Đi chợ đồ cũ Vạn Phúc

Thứ Bảy, 25/02/2017, 09:09
Người ta đến đây để tìm chút xưa cũ qua những món đồ, hoài niệm về một thời đã qua, để thấy lại những chiếc mũ sắt dù đã rỉ sét, bi đông đựng nước đã thủng, hay chiếc đồng hồ cơ của Nga được ao ước năm nào.

Hằng tháng, cứ vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 30 theo lịch âm, chợ đồ cổ Vạn Phúc tại quận Hà Đông, Hà Nội lại tổ chức họp. Nói là chợ nhưng đúng hơn là một khu vực bán đồ trên nhiều dãy phố. Tên chính thức của nơi này là “Trung tâm giao lưu sinh vật cảnh, đồ cổ đồ xưa Vạn Phúc”, được mở ra nhằm giao lưu giữa những người có chung niềm đam mê.

Khách tới mua bán, trao đổi tất cả mọi thứ, bất kể là hàng còn có thể sử dụng hay đã... vô dụng. Từ những bức tượng phật, bình gốm sứ, những đôi loa bãi của Nhật cả chục triệu đồng tới những chiếc điện thoại đã vỡ tan nát, chiếc đầu máy băng chẳng rõ liệu còn có thể chạy hay không. 

Khách hàng hứng thú với những món đồ lạ dù đã cũ.

Với đồ điện tử, thậm chí người bán nói nếu mua nhanh gọn kiểu “tù mù”, không cần thử thì sẽ được giá rẻ, nếu cắm điện thử sẽ tính giá tiền khác. Hài hước là có những món người mua thì không biết, người bán khi được hỏi cũng chẳng hay. Lúc đó cả hai bên sẽ... đoán món hàng là gì và đặt giá. 

Giá cả thì vô cùng, trên trăm triệu cũng có, vài chục ngàn cũng có, đôi khi có những món qua mấy phiên không bán nổi thậm chí còn cho không hoặc vứt đi. Rất nhiều khách thích thú với điều này bởi đây là điều không phải có thể gặp ở các khu chợ khác.

Theo lời một chủ hàng, trước ở đây vốn là chợ cây cảnh. Khoảng 3 năm trước bắt đầu xuất hiện vài gian đồ cổ, sau đó 1 năm người ta đổ về đây rồi mở thêm các gian hàng cũ. Lịch họp chợ chính vẫn theo phiên như ngày xưa nhưng giờ có mở thêm cả ngày thường. Khách hàng rất thích thử vận may tìm kiếm các món đồ mình muốn ở đây.

Một vị khách hỏi chiếc đèn măng xông thì được giới thiệu là hàng cổ, xuất xứ từ Đức, có giá gần hai triệu. Khi người này vừa đi khỏi thì chủ cửa hàng quay sang nói với nhân viên: “Trên đèn chẳng ghi gì đâu, chắc là của Tàu nhưng cứ nói là của Đức cho sang”. 

Như vậy, nếu bán được, rất có thể chủ hàng đã có thêm vài trăm, thậm chí cả triệu đồng. Khi không phải ai cũng có chuyên môn để thẩm định hay có kiến thức nhận biết những chi tiết đó là thật hay không thì khả năng phải mất quá nhiều tiền cho một món đồ không tương xứng là rất cao.

Một chủ gian đồ cổ người Hưng Yên cho biết: “Hàng này buôn bán theo kiểu hên xui. Tùy theo khách chứ không niêm yết giá. Một chiếc lư đốt trầm loại nhỏ, làm bằng đồng này mình bán 300.000 đồng, nhưng người khác “hét” lên 400.000 đồng. Gặp người thực sự thích có khi lên 600-700.000 đồng là chuyện bình thường”. 

Anh cho biết thêm, khoảng thời gian sau Tết là lúc mọi người còn đang chơi xuân, ít mua bán đồ cổ nên thu nhập sẽ kém hơn các tháng khác. Để bù cho việc ít khách, họ sẽ đẩy cao giá hơn. Được quy vào mác đồ cổ sưu tầm, độc nên giá cả của những mặt hàng không cụ thể mà phụ thuộc vào sự “hô biến” của chủ hàng cũng như khả năng trả giá của người mua.

Đồ lính là địa điểm hấp dẫn người tới xem.

Bên cạnh giá cả, xuất xứ của nhiều món hàng là một dấu hỏi. Ngoài những đồ mang danh được mua lại từ chủ, một số món đồ không rõ nguồn gốc. Trong khi chúng tôi đang trò chuyện với một người bán thì người có nhiệm vụ đi “gom” hàng trở về mang theo một túi đồ lớn. 

Mở chiếc túi vải, anh xếp ra vài bức tượng Nguyễn Du bằng sứ được quét lớp màu giả đồng, một bộ tóc giả, hai hộp đựng đồng hồ và một chiếc gương rất mới của xe Vespa. Khi hỏi về nguồn gốc chiếc gương, người này đáp: “Không cần biết việc ấy đâu anh ơi, cứ biết món này ra tiền là được rồi”. Theo câu chuyện của chủ hàng nói với nhau, cứ được giá thì hàng gì họ cũng nhập.

Khu đất dựng chợ rộng vài trăm mét vuông và có hàng rào ngăn riêng vị trí, tuy nhiên có rất nhiều gian hàng mở tự phát phía bên ngoài. Ngoài các gia đình cho thuê lại nhà để bán hàng, một số người thì thuê các ki-ốt, còn lại là trải bạt ra vỉa hè, lề đường rồi cứ vậy mà kinh doanh. 

Trao đổi với đồng chí Vương Toàn Công, Trưởng Công an phường Vạn Phúc, anh cho biết: “Chúng tôi đã xử phạt 3 trường hợp với số tiền 3 triệu đồng vì buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường”. 

Nói thêm về việc buôn bán của chợ, Trung tá Vương Toàn Công cho biết vì là chợ đồ cũ, có rất nhiều loại hàng nên rất khó để kiểm soát nguồn gốc. Cho tới thời điểm hiện tại, ở khu vực chợ chưa ghi nhận vụ việc xô xát hay tranh chấp nào.

Là một khu chợ “đặc biệt” với những món đồ thực sự... khó tìm, lại giúp mọi người tìm về một thời đã qua, chợ đồ cũ Vạn Phúc là một điểm đến thú vị. Cũng nhờ hoạt động buôn bán của chợ mà cuộc sống của người dân ở đây trở nên khấm khá hơn trước là điều đáng mừng. Tuy vậy, để đảm bảo vấn đề an ninh trật tự, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý, để đảm bảo quyền lợi cho người mua cũng như tránh phát sinh những vấn đề phức tạp.

Bảo Tâm
.
.
.