Để tạo ấn tượng tốt cho du khách, cần nói không với “cò”

Thứ Hai, 22/08/2016, 09:38
Tại Vũng Tàu vẫn còn một thực trạng tồn tại, đó chính là việc “cò” du lịch chèo kéo, gây ấn tượng không tốt cho du khách.

Với bờ biển dài khoảng 100km, khí hậu nắng ấm quanh năm, Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) là địa phương đứng thứ 2 khu vực phía Nam về số lượng di tích danh thắng (với 44 điểm) và nhiều di sản văn hóa có giá trị. 

Thời gian qua, BR-VT đã thực hiện tốt việc quy hoạch cũng như quản lý để đưa du lịch của tỉnh ngày một phát triển hơn. Tuy nhiên, tại Vũng Tàu vẫn còn một thực trạng tồn tại, đó chính là việc “cò” du lịch chèo kéo, gây ấn tượng không tốt cho du khách.

Ngày gần cuối tháng 8, trong vai một cán bộ công đoàn một công ty ở TP Hồ Chí Minh dẫn đoàn đến du lịch Vũng Tàu, chúng tôi có dịp được cọ sát với một lực lượng “cò” đông đảo nơi đây.

“Cò” ăn, nghỉ

Vừa đặt chân tới đầu Bãi Sau, TP Vũng Tàu, đoạn từ khu vực bãi tắm Paradise đến khách sạn Thùy Vân, chúng tôi đã bị khoảng chục “cò” đeo bám, “chào hàng”.

Một đặc điểm chung, các “cò” đều tự giới thiệu mình là chủ, là anh em, cháu chắt của các nhà nghỉ, có “cò” còn tự giới thiệu, “bác, chú” chủ nhà nghỉ của mình là cán bộ trong Đội trật tự Công an TP Vũng Tàu. Tiếp hết “cò” này tới “cò” khác, “chiến lợi phẩm” chúng tôi thu về là một đống danh thiếp khách sạn, nhà nghỉ tại khu vực Bãi Sau TP Vũng Tàu như Motel SD, Restaurant - Hotel TT 1, Motel P Q, Hotel CV,….

 Theo chân một “cò”, chúng tôi đến Hotel CV để tìm hiểu, tiếp chúng tôi, bà chủ khách sạn nhanh tay liệt kê bảng giá tiền phòng và tính luôn số tiền hoa hồng 20% chúng tôi được hưởng từ việc dẫn đoàn đến nghỉ tại đây. 

Còn tại Motel SD, chủ nhà nghỉ này còn đưa ra tiêu chí hấp dẫn hơn để chúng tôi dẫn đoàn tới nghỉ. Chẳng hạn như ngoài giá 1 phòng 4 giường của nhà nghỉ là 2 triệu/ 24 giờ thì số tiền dẫn đoàn đến được chi là 200.000 đồng (10%) thì chúng tôi sẽ có thêm tiền nếu móc nối thông báo cho chủ nhà nghỉ nâng mức giá lên bao nhiêu thì chúng tôi sẽ được hưởng thêm bấy nhiêu.

Cụ thể như đưa ra giá 2,5 triệu/ phòng/ 24 giờ thì chúng tôi sẽ được hưởng 700.000 đồng. Như vậy nếu như dẫn 1 đoàn khách gồm 20 người tới nghỉ ngơi tại nhà nghỉ này, chúng tôi đã có quyền bỏ túi ít nhất 2 triệu đồng. Tiền kiếm được từ việc làm “cò” quá dễ, bà chủ vui vẻ cho biết.

TP Vũng Tàu xinh đẹp.

Trò chuyện nhỏ to với anh H, một “cò” còn ít tuổi và nhanh nhẹn nhất kể từ khi chúng tôi bị đông đảo “cò” đeo bám cho biết, hầu hết những đối tượng cứ hễ thấy khách liền chạy sát xe lại, mời chào đa phần đều là “cò” chuyên nghiệp, ăn lương tháng cố định, vì du lịch tùy mùa và tùy sự kiện thế nên để đảm bảo cho cuộc sống đa phần “cò” du lịch chọn loại hình hưởng lương tháng. Và muốn làm “cò” chuyên nghiệp thì không dễ chút nào.

