Cùng ngư dân miền Trung ra biển đón lộc đầu năm
Những khó khăn do sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua đang dần dần được khắc phục, đẩy lùi, ngư dân đã yên tâm hơn khi bám tàu, bám biển. Hy vọng một năm mới biển lặng, sóng êm, tôm cá đầy khoang để tiếng cười của bà con ngư dân luôn chan hòa trên mặt sóng.
“Xông đất” những làng ngư trên 500 năm tuổi
Trong tiết trời xuân se lạnh, chúng tôi tìm về làng Thượng Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, một làng nghề biển trên 500 năm tuổi với bao câu chuyện thăng trầm. Đức Trạch có hơn 80% lao động làm nghề biển.
Làng Thượng Đức nép mình bên bờ biển hiền hòa, ở đó có hàng ngàn ngư dân chọn vùng biển Hoàng Sa như quê hương mình; có gia đình ngư phủ cha truyền con nối tỷ mẩn đóng tàu cho bà con ra biển; đêm đêm tiếng đọc bài, trò chơi của con trẻ vang vọng bên bờ biển...
Tại chợ Đồng Hới, Quảng Bình, thủy hải sản đã được tiêu thụ mạnh với giá cao. |
Từ lâu, ngư dân miền Trung khi nói đến việc đóng tàu, thuyền vẫn thường nhắc đến ông Phạm Minh Hồng ở thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch. Ông Hồng được ngư dân đi biển miền Trung xem như “vua” đóng tàu bởi tay nghề lão luyện, cũng như tâm hồn ông gửi vào mỗi con tàu. Được biết, theo gia phả dòng họ, ông Hồng là đời thứ 10 được gia truyền đóng tàu đi biển, gốc gác cụ tổ của ông ở vùng biển Nghi Lộc, Nghệ An.
Hơn 30 năm qua, Phạm Minh Hồng đã đóng hơn 300 con tàu cho bà con ngư dân ở miền Trung. Với tay nghề của mình, những chiếc tàu do Phạm Minh Hồng đóng luôn được bà con ngư dân xem như chuẩn mực của việc đóng tàu. Thấy ngư dân ngày một cần hơn những chiếc tàu lớn để ra khơi, Phạm Minh Hồng đã xá tội tổ tiên việc truyền nghề.
Hàng chục năm qua, ông vừa đóng tàu vừa đào tạo cho hàng trăm người biết đóng tàu, để rồi giờ đây làng biển Đức Trạch trở thành làng nghề đóng tàu đi biển nổi tiếng khắp vùng. Mới vài ngày sau tết nhưng tiếng đục, đẽo đóng tàu đã vang khắp làng nghề nơi đây.
Rời Đức Trạch, theo quốc lộ 1A, chúng tôi ra làng biển xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Diễn Ngọc có đến 712 xóm, người dân làm nghề biển. Ngay từ đầu năm mới, hàng ngàn ngư dân trong vùng đã đến Diễn Ngọc để viếng thăm và thắp hương ở đền Cá Ông, đền Quan lớn Bùng, đền Thiện cầu cho một năm trời yên biển lặng để ngư dân yên tâm làm nghề biển. Ở Diễn Ngọc, có những hộ gia đình hàng chục người làm nghề biển. Cha còn lênh đênh trên biển thì con đã chuẩn bị xuống tàu, bởi vậy có những gia đình cha con cùng một nhà nhưng có khi cả tháng chẳng gặp nhau.
Từ những ngôi làng từng đói nghèo trong rơm rạ, nhưng nhờ lộc biển, đời sống bà con ngư dân nơi đây đã thực sự đổi thay. Nhiều hộ gia đình đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được đủ đầy tiện nghi sinh hoạt. Cũng như xã Diễn Ngọc, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An có đến 80% người dân bám biển mưu sinh.
Trước khi lên tàu ra đón lộc biển đầu năm, bà con ngư dân nơi đây đến đền Thơi, đền Trung và chùa Yên Thái để tham gia lễ hội cầu ngư. Từ sáng sớm, hàng ngàn ngư dân đã đến lễ hội cầu ngư thành kính thắp nén hương thơm cầu mong trời yên biển lặng, lưới đầy cá tôm, đời sống ngư dân được ấm no hạnh phúc.
