Dân ngụ cư kể chuyện mưu sinh đất Sài thành

Thứ Ba, 19/09/2017, 08:05
Mỗi người sinh ra và lớn lên đều có những hoài bão, khát vọng, những dự định ấp ủ cho tương lai. “Với dân ngụ cư như chúng tôi, sống xa quê, điều đó càng mãnh liệt”, Sapinah - bác sĩ người dân tộc Chăm, quê gốc ở An Giang đang sinh sống, công tác tại quận 8, TP Hồ Chí Minh bộc bạch.


Kỳ cuối: Mong ước bình dị

Chuyện của nữ bác sĩ người Chăm

Xuất thân trong một gia đình lao động nghèo, nhà có 5 chị em gái, Sapinah kể cha mẹ của chị đã rất cố gắng để lo cho các con được đến trường. Sớm cảm nhận được khát vọng của cha mẹ, Sapinah cho biết khi còn là học sinh tiểu học, chị đã “biết nghĩ” rằng chỉ có học và phải học thật giỏi mới có thể thoát khỏi “lối mòn” của sự nghèo nàn luôn đeo đuổi những người nhập cư ở quận 4 và quận 8 – hai nơi mà gia đình chị đã gắn bó bao nhiêu năm nay.

“Gánh nặng nuôi 5 đứa con đặt trên đôi vai cha, mẹ. Do làm lụng vất vả, cha của tôi mắc bệnh tim, còn mẹ do phải chịu áp lực công việc làm lụng lo cho gia đình, nên cũng sinh bệnh. Nhà nghèo lắm, việc trị bệnh thường chỉ dừng lại ở mức, chạy ra nhà thuốc, diễn tả bệnh rồi mua thuốc về uống. Tôi đã ấp ủ giấc mơ sẽ trở thành người thầy thuốc hơn bao giờ hết để có điều kiện trị bệnh trước hết là cho cha mẹ mình, tiếp đó là cho người nghèo trong cộng đồng….”, Sapinah tâm sự.

Lên cấp 3, do ảnh hưởng bởi chủ trương giải tỏa nhà ven sông quận 4, gia đình Sapinah đã chuyển sang quận 8 sinh sống. Và từ đây đã đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với gia đình chị. “Giáo cả Thánh đường Hồi giáo Anwar (phường 1) là ông Kim Sô đã biết được hoàn cảnh gia đình tôi. Giáo cả đã gặp cha, mẹ chúng tôi để động viên không đừng để cho mấy chị em chúng tôi bỏ học nửa chừng”, Sapinah kể thêm.

Chúng tôi tìm gặp Giáo cả Kim Sô và được ông kể khi đó, ông đã tận tình vận động các nguồn hỗ trợ học bổng từ Mặt trận Tổ quốc quận, phường, tạo mọi điều kiện để chị em trong gia đình Sapinah được đến trường. Thời điểm năm 2000, ba của Sapinah trở mệt hơn khi làm việc, nên chị gái vừa tốt nghiệp đại học đã cố gắng đi làm, gánh vác cả gia đình.

Mặc dù điều kiện sống của gia đình rất khó khăn, nhưng quý một điều là tất cả chị em của Sapinah nhận thức đúng đắn về việc học, chỉ có học mới có thể thoát nghèo; có tri thức, mới có được cuộc sống tốt hơn. Thế là sự nỗ lực, quyết tâm của Sapinah đã gặt hái được thành quả.

Những người bán hàng rong mong được chỗ mưu sinh ổn định.

“Năm đầu, cháu Sapinah đã trúng tuyển vào ĐH Luật. Tưởng cháu theo học trường này nhưng sau này mới nghe cháu nói, đó chưa phải là ước mơ mà cháu ấp ủ. Và Sapinah đã cố gắng thêm một lần nữa. Thế là cánh cửa Đại học Y Dược đã mở cửa chào đón cháu”, Giáo cả Kim Sô nhớ lại.

May mắn hơn Sapinah được Giáo cả Thánh đường hỗ trợ học bổng từ các Mạnh Thường Quân do chính quyền địa phương vận động, đặc biệt là nhận học bổng từ Qũy hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số của Báo CAND. Sapinah kể khi đó vì 3 đứa em còn nhỏ nên thời gian đi học ĐH Y Dược, chị phải bươn chải vừa học, vừa đi dạy thêm...

