Dân ngụ cư kể chuyện mưu sinh đất Sài thành

Thứ Hai, 18/09/2017, 09:00
Là một thành phố đông dân nhất cả nước nên độ phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) của TP Hồ Chí Minh cũng gia tăng tỷ lệ thuận với sự gia tăng cơ học của dân số. Từng xuất hiện thói quen trong suy nghĩ nơi nào có đông dân nhập cư, nơi đó phức tạp về ANTT. Thực tế, điều đó không đúng hoàn toàn. Vẫn có  những nơi ngay tại đất Sài thành này, những người nhập cư đã góp phần giữ vững sự bình yên cho thành phố.


Quy định của ông chủ nhà trọ

Theo chân những cán bộ Liên đoàn Lao động quận Bình Tân, chúng tôi tìm đến Khu lưu trú nhà trọ 38, khu phố 6, phường Tân Tạo, quận Bình Tân – một trong những phường có thành phần dân nhập cư đông nhất nhì thành phố. Trước mắt chúng tôi là một khu nhà trọ nối dài liền kề nhưng trông tươm tất và sạch sẽ, thoáng mát.

Khi chúng tôi đến, phần lớn công nhân đang chuẩn bị cho bữa cơm tối sau một ngày làm việc vất vả. Khu lưu trú này có tất cả 70 phòng trọ được xây giống nhau, tổng diện tích mỗi phòng khoảng 20m2, đủ cho 4 người ở. Trong mỗi phòng có sẵn bếp và toilet với hệ thống điện và nước có 24/24 giờ. Giá mỗi phòng trọ là 700.000 đồng, nếu tính luôn điện, nước thì mỗi tháng chi phí cho một phòng trọ khoảng 900.000 đồng. Đây là mức phí khá thấp và phù hợp với hầu hết đối tượng là thanh niên - công nhân có thu nhập không cao. Do đó, các phòng trọ chưa bao giờ để trống, trong đó 90% người trọ là công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, công ty, xí nghiệp.

Anh Hoàng Kim Hùng, chủ nhà trọ, cũng là người nhập cư, cho biết, ban đầu thấy nhiều công nhân tìm chỗ ở, anh lại có đất trống, muốn hỗ trợ các công nhân, đồng thời tạo thêm chút thu nên cho xây dựng thành các phòng trọ. Tuy nhiên, cũng muốn các phòng trọ phải đảm bảo an toàn cho gia đình và người trọ nên anh đã suy nghĩ và soạn ra các quy định khá “nghiêm ngặt”. Chẳng hạn như giờ “giới nghiêm” từ 23h30 đến 4h30. Trong giờ này, nếu công nhân có làm tăng ca thì báo trước và về đến nhà thì gọi điện để anh ra mở cửa.

Nhiều công nhân cho biết, có lúc làm tới 12h đêm hoặc 2-3h sáng là thường nhưng cũng tự tay anh Hùng mở cửa chứ không giao chìa khóa chung cho người nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho toàn khu trọ. Ở đây, không ai được dẫn bạn bè vào, trừ khi đó là người thân nhưng phải có giấy tờ chứng nhận rõ ràng... Nhờ vậy, đã nhiều năm nay khu nhà trọ này chưa xảy ra những chuyện “lộn xộn” dù chỉ là nhỏ nhất.

Những mô hình nhà trọ tự quản tại TP Hồ Chí Minh.

Không chỉ ở quận Bình Tân, ngay tại quận Thủ Đức, Đảng ủy phường Linh Trung đã quyết tâm tập trung lực lượng thực hiện kế hoạch cao điểm đấu tranh, chuyển hóa địa bàn, trong đó lấy lực lượng Công an làm nòng cốt. Ngoài việc tổ chức rà soát, lập hồ sơ quản lý, giáo dục các đối tượng hình sự, ma túy, Công an phường còn tập trung xây dựng mô hình nhà trọ tự quản về ANTT, tổ xe ôm tự quản và phòng chống tội phạm, vận động được hơn 60 doanh nghiệp với 1.200 lượt người tự nguyện tham gia. Công an phường phối hợp với Ban chỉ huy quân sự phường thường xuyên tuần tra, chốt chặn tại các điểm vắng vẻ; tăng cường tuần tra vào giờ tan ca; cảnh báo tại các điểm thường xảy ra cướp…