Thuyền về tôm cá đầy khoang
Những con tàu của ngư dân đầu năm đã cập cảng cá Nhật Lệ, Cảng Gianh, cửa Sót, cửa Tùng… khi được hỏi, ngư dân đều khẳng định đánh bắt trên vùng biển quê hương ở khu vực Trường Sa, Hoàng Sa. Có lẽ không một lý lẽ nào chân thực hơn để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là vùng biển đảo ngàn đời của nước Việt bằng chính cuộc đời của hàng vạn vạn ngư dân.
Khi cành đào, cành mai còn khoe sắc thắm ngày tết thì ở vùng bãi ngang ven biển Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã tấp nập tàu thuyền cập bến của ngư dân. Những khoang thuyền đầy ắp cá hố, cá chim, cá cháo đã thực sự làm cho ngày Tết, ngày xuân của ngư dân thêm phần ấm cúng.
Anh Trần Quang Thanh phấn khởi cho biết, chỉ trong ngày mồng 5 Tết, anh cùng vài ngư dân dong thuyền từ sáng sớm ra biển đánh bắt đến tối cùng ngày đã thu được vài trăm kilogam thủy hải sản. Đầu năm thời tiết thuận lợi nên nhiều ngư dân tranh thủ sớm đi biển, nên mới chỉ ngày mồng 3, mồng 4 Tết, nhiều cảng cá ở dọc bãi biển miền Trung đã tấp nập thuyền cá ra vào.
Ngư dân miền Trung không chỉ vui mừng trong việc đánh bắt thuận lợi mà chính việc dễ tiêu thụ, và bán được giá cao đã đem lại niềm vui cho ngư dân gấp bội. Tại các chợ, cách đây độ vài tháng, bà con bán thủy hải sản ngồi nhìn nhau buồn chán vì khó bán hàng thì nay thủy hải sản giá đều tăng gấp đôi, gấp ba.
Việc người dân tiêu thụ lại thủy hải sản có thể nói là món quà lớn nhất, hạnh phúc nhất đối với ngư dân làm nghề biển trong đợt Tết này. Trước Tết, giá cá cháo chỉ 30 đến 50 ngàn đồng 1kg thì hiện đã lên 120 đến 150 ngàn đồng 1kg.
Mực tươi, cá hố, cá chim, cá mú, tôm, cua, ghẹ đều tăng giá. Tại cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, tàu của ngư dân Thạch Bằng, Thạch Kim đã cập bến với thủy hải sản đầy khoang. Không còn cảnh đìu hiu như sau sự cố môi trường biển, giờ các cảng cá đều tấp nập tàu, thuyền và người bán, kẻ mua.
Chỉ sau ba ngày đánh bắt, anh Nguyễn Văn Hòa đã đánh bắt được gần 10 tấn cá đù. Những mẻ lưới trúng đậm lộc biển đầu năm đã tiếp thêm sức mạnh cho anh Hòa cùng bao ngư dân miền Trung yên tâm bám biển.
Tại Quảng Bình, ngư dân cũng đang háo hức, phấn khởi vì lượng tiêu thụ thủy hải sản của người dân tăng cao. Chính vì vậy, mới mồng 2, mồng 3 Tết, nhiều ngư dân đã dong tàu ra biển đánh bắt tôm cá.
Chỉ trong một đêm quăng lưới, anh Mai Văn Tuân, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã đánh bắt được gần 50kg tôm biển, với giá khoảng 100 ngàn đồng/kg, nhiều ngư dân mỗi đêm thu được từ 2 đến 5 triệu đồng. Ngư dân Võ Kiểm ở xã Nhân Trạch cùng 6 thuyền viên sau ba ngày ra biển đã đánh bắt được hơn 10 tấn cá…
Thời gian qua, việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển được các địa phương làm tốt, như chi trả khẩn trương, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch và đúng đối tượng nên đã đem lại nhiều niềm vui cho bà con ngư dân.
Nay thời tiết thuận lợi, việc tiêu thụ thủy hải sản đã tăng trở lại như tiếp thêm động lực cho hàng triệu ngư dân miền Trung yên tâm bám biển.