ, rầu lòng nói: Nhiều khi hướng dẫn viên bây giờ người ta cứ làm thế nào lôi được khách lên tới đỉnh nhọn 3.143m là ào ào quay về. Xong việc, thu tiền. Người ta lại chọn con đường ngắn nhất, tẻ nhạt nhất (lại kèm theo nguy hiểm nhất) để đi, cứ leo lấy được, nên khách chẳng thấy Phan Xi Păng đẹp ở điểm nào, dãy Hoàng Liên Sơn hay ở chỗ nào. Như thế là giết chết Phan Xi Păng".

Anh Hùng đã hơn 30 lần leo lên đỉnh Phan Xi Păng, anh đưa các nhà leo núi lừng danh của nước ngoài, đưa các đoàn văn nghệ sĩ nổi tiếng lên với đỉnh 3.143m kể từ ngày cây rừng còn bít lối đi. Thú dữ còn trêu người. Số người Việt lên đến đỉnh bấy giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, và đường đi còn kéo dài cả nửa tháng trời. Hầu hết các tên núi ấn tượng như Lê Trôn (lê mông suốt dọc đường mới đi được); Thử Thách, Cảnh Tiên (cảnh đẹp như chốn thần tiên), Rừng Tùng, Rừng Trúc, Hoa Quả Sơn (như rừng rú trong động của khỉ đá Tôn Ngộ Không)... đều là do anh Hùng đặt ra.

Lâu nay, tuổi về tới 60, lại thêm bận nhiều việc nên anh không đưa người leo núi được nữa. Tuy nhiên, anh vẫn theo dõi kỹ những hoạt động chinh phục Phan Xi Păng và luôn lấy làm tiếc vì sao người ta lại dồn cơ bản toàn bộ khách leo Phan Xi Păng đi về phía Trạm Tôn. Đi con đường ấy thì không được chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh đẹp. Sẽ không hiểu đầy đủ thế nào là hệ sinh thái Hoàng Liên Sơn, không được gặp một cách phong phú, bạt ngàn các loài cây đặc sản tuyệt mỹ (hầu như riêng có) của Phan Xi Păng.

Tôi từng gặp nhiều du khách lớn tiếng phàn nàn về việc một số người tổ chức tua muốn giảm giá để cạnh tranh bằng cách chỉ chịu đưa khách đi con đường Trạm Tôn. Thật ra thì hầu hết khách du lịch là những người lần đầu leo Phan Xi Păng, họ không hình dung được vẻ đẹp của con đường Cát Cát, Sín Chải đi lên; cũng không hình dung được vẻ tẻ nhạt của đường Trạm Tôn. Nhưng không lẽ cứ “lập lờ đánh lận con đen” như thế mãi?--PageBreak--

Mỗi dịp leo lên đỉnh Phan Xi Păng đều là một kỷ niệm khó quên trong đời một con người, có nên vặt cụt cảm xúc của du khách bằng cách làm ẩu như thế không? Đi đường từ đỉnh Ô Quy Hồ (đã đi ôtô đến độ cao hơn 2.000m) rẽ ngang sang các mỏm núi chinh phục Phan Xi Păng ấy, du khách sẽ không có dịp đi nửa ngày trong rừng trúc, đi trong rừng rêu tiên cảnh; đi trong mênh mông rừng hoa đỗ quyên đỏ, tím, trắng, hoàng yến diệu kỳ; cũng sẽ không được đứng ở những đỉnh núi chênh vênh, thác đổ. Thậm chí, tùng ốc, tùng cổ thụ phủ rêu tuyết là những đặc sản độc nhất vô nhị của đỉnh núi băng giá Phan Xi Păng (tính trên lãnh thổ nước ta), nếu đi đường Trạm Tôn các bạn sẽ tuyệt nhiên không được trông thấy một khóm nào!

Tôi dám chắc, nếu biết rõ những thông tin này, rất ít người chọn con đường Trạm Tôn rẽ lên. Đó sẽ là một thứ leo Phan Xi Păng giả cầy. Đấy là chưa kể, đường Trạm Tôn tuy gần hơn, cảnh xấu hơn, nhưng độ nguy hiểm của nó lại cao hơn. Năm trước, một cô sinh viên người Anh, 27 tuổi bị ngã chết cũng là trên những đoạn đường không đảm bảo này. Hơn một lần chúng tôi đã chinh phục Phan Xi Păng bằng con đường này. Đường dốc đứng bám theo những cành cây lốp xốp rêu, cành khô, rêu mục, chỉ sảy chân một cái, hay việc một cành cây bị bong rễ thì cả toán người sẽ thiệt mạng. Nhiều đoạn như đường Việt Hùng, phải leo trong mây mù, trên những đoạn dây thừng dài khoảng hai chục mét vắt dọc vách núi. Dây đứt, hoặc trượt tay rơi xuống vách đá là thiệt mạng.

Dưới chân Phan Xi Păng.

Cái việc người ta đầu tư tiền triệu, tiền tỉ làm đường lên Phan Xi Păng cách đây chưa lâu, cũng đang gây nhiều ý kiến tranh cãi. Có thêm con đường cũng không phải là đẹp đẽ gì, nhưng cũng chẳng làm sao. Nó giúp cho người già, cho học sinh, sinh viên cảm thấy yên tâm hơn khi vừa đi vừa nghỉ. Nhưng việc các lan can gãy, lòi cả lõi sắt ra như hiện nay là rất phản cảm. Đấy là chưa kể, có thời gian báo chí từng viết về rác rưởi ném bừa phứa trên đường đi khiến mấy ông khách Tây đi về lớn tiếng bất bình. Hóa ra, giờ hỏi kỹ mới biết độ ấy là rác rưởi do công nhân thi công hệ thống lan can ximăng cốt thép giả tre đi điệp trùng lên Phan Xi Păng bỏ lại! Tình trạng giờ đã khá hơn, song với tốc độ khai thác tua leo núi ồ ạt như hiện nay, đúng là độ nguyên sinh của rừng trên Phan Xi Păng đã bị giảm đi từng ngày.

