Chia sẻ tại phiên chợ đồ xưa Đà thành

Thứ Ba, 01/09/2015, 09:31
Phiên chợ đồ xưa Đà thành diễn ra từ ngày 27/8 đến ngày 2/9 tại Bảo tàng Đà Nẵng, đã thu hút sự tham gia của những người chơi các vật dụng cổ xưa trong Nam, ngoài Bắc, lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc…

Tham gia phiên chợ, anh Ngô Viết Tiến (39 tuổi, ở TP Đà Nẵng) cho biết, việc sưu tầm các vật dụng cổ xưa rất tốn thời gian và công sức. “Thường thì anh em chơi những món đồ này chia ra theo bộ sưu tập, có người chuyên sưu tập đồ vật về lửa, cũng có người sưu tập đồ đồng, đồ gốm...

Giá của mỗi vật dụng nhiều khi chỉ có vài chục ngàn đồng; nhưng nếu không có niềm đam mê thực sự thì không thể sưu tập được”, anh Tiến chia sẻ. Anh dẫn chứng rằng, mới đây anh và người bạn nghe tin ở huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, có hộ dân đang giữ mấy cái máy lửa và một bộ đồ gốm cổ rất đẹp. Thế là cả 2 tức tốc lên đường, lần dò địa chỉ tìm tới. Nhưng khi lặn lội đến nơi thì chủ nhà đưa ra mấy cái máy lửa cũ và mấy cái đĩa bình thường…

Ngồi bên cạnh, anh Trịnh Tấn Liêm (45 tuổi, ở Hội An, Quảng Nam) cho hay, anh chuyên sưu tầm đồ đồng và đồ gốm cổ. Nhiều khi để có được món đồ cổ ưng ý, anh phải đi lại nhà người chủ các món đồ cổ hơn chục lần. 

Cầm cái ấm trà cổ trưng bày trong phiên chợ lên, anh bảo: “Như cái ấm trà này, tôi phải thuyết phục họ nhiều lắm, rằng nếu anh chị giữ cái món đồ kia cũng không có gì giá trị cả, nhưng bán lại cho em để đưa vào bộ sưu tập thì món đồ trở nên vô giá. Thấy mình thật lòng, hơn nữa mình chỉ là người đam mê cổ vật chứ không phải buôn bán cổ vật chuyên nghiệp nên họ cũng đồng ý bán... Tôi đã  có nhiều chuyến đi vào Nam, ra Bắc để sưu tầm cổ vật. Mỗi lần đi, tìm được một món đồ dù nhỏ, tôi thấy vui lắm”.

Anh Trịnh Tấn Liêm giới thiệu về một bình trà cổ tại phiên chợ đồ cổ, đồ xưa.

Theo anh Liêm, việc chơi đồ cổ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Đa phần người chơi phải có “hậu phương” vững chắc, không lo chuyện cơm, áo, gạo, tiền cho gia đình nhiều mới chơi được. “Đơn giản đây chỉ là thú đam mê thôi. Tôi chơi đồ cổ cũng được gần 10 năm rồi và đến nay đã sưu tầm khoảng 800 cổ vật. Lúc đầu, vợ tôi cằn nhằn dữ lắm, vì thấy tôi lao tâm, lao lực cho ba cái thứ đồ cũ kỹ đó. Nhưng sau khi được tôi giải thích và hiểu được niềm đam mê của tôi, vợ tôi cũng xuôi theo”.

Anh Liêm tâm sự rằng, thực tế những người sưu tầm đồ cổ, đồ xưa rất ít có cơ hội để giao lưu với nhau. Do đó, việc được tham gia phiên chợ lần này rất có ý nghĩa đối với anh. Vì, nơi đây những người có cùng đam mê đồ cổ có cơ hội chia sẻ với nhau. “Chúng tôi còn chia sẻ với khách tham quan về niềm đam mê đồ cổ, đồ xưa để họ thấy được giá trị của từng món đồ tưởng chừng vô tri, vô giác ấy. Dù sao, mỗi món cổ vật cũng là một văn hóa vật thể lưu giữ được nét văn hóa của dân tộc Việt Nam mình”, anh Liêm chia sẻ.

Đúng như lời anh Liêm nói, phiên chợ lần này, ngoài 12 gian hàng của các cá nhân tại TP Đà Nẵng, còn có 6 gian hàng của những người chơi đồ cổ, đồ xưa từ các tỉnh phía Bắc mang vào.

Anh Đường Quang Trung (47 tuổi, người chơi cổ vật gốm tại Hà Nội) bày tỏ, khi được mời tham gia phiên chợ, anh lên đường ngay. Để vận chuyển cổ vật vào trưng bày, anh phải đóng thùng rất cẩn thận rồi gửi xe mang vào. “Kỳ công lắm. Đóng thùng, vận chuyển sao cho thật cẩn thận chứ mấy cái đồ gốm cổ này dễ vỡ lắm. Phải thật đam mê mới có thể mang cổ vật của mình vào đây được. Chi phí cho chuyến đi này, tôi ước tính cũng khoảng trên dưới chục triệu đồng. Nhưng đó là đam mê. Mà đã đam mê thì đi thôi”, anh Trung cười sảng khoái.

Chị Nguyễn Thị Tâm, một du khách đến từ Hà Nội, nói rằng chị rất ấn tượng khi chuyến đi vào Đà Nẵng lần này được tham quan phiên chợ đồ cổ, đồ xưa. “Đây là chuyến đi rất có ý nghĩa với tôi. Ngoài việc tham quan các cảnh quan của Đà Nẵng, tôi còn được tham quan phiên chợ đồ cổ, đồ xưa. Ở đây có nhiều cổ vật giá trị mà giá cả lại rẻ. Tôi đã chọn được vài thứ mang về làm quà cho người thân đấy”, chị Tâm phấn khởi nói.

Ngọc Thi
.
.
.