Cô Đào Thúy Lan, chủ khu nhà trọ 20 phòng tại tổ 7, khu phố 6, cho biết, trước đây khi chưa thành lập tổ tự quản nhà trọ, tình trạng trộm cắp thường xuyên xảy ra, khiến sinh viên trong khu trọ hết sức hoang mang. Tài sản bị mất thường là điện thoại, tiền, máy tính xách tay, thậm chí, ban ngày chúng còn vào xóm trọ trộm xe máy…

Sau khi thành lập Tổ sinh viên tự quản, mỗi sinh viên được giao phụ trách một số phòng trọ về ANTT, vệ sinh và được Công an phường tập huấn cách phát hiện các thủ đoạn của bọn tội phạm và nhắc nhở sinh viên tố giác tội phạm cũng như thực hiện đúng nội quy, quy ước của nhà trọ. Người ở trọ mới phải đồng ý thực hiện nội quy và khai báo tạm trú trước khi được nhận vào trọ. Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, toàn thành phố đã thành lập được 1.864 Tổ công nhân tự quản với 143.853 thành viên.

Thông qua mô hình này, công đoàn đã kịp thời nắm bắt thông tin, phối hợp cùng doanh nghiệp giải quyết, ngăn chặn nguy cơ xảy ra một số vụ ngừng việc tập thể.

Dự định lớn trong hẻm nhỏ….

Những cư dân xa xứ về TP Hồ Chí Minh đa phần mưu sinh trong những con hẻm nhỏ. Nhưng ngay tại những nơi chật hẹp này, họ vẫn không ngừng ấp ủ và sẽ cố gắng để thực hiện những dự định lớn trong cuộc đời.

Chị Nguyễn Thị Kiều quê Bình Định, là công nhân một công ty trên địa bàn quận Gò Vấp cho biết, chị rời quê từ lúc 17 tuổi để vào thành phố làm công nhân, và rồi cũng như bao người con gái khác, đến tuổi cập kê thì chị lập gia đình và sinh con. Nhưng cuộc sống hôn nhân không mấy hạnh phúc vì hoàn cảnh khó khăn nên chồng chị đã bỏ về quê, để lại mình chị nuôi con gái ăn học. Dù khó khăn, vất vả như thế nhưng chưa bao giờ chị có ý định sẽ để con nghỉ học giữa chừng.

“Năm nay con gái tôi đã chính thức trở thành sinh viên của một trường ĐH. Ước mơ về việc con cái được học hành đàng hoàng, trở thành người có ích cho xã hội của tôi coi như đã đạt được những kết quả đầu tiên”, chị bộc bạch.

Kim đồng hồ vừa điểm 12h trưa cũng là lúc bà Trương Thị Kim Loan, 64 tuổi, người bán bánh mì, bánh ướt bằng xe đẩy ở đầu đường Võ Văn Tần tranh thủ ăn vội vàng những mẩu bánh mì. Bà Loan tâm sự, hai vợ chồng bà ở quê miền Tây lên thuê nhà trong một con hẻm nhỏ của đất Sài Gòn mưu sinh. Nhưng chẳng được bao lâu thì chồng bà bị bệnh nặng, tính đến nay ngót cả chục năm nên gánh nặng mưu sinh đã dồn hết vào bà.

“Cách đây ít tháng, chồng tui qua đời, tôi phải xoay xở để trả món nợ hàng chục triệu đồng tiền thuốc men chữa bệnh và phải nuôi con trai đang tuổi ăn học”, bà Loan chia sẻ và cho biết thêm trước “chiến dịch” lập lại trật tự vỉa hè, mỗi ngày bà bán được khoảng 100 ổ bánh mì, nhưng gần đây thì chỉ khoảng một nửa. Trừ chi phí, mỗi ngày bà lời chưa được 100 ngàn đồng, trong khi còn phải lo tiền thuê nhà (2 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện nước). “Người ta sống được chắc mình cũng sống được”, bà Loan tự an ủi.

Và không chỉ có bà Loan, chị Kiều mà rất nhiều gia đình người nhập cư khác đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh vẫn không ngừng ấp ủ những ước mơ, sự cố gắng để cho ngày mai tốt đẹp hơn… Những hẻm nhỏ vẫn thênh thang khi lòng người phơi phới, tràn đầy niềm tin vào một ngày mai tươi đẹp. Dẫu cuộc sống phía trước vẫn lắm gian truân, vất vả nhưng hầu hết những người nhập cư mà tôi tiếp xúc đều là con người sống đầy trách nhiệm với gia đình, với xã hội, là những công dân tuyệt vời, chung tay cùng chính quyền thành phố giữ vững bình yên.

Hải Âu
.
.
.