Lực lượng kiểm lâm cho biết: họ thường xuyên thuê người đi tuần rừng cùng để người ta làm nhiệm vụ dọn vệ sinh dọc đường. Nylon, vỏ lon nước và đủ các loại phế thải vứt bừa bãi. Đau đớn hơn cả là việc người ta dựng lều khá vô trách nhiệm trong các tán rừng trúc. Cháy rừng thì sao? Nhưng trước mắt, sau mỗi đêm đoàn khách ngủ lại với rừng thì xung quanh trúc vầu bị chặt hạ tan hoang. Dùng cây để làm sàn sạp nằm ngủ, để đốt lửa sưởi, hoặc đơn giản chỉ là phát quang rừng ven suối để lấy mặt bằng hạ trại.

Lên đỉnh Phan Xi Păng có thể nhìn sang Lào

Điều chúng tôi day dứt nhất trong tua du lịch Phan Xi Păng có lẽ là sự thiếu chuyên nghiệp của các hướng dẫn viên. Họ thật ra chỉ làm được cái việc là nói vài câu tiếng Anh bồi để ông Tây, bà đầm cần ăn, cần tắm, cần nước nóng, cần đi ngủ thì hô hào đòi quyền lợi. Hết. Nhiều người vốn là lao công lau sàn nhà, bưng bê thức ăn cho khách, lúc họ võ vẽ vài câu tiếng Anh hêlô, bai bai, thế là họ dẫn khách đi. Người Tây đi du lịch balô họ rất sòng phẳng. Hướng dẫn viên vô trách nhiệm, hay quá tồi là lập tức lúc về họ đòi bớt tiền! Và những cuộc cãi cọ như thế diễn ra không ít.

Có anh hướng dẫn viên chửi thằng Tây “củ chuối”, không có tiền thì đừng đi du lịch; có anh Tây thạo tiếng Việt, quay lại bảo: “Không củ chuối chấm com (cuchuoi.com) đâu nhé”. Có hướng dẫn viên leo Phan Xi Păng giới thiệu với chúng tôi là đứng ở đỉnh 3.143m có thể nhìn thấy nước bạn Lào... (trong khi từ Sa Pa, phải qua mấy trăm cây số, qua trọn vẹn hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên mới tới Lào). Khách hỏi bất cứ thông tin gì liên quan tới dãy Hoàng Liên Sơn mà họ đang leo, đến cả chuyện về đỉnh Phan Xi Păng, hướng dẫn viên cũng không biết. Tôi nói vài thông tin liên quan đến cái xương sống khổng lồ của miền Bắc Việt Nam - dãy Hoàng Liên Sơn, rằng nó trùm qua nhiều tỉnh, dài tới 180km, rộng trung bình 35km - tất cả nhóm hướng dẫn viên không tin. Nhiều hướng dẫn viên, họ không phân biệt được vườn quốc gia với khu bảo tồn, không biết tại sao gọi nóc nhà Đông Dương tên là Phan Xi Păng - một vị khách Tây phàn nàn với chúng tôi như vậy.

Tôi từng viết trên báo, và cả những người nặng lòng nhất với Sa Pa, Phan Xi Păng đều công nhận đã từng có tình trạng nhiều hướng dẫn viên đưa khách lên tới đỉnh cao 2.800m là lập tức “tiền quân đổi làm hậu quân” đi về. Họ bảo khách rằng, đã lên đỉnh cao nhất, lên nóc nhà Đông Dương rồi đấy! Nghe lại câu chuyện này, tôi chợt nhớ tới niềm đam mê Phan Xi Păng của Thiện Hùng, người đưa đường vĩ đại lên dãy An-pơ của Bắc Bộ Việt Nam. Anh vẫn thường mải mê tìm những điểm quan sát thật đẹp trên khắp các chặng đường để giới thiệu cho du khách. Thậm chí, anh đưa khách rẽ vào những con đường cụt tranh thủ ngắm nóc nhà Đông Dương từ một vách đá chênh vênh, ngắm một con thác, một ngôi miếu cổ có viết chữ Nho. Anh thủ túi một chai sâmbanh để lên đến đỉnh cho một người đại diện đoàn chinh phục Phan Xi Păng “nổ” tung bọt chiến thắng. Anh dẫn khách leo núi, giống như anh đang đưa người tri kỷ đến từng ngõ ngách của kho báu thiên nhiên mà mình đang trông giữ để chia sẻ những xúc cảm thần thiên, mà ở đó lòng trần không còn vấn vương chút gì...

Những người như Thiện Hùng giờ đang hiếm dần. Đường lên Phan Xi Păng giờ chủ yếu đi đường Trạm Tôn, con đường mà anh Hùng đã từng trổ lối lên Phan rồi anh quyết định bỏ vì nó vừa nguy hiểm vừa tẻ nhạt. Thế mà giờ người ta đầu tư tiền tỉ để  mở đường trát lối và “xua” khách cơ bản chỉ được leo núi bằng con đường ấy. Chẳng hiểu ra làm sao nữa

Đỗ Doãn Hoàng
.
.
.