Từ tấm gương vượt khó học giỏi của Sapinah, từ đó, các em trong xóm ngụ cư của phường 1, quận 8 ai cũng muốn “bắt chước” chị. Nhiều học sinh cố gắng để thi đậu vào học cao đẳng, đại học. Số lượng sinh viên người dân tộc Chăm hàng năm tăng. Nếu như năm 2005, chỉ có 2 trường hợp, sau đó con số là 10. Và đến năm học này, số liệu thống kê chưa đầy đủ nhưng đã có trên 50 em dân tộc Chăm đang học cao đẳng, đại học và 4 em học chương trình sau đại học.

Còn riêng gia đình Sapinah, đến giờ có 4 người theo nghề y. Sapinah thì đang công tác tại Phòng y tế quận 8. Ba chị em còn lại, người làm tại bệnh viện phục hồi chức năng, người làm tại Bệnh viện Chợ Rẫy và 1 em đang theo học tại ĐH Y Cần Thơ. Đây là điều mà trước đó, ít ai ở những “xóm ngụ cư” như tại quận 4, quận 8 lại dám nghĩ đến.

Khát vọng tỏa hương

Vùng đất Sài Gòn xưa mang trong mình bản chất tụ hội và dung nạp người dân tứ xứ. Đó là đặc điểm mà cũng là thế mạnh của thành phố này. Nhờ vậy mà “đất lành” TP Hồ Chí Minh thu hút và đón nhận được những tinh hoa và anh tài đến từ mọi miền của đất nước.

Người Sài thành đông đúc, và luôn bị cuốn theo mạch sống sôi động nên gần như không còn chỗ cho những kiểu cư xử nặng tính “cục bộ địa phương” hay thể hiện sự phân biệt “dân chính cư”, “dân ngụ cư” tồn tại. Môi trường sống và làm việc tại đô thị này luôn bình đẳng.

Người tài giỏi, siêng năng, quyết chí làm giàu, trọng nghĩa tình, biết lo cho cộng đồng càng luôn được trọng dụng… Điều quý giá hơn hết chính là ý thức của người dân ngụ cư, sau khi đã cơ bản thoát khỏi áp lực của gánh nặng mưu sinh, họ đã cùng với bao lớp dân ngụ cư trước đó nghĩ và hành động vì một thành phố xanh, sạch đẹp, nghĩa tình.

Chúng tôi được lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh kể về nhiều tấm gương bình dị của dân ngụ cư thể hiện các đức tính tốt đẹp, sự cần cù chịu khó trong lao động sản xuất, gương mẫu thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng như hiến đất làm đường, mở đường, tham gia công tác chỉnh trang đô thị, nâng cấp tuyến hẻm, tuyến đường liên xóm, ấp, tham gia tích cực phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người già neo đơn, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện như xây cầu, làm đường, hỗ trợ học bổng cho trẻ em nghèo.

Trong 15 năm qua, toàn thành phố đã có gần 590.000 lượt gương “Người tốt, việc tốt” được biểu dương, khen thưởng; có trên 15.400 lượt hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”. Một tỷ lệ rất lớn trong con số này từng là dân “ngụ cư”.

Ông Phạm Văn Tân, chủ hộ không phải là dân gốc của mảnh đất Sài Gòn, cư trú tại khu phố 2, phường 3, quận 11. Nhà ông nằm trong dự án khu phức hợp Đầm Sen, thường xuyên bị ngập nước khi trời mưa, rác từ các nơi đổ về, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, dễ phát sinh dịch bệnh.

Nhiều năm rồi, tranh thủ thời gian còn lại sau chuyện “cơm áo gạo tiền”, ông tranh thủ thời gian vận động mọi người sinh sống quanh khu kênh Cầu Mé phối hợp với chính quyền địa phương vớt rác dưới kênh, quét dọn vệ sinh dọc tuyến hẻm 161D Hòa Bình tạo cảnh quan sạch sẽ, thông thoáng cho người dân qua lại hai bên đầu cầu.

Hỏi những tấm gương “người tốt, việc tốt” như thế, họ bộc bạch những khát vọng cũng hết sức bình dị. Tôi lại nhớ lời của bác sĩ Sapinah: “Chỉ mong người dân ngụ cư, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số như chúng tôi có những điều kiện, cơ hội tốt nhất để ra sức phấn đấu, nỗ lực cống hiến cho quận, cho thành phố ngày càng phát triển và đẹp hơn”. Đó cũng là mong mỏi của hàng triệu người dân ngụ cư đang sinh sống tại đất Sài thành…

Hải Âu
.
.
.