Sau khi dẫn chúng tôi thăm nhà nghỉ của ông “bác họ”, anh H dẫn chúng tôi tới một số điểm ăn uống trên địa bàn TP Vũng Tàu. Tại một quán ăn TC trên đường Hoàng Hoa Thám, tiếp chúng tôi bằng sự cởi mở, vui vẻ, chủ quán nói “em cứ xem menu rồi hôm sau gọi điện báo trước cho chị, em yên tâm, tụi chị sẽ không để em phải thiệt, bên chị sẽ trích 15% cho em nếu em dẫn đoàn vào quán của chị”.

Còn tại quán AK cũng ngay trên tuyến đường Hoàng Hoa Thám, TP Vũng Tàu, chủ quán một mực khẳng định rằng quán niêm yết giá rất tốt, nhưng sẽ ưu tiên cho người dẫn đoàn tới. Ví như làm phần ăn lớn nhưng sẽ tính tiền ở mục phần nhỏ và phần tiền dư đó chúng tôi sẽ được hưởng.

Một loại hình nữa mà chúng tôi được các “cò” chuyên nghiệp giới thiệu đó chính là nếu dẫn khách mua hải sản tại một số điểm tại TP Vũng Tàu, người dẫn cũng được chia hoa hồng rất cao. Tùy theo mỗi đơn hàng mà số tiền được chia sẽ nhiều hay ít.

Chưa dừng ở đây, sau khi tiếp cận với “cò” chuyên nghiệp, chúng tôi tìm cách tiếp cận với “cò” nghiệp dư. “Cò” này bao gồm các bác tài xế taxi, xe ôm, xích lô…

Anh K, một xe ôm ngay tại khách sạn Thùy Vân, Bãi Sau thẳng thắn rằng mỗi lần anh dắt khách cho các điểm khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn, nơi mua sắm anh đều được chi 20% hoa hồng, có nơi 30%, và nếu chúng tôi chia sẻ làm ăn chung thì số tiền hoa hồng sẽ được chia đôi.

Chủ khách sạn SV Bãi Sau, TP Vũng Tàu đang tính tiền phòng và tiền hoa hồng cho khách dẫn đoàn.

Nói không với “cò” du lịch

“Cò” du lịch hoành hành đã khiến cho giá cả của các loại hình dịch vụ bị biến động, không kiểm soát được dẫn đến tình trạng khách du lịch khi đến Vũng Tàu bị “chặt chém”. Bên cạnh đó sẽ khiến cho việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn khó quản lý.

Trước thực trạng này, PV Báo CAND đã gặp và trao đổi với bà Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, bà Hường cho biết, nạn “cò” du lịch trên địa bàn TP Vũng Tàu là có, thời gian tới UBND TP sẽ thành lập một Đội trật tự bãi biển sẽ chuyên làm công tác giữ gìn trật tự, đảm bảo cho tình hình du lịch Vũng Tàu, gắn camera theo dõi các hoạt động tại các tuyến trọng điểm, như vậy việc quản lý, giám sát sẽ được tốt hơn.

Ông Hồ Văn Lợi, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh BR-VT cho biết, Sở đã chỉ đạo TP Vũng Tàu cần quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý các vấn đề “cò”, “chặt chém”, “nạn hàng rong”, xả rác trên bãi biển để du lịch Vũng Tàu trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh và thu hút khách VIP.

Để thị trường du lịch BR-VT có sức thu hút đối với du khách và phát triển thật sự bền vững, nhiều du khách cho rằng rất cần phải xây dựng được môi trường du lịch trong sạch, lành mạnh, an ninh trật tự được giữ vững để tạo niềm tin cho du khách. Chỉ khi tạo được môi trường du lịch lành mạnh, uy tín, với nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch phong phú và hấp dẫn, mới có thể tạo đựơc dấu ấn tốt đẹp cho du khách về thương hiệu du lịch BR-VT.

Hải Âu
.